Giáo Tông và Tâm Tông; … Vô Sư Trí và Tự Nhiên Trí

 0
Giáo Tông và Tâm Tông; … Vô Sư Trí và Tự Nhiên Trí

1. GIÁO TÔNG VÀ TÂM TÔNG

Hôm nay, mình nhận được câu hỏi lý thú của một HĐ:

Kính Thầy!

Con xin cám ơn tấm lòng từ bi vô hạn của Thầy. Thầy đã luôn hộ trì cho HĐ chúng con, và con cũng thán phục trí tuệ và khả năng tư duy của HĐ Lý Gia. Con cảm thấy mình nhỏ bé quá, nhưng Thầy hãy tin ở con. Nhất định sẽ có một ngày: "Con dã can hôm nay sẽ hoá thành sư tử"!

Nhân đây, con xin gởi đến Thầy cùng HĐ Lý Gia vài thắc mắc mà tự thân con chưa thể giải quyết được. Thắc mắc như sau: Nhất thiết trí là hữu sư trí, Tự nhiên trí là vô sư trí. Và Thầy cũng đã dạy: "Tự nhiên trí không phải là sự kế thừa của Nhất thiết trí. Khi vào bất động, Tự nhiên trí hiện”. Như vậy, tại sao ở bất động không nhận lấy Tự nhiên trí, mà phải đi học Nhất thiết trí?

Xin Thầy và HĐ giải đáp dùm!

Kính lễ Thầy, cùng kính lễ HĐ Lý Gia.

Con.

Các bạn!

Sáng nay, nhận được các câu trả lời của HĐ gởi về. Những gì thuộc về Giáo Tông, phần lớn HĐ thấm nhuần nên lý luận sắc sảo… Khi thử nâng lên một bậc, thì HĐ chúng ta bị hụt hẫng. Những gì các bạn lý luận, vừa không thể hiện được chiều sâu, vừa sai kiến thức...!

2. BÂY GIỜ, CHÚNG TA CỦNG CỐ MỘT VÀI KIẾN THỨC CƠ BẢN:

  • Giáo Tông. Đây là học pháp của ba thừa, thâm nhập phần này, người tu hành có thể thành tựu Vô Sanh Pháp Nhẫn hoặc Bất Động. Trong Giáo Tông chỉ giới thiệu được sơ lược về những gì thuộc về Tâm Tông, sơ lược này có ý nghĩa phổ thông hơn là chuyên sâu. Giống như chương trình học phổ thông, cái gì cũng biết, nhưng không có gì biết thấu đáo.
  • Nhất Thiết Trí Trí (ta hay nói gọn là Nhất Thiết Trí). Đây là trí của Bồ Tát (Bồ Tát Trí), muốn theo học trí này, trước hết người tu hành phải hoàn thành tám mươi bốn ngàn tín chỉ Giáo Tông, có nghĩa rằng: Không một điều gì của Giáo Tông vị này không biết. Tín chỉ Giáo Tông đã xong, người này phải đầy đủ dõng tâm, dõng lực. "Một thân một mình, không hành lý, đói ăn rau rừng, khát uống nước suối, vượt qua ba mươi bảy ngọn núi thấp cao và phá tan tám mươi bốn ngàn ma sự của Ngã, đến Tiếu Lâm Sơn một lòng tầm cầu Tâm Pháp nơi Thiện Tri Thức...”.

Vì thế Nhất Thiết Trí còn có tên là Hữu Sư Trí. Để viên mãn công hạnh, Bồ Tát nhất định phải cầu học trí này. Nếu không có trí này, thì có giỏi bằng trời công hạnh cũng không thể viên vì “cái ngu chưa dứt”. Công hạnh không viên, Tự Nhiên Trí không hiện. Tự Nhiên Trí không hiện, không thể có chủng tử huân thành Nhất Thiết Chủng Trí!

  • Nhất Thiết Chủ̉ng Trí. Đây là Phật Trí (Trí Tuệ của một Đức Phật). Trí này không do học mà thành, không ai có thể dạy được, nên gọi là Vô Sư Trí. Chủng tử để huân nên trí này gồm hai phần: Một là Tự Nhiên Trí, hai là công đức chúng sanh. Vì thế nó có tên là Tự Nhiên Trí.
  • Tâm Tông. Là cách nói gọn của Phật Tâm Tông, tên gọi khác của Nhất Thừa Đạo, tên gọi này nhằm chỉ chung cho quá trình học và thành tựu Nhất Thiết Trí của Đạo Đế. Học xong Tâm Tông, vị tu hành sẽ thành Bồ Tát chuyên nghiệp, gọi là Đại Bồ Tát.

Trên đây là những kiến thức cơ bản của Tâm Tông. Hy vọng, với những kiến thức này, sẽ giúp các bạn có câu trả lời thoả đáng đối trước câu hỏi nói trên.

(30-01-2015)

3. CHẤT VẤN

Câu hỏi của HĐ trên, trọng tâm xoay quanh thắc mắc: Vì sao ở bất động không nhận lấy Tự nhiên trí mà phải đi học Nhất thiết trí??? Câu hỏi này phát xuất từ một câu nói mà HĐ ấy cho rằng “Thầy đã dạy”.

Hôm qua đến giờ, mình nhận được trên mười câu trả lời, và hình như không có câu trả lời nào trực tiếp giải quyết đúng trọng tâm của câu hỏi. Duy chỉ có một câu trả lời của Tịnh Pháp gởi về nhờ chuyển cho Ngộ Tánh.

Tịnh Pháp “không chạy theo câu hỏi để cố tìm cách trả lời” mà chất vấn, đặt thẳng vấn đề, yêu cầu làm rõ tính xác thực của câu nói, nghi ngờ tính khả dụng của câu hỏi.

 “Chào SĐ Ngộ Tánh.

  • Trước khi trả lời câu hỏi, xin cho Tịnh Pháp hỏi là SĐ trích câu của Thầy dạy từ đâu??? Khi SĐ viết:

“Thầy dạy: Tự nhiên trí không phải là sự kế thừa của Nhất thiết trí. Khi vào bất động thì Tự nhiên trí hiện”???

- Vì sao hỏi vậy? Vì Tịnh Pháp chưa được nghe qua Thầy nói "khi vào bất động thì Tự nhiên trí hiện”. Rất mong SĐ xác minh câu nói này, trước khi chúng ta tiếp tục đào sâu vấn đề” … Tịnh Pháp.

“Kính chào ST Tịnh Pháp! 

Đệ xin trả lời câu hỏi của ST: Đầu năm 2014 khi về Đà Nẵng, Thầy đã dạy: “Khi tất cả đều tịch diệt, nhưng có một thứ không tịch diệt, nhưng càng tịch diệt thì nó càng chiếu sáng”.”

************

Mình ngẫm nghĩ hoài, vẫn không tìm ra ý nghĩa của câu nói khi về Đà Nẵng, lời nào can dự đến Tự nhiên trí và bất động?

Các bạn!

Mình đã viết: “Có thể nói, câu hỏi của Ngộ Tánh là câu hỏi lý thú...”. Cho đến tận giờ này, các bạn vẫn không tìm thấy “cái lý thú” trong câu hỏi của Ngộ Tánh... Đó là: “Trong bất động tại sao không nhận lấy Tự nhiên trí”... Giống như “Bạn không biết chữ, tại sao không ngồi đó chờ chữ đến để nhận mà phải đi học!"

Đọc trả lời của các bạn, mình tìm thấy thêm một điều lý thú khác nữa, đó là: Một việc không thể xảy ra mà các bạn vẫn cứ chạy theo nó để lý luận, cố chứng minh rằng: "điều này có thể thực hiện được”!

Chất vấn của Tịnh Pháp, mới là câu trả lời thoả đáng nhất, mình có lời khen ngợi!

Để làm sáng tỏ vấn đề, mình xin đưa ra một ví dụ, nhân ví dụ này các bạn có thể tạm hình dung ra "Đạo lộ đưa đến Nhất thiết chủng trí

Có một người vừa mù, vừa què. Người đó muốn đến một nơi khó đến là núi Diệu Bảo để tìm viên Bảo Châu Như Ý. Người này biết rằng, nếu có viên Bảo Châu Như Ý, vĩnh viễn sẽ không mù, không què, và vị lai không thể tái mù, tái què và thành tựu Như Ý Trí.

: Dụ cho chúng sanh; Què: Dụ cho bất động; Đường lên núi Diệu Bảo: Dụ cho hành trình học Nhất Thiết Trí;Bảo Châu Như Ý: Dụ cho Nhất Thiết Chủng Trí.

Trước hết, người này phải chữa cho hết mù (thành tựu Giáo Tông), tiếp theo người này chữa cho hết què (ra khỏi bất động). Hết mù hết què, người này lên đường với đôi mắt sáng và đôi chân lành lặn, tìm người có trí hỏi đường đến núi Diệu Bảo để thực hiện ước nguyện (học Nhất thiết trí)... Đến núi Diệu Bảo, vị đó lấy được viên Bảo Châu Như Ý (thành tựu Tự nhiên trí)...”

Như vậy, viên Bảo Châu Như Ý và công năng như của nó, có sự kế thừa nào của những kiến thức trước khi sở hữu nó hay không?

Hy vọng, với ví dụ ở trên, sẽ giải đáp thắc mắc của Ngộ Tánh và HĐ... Về chuyện… “Tại sao ở trong bất động không nhận lấy Tự Nhiên Trí, mà phải đi học Nhất thiết Trí...chi cho...mệt cái xác...phàm...”

Các bạn!!!

Đối trước một câu hỏi của Phật Đạo. Bình tĩnh! Bình tĩnh! Bình tĩnh đọc thật kỹ, nghiền ngẫm thật sâu, xem câu hỏi này có hợp lý hay không... Nhất định sẽ có câu trả lời thoả đáng, nếu không bình tĩnh, không sáng suốt... vội vã chạy theo câu hỏi rồi tìm cách cố cắt nghĩa. Nhất định sẽ bị "lạc vào mê hồn trận của ngữ nghĩa"... Ha ha ha ha!!! Chữa bệnh kiểu này... trâu cũng chết... hà huống... người... ta!

(30-01-2015)

4. TỔNG KẾT CÂU HỎI VỀ... TỰ NHIÊN TRÍ

Sau khi đọc kỹ các câu trả lời của HĐ. Mình nhận thấy, phần lớn HĐ chúng ta hiểu lầm chữ Tự Nhiên Trí.

1) Hiểu lầm Tự Nhiên Trí là Tánh Giác.

2) Hiểu lầm hai chữ Tự Nhiên. Cho rằng Tự Nhiên Trí là tính chất tự nhiên của cái thấy sau khi tịch diệt tất cả.

  • Mình xin nói rõ: Danh xưng Tự Nhiên Trí là cách nói khác của Phật Trí (có kinh gọi Phật là Đấng Tự Nhiên Trí), chữ Tự Nhiên Trí nhằm chỉ cho thấy biết của một vị đã Giác Ngộ đồng Chư Phật, còn gọi là Đẳng Chánh Giác.
  • Nói "Tự Nhiên" là, những vị nào Giác Ngộ đồng như thế, đủ điều kiện như thế, công đức như thế, thông tuệ như thế, nhân duyên như thế... sẽ "tự nhiên" có được thấy biết như thế.
  • Chứ chữ tự nhiên ở đây không phải tự nhiên mà có. Nó giống một vụ nổ Big Bang, khi vũ trụ hội đủ các yếu tố nhất định, vụ nổ sẽ xảy ra. Không phải tự nhiên, chưa có hoặc thiếu một yếu tố bất kỳ, mà vụ nổ hình thành. Ví dụ này, có thể giúp các bạn hiểu một chút gì đó về hai chữ tự nhiên trong Tự Nhiên Trí.

(31-01-2015)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG