Ngũ Triền Cái

1. Những gì là “Ngũ Triền Cái”? Năm món này chướng thiền và giải thoát như thế nào?
Năm món triền cái là:
- Hôn trầm: Ngủ gục, hoặc cảm giác thân tâm nặng nề, chìm đắm (gọi là trầm một).
-Thụy miên: Ngủ say không muốn thức dậy.
-Trạo cử: Rạo rực, bức xúc ngồi không yên, muốn làm cái gì đó.
- Hối quá: Hối hận chuyện làm đã qua, tâm bất an…
- Nghi: Không tin vào chính mình, không tin là mình có thể được thiền, thanh tịnh và giải thoát…
Ngũ triền cái (năm món) trong lúc tu thiền, nếu không vượt qua thì không được thiền. Ngũ triền cái làm chướng giải thoát, nếu không đoạn trừ năm món này thì không được giải thoát. Năm món này có khi làm chướng thiền, có khi làm chướng giải thoát. Ví như khi đi xa, không mua vé xe giống như năm triền cái làm chướng thiền, không có tiền bạc giống như năm triền cái chướng giải thoát.
2. Làm sao vượt qua được “Ngũ Triền Cái”?
Bất kỳ người tu hành nào cũng “khổ thân” vì ngũ triền cái, vì chính ngũ triền cái là cản trở rất lớn, không cho người ta vào các cõi thiền. Muốn vượt qua, chỉ có quyết tâm. Thông thường, lúc đầu người tu hành thường khó có thể vượt qua được nó, nhưng sau một thời gian thì hoàn toàn ngược lại.
Một số kinh nghiệm cho thấy, muốn vượt qua ngũ triền cái, trước lúc ngồi thiền không được ăn quá no, bụng đói càng tốt, và phải ngồi thiền với quyết tâm thật cao trên tinh thần “không được thiền thì không đứng dậy”.
Nên nhớ, cách sống hằng ngày quyết định việc khi ngồi có được thiền hay không. Nếu không tự ngăn ngừa các lỗ̃i thì tâm sẽ hối quá. Nếu ưa tranh đấu hơn thua thì tâm sẽ trạo cử. Nếu làm việc quá mệt nhọc thì dễ hôn trầm thụy miên. Nói chung, thường hộ trì các căn đừng rong ruổi theo trần cảnh bên ngoài. Điều cốt lõi là, “bằng lòng với việc ngồi thiền này, tâm không mong cầu một cái gì khác, không chấp mắc một thứ gì trên đời.”
Có rất nhiều cảm nhận của chuyển biến thân tâm trong lúc ngồi thiền, đừng chú ý đến nó. Sau thời gian, những cảm giác như vậy sẽ tự mất, nhường chỗ̃ cho hỷ lạc khinh an và sự sung mãn thân tâm.
Nguyên lý để được thiền là khi ngồi thiền, người ta:
1) Bằng lòng với hiện tại đang có, hoặc đưa tâm vào Thanh Tịnh (gọi là Tầm hay Giác).
2) Dùng ý quở trách lỗ̃i lầm của Ngũ Dục (gọi là Tứ hay Quán).
Đưa tâm ý vào giác quán (tầm tứ) nhẹ nhàng, thiền sẽ hiện. Đừng sợ sai… giống như mình ngồi bình thường suy ngẫm về chuyện ngũ dục và thấy được lỗ̃i lầm của nó thì có gì là sai… hoặc đâu có làm gì ức chế tâm lý nên không bị căng thẳng.
(Chú ý: Không tạo áp lực hoặc tự làm cho mình căng thẳng. Thả lỏng cảm giác, chuyên tâm quở trách ngũ dục và bằng lòng với chỗ̃ ngồi, không móng vọng nơi khác, không ham muốn gì thêm. Nói chung không khởi tâm hy vọng, nhưng cũng không tuyệt vọng…)
Phật dạy: “Hy vọng là tâm chúng sanh”. (Chúng: gom nhóm các hy vọng không thật; Sanh: sanh khởi vọng tâm). “Chúng sanh” có thể hiểu là các hữu tình gom nhóm những hy vọng không thật để sanh khởi vọng tưởng nơi tâm.
Muốn không trở thành chúng sanh, người trí nên biết làm gì trong tinh thần của khái niệm này… Khi ngồi thiền, tâm lý phải thật thoải mái. Nếu chưa thoải mái thì chưa ngồi và tốt hơn nên tìm cách thư giãn.
(02-2010)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






