Tản Mạn Bên Bình Trà... Tiến Trình Vào Biển Đại Giác

Các bạn!!!
Đường về Niết Bàn có vô lượng, nhưng cửa vào Niết Bàn lại không hai. Trong quá trình từ "biết", rồi "hiểu", và "thấu suốt" để cuối cùng là "trí tuệ" thiệt không đơn giản.
Cho đến chư thánh xưa, muốn vào được biển Đại Giác, cũng phải trải qua bốn giai đoạn, đó là: Khai, Thị, Ngộ, Nhập.
- Nếu chỉ mới trong phạm vi “cái biết”, nên dùng pháp “Bất Cộng Phàm Phu” mà vào chỗ̃ hiểu.
- Đến được “chỗ̃ hiểu”, phải “trọn nên hai vô ngã” để cái hiểu này “không chướng”.
- Qua được ải vô ngã, phải “lặng lẽ quan sát”, để “thấu suốt” rằng “bản chất vạn pháp” tự nó là không. Hễ tự nó là không thì ta đây cũng nên “không tâm không pháp”. Không còn tâm pháp che chướng, mới mong thấy “thiệt tướng”.
- Thấu suốt bản chất, thấy được thiệt tướng. Bây giờ mới có chút đỉnh công đức, lấy chút đỉnh này, ngày qua tháng lại, “tích thiểu thành đa”, gom góp đến khi nào công đức đầy đủ, đem công đức này “Cung Kính Kiến Phật”.
- Kiến được Phật rồi, năm vóc sát đất, đập đầu chưa chảy máu chưa thôi, hết lời năn nỉ, xin Thế Tôn thương tình đoái hoài kẻ nghèo cùng trí tuệ, nay đem chút công đức nhỏ mọn kiếm được này, cầu Thế Tôn ban ơn “đổi chút trí tuệ” hầu làm lợi mình lợi người.
- Làm như thế!!! Như thế!!! Mới mong có chút đỉnh gì đó, gọi là “mon men trí đạo lận lưng”!!!
- Nhược bằng:
- Chỉ dừng lại ở chỗ biết: Thành kẻ tà kiến, sẽ là mầm đại họa cho bản thân.
- Dừng lại ở chỗ hiểu: Sẽ thành “đồ tử đồ tôn” bọn kiến giải, đại họa cho Chánh Pháp.
- Dừng lại ở hai vô ngã: Phải cầu Phật thọ ký để ra khỏi Niết Bàn. Nếu không, phải chịu “đại họa không trí”.
- Dừng lại ở thiệt tướng: Thì thành “Bồ Tát Cầu Danh”. Không đủ công đức để mua trí tuệ, đại họa cho Vô Thượng Bồ Đề.
- Chưa được trí tuệ: Thì hãy “đi bằng hai đầu gối” mà cầu học Đại Thừa như chư Cổ Đức đã làm.
- Trí tuệ trong Phật Đạo chẳng phải pháp, như tiếng trống.
Tuy rằng trống không pháp nhưng lại có lời, tuy có lời mà vô ngôn; tuy vô ngôn nhưng lại đầy đủ thiện âm, tuy đủ thiện âm nhưng chẳng phải như tiếng đàn tỳ bà, tuy chẳng phải như tiếng đàn tỳ bà nhưng đầy đủ cung bậc giải thoát với vô lượng thang âm, tuy vô lượng thang âm nhưng đồng một vị giác, tuy đồng một vị giác nhưng người nghe sâu cạn chẳng đồng, tuy sâu cạn chẳng đồng nhưng tất cánh không hai, tuy tất cánh không hai nhưng thị hiện đủ ba thân bốn thực, tuy thấy ba thân bốn thực nhưng thiệt ra không có ăn... và cũng chẳng có thân...!!!
Hỏi: Trí tuệ không phải pháp. Nhưng vì sao có khi lại nói “cũng pháp cũng phi pháp”???
Đáp: Ấy là vì kẻ ngu kia, nếu nói không pháp nó sẽ phát cuồng. Vì từ bi, nên Thánh xưa bèn dùng “lời quyền” mà khuyến dụ. Chớ có hiểu sai...!!!
(04-12-2014)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






