Thế Nào Là Tâm? Thế Nào Là Pháp?

 0
Thế Nào Là Tâm? Thế Nào Là Pháp?

Hôm nay Lý Tứ mặc áo mới, quần mới, đi dép mới... Cả bọn Trung Nguyên Cửu Tuyệt và Lão lái đò gồm mười người, ai nấy quần áo cũng bảnh bao... Mười một người cùng nhau dắt xuống chiếc du thuyền được Trung Nguyên Cửu Tuyệt thuê của một khách điếm ở Giang Tây... Đây là loại du thuyền giong ruổi trên sông nước, nên không lớn lắm. Tuy vậy cũng đầy đủ các tiện nghi... Cũng gồm khoang nhà bếp, khoang chứa thực phẩm nước uống đủ dùng cho mười người trong nửa tháng lênh đênh. Có các phòng ngủ và một phòng khánh tiết, phòng này dùng để tiệc tùng và đàm luận... 

Phòng khánh tiết ở tầng trên con tàu, tương đối rộng cũng có đủ bàn ghế... Chung quanh là những cửa sổ lớn. Ngồi trong phòng, du khách có thể ngắm sông nước chung quanh, cần thiết ngắm trời đất bao la hoặc trăng sáng. Du khách có thể đẩy mui thuyền về phía sau và bầu trời xanh hiện ra bên trên... 

Có thể nói, du thuyền này thuộc hạng sang với các tiện nghi tối đa có được. Cả đoàn dự tính dùng du thuyền này xuôi về phương Nam, không tính thời gian, đến khi nào không muốn đi nữa thì sẽ quay về... 

Chiếc du thuyền lướt nhẹ trên sông... Mọi người tề tựu nơi phòng khánh tiết… Căn phòng được trang trí bởi những bức họa nổi tiếng từ các thời Hán Đường. Xen kẽ là những bức họa đương đại, kèm theo một vài bài thơ nổi tiếng của các thi nhân được viết theo lối thư pháp... Chiếc bàn tròn ở giữa, chung quanh cũng bày đúng mười hai cái ghế. Trên bàn là bình hoa tươi được cắm sẵn... Nhìn cách bài trí này, cái cũ và cái mới đan xen vào nhau ta có cảm giác đang sống trong một không gian đầy sức sống nhưng tĩnh lặng... 

Cái khéo của người cắm hoa là tuy mới nhìn, những bông hoa được cắm không theo một bố cục nhất định, nhưng để ý kỹ thì nó lại mang dáng dấp của nghệ thuật sắp đặt. Hoa chủ là một bông sen lớn, cao vút tinh khiết. Màu cánh sen nổi bật giữa khoảng không gian bao la... 

Phía dưới xa xa là một dãy xen kẽ những cúc vàng và mẫu đơn đỏ nằm nghiêng nghiêng như một vệt sáng đỏ vàng xiên thẳng vào hư vô…

Vệt sáng nghiêng nghiêng vàng đỏ làm tôn thêm oai nghiêm của đóa sen đơn độc trên cao... 

Miệng bình phía dưới cùng, được trang trí dày đặc vô số những hoa dại đủ màu cùng những chiếc lá xanh... Nhìn tổng thể bình hoa cứ tưởng như trước mặt là ngọn lửa rực cháy... nhưng nó lại toát lên cái cao hứng bay bổng hay một ý tưởng vượt thoát... Đỉnh cao là đóa sen, xa xa phía dưới là vệt sáng chênh chếch của mười đóa cúc vàng và mẫu đơn đỏ. Cuối cùng là một trời hoa dại nhô lên cao thấp không đều. Các đóa hoa dại dưới cùng nở xòe hướng lên trên như chờ đón cái tinh khiết của hương sen, cái cao cả đáng trân trọng của mẫu đơn và cái vô ưu của hoa cúc... Ba tầng riêng biệt của bình hoa được phân cách bởi những khoảng không như là dấu lặng. Người xem có cảm giác đây là cung bậc của một dòng nhạc... 

Lão Đại đứng dậy, cung hai tay xá mọi người rồi mỉm cười cất giọng: 

Thưa Lão Sư!... Thưa các huynh đệ!... Chuyến du ngoạn không hạn định thời gian của chúng ta hôm nay, có rất nhiều ý nghĩa... Thứ nhất, đây là lần đầu tiên Lão Sư và mười đồ đệ của mình đi chung trên một chiếc thuyền trên danh nghĩa chính thức thầy trò sau buổi lễ hôm qua... Thứ hai, hành trình đầu tiên, chúng ta chủ ý chọn con thuyền làm phương tiện, lại đi trên dòng Ô Giang chứ không phải con sông nào khác, có một ý nghĩa đặc biệt... Thứ ba, nhân chuyến đi này, vừa thư giãn, vừa học tập. Xin Lão Sư nhân con thuyền này mà khai thị cho huynh đệ đạo lý... Lần này lão nói ngắn gọn không dài dòng nhưng có chút nghĩa lý. Nói rồi lão cung tay hướng về phía mọi người thủ lễ... 

Lão Trượng tiếp lời:

Thưa Lão Sư!... Thưa các huynh đệ!... Nhà thuyền bài trí phòng này theo ý tưởng của Thất Muội và Lục Đệ... Các huynh đệ ở đây đóng góp mỗi người một tay... Chỉ mong chuyến đi này gặt hái được nhiều tốt đẹp... Lão nói đến đây, mở nắp đỉnh đồng nhỏ giữa bàn và châm lửa, một mùi thơm mát dịu từ khói đỉnh đồng tỏa ra... khiến cả căn phòng tràn ngập hương thơm... Đợi hương thơm tỏa khắp căn phòng lão tiếp: 

Hôm qua nhân lúc rỗi rảnh, thấy Thất Muội cắm bình hoa đẹp quá, bình hoa có đủ chất thơ nhạc họa, vừa đẹp vừa có hồn. Nhìn bình hoa mà đồ đệ thấy lòng thanh thản, bèn hỏi Thất Muội ý nghĩa của nó. Thất Muội có nói sơ lược cho đồ đệ nghe, đồ đệ gẫm lại thấy hay quá... Tiện đây xin Cô Nương thuật lại ý tưởng của mình, để Lão Sư và các huynh đệ thưởng thức... 

Thất Muội đứng lên, hai má ửng hồng, ả bẽn lẽn cười rồi nói:

Thưa Lão Sư!... Thưa các huynh đệ!... Chỉ tại Lão Trượng đề cao đó thôi. Thật ra tiểu nữ chỉ biết võ vẽ đôi chút cắm hoa, do hồi còn nhỏ trong lúc rỗi rảnh mẫu thân có dạy sơ qua... Hôm trước Lão Sư và các huynh đệ ngồi giữa sân giảng giải đạo lý, trong lúc lòng thanh thản, tiểu nữ nhìn mọi người như những bông hoa, mà trên cùng là Lão Sư. Lão Sư như búp sen lớn vút thẳng lên trời cao, phía dưới xa xa là mười huynh đệ như mười bông hoa thấp cao sai khác cùng hướng về Lão Sư theo chiều chênh chếch... Rồi tiểu nữ lại nghĩ đến hữu tình. Hữu tình như những bông hoa dại phía dưới đang chờ đón hương thơm tinh khiết từ đóa sen. Mười bông hoa như là vệt sáng của ngọn lửa chạy dài xiên xiên từ thấp lên cao... nối liền vô số hoa dại với đóa sen tinh khiết... Tất cả hòa nhịp trở thành bản trường ca dâng hiến cho đời!... Tiểu nữ xúc động nên lấy đây làm đề tài cắm hoa... 

Ả ngưng một chút như để mọi người thấm thía cái ý tưởng vĩ đại của ả, rồi ả chậm rãi tiếp: 

Nhưng vì sao tiểu nữ lại liên tưởng mười huynh đệ chúng con là những đóa mẫu đơn và cúc vàng mà không phải là những loài hoa khác... 

Thưa Lão Sư!... Thưa các huynh đệ!... Hoa Mẫu đơn tượng trưng cho ý nghĩa cao cả của người mẹ, bằng trái tim của mình, người mẹ đã dạy cho những đứa con thà chết chứ đừng phản bội quê hương... 

Còn hoa cúc, hoa này còn có tên Cúc Vô Ưu... Ngoài nét đẹp thanh thản, nó còn là loài dược thảo có nhiều dược tính cứu người... Mười anh em chúng con ngoài tấm lòng người mẹ, còn phải là những bông hoa đẹp cứu người... là vệt lửa nối dài từ khổ đau đến an lạc... Và tất cả hoa dại phía dưới cùng như những chúng sinh, tất cả đồng hướng đến đỉnh cao tối thượng đó là đóa sen tinh khiết... 

Lý Tứ nghe ả giảng giải nghĩ thầm trong bụng:

Ả này thiệt là triết lý quá chừng, chỉ có mấy cái bông mà ả tưởng tượng ra không biết bao nhiêu ý nghĩa. Nếu cho ả này vào rừng hoa chắc trong đầu ả đẻ ra không biết bao nhiêu triết lý... Nhưng mà ả giảng giải nghe cũng lọt lỗ tai... Ngẫm nghĩ như vậy, Lý Tứ im lặng để nghe ả giảng giải tiếp... 

Thất Muội lại nói:

Thưa Lão Sư!... Thưa các huynh đệ!... Khi cắm bình hoa này, tiểu nữ biết nó chưa đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. Nhưng chỉ mong nói lên được chút ý tưởng nhỏ nhoi của mình là... một lòng huynh đệ ở đây hướng về phía Lão Sư, hướng về chư Phật... Xin Lão Sư dạy bảo!... 

Lý Tứ lên tiếng:

Cô Nương quả không hổ danh là người có kiến thức về hoa lại là thiếu nữ có nhiều ý tưởng... Bình hoa nói lên cái không tầm thường của người cắm... Chỉ có mấy bông hoa mà Cô Nương đã làm cho nó trở thành bay bổng và nhiều ý vị. Lý Tứ thiệt khâm phục tài nghệ của Cô Nương... 

Nhưng tôi xin hỏi Cô Nương:

- Khi cắm những bông hoa lên bình, Cô Nương có hỏi những ý nghĩa vừa nói với các bông hoa không? Và có nghe các bông hoa đồng thuận hay phản đối những ý nghĩa cô vừa nêu không? 

Thưa Lão Sư không ạ!... Theo tiện nữ thì bông hoa là vô tình nên nghĩ suy còn không biết chứ đừng nói gì đến nói năng!... 

- Như vậy những ý tưởng tốt đẹp Cô Nương vừa giảng giải là của riêng cô vừa nghĩ ra hay do trước đây đã có? 

Thưa Lão Sư!... Ýnghĩa các loài hoa thì tiểu nữ đã biết trước, còn nội dung bình hoa như thế nào thì chỉ mới khi nhìn thấy Lão Sư và các huynh đệ đàm đạo tiểu nữ mới nghĩ ra... Riêng bình hoa thì đợi đến khi đủ nguyên liệu cộng với ý tưởng trước đây và tiểu nữ cắm lên, bình hoa mới hình thành... 

- Như vậy trước khi biết ý nghĩa các bông hoa, gặp hoa cúc hoặc mẫu đơn cô có biết ý nghĩa này không? 

Thưa không ạ!... 

- Khi biết ý nghĩa các loài hoa, nhưng cái hoa không ở trước mặt, cô có nhớ ý nghĩa của nó không? 

Thưa Lão Sư!... Bình thường thì không, nhưng nếu có nhân duyên liên hệ nào đó, tiểu nữ mới nhớ!... 

- Với ý nghĩa các bông hoa như cô đã nói và bố cục bình hoa được sắp đặt theo ý tưởng của mình, cắm xong Cô Nương có mãn nguyện không? 

Thưa Lão Sư!... Cắm bình hoa xong, nhìn ngắm nó, tiểu nữ rất mãn nguyện!... 

- Khi cắm xong, giả sử duyên chẳng lành nào đó bình hoa mất đi Cô Nương có buồn phiền tiếc rẻ không?

Thưa Lão Sư!... Có một chút buồn phiền và tiếc nuối... 

- Cái gì làm cho Cô Nương buồn phiền và tiếc nuối? 

Thưa Lão Sư!... Công sức bỏ ra tiếc một phần, nhưng tiếc cho ý tưởng thì nhiều... 

- Cô Nương thử suy nghĩ xem, trước khi có được những ý tưởng đẹp về bình hoa, trước khi các hiểu biết về ý nghĩa các bông hoa mà cô học được, hai thứ này có trong cô không? 

Thưa Lão Sư!... Hồi nhỏ tiểu nữ không biết ý nghĩa các loài hoa. Trước khi mẫu thân dạy cắm hoa tiểu nữ cũng không biết nghệ thuật, và trước khi nhìn thấy buổi đàm đạo tiểu nữ không hề có những ý tưởng này... 

- Nếu không có các nhân duyên như cô vừa nêu thì bình hoa có hình thành không? 

Thưa Lão Sư không ạ!... 

- Không có bình hoa thì sự vui hay tiếc nuối có xảy ra trong lòng Cô Nương không? 

Thưa không ạ!... 

- Vui hay tiếc nuối, nó là cái gì? 

Thưa Lão Sư!... Đó gọi là “Tâm”!... 

- Vậy cái tâm từ đâu ra? 

Thưa Lão Sư!... Do thấy nghe, hoặc nghĩ suy rồi sinh pháp ạ... 

- Nếu thấy nghe, nghĩ suy mà không sanh pháp thì cái gì xảy ra? 

Thất Muội chiêm nghiệm một hồi rồi nói:

Thưa Lão Sư!... Không có cái gì ạ!... 

- Không có cái gì thì thế nào? 

Thưa Lão Sư!... Chẳng như thế nào hết... 

- Cô Nương nghiệm xem, lúc trong lòng chẳng như thế nào hết thì cái tâm thế nào?

Thưa Lão Sư!... Cái tâm lúc ấy rỗng rang thanh tịnh... 

- Như vậy Cô Nương biết cái gì làm cho một hữu tình mê mờ không thanh tịnh không? 

Thưa Lão Sư!... Đó là định đặt các khái niệm, rồi mê mờ chạy theo những khái niệm mà sinh tâm... 

- Các khái niệm có thật hay không? 

Thưa Lão Sư!... Đã là khái niệm thì không thật, vì nếu là thật thì không phải khái niệm... 

- Mê mờ các khái niệm không thật rồi chạy theo, kết quả nó cho ra cái gì? 

Thưa Lão Sư!... Cho ra cái tâm không thật, gọi là hư vọng tâm... 

- Đã có hư vọng tâm thì thế nào? 

Thưa Lão Sư!... Sẽ sinh phiền não và cột trói, phiền não vì vô thường, cột trói vì giữ gìn sợ mất... 

- Nếu không có hai thứ đó thì thế nào? 

Thưa thảnh thơi ạ!... 

Lý Tứ cười ha hả hai tiếng rồi nói: 

- Như vậy Cô Nương biết cái gì là “pháp”, cái gì là “tâm” rồi chớ? 

Thưa!... Tiểu nữ biết rất rõ, ngày càng rõ thêm ý nghĩa của hai chữ “Tâm Pháp”... Thưa Lão Sư!... Tiểu Nữ nghiệm ra: 

Đối trước muôn cảnh mà không sanh các quan niệm thì chẳng thể sinh tâm. Nếu tâm không bị mê mờ bởi cảnh thì chẳng thể sinh pháp... Hai thứ này không sanh thì rốt ráo thanh tịnh... 

Lý Tứ nói tiếp: 

- Các vị!... Các bông hoa là trần, trần do duyên sanh, đủ duyên thì hiệp hết duyên thì tan, tụ tán tự nó chẳng cột trói ai… Nhiều trần hợp lại thành cảnh, cảnh kia tự nó không tánh... 

Hữu tình do mê mờ nơi trần cảnh, không thấy được các duyên tự nó không tánh, lặng lẽ mà tụ, lặng lẽ mà tán... 

Một khi mê mờ thì sinh các món hy vọng, do hy vọng nên sinh các thứ ý nghĩa, cố chấp nơi ý nghĩa này sẽ cố sức giữ gìn, giữ gìn này gọi là ngã, có ngã thì có tâm, ba món: Pháp, tâm và ngã như bóng với hình... Người có trí, trả cái vắng lặng về cho trần cảnh, trả cái tâm về cho hư không, một niệm không sanh, bất giác chẳng thể hiện khởi... 

Trí này không bất giác, duyên kia không sanh pháp, tự tâm sẽ thanh tịnh... Khi tâm thanh tịnh mới biết bản lai vô sanh... không tâm không ngã... 

Cũng như cái bình hoa kia, tất cả chỉ là những bông hoa vô tri. Nhưng một khi ý thức chen vào, các thứ tưởng hiện khởi... Chạy theo, hy vọng nơi tưởng gọi là vọng tưởng... Một khi đã vọng tưởng thì tâm sẽ phiền não... Tưởng thành tựu thì tâm nhân đây mà vui, vui gọi là phiền. Tưởng kia không như mong muốn sẽ não hại tâm, não hại tâm gọi là não... 

Vui là phiền vì khi vui sẽ chướng thanh tịnh, não sẽ khổ vì không toại nguyện... Vì thế chớ có nhân nơi trần cảnh hay nghĩ suy mà sinh tâm, không sinh tâm như vậy kinh gọi là: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”... 

Đối trước muôn cảnh muôn pháp, tâm không sanh khởi Phật giáo gọi vị này là thánh... Sở dĩ gọi là thánh vì chẳng thuận theo phàm... Cho nên phàm hay thánh cũng chỉ tự tâm này... khác nhau chăng giữa mê và giác... Một phen bất giác... trở thành tôi mọi cho thấy nghe... Lấy cái hư dối làm ta, làm ngã của ta và làm tự ngã của ta... từ đây bao nhiêu muộn phiền sanh khởi... Tôi nói như thế, các vị có nghe rõ không? 

Đại chúng im lặng... 

Lý Tứ lại tiếp: 

- Nhưng cứ một bề chấp nhất không pháp, không tâm, không thần, không vật... rồi đả phá tất cả, bạ đâu cũng chê, bạ đâu cũng trách, cứ mở miệng là nói tất cả đều không... Người như vậy gọi là bọn chấp không. Đây là loại đồ đệ của kiến chấp, là kẻ cực đoan, là khùng điên chứ chẳng phải người giác ngộ... Kẻ như thế chẳng xứng đáng đệ tử Phật gia... 

- Bình hoa kia tự nó không lỗi, lỗi hay không do tâm... Đứng trước muôn cảnh muôn vật... không bị mê mờ. Không bị mê mờ không bị trói buộc nên gọi là không... chứ chẳng phải đem thân tâm này hủy diệt mọi thứ rồi nói là không... Cái do làm ra, hoặc do hủy diệt hoặc do chấp nhất... những hành động nghĩ suy như vậy tự nó là “có” chứ chẳng phải “thiệt không”... 

- Vì thế Phật dạy: “Không là không hai mươi lăm cõi”. Hai mươi lăm cõi hay ba cõi đều tự tâm sanh... 

- Vì thế người xưa thường nói: “Chớ nên hướng ngoại tầm cầu...” là ý nghĩa này... Phật cũng dạy: “Thà chấp có như núi Tu Di, chớ đừng chấp không như hạt cải”. Có nghĩa người chấp có còn có thể giác ngộ vì thuận theo dòng giác, còn người chấp không là kẻ tự mình hủy diệt pháp lành nên vô phương cứu chữa... Các vị có thấu suốt những điều tôi vừa nói không? 

Mọi người đồng hướng về phía Lý Tứ im lặng chắp tay xá xá coi bộ hoan hỷ... Thất Muội lên tiếng: 

Thưa Lão Sư!... Nhân nơi bình hoa mà Lão Sư đã dạy cho đồ đệ ý nghĩa thế nào là tâm thế nào là pháp... Lại dạy thêm ý nghĩa thế nào “chẳng hoại hữu vi”… Con và các huynh đệ từ nay một bề thanh tịnh... Vì tâm thanh tịnh nên ở đâu cũng là đạo tràng, chẳng luận đây kia... Xin Lão Sư chứng minh cho lời tiểu nữ... 

Lý Tứ cất giọng cười lớn: Ha ha! Ha ha! 

---•••⁕ ⁕۝⁕ ⁕•••--- 

(còn nữa) 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG