Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi. Hai Chữ Trượng Phu Trong Đạo Bồ Tát

Đêm dưới chân Dự Sơn khung cảnh huyền ảo, ánh trăng tỏa sáng một vùng. Phía trước con sông Ô Giang như đồng cảm với cái bao la của đất trời nên cũng lặng lẽ ngắm trăng.
Lý Tứ một mình ngồi ở bờ sông giữa cái thanh vắng của tự nhiên lòng dấy lên cảm xúc. Thiệt là đời người như dòng sông này, hết đục đến trong, trong rồi lại đục, chảy mãi không ngừng, tháng ngày giong ruổi nhưng chẳng biết về đâu.
Con người với bao nhiêu toan tính cũng chỉ là toan tính, bao nhiêu buồn vui cũng chỉ là buồn vui. Sống với những toan tính buồn vui rồi cứ ngỡ đó là cuộc đời, như chiếc thuyền không người cầm lái... Thiệt là nhầm lẫn lớn...
Thấm thoát mà Lão Trương ra đi đã gần hai năm. Mấy chục năm với bao nhiêu lần trăng sáng, cũng con trăng này, cũng đất trời này, Lão Trương đã nói biết bao điều về đạo…
Tâm huyết một đời của Lão Trương, nhiệm vụ trước mắt là phải hoàn thành. Không làm được điều này thì thiệt uổng công của Lão Trương, lại uổng đạo nghĩa đã nghe... Nhưng đạo nghĩa là cái gì quá thâm u mà sức một người khó bề với tới. Nếu không dốc hết tâm lực thì chẳng thể biết được ý nghĩa đích thực của đạo là gì. Người đời tâm ý chia năm xẻ bảy, khó bỏ thói quen toan tính. Học đạo lý cũng chỉ nhằm làm thỏa mãn suy lường thiệt hơn. Ngồi xuống tu hành cũng chỉ để mua vui qua ngày đoạn tháng...
Ngày xưa Thế Tôn bằng trí tuệ của một Đẳng Chánh Giác có khi còn phải kêu trời, cái câu “Chúng sanh can cường khó độ” chẳng phải nói ý này là gì...
Lão Đại đứng đã lâu phía sau, lão lặng thinh không nói một lời. Có lẽ lão không muốn khuấy động cái tĩnh lặng riêng tư...
Lý Tứ lên tiếng:
Phong cảnh ở đây thiệt là thanh nhàn. Các vị khéo chọn địa phương này làm trú xứ, ai đã đến đây một lần rất khó mà quên. Phong thủy phù hợp với người tu hành, lại làm thỏa mãn những tâm tình gần gũi thiên nhiên. Các vị quả có con mắt...
Lão Đại nói:
Thưa Lão Sư!... Đồ đệ đã đi nhiều nơi, vãng nhiều cảnh đẹp, nơi đây nói rằng đẹp nhất thì chưa phải. Nhưng ở đây có cái gì đó đủ sức quyến rũ để lòng người lưu luyến, các huynh đệ cũng rất ưa... Nếu Lão Sư thích thì cứ coi đây như chỗ của mình hoặc khi nào công vụ tạm xong xin Lão Sư lại trở về chân Dự Sơn cho anh em chúng đệ tử nương nhờ trí tuệ...
Lý Tứ nói:
Tôi chưa tính được mai mốt làm gì, và cũng không có thói quen tính trước, vì thế chẳng dám hứa...
Lão Đại lại nói: Mọi người đã dọn sẵn trà, trong sân tề tựu đầy đủ, mời Lão Sư cùng vào uống trà ngắm trăng và nói chuyện đạo lý. Mọi người đang đợi Lão Sư...
Chiếc chiếu bông được dời ra giữa sân, mọi người cùng ngồi vòng tròn các vị trí không thay đổi... Trên trời trăng soi sáng, dưới đất gió từ Ô Giang thổi lồng lộng, trước mặt trà thơm bốc khói. Đúng là khung cảnh thần tiên.
Lý Tứ lên tiếng:
Thưa các vị!... Lý Tứ có chút tâm tình, tạm mượn gió sông giải tỏa khiến các vị đợi lâu thiệt chẳng phải, xin các vị lượng thứ...
Lão Trượng nói:
Thưa Lão Sư!... Trước khi Lão Sư vào đây, chúng đệ tử có chút nói lén với nhau. Chúng đệ tử nghiệm lại đời mình thiệt có phước, may mắn gặp được Lão Sư. Chỉ mới vài ngày mà tâm tình mọi người thay đổi. Kiến thức có chút tăng trưởng, huynh đệ thương yêu nhau trong cái tình đạo nghĩa, những đố kỵ ghét ganh ngày xưa cũng theo cái biết mà tự dứt...
Khi Lão Sư nói điều gì, nhân cái nói này mà có người lợi ích, theo đó anh em cũng hoan hỷ lây, mới biết đạo lý chân thật có năng lực làm tiêu phàm tình. Không cần nhiều lời, không cần giáo điều mà mỗi người tự thấm... Như mưa rớt hột, chẳng nói lời nào mà cỏ cây đều được thấm nhuần.
Từ ngày Lão Sư đến đây, không ai chẳng thấy lợi ích. Nên mọi người nhất quyết, Lão Sư có đuổi đánh cũng không đi. Lão Sư có chửi mắng cũng là lời dạy, anh em không dám cãi lời...
Chỉ sợ chúng đệ tử cái tâm nhỏ hẹp, cái trí cạn cợt không thể tiếp thu hết thâm thúy của đạo do Lão Sư truyền trao. Vì thế mọi người quyết tâm một lòng một dạ hướng về Lão Sư. Ngưỡng mong Lão Sư thương tình mà không nỡ bỏ chúng đệ tử...
Lý Tứ tiếp lời:
Thưa các vị!... Cũng không nên tán dương người thái quá, cũng không nên tự khinh chính mình.
Phật dạy: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh”. Theo lời này thì các vị có khác gì tôi. Như hang tối ngàn năm, có đèn liền sáng chẳng đợi dài lâu. Dù hang động mỗi cái có khác nhưng ánh sáng thì quyết không hai; ánh sáng chẳng vì cái động kia mà so đo, ánh sáng chẳng vì cái động kia mà khi vầy khi khác, ánh sáng cũng không cầu mong cái động được sáng, nhưng ánh sáng chân thật lợi ích là soi sáng cho người có mắt được hết tối tăm...
Trong kinh cũng có dạy: “Như người say quên mất trong chéo áo của mình có hạt châu vô giá”… Thì ở đời cũng vậy, người đời sáu căn, bên ngoài thì uống phải thứ rượu trần cảnh nên say mà tưởng gốc cây bụi cỏ là nhà, bên trong lại mê thứ rượu vọng tưởng nghĩ suy rồi lầm có đây kia mà thả mồi bắt bóng. Say mê che mờ tâm trí, buồn vui với tà khúc thế gian mà quên mất tự tâm. Châu báu có sẵn, tỉnh dậy liền được, đâu phải bận tâm kiếm tìm... Một khi hết say, châu báu tự tâm còn đó. Một khi hết mê biết rõ chính mình... Thưa các vị!...
- Đạo lý nhà Phật là thứ thuốc giã rượu; làm cho người say tỉnh hẳn cơn say, làm cho người mê ra khỏi cơn mê, chứ chẳng phải Phật gia cho người thứ gì mới...
- Đạo lý nhà Phật là thuốc xổ, công dụng của nó tống khứ tà kiến kiết sử ngu si… ra khỏi ý này.
- Đạo lý nhà Phật là thuốc tiêu, công dụng tiêu hoại nhân ngã hơn thua ganh ghét tật đố chấp thủ... làm mờ trí này.
- Đạo lý nhà Phật là hương thơm huân ướp tự tâm.
- Đạo Lý nhà Phật là đèn sáng xua tan bóng đêm sợ hãi ba cõi bủa vây thức nghiệp
- Đạo lý nhà Phật là thứ tình thương rộng lớn đốt cháy những cõi lòng vị kỷ... Có thuốc mà không chịu uống; có hương mà không chịu ướp, có đèn mà không chịu thắp sáng, có tình thương mà không biết thương người, thì dù Phật trời xuống đây cũng đành chịu bó tay...
⁎ Tu hành trong Phật đạo nỗ lực tự thân là chính. Hãy cầu mong ở chính mình, đừng cầu mong nơi khác...
⁎ Vì thế Phật dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”.
Thất Muội rót trà mời từng người rồi lên tiếng:
Thưa Lão Sư!... Tiểu nữ thân phận nữ nhi, ra giang hồ theo các bậc hảo hán nhiều năm nên cũng nhiễm cái thói ngang tàng. Bằng hữu giang hồ đối đãi với nhau không phân biệt gái trai... Lưỡi gươm đi trước, ngôi vị theo sau... Đạo lý này không kể đến xuất thân tuổi tác... không nói đến tiền của công danh... Gẫm lại có cái hay riêng của nó...
Tiểu nữ cũng thường xuyên lui tới chùa am để nghe đạo lý... Chốn chùa am thì có luật nghi của chùa am, không như chốn giang hồ... Tiểu nữ trộm nghe ở đó người nữ tu hành không thể ngồi ngang với nam nhân, mà phải đối đãi bằng “bát kính”... Tiểu nữ là phận gái, rất muốn tu hành. Lão Sư đến đây trong lòng tiểu nữ một mực kính phục. Bất đắc dĩ ngồi ngang bằng cùng chiếu để nghe lời vàng nhưng trong lòng áy náy, không biết có mang tội bất kính với Lão Sư cùng các huynh đệ ở đây hay không? Một khi tâm tình chưa được cởi mở thì đạo lý dù có qua tai cũng chẳng có lợi ích lớn, mong Lão Sư chỉ bày...
Lý Tứ cười ha hả rồi nói:
Cô Nương ơi là Cô Nương!... Nơi chùa am có dạy, có biểu Cô Nương phải làm theo “bát kính” hay không?
Thưa tiểu nữ chỉ trộm nghe thôi ạ...
- Trộm nghe ha ha... Chỉ trộm nghe mà chưa chính thức được dạy được biểu, thì việc này nào có can dự đến Cô Nương...
“Bát kính” ngày xưa chư Thánh chế ra là để cho Tăng lữ giữa nam và nữ có trật tự của Tăng. Nhờ tôn kính này mà mai sau nữ Tăng sớm đổi thành nam Tăng đặng mau đắc quả chánh giác.
Còn ở đây là tục gia đệ tử, chuyện nam nữ chỉ lấy mỹ tục mà đối đãi, lấy thuần phong mà lại qua... Vả chăng trong đạo Bồ Tát chỉ lấy trí tuệ làm căn cứ. Người nữ mà nhiều trí tuệ, thì cho dù là nam nhân mà ít trí tuệ thì cũng phải cung kính lắng nghe...
Vì thế mới có Thắng Man Phu Nhân, có Vô Úy Đức Bồ Tát... Họ đều mang thân gái nhưng trí tuệ cao siêu, đôi khi Tăng chúng còn phải lắng nghe... hà huống tục gia... Lắng nghe là lắng nghe cái đạo lý, hay lắng nghe rồi dòm ngó cái nữ nam... Cô Nương nói đi!...
Trong đạo Bồ Tát, hai chữ trượng phu để chỉ cho người có nhiều trí tuệ, có lòng độ lượng, biết quăng bỏ chấp nhất, không phân biệt nữ nam. Mọi người bình đẳng, thấy các pháp không cao hạ... Người có tâm có trí như vậy dù mang thân nữ cũng gọi trượng phu. Còn ngược lại cho dù đang mang thân trượng phu cũng chẳng khác người nữ... Kinh cũng có nói nhiều về chuyện này... Ngài Xá Lợi Phất nhiều lần nhầm tướng nữ nam, chắc cô cũng có nghe qua...
Nói như vậy không phải đề cao người nữ, đánh đồng nữ nam. Nhưng đã dốc tâm tu hành trong Phật đạo, những điều nói trên nhằm hiển minh rằng, Phật đạo không chú trọng nhiều đến tướng nam nữ.
Nam nữ không phải do tướng bên ngoài mà cốt ở trong lòng... Tăng có luật của Tăng, Tục có cảnh Tục... Không nên “trộm nghe” rồi áp đặt lên mình lên người... chẳng khác chuyện “Lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia...” Vả chăng ở đây, tôi và các huynh đệ là những huynh đệ anh em, không giống chuyện giang hồ, cũng chẳng phải chùa am...
Nhưng chẳng khác gì con một cha, tức đều là Thích Tử. Thì huynh đối với đệ ra sao, đệ đối với muội ra sao chắc Cô Nương tự hiểu, đâu cần giải thích dông dài... Cứ lấy như vậy đối đãi với nhau, xin Cô Nương chớ có bận lòng...
Cốt yếu gặp nhau để làm sao trở thành người có trí. Cốt yếu gặp nhau để làm sao trở thành người có huệ. Nếu một bề chấp nhất mà chẳng thành tựu hai thứ này, thì tốt nhất chỉ nên học tập Nho gia để giữ bề trung hiếu... đến với Phật đạo mà làm gì...
Thất Muội lại lên tiếng:
Thưa Lão Sư!... Lão Sư nói thế chứ không ít lần tiểu nữ đến chùa am cũng nghe giảng nói về “Tam Cang Ngũ Thường... Cùng đường Phật đạo.” Không biết như vậy phải hiểu làm sao...
Lý Tứ cười lớn rồi nói:
Cô Nương ơi!... Các huynh đệ ơi!... Có lẽ chỉ vì các cao nhân đó chắc cảm thấy Phật đạo chưa đủ sức buộc ràng cột trói, nên họ mượn thêm cái lý của Nho gia đặng cột trói thêm cho chắc mà thôi… Ha ha ha ha!... Giống như chuyện người xưa mượn dây cột trâu để trói gà... Ha ha...
Một Phật đạo chưa đủ giải thoát hay sao... mà phải đi vay mượn... Ha ha... Phen này Nho gia lãi lớn… Ha ha ha ha!...
Thất Muội lại lên tiếng:
Thưa Lão Sư!... Thưa các huynh đệ!... Lời Lão Sư đã làm cho tiểu nữ hết áy náy... Từ nay tiểu nữ tuy mang thân nữ nhưng quyết học cái trượng phu... Một bề lo học pháp lành của Phật gia để cho lòng bình đẳng... Thú thật với Lão Sư, xin huynh đệ đừng cười... Tiểu nữ đã dọn cái phòng của Lão Sư tươm tất, chiếu mùng đầy đủ… Hi hi hi… Làm thế tiểu nữ trong lòng chẳng thấy gì sai, nhưng e ngại huynh đệ lại cười... Trong lòng tiểu nữ coi Lão Sư như cha, như thầy, như người anh lớn... nhưng không biết thế gian có hiểu vậy không... Nay nghe Lão Sư nói, bộ tiểu nữ không làm trượng phu được sao? Mà trượng phu chăm lo cho trượng phu thì có hại gì? Hi hi hi hi... Nhưng dù gì, phụ nữ cũng chu đáo hơn các nam nhân… Hi hi hi hi... Ả nói đến đây, sắc mặt ửng hồng, nụ cười rạng rỡ...
Ả tiếp: Các Lão Huynh ơi... đừng cười tiểu muội...
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






