Phật Giáo Và Giác Ngộ

 0
Phật Giáo Và Giác Ngộ

- Giác ngộ là thuật ngữ Phật Giáo, được dịch từ chữ Bodhi của Phạn văn là Bồ Đề, để chỉ sự thức tỉnh, chợt nhận ra một điều gì đó mà từ trước mình chưa nhận ra.

Thuật ngữ này nguyên thủy không hàm ý nói đến sự kế thừa của ý thức hoặc kinh nghiệm đời sống, mà nhằm chỉ sự bùng vỡ hoàn toàn của tri thức. Một khi tri thức vượt ra khỏi giới hạn chính mình, phá nát sự bao bọc che khuất chủ quan của ý thức và mọi thói quen nghe nhìn thẩm định của các giác quan được chỉ định bởi thức nghiệp. Khi không còn những thứ này bủa vây, người ta mới thật sự biết đến nó.

 Vì thế, ‘Giác ngộ’ hay ‘Bohdi’ hoàn toàn mang ý nghĩa tự thân cảm nhận hay còn gọi là tự chứng. Sở dĩ nói tự thân cảm nhận vì đây là một thứ cảm nhận đặc biệt mang nặng dấu ấn của trí tuệ hơn là sự nhận biết chủ quan của nghiệp thức phân biệt thông qua các căn. Ngày xưa các nhà tu hành chỉ dùng chữ Bồ Đề (Bodhi) để chỉ sự nhận biết đặc biệt này. Phật Thích Ca chứng quả Vô Thượng Bồ Đề, tức đạt được quả vị tột cao của trí tuệ giác ngộ, người tu hành thường gọi nôm na là Vô Thượng giác.

- Theo Tự Điển Phật Học Hán Việt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu Phật học (Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội) thì Giác (覺; bodhi; thuật ngữ): Tiếng Phạn là Bồ Đề, cách dịch cũ là Đạo, và cách dịch mới là Giác. Giác có hai nghĩa là Giác sát (xem xét hiểu biết) và Giác ngộ.

- Theo Đại Thừa nghĩa chương, quyển 2 thì giác cũng có hai nghĩa: 1) Giác sát gọi là giác; 2) Giác ngộ gọi là giác, như người ngủ thức dậy.

- Giác sát là nhận ra các chướng phiền não. Việc phiền não xâm hại giống như giặc cướp, chỉ có thánh nhân hiểu biết mới không bị nó làm hại.

- Giác ngộ là nhận biết các chướng ngại che lấp trí tuệ. Bị vô minh hôn ám xâm hại, giống như giấc ngủ. Khi trí tuệ thần thánh khởi lên, liền tỉnh ngộ, như đang ngủ say chợt tỉnh, nên gọi là Giác”.

Luận Câu Xá coi hai loại Tận trí vô sinh địa là Giác thể; Duy thức coi bốn trí như Đại viên kính trí là Giác thể; Mật giáo coi 5 trí như Pháp giới thể tính trí là Giác thể.

- Còn theo Từ Điển Phật Học của Ban biên dịch Đạo Uyển (Nhà Xuất Bản Tôn Giáo) thì danh từ Giác ngộ (覺 悟; S, P: Bodhi) được dịch nghĩa từ chữ Bodhi (Bồ-đề, tỉnh thức) của Phạn ngữ (S); chỉ trạng thái tỉnh thức. Lúc con người bỗng nhiên trực nhận tính Không (S: śūnyatā), bản thân nó là Không cũng như toàn thể vũ trụ cũng là Không. Chỉ với trực nhận đó, con người mới rõ biết được thể tính mọi hiện tượng. Trên đây nói tính không không phải sự trống rỗng thông thường mà nói về một thể tính vô biên không thể dùng suy nghĩ, cảm nhận để đo lường, vì nằm ngoài sự đối đãi có, không. Tính Không này không phải là một đối tượng để một chủ thể tiếp cận đến vì bản thân chủ thể cũng thuộc về nó. Vì vậy, giác ngộ là một kinh nghiệm không thể giải bày.

Theo lịch sử, người giác ngộ hoàn toàn là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng là người bắt đầu giáo hoá cho nên đạo Phật còn được gọi là “Đạo Giác Ngộ” (Ðại ngộ triệt để, Ngộ Kiến tính).

Dù rằng cái thể của tính Không là một, nhưng người ta cho rằng có nhiều mức độ giác ngộ khác nhau. Nếu so sánh giác ngộ như phá vỡ một bức tường, thì có những giác ngộ như chỉ hé mở một lỗ nhỏ và giác ngộ như đức Thích Ca là phá vỡ hoàn toàn bức tường đó. Có vô vàn khác nhau giữa các mức độ giác ngộ, biểu hiện bằng sự rõ ràng chính xác của thiền giả đạt được. Dựa trên kinh nghiệm của các bậc Giác Ngộ, thế giới của sự giác ngộ không hề khác với thế giới hiện tượng của chúng ta. Tất cả đều là một, chỉ khác nhau ở mức độ tương đối hoặc tuyệt đối. Kinh nghiệm về cái tất cả là một này chính là kinh nghiệm về thể tính tuyệt đối đó. Trong Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm kinh (S: Mahāprajñā-pāramitā-hṛdaya-sūtra) chỉ rõ “Sắc tức là không, không tức là sắc”, tức là không hề có hai thế giới. Nhờ sự giác ngộ sâu xa, hành giả từ bỏ được ngã chấp. Trong Thiền tông, một khi cái ngã mất đi (đại tử) thì đời sống mới bắt đầu, đó là một cuộc sống tự tại và an lạc.

- Một câu hỏi cụ thể được rất nhiều người mộ đạo đặt ra là: Do đâu mà người ta có thể nhận ra được một Thánh nhân, một Bậc giác ngộ bằng những giác quan của một “Phàm phu” để theo người đó tu tập? Nếu theo sách vở thì câu trả lời thường là, “chỉ có một bậc Giác Ngộ mới nhận ra một bậc Giác Ngộ (Vô thượng du-già)”.

- Nhưng kinh nghiệm chung cho thấy, người bình thường cũng có khả năng nhận ra được một người đã đạt một cấp bậc siêu việt trên con đường tu tập qua các biểu hiện, qua bầu không khí xung quanh người đó. Ðó là một khung cảnh thái bình, tịch tịnh mà người nào cũng có thể cảm nhận được, kể cả thú rừng. Trong khung cảnh này thì tâm của con người không còn bị những câu hỏi, hồ nghi quấy nhiễu. Không phải vì chúng mỗi mỗi được giải đáp mà vì chúng đã tự biến mất, tự hủy diệt trong cái tĩnh mịch vô biên của Chân như.

- Một Triết gia người Ðức Veltheim-Ostrau đã mô tả cảm giác của ông trong bầu không khí và những hiện tượng xung quanh một bậc Giác Ngộ hiện đại. Đó là ông Śrī Ra-ma-na Ma-hā-ri-shi (1897-1950) tại Tiruvannamalai, núi A-ru-nā-cha-la ở miền Nam Ấn Ðộ (“mahāṛṣi” dịch sát nghĩa là Ðại Thấu Thị, một Ðại nhân đã nhìn thấu suốt vạn sự) như sau: “Tôi cảm nhận sự hiện diện của tất cả mọi người, những động vật xung quanh, một bầu không khí thái bình, một sự yên tịnh không tả nổi. Tôi đứng bên cạnh họ với một tâm trạng vô tư, hoàn toàn không quen biết, nhưng với một tình thương ấm áp. Tâm trạng này không dễ miêu tả bởi vì nó quá đơn giản, quá tự nhiên. Tôi chỉ cầu mong nhớ lại được trạng thái này trước khi tôi qua đời...”

- Còn theo Tiểu Từ Điển Phật Học thông dụng của Thiện Nhựt Huỳnh Hữu Hồng thì Giác cũng có hai nghĩa:

1) Nghĩa thông-thường, giác là hiểu-biết.

2) Nghĩa chuyên-môn trong Phật-học, giác là giác-ngộ, sự hiểu-biết chơn-chánh, thấu-đáo về lẽ sống chết và bản-thể chơn-thật của muôn pháp. Chữ giác dùng để dịch chữ Phạn Bodhi, Bồ-đề.

Giác-ngộ (giác = biết; ngộ = hiểu rõ) = tình-trạng hiểu-biết thật rõ-ràng, chính-xác, đúng với Chơn-lý. Chữ giác-ngộ nghĩa mạnh hơn chữ tỉnh-ngộ, vì tỉnh-ngộ có nghĩa là trước kia chưa biết về một điều gì, nay sực thấy ra hiểu - biết được điều ấy. Còn nơi chữ giác-ngộ, sự hiểu-biết rộng-rãi hơn về mọi điều nhìn thấy dưới ánh sáng của Trí-huệ, nhứt là về lẽ sống chết và bản-thể chơn-thật của muôn sự-việc. Vả lại, chữ giác-ngộ chỉ dành cho các bực tu-hành nhận ra được Chơn-lý của muôn pháp.

Giác-giả (giác = biết; giả = người) = danh-từ chánh-thức dùng để dịch chữ Phạn Buddha, Phật-đà. Đức Phật có nghĩa là bực đã hiểu-biết. Hiểu-biết gì? Hiểu rõ lẽ sống-chết và bản-thể chơn-thật của muôn sự-vật. Cùng nghĩa với chữ bực Đại-giác.

- Theo Tác giả Thiều Chữu thì chữ Giác và chữ Ngộ được định nghĩa như sau. Giác (覺): Hiểu biết, hiểu những điều không biết đến gọi là giác. Đạo Phật (佛)cốt nhất phải giác ngộ chân tính tỏ rõ hết mọi lẽ, cho nên Phật được gọi là Giác vương (覺王). Người học Phật được chứng tới quả Phật gọi là chánh giác (正覺). Ngộ (悟) là tỏ ngộ, biết. Trong lòng hiểu thấu gọi là ngộ, đọc sách hiểu được ý hay gọi là ngộ tính (悟性). Mở, bảo cho người biết tỉnh lại không mê muội nữa.

Bấy nhiêu ý kiến về chữ Giác ngộ trong Phật Giáo chưa phải là tất cả, nhưng nhìn chung mọi người đều đồng ý rằng: Giác ngộ phải là sự thấu suốt nào đó mà một con người bình thường, dựa trên hiểu biết bình thường và thẩm định giá trị bằng những cách thông thường (kinh nghiệm) thì không thể đến được.

- Nếu xét theo Phật Học Từ Điển Hán Việt trích dẫn từ Đại Thừa Nghĩa Chương, quyển 2 thì Giác ngộ có hai nghĩa: 1) Giác sát gọi là giác; 2) Giác ngộ gọi là giác, như người ngủ thức dậy. Giác sát là nhận ra các chướng phiền não. Việc phiền não xâm hại giống như giặc cướp, chỉ có thánh nhân hiểu biết mới không bị nó làm hại. Giác ngộ là nhận biết các chướng ngại che lấp trí tuệ. Bị vô minh hôn ám xâm hại, giống như giấc ngủ. Khi trí tuệ thần thánh khởi lên, liền tỉnh ngộ, như đang ngủ say chợt tỉnh, nên gọi là Giác”.

Hai nghĩa Giác sát và Giác ngộ trên đây rất gần gũi với đời sống tu hành. Có thể nói, những ý kiến này rất cụ thể và có thể lấy đây làm định hướng để tu tập. Giác ngộ được hiểu bằng hai nghĩa là Giác sát và Giác ngộ không nặng triết lý, nó mang tính thực dụng phù hợp với yêu cầu được học tập và ứng dụng. Ngoài ra, hai nghĩa này cũng rất gần với ý nghĩa Hán tự của chữ Giác và Ngộ theo định nghĩa Từ điển của Phật tử Thiều Chữu.

-  Giác ngộ xét về mặt văn tự, thì đây là một cặp từ gồm hai từ. Đó là: Từ giác (覺) có nghĩa hiểu biết, hiểu được những điều mà từ trước tới nay không biết gọi là giác; và từ Ngộ (悟) có nghĩa rõ biết như thật, như nhận ra một vật thể rõ ràng trước mắt. Hai từ ngữ này khi đứng chung thành ra chữ Giác ngộ.

Nếu so sánh cặp từ Giác ngộ với toàn bộ kinh văn Đức Phật đã thuyết để dạy đệ tử Giác ngộ, thì hai điều này giống nhau, và đã minh họa được ý nghĩa Phật dạy, đó là biết được chướng đạo. Một trong những thứ từ xưa đến nay chúng sanh không biết vì mải lo chạy theo chướng đạo nên bỏ quên nó, đó là sự thanh tịnh hồn nhiên, như người say quên trong chéo áo mình có hạt minh châu. Nó cũng phù hợp với ý nghĩa Diệt đế và Đạo đế trong Tứ diệu đế. Có nghĩa khi biết được trong chéo áo có hạt châu vô giá thì người này mới không sợ đói nghèo cho nên không tiếp tục say sưa, mà chuyên tâm giữ gìn hạt châu.

- Nếu từ Giác ngộ được hiểu trên ý nghĩa văn tự, thì giác ngộ này chưa có định hướng rõ rệt, bởi lẽ người ta không rõ biết chân thật cái gì cần giác cái gì cần ngộ. Vì thế, người ta có thể hiểu giác ngộ bằng nhiều cách với nhiều ý nghĩa khác nhau.

- Nhưng nếu hiểu Giác ngộ theo ý nghĩa Phật Giáo, thì phải có thú hướng rõ rệt, vì bởi Giác ngộ của Phật Giáo có đặc thù của Phật Giáo. Phật là đấng đã giác ngộ trước. Phật rõ biết cái gì cần giác, cái gì cần ngộ. Bây giờ, người tu hành trong Phật đạo chỉ cần thừa hưởng thành quả mà Phật đã đạt được và truyền dạy lại cho đời sau.

Do đó người cầu giác ngộ trong Phật đạo phải có cái nhìn và hiểu khác cái nhìn và hiểu về giác ngộ của các loại giải thích không căn cứ vào sự giáo dạy của Phật. Ngoài đời không thiếu những cách giải thích và trình bày chỗ giác ngộ của mình. Tất nhiên giải thích và trình bày này không có gì là sai, nhưng chưa thể nói là giác ngộ này đúng yêu cầu Phật đạo.

- Bởi lẽ, khi Phật giác ngộ thì Phật thấu suốt Phật pháp (Pháp đẳng). Ngày nay cũng có người giác ngộ nhưng không hề biết Phật pháp nói gì, thậm chí hiểu sai lời Phật dạy, thì có lẽ nên coi lại sự giác ngộ này đến đâu và có thật sự giác ngộ trong Phật đạo hay không? Nếu chúng ta đánh đồng và coi tất cả giác ngộ là một, thì e rằng sự đánh đồng này chưa hợp lý. Vì nếu, giác ngộ mà giữa người giác ngộ và chủ trương giác ngộ không đồng nhất, thì chữ “Chánh Đẳng Chánh Giác” có vấn đề. Trong kinh Phật thường dạy: “Tam thế chư Phật khác miệng đồng lời…” để minh định rằng mọi người nếu giác ngộ đúng Phật đạo, thì không hề có lý giải sai khác về giáo pháp. Như vậy có nghĩa lý giải sai khác hoặc không biết giáo pháp nói gì, thì giác ngộ này chẳng thể gọi là giác ngộ trong Phật đạo.

- Như vậy, sự định hướng cho việc giác ngộ là điều kiện tiên quyết tối cần và không thể thiếu. Và nói như Ban biên dịch Đạo Uyển thì: “…Dù rằng cái thể của tính Không là một, nhưng người ta cho rằng có nhiều mức độ giác ngộ khác nhau. Nếu so sánh giác ngộ như phá vỡ một bức tường, thì có mức giác ngộ như chỉ hé mở một lỗ nhỏ và giác ngộ như đức Thích-ca là phá vỡ hoàn toàn bức tường đó. Có vô vàn khác nhau giữa các mức giác ngộ, biểu hiện bằng sự rõ ràng chính xác của thiền giả đạt được…”

- Lời giải thích trên được hiểu dù rằng giác ngộ có nhiều cấp độ, nhưng giống như phá một cái lỗ bức tường hay phá vỡ toàn bộ bức tường, cái thấy giữa các món đồ vật bên trong không khác. Ở đây, chỉ khác nhau chỗ ít nhiều vì một bên thấy ít đồ vật, một bên thấy toàn bộ đồ vật. Phật cũng khẳng định điều này với câu nói sau: “Cũng như một đĩa mật, này các Tỳ kheo, người liếm mép đĩa và người ăn trọn đĩa mật, vị ngọt của nó không khác”.

- Tính thống nhất, sự cảm nhận và hiểu biết về vị ngọt không khác. Hay khác hơn, một người nhìn căn phòng qua khe cửa hẹp thấy được chiếc ly trong phòng không khác người ở trong phòng thấy được chiếc ly. Nếu có khác chăng là người ở trong phòng thấy được toàn bộ căn phòng, còn người nhìn qua khe cửa chỉ thấy được chiếc ly.

- Vì thế, sự cần thiết phải định hướng giác ngộ như thế nào mới đúng và cần giác ngộ cái gì nhất định không thể thiếu trong Phật đạo. Sự định hướng này phải được căn cứ trên tinh thần những điều mà kinh điển ghi lại. Có như vậy khi đã giác ngộ thật sự thì sự mô tả “vật được thấy” sẽ không sai với những gì kinh điển đã nói. Có thể lấy đây làm mực thước trên con đường tìm đến giác ngộ.

- Nếu toàn bộ sự nghiệp tu hành trong Phật đạo đều bắt nguồn từ giác ngộ, từ thấp đến cao và sau cùng là rốt ráo, thì có thể nói giác ngộ đúng như Phật đạo phải là thể thống nhất. Sự hiểu biết và bắt gặp có tính nhất quán cao, không hề có sự trái ngược dù nhỏ nhất trong thể thống nhất này. Vì thế Ba thừa trong Phật đạo giống như ba người nhìn vào căn phòng bằng ba khung cửa hẹp khác nhau để thấy một cây đèn trong đó. Đây là mục tiêu, nơi phải đến và phải thấy đầu tiên để rồi cuối cùng họ phải phá những bức tường của căn phòng để đến với ánh sáng của cây đèn. Cây đèn cần phải đến chính là Nhất thừa.

Ba người thấy cây đèn ở các góc nhìn khác nhau, nhưng nhất định họ không thể mô tả sai ánh sáng tỏa ra từ cây đèn. Nếu ai đó mô tả sai, thì nhất định người này chưa nhìn thấy ngọn đèn giác ngộ. Vì thế giác ngộ trong Phật đạo là điều kiện tiên quyết để nhờ giác ngộ này mà định hướng tu hành hầu đạt đến sự giác ngộ cao hơn và viên mãn hơn.

- Đức Phật chứng Vô Thượng Bồ Đề hay Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là sự giác ngộ tột cao không có giác ngộ nào cao hơn, và đồng chỗ chứng của chư Phật ba đời, cho nên mới gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác. Trong kinh, Phật mô tả đó là sự thanh tịnh tột bậc, một trí tuệ siêu việt. Nếu lấy những điều được Phật mô tả làm định hướng để hướng đến, thì giác ngộ đầu tiên có được phải đủ yếu tố là thanh tịnh và trí tuệ, tuy rằng nó không bằng Đức Phật.

Chỗ thấy thanh tịnh đầu tiên của Giác ngộ là một thứ Xa Ma Tha (định), một loại định do thấu suốt mà thành. Định này không do bởi một kinh nghiệm sống nào có thể đến được, vì nó chính là quá trình tột cao của giác. Giác đến tột bờ mé, ý thức bị triệt tiêu, chủ thể giác vượt ra khỏi chính mình để ngộ được bản tâm thanh tịnh. Vì thế Giác và Ngộ hai thứ làm nhân cho nhau, khi người ta giác đến tột cùng sự hư dối của vạn pháp thì tâm tự dừng lặng. Sự dừng lặng này giống như một người nhìn vào tấm kính trong suốt để thấy vạn hữu đang chết lặng trong đó.

- Khi thấy được sự tĩnh lặng thanh tịnh này, người tu hành mới vỡ lẽ ra rằng, bản tâm này bổn lai thanh tịnh. Vì mê mờ chạy theo thấy, nghe, hay biết của vọng thức, lấy đây làm tâm mà quên đi cái thanh tịnh vốn đã sẵn. Khi thấy được thanh tịnh ban sơ này, mới biết thế nào là tu hành, và mới biết lý do vì sao Diệt đế đứng trước Đạo đế. Tu hành bây giờ chỉ là quở trách tập khí mê lầm còn sót lại để giúp cho thanh tịnh viên mãn. Sự trợ giúp này chính là pháp Tỳ Bà Xá Na. Tỳ Bà Xá Na hay huệ quán là một thứ huyễn nhận thức để đoạn trừ huyễn pháp. Vì trong thanh tịnh bản nhiên nếu tập khí hư vọng nổi lên, gọi là pháp hư huyễn. Bây giờ phải dùng huyễn trí để quở trách nó. Khi pháp huyễn diệt, trí huyễn cũng tự diệt. Pháp huyễn diệt, trí huyễn diệt tâm lại thanh tịnh.

-  Khi nào tập khí hư vọng không còn hiện khởi, có nghĩa Chỉ và Quán đồng thanh tịnh thì trí tuệ tự hiện. Giống như ngọn đèn đã thắp lên hoàn hảo, nó sẽ tự chiếu mình và đồ vật chung quanh. Sự tự chiếu này gọi là Thiền Na, tức giai đoạn tự giác đã xong. Bây giờ chỉ còn tăng thêm cường độ ánh sáng bằng cách mồi nhiều ngọn đèn để toàn thể hang động vô minh được sáng, và những nơi tối tăm nhất cũng sẽ được chiếu đến. Vì thế, khi thọ ký Phật thường mở đầu bằng các câu sau: “Sau khi ông cúng dường vô lượng chư Phật, độ vô số chúng sanh…” Viên giác là giác ngộ viên mãn. Đó là tự giác và giác tha, và không thể có sự viên mãn trong Phật đạo chỉ bằng một thứ giác.

- Giác ngộ trong Phật đạo vừa là nhân và đây cũng là quả. Phật dạy chỉ lấy nhân Phật tu mới được quả Phật. Giác ngộ là điểm đầu tiên phải đến. Đây là ngọn đèn được thắp lên để hướng người tu hành về đến Vô Thượng giác. Cho nên, tu hành trong Phật đạo mà thiếu giác ngộ thì giống như người đi đêm trong rừng sâu không có đèn, sẽ không thể tìm ra phương hướng. Giới, định, huệ như chiếc kiềng ba chân làm nên quả vị vô thượng Niết bàn.

- Giác ngộ trong Phật đạo là chất liệu cần thiết để lóng sạch phàm tâm, cũng giống như nước đục được lóng phèn, tất cả mọi tạp chất sẽ lắng xuống đáy. Nếu không giác ngộ, chỉ có giới và định, khi đem thân tâm vào yên lặng sẽ giống như đưa bình nước đục vào nơi thanh vắng. Khi bình nước được để yên, vật nhẹ sẽ nổi lên trên. Vật có tỷ trọng tương đương với nước thì lững lờ cùng nước. Vật tỷ trọng nặng hơn sẽ chìm xuống đáy. Tạp chất được phân lớp rõ ràng.

- Nổi lên trên tâm, là những thứ nhạy cảm nhất sẽ hiện khởi, đó là nhân ngã. Thứ lững lờ cùng tâm không thể tách ra, đó là nhận thức. Nhận thức là sự nhập nhằng không thể phân định cái nào là Thánh pháp cái nào là thế pháp, gây ra lầm nhận giữa Phật pháp và thế pháp. Sự nhập nhằng này rất dễ nhận ra trong khi trình bày lý giải Phật pháp. Thứ chìm xuống đáy tâm chính là các lậu hoặc. Khi có dịp hoặc bị khuấy động, nó sẽ trào lên như dung nham trào ra khỏi miệng núi lửa, và không có một thứ giới nào có thể ngăn chặn được.

- Như vậy có thể đặt câu hỏi ngược lại, người đã giác ngộ, các thứ tạp chất lắng xuống có bị trào lên không? Xin thưa có trào lên, nhưng nhờ sức thanh tịnh giác ngộ giống như thế lực của phèn trong nước, nó sẽ làm nước trong trở lại. Và chỉ khi nào giác ngộ người này mới nhận ra “Tập khí” và dùng Tỳ Bà Xá Na (huệ quán) để quở trách nó.

Một thứ vũ khí mà người không giác ngộ chẳng thể nào có được, chính là thế lực của giác ngộ, kinh gọi là thế lực viên “Thủy thanh châu” sẽ làm trong nước và thế lực của trí tuệ sẽ làm cho nước không bị khuấy động. Đến khi sức giác ngộ đủ mạnh, chỉ và quán quân bình thì mọi gió cảnh có thổi cũng không đủ sức làm cho biển đại giác nổi sóng. Mà nó trở thành thứ thiền na thổi mát lòng, cho ra khái niệm an lạc. Vì an nên có lạc, lạc này là quả của an nên lạc trở thành thường.

Tóm lại, Giác ngộ trong Phật đạo là chất liệu quan trọng. Nó là khái niệm đầu tiên và cũng là nhân tố làm nên quả vị cuối cùng. Nó là tuệ, là thứ trí tuệ vô tướng mà mỗi chúng sanh tự có, chỉ vì mê say tà khúc cảnh duyên nên quên đi bản thể. Nếu chỉ có định và giới mà muốn thành tựu trong Phật đạo thì ngày xưa các ngoại đạo dưới thời Phật, những người bỏ cả cuộc đời chuyên tu thiền định và giữ giới lẽ ra phải tự mình giải thoát và thành Phật lâu rồi. Ngày xưa đã thế thì ngày nay khác chăng? Nếu chỉ có giới và định là đủ, thì Tu Bạt Đà La sẽ không tìm đến và sẽ không khóc khi làm môn đệ cuối cùng của Đức Phật.

(12-2010)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG