Lối Học Thụ Động

Các bạn!!!
Tu hành trong Phật đạo, cũng giống như học văn hoá, có tư duy, có để tâm quán sát điều mình đang tư duy mới phát hiện những gì tự thân chưa thấu đáo. Có nhận ra những gì tự thân chưa thấu đáo và phát sinh thắc mắc, mới có thể đưa ra những câu hỏi. Thường xuyên làm như thế, mới mong vị lai tạo nên sự “bùng vỡ” nào đó của tâm ý!!!
Nếu các bạn chỉ đọc, không rộng tư duy, không phát sinh thắc mắc, mọi việc cứ ngỡ là mình đã hiểu, nhưng thật sự có lắm điều ta chưa hiểu. Thói quen chấp nhận này, không động não, không chiêm nghiệm để thấy điều mình chưa thấu đáo, không rộng quan sát tư duy, không biết đưa ra những tình huống giả định, không biết đặt câu hỏi và không tự phản biện đến tận nguồn cơn. Thói quen học tập như thế, sẽ làm cho “não bộ ù lỳ”, khó tạo nên sự bùng nổ của ý thức. Thế gian gọi đó là “lối học thụ động”.
Cách học này không phải là cách học tốt, và rất khó “vượt lên chính mình”, điều này sẽ dẫn đến hệ quả là: Vị lai không thể xâm nhập các cảnh giới cao hơn, và thành tựu “trí tuệ ưu thắng”.
Nếu cứ học như vậy, vĩnh viễn sẽ làm “cầu thủ hạng E, F”, đây là hạng cầu thủ chân đất, không biết mang giày thể thao và chỉ có thể đá quả bóng nylon trên sân đất ruộng, cầu thủ này một đời quanh quẩn tranh giải xóm làng, thuộc loại làng nhàng, chờ làng có đám tiệc, giúp vui cho mấy cụ áo dài khăn đóng ăn trên ngồi trước. Sau vài ly khề khà, chân đá chân xiêu, mấy cụ giơ cao cây gậy hoan hô tán thưởng, cao giọng khen tặng con cháu làng ta có thể sánh vai cùng cầu thủ siêu hạng làng bên!!!
Người có trí nhìn sự học này bằng “một phần tư con mắt” gọi đó là hạng “thường thường bậc hạ”. Không cần thần thông cũng biết chắc rằng, hạng này vị lại nhất định chỉ có thể đầu quân cho “Đội Bóng Làng Xã”, ước mơ không lớn hơn “mâm cỗ̃ của làng”!!!
Các bạn!!!
Giai đoạn hiện tại, chúng ta đã xong phần “kỹ thuật cơ bản”, bắt đầu đi vào thực hành các “miếng đánh” và “chiến thuật”. Vì thế, tư duy quan sát, để tâm đến điều mình đã học, thấy được điểm yếu, phát hiện chỗ̃ chưa thông và đặt câu hỏi yêu cầu giải quyết. Đây là một trong những hình thức rất cần để phát sinh trí tuệ, việc làm này tương tự cách tu “Trí Tuệ Ba La Mật”.
Giống như một võ sĩ. Sau khi thành thục những kỹ thuật cơ bản, người này tập “lâm trận” để làm quen với trận mạc, tập đấu đối kháng, không có địch thủ thì ta đấu với cái bao cát hay cây chuối để tự rèn luyện kỹ năng và phản xạ, từ đó mới phát hiện ra điểm mạnh yếu của mình nhằm khắc phục và phát huy. Sau này, khi lâm trận thật sự, mới có thể “làm chủ trận đấu” và giải quyết trận đấu theo “ý đồ của mình”.
Nếu không làm như vậy, giỏi lắm cũng chỉ để tự cứu, nói gì đến việc thể nhập Đạo Nhất Thừa!!! Vị nào đã đọc Đại Bát Niết Bàn hoặc các Kinh Đại Thừa, sẽ thấy các Bồ Tát Nhất Thừa đặt câu hỏi và phản biện như thế nào!!!
Chiều hôm qua, mình có buổi tâm sự với Liêm, lúc đó Liêm đã đưa ra nhiều câu hỏi chung quanh đề tài Trung Ấm và Phật Đạo, xin hoan nghênh những câu hỏi của HĐ này. Chưa biết, chưa hiểu là đi kiếm người để hỏi liền, hỏi cho ra lẽ, rất hoan nghênh thái độ học tập nghiêm túc này. Cách đặt câu hỏi của Liêm, đúng với cách đặt vấn đề và tìm cách giải quyết của một anh Thầy giáo dạy toán.
Các bạn!!!
Đã là học tập, đừng sợ người khác nhìn thấy cái dở, biết được điều ta không hiểu. Cái mà người trí đáng sợ nhất, đó là: Tự thân không biết điều gì là điều mà mình đã và đang không hiểu!!!
(25-07-2014)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






