Tứ Diệu Đế Tục Đế Thánh Đế Chân Đế Thiệt Đế

Ngày thứ hai trên du thuyền, tất cả quây quần trong phòng khánh tiết, cũng chiếc bàn cũ... Mọi người chuẩn bị cho ngày mới bằng buổi điểm tâm sáng... và bình hoa được thay mới...
Cũng ấm trà tỏa hương, cũng cái đỉnh được đốt trầm thơm ngát...
Như Nhân đợi mọi người yên vị, lão đứng lên, cung tay hướng về Lý Tứ lên tiếng:
Thưa Lão Sư!... Thưa các huynh đệ!... Hôm qua sau buổi đàm đạo, Lão Sư vào phòng nghỉ, anh em đồ đệ ngồi nán lại nơi này để ôn lại những gì Lão Sư đã nói... Mọi người rất phấn khởi, cảm giác an lạc toàn thân, tâm mọi người như hồ nước lắng trong...
Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời của huynh đệ chúng con đón nhận cảm giác này. Lần đầu tiên được nếm mùi đạo vị thanh tịnh. Lần đầu tiên biết thế nào là hương thơm chánh pháp...
Cuộc đời của chúng con có nhiều thay đổi... Tất cả nhận ra thân này do cha mẹ sanh, nhưng tâm trí lại do Lão Sư hóa sanh... Cái khổ đã thối lui, nhường chỗ cho an lạc xuất hiện. Tuy mỗi người trong chúng con còn một ít tập khí của thân... nhưng tất cả đều hiểu, những tập khí này như áng mây phiêu lãng bay ngang bầu trời trong xanh giữa hạ. Một đám mây nhỏ, chẳng thể ảnh hưởng đến bầu trời kia... Áng mây vụt bay qua, đằng sau nó là khoảng trời xanh biếc, chẳng còn chút dấu tích của chính mình...
Thưa Lão Sư!... Chúng con nghiệm ra, an lạc này chính là Diệt Đế... Đích thị nó là Diệt Đế... Thưa Lão Sư!... Chúng con hộ trì cái an ổn đã thấy và quở trách đám mây tập khí thừa sót gọi là Đạo Đế... Đích thị nó là Đạo Đế... Thưa Lão Sư!... Chúng con đồng hiểu bốn đế như vậy, cái hiểu này đã đúng đắn chưa, đã rốt ráo chưa? Xin Lão Sư tiếp tục giáo dạy... Nói xong lão cung kính xá xá Lý Tứ...
Lý Tứ chậm rãi lên tiếng:
Thưa các bằng hữu!...
Hiểu như vậy là Tứ Đế, thấy như vậy gọi là Tứ Diệu Đế... Nhưng bảo rằng thấy biết như vậy rốt ráo Tứ Đế, xin thưa các bằng hữu thật chưa phải... Vì sao nói rằng chưa phải?
⁕ Thưa các vị!... Tứ Diệu Đế là xương sống làm nên Phật Đạo. Tứ Diệu Đế là nguyên lý hình thành ba thừa. Tứ Diệu Đế là căn bản trí tuệ của Nhất Thừa và Tứ Diệu Đế chính là Phật Đạo... Vì thế muốn rốt ráo biết được ý nghĩa đích thực của Tứ Đế, chỉ có trí tuệ chư Phật, chỉ có Đẳng Chánh Giác mới thấu đáo thiệt tướng của bốn đế, thưa các bằng hữu...
Ở đây, tôi chỉ xin đề cập ý nghĩa Tứ Đế trong phạm vi những gì mình biết được, còn rốt ráo Tứ Đế như thế nào, có lẽ chúng ta cần phải miệt mài tu tập...
Muốn hiểu biết Tứ Đế, đầu tiên chúng ta phải thấu suốt hai chữ Giác và Ngộ... Vì rằng giác ngộ trong Phật đạo có nhiều tầng bậc, nên Tứ Đế cũng có nhiều tầng bậc...
Cho nên đồng một Phật Đạo mà lại có tứ quả Thánh, có năm mươi lăm địa vị Bồ Tát, lại có Vô Thượng Bồ Đề... Vì sai biệt như thế, nên Tứ Đế được gọi với danh xưng trang trọng là Tứ Diệu Đế. Và cũng vì sự thâm u khó thấy khó biết này mà Tứ Diệu Đế sản sanh ra Tục đế, Thánh đế, Chân đế và có Thật đế...
Sự sai khác của các nghĩa trên, chính là nét chấm phá tuyệt vời trong bức tranh Phật đạo. Nó chính là điểm nhấn đánh dấu mức độ giác ngộ của từng cá nhân, của từng thừa trong Phật đạo... Trong chừng mực nào đó, giác ngộ có thể hiểu là hai giai đoạn cần có trong một người tu hành.
- Giác là cơ sở lý luận, giác chính là cơ sở dữ liệu, giác chính là những nguyên lý cơ bản, giác chính là chân lý mà người tu hành tiếp thu được từ giáo pháp... Rồi nương tựa vào đó để hàng phục tâm này. Giác có thể hiểu là công cụ, là phương tiện, là phép tắc... để biến một hữu tình nhiều phiền não đến chấm dứt phiền não, từ một chúng sanh bị cột trói đến chấm dứt ràng buộc. Hết Phiền não tạm gọi là thanh tịnh, hết trói buộc gọi là giải thoát... Giác là chất liệu làm hết nhiễm ô nguồn tâm, giống như phèn là chất liệu lắng trong nguồn nước... Nhờ có chất liệu “giác” mà nguồn tâm hết nhiễm ô, nhờ có lưỡi gươm “giác” mà hữu tình chặt đứt sợi dây cột trói..
. Thanh tịnh này, hết cột trói này sở dĩ có được là do sức giác làm nên, do sức giác huân lắng phiền não... Một khi nguồn tâm không nhiễm ô, nguồn tâm thanh tịnh, nguồn tâm không bị cột trói... Phật đạo tạm gọi là Niết Bàn, Giải Thoát...
Nhưng thứ Niết Bàn này được làm nên bởi một công cụ nào đó, cho dù công cụ này là “giác trí”, thì đối với tổng thể Phật đạo, Niết Bàn này chính là kết quả làm ra của một phương thức. Vì thế đây được coi là thứ Niết Bàn do tạo tác mà thành, cho nên nó chưa chân thiệt...
Trong kinh gọi đó là “Hóa Thành”... Hóa thành này do Hóa Phật, Hóa Bồ Tát từ bi hóa hiện để người tu hành tạm an ổn, tạm nghỉ ngơi, tạm an tâm tĩnh trí... Sau đó chuẩn bị một hành trình mới dài hơi hơn, xa hơn để đi đến một chân trời khác chơn thiệt hơn trong Phật đạo... Đó là Ngộ.
Giống như một hồ nước, giống như bầu trời đêm nhiều mây... Nếu hồ nước kia chưa trong, còn vẩn đục, thì người có mắt chẳng thể thấy rõ con sò con ốc dưới đáy hồ... Nếu bầu trời kia chưa tan mây thì người có mắt chẳng thể thấy trăng tròn và các vì sao... Giác giống như hồ nước đã trong, giác như trời đêm không mây... Ở đây người có mắt và có trí sẽ thấy tất cả những gì cần thấy... Cái cần thấy kia, nay đã được thấy gọi là Ngộ...
- Ngộ chính là sự thấy biết như thật những gì tốt lành trong một nguồn tâm không cấu nhiễm... Đó là thấy bổn lai tâm này Vô Sanh, thấy bổn lai tâm này Bất Động... Một khi đã thấy, vị tu hành này biết rõ, thấy rõ thật nghĩa Vô Sanh, thật nghĩa Bất Động... Chừng này, ý nghĩa Diệt Đế và Đạo Đế chân thật sẽ tự hiện...
Có thể dùng ví dụ sau minh họa cho hai nghĩa Giác và Ngộ.
Thưa các vị!... Giống như người ngủ mê, nằm mơ thấy mình bị giặc cướp đuổi theo sát hại, người này sợ hãi, hoảng loạn chạy trốn... Bọn cướp thì cứ đuổi theo sau. May mắn, gặp người có trí, người có trí bèn chỉ nơi ẩn nấp an toàn và người kia không bị giặc cướp sát hại... Giặc cướp đi rồi... người này vui mừng khen ngợi người kia là kẻ có trí... Đến khi giật mình tỉnh dậy thì mới biết rằng, sợ hãi và vui mừng kia cũng chỉ là giấc mơ, giặc cướp còn không có làm gì có sự trốn chạy và an vui... Bây giờ người này mới thật là vui... Kẻ trốn chạy và gặp người trí tuy được an ổn, nhưng đó là an ổn trong mơ... Giật mình thức giấc, mới thật an ổn... An ổn trong mơ dụ cho người giác, giật mình thức dậy dụ cho người ngộ... Giác và Ngộ, là hai trạng thái an vui khác nhau trong một con người giữa mê và tỉnh, thưa các vị!... Vì thế, cần phải thức giấc. Sớm thức giấc trong cơn mơ dài ba cõi mới thật an vui... Đây mới thật là Đế trong Phật đạo...
Thưa các bằng hữu!... Tôi vừa trình bày ý nghĩa của hai chữ “Giác Ngộ”. Một người có giác có ngộ, mới hiểu biết một phần của Diệt Đế và Đạo Đế... Vì thế, trong chừng mực nào đó, người tu hành có thể hiểu Giác là Đế của Tập và Ngộ là Đế của Diệt...
Thưa các vị!... Hồi nãy tôi có nói đến Tứ Đế có nhiều ý nghĩa nhiều tầng bậc nên Tứ Đế còn có tên gọi là tứ Diệu Đế...
Diệu vì bởi thiện hạnh trải qua các địa vị kia, cho nên kinh gọi cái thấy đầu tiên của Phật đạo là thiện Kiến, và cái thấy cuối cùng là Diệu quả Bồ Đề... Chính vì nghĩa “Diệu” này mà Tứ Đế có Tục Đế, Thánh Đế, Chân Đế và Thiệt Đế, Thiệt Đế còn có tên gọi khác là Chân Trí...
Tứ Diệu Đế cũng gồm có hai phần, đó là Thế Đế và Xuất Thế Đế. Thế Đế bao gồm Khổ Đế và Tập Đế. Xuất Thế Đế gồm có Diệt Đế và Đạo Đế.
Điều này có nghĩa Khổ Đế và Tập Đế người tu hành có thể suy hiểu gọi là kiến giải, còn Diệt Đế và Đạo Đế là do giác ngộ chơn thiệt mà chứng nhập... Nương nơi hai thứ này…
Tứ Diệu Đế xuất sanh Tục Đế, Thánh Đế, Chân Đế và Thiệt Đế hay còn gọi Chân trí... Bây giờ tôi xin nói rõ những món này...
- Tục Đế là gì? Đó là người tu hành, do không có được chánh giác nên nương tựa vào những cái không đáng nương tựa và cho đây là chân lý. Điều này kinh dạy là, “phàm phu có khổ có tập mà không có đế”
Có nghĩa phàm phu lấy sanh lão bệnh tử khổ làm chân lý, lấy ái, lấy cầu, lấy tụ, lấy tán... làm chân lý nên không thể dứt khổ... Nói chung phàm phu nương tựa vào pháp đối đãi mà cho rằng chân lý, cho rằng đây là nơi đáng nương tựa nên chỉ có khổ có tập mà không có đế...
- Thánh Đế là gì? Chính là lấy đời sống bậc thánh làm chân lý. Muốn thực hiện chân lý này phải nương tựa vào ba điều, nương tựa ba điều để yểm ly các thứ ràng buộc, hết ràng buộc gọi là giải thoát...
Đó là nương tựa nơi đồng phạm hạnh, xuất thế tục gia, từ bỏ nhà cửa, quyến thuộc, tài sản, lấy phạm hạnh làm đời sống... Đời sống này giúp người tu hành thoát khỏi trói buộc của cộng nghiệp.
Sau khi từ bỏ các thứ cần từ bỏ, vị này một lần nữa phải xuất ngũ ấm gia, tức phá bỏ căn nhà ngũ ấm. Căn nhà này đã giam nhốt chân tâm, giống như người ta phá bỏ năm lớp tường rào che khuất báu vật. Phá bỏ tường rào này, trí tuệ sẽ sáng suốt, không còn bị biệt nghiệp che chướng... bóng ma phiền não không còn bủa vây. Phá bỏ này chính là sự đập phá Phiền Não Trụ Địa...
Và cuối cùng, vị tu hành này xuất tam giới gia. Xuất tam giới gia chính là sự xác lập chánh kiến, thoát ra khỏi những quan niệm sai lầm về giải thoát và Niết Bàn... mà trước đây lầm nhận bởi những ác kiến hư vọng. Ác kiến đó là gì? Chính là lầm tưởng năm dục trưởng dưởng là Niết Bàn, là chính lầm tưởng các cảm thọ từ thân là Niết Bàn, và chính là sự lầm tưởng Phi tưởng là Niết Bàn... Thoát ra khỏi căn nhà tam giới chính là sự thoát ly vĩnh viễn Nhuận Chi Vô Minh, một phần của Vô Minh Trụ Địa... Thưa các bằng hữu!...
- Chân Đế là gì? Chân đế có nghĩa thấy được chân lý không hai (bất nhị), không còn hai pháp, tâm vị này rỗng rang, như trời quang mây tạnh. Lấy chỗ không nương tựa làm nơi nương tựa...
Thấu suốt bản lai tự tịnh, tâm chẳng sinh pháp, pháp chẳng đến tâm... Một phen hoát nhiên, “vô khổ tập diệt đạo” chính là đế vậy... Từ đây, biết rằng Bất Động Tâm chính là Diệt Đế, Vô Sanh Tâm chính là Niết Bàn... Không một đế mới là chân đế... Không có một đạo mới gọi chánh đạo... Như con hương tượng, cứ thẳng một đường...
Chân trí hay Thiệt Đế là gì? Có nghĩa Bồ Tát từ Bất Động bước ra, lấy Trí làm Đế... Biết rõ bốn trí là căn bản để thành tựu mười một loại trí... Chứng nhập các Tam Muội cho đến rốt ráo...
Cũng biết rằng chư pháp “phi hữu phi vô”, tự an lập bản thân và an lập hữu tình... Dùng Thánh Huệ Nhãn xem thấy thiệt tướng như xem trái A Ma Lặc trong lòng bàn tay... Giống như trăng rằm soi sáng vạn hữu, chất vị thanh lương chính là Từ Bi Hỷ Xả... Các bằng hữu!... Tứ Diệu Đế như tôi đã trình bày, đây là chuỗi nhận thức của một hành giả tu tập. Từ sơ tu đến quả chứng, rốt ráo không lìa Tứ Đế cho nên mới nói Tứ Đế chính là xương sống, là nguyên lý làm nên Phật Đạo... Các vị!... Phải giác ngộ, giác ngộ chính là con đường duy nhất để thấu triệt ý nghĩa sâu thẳm của bốn đế... Không giác ngộ, lấy nghĩ suy để kiến giải bốn đế chính là tự làm tổn thương pháp lành và làm thương tổn chánh pháp... Ai thấu suốt Tứ Đế sẽ được gọi là thuyền bè, được gọi là đạo sư... Không thấu suốt bốn đế, chính là Khổ Đế vậy...
Hãy ngồi xuống, các vị... Chúng ta chưa đem thân tướng này yểm ly triệt để trói buộc, thì ít ra hãy tự yểm ly triệt để từ nhận thức. Làm như vậy, tu như vậy gọi là Tu Ba La Mật. Ba La Mật chính là sự tập luyện thường xuyên để tạo ra một nhận thức không bất ngờ và choáng ngợp. Đó là “Phản xạ có điều kiện”, các tình huống giả định được lặp đi lặp lại trong tâm. Chính điều này giúp hành giả tiến sâu hơn trong Phật đạo...
Các vị!... Chúng ta là những Cư Sĩ, không có Y Cà Sa che nhục thân thì hãy lấy Pháp Phục che Pháp Thân. Không có cơ hội cạo đầu như các bậc thánh, thì hãy mau mau cạo sạch kiết sử bằng các Ba La Mật...
Không có bình bát để nuôi thân thì hãy mau mau giác ngộ để lấy Vô Tâm Bát đựng thức ăn bảo toàn mạng sống...
Đao Lợi Vô Tướng Y,
Đâu Suất Vô Tâm Bát,
Ba cõi thường thanh tịnh,
Hữu Đế mà vô Đế...
Các vị!... Tứ Diệu Đế như tôi đã trình bày... Các vị thấy thế nào... Hãy thấu suốt chữ Đế... Thấu suốt chữ Đế chính là thấu suốt Tứ Đế vậy...
Lý Tứ dứt lời, mọi người im lặng... Suốt buổi sáng hôm ấy, chân lý tối thượng được mọi người đón nhận bằng sự im lặng bất động…
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






