Đọc Tụng Kinh Điển Như Thế Nào Là Hợp Lý?

 0
Đọc Tụng Kinh Điển Như Thế Nào Là Hợp Lý?

Lục Đệ người dong dỏng cao, mặt trắng, độ tuổi chưa đến ba mươi, mang dáng dấp của một thư sinh hơn là kiếm khách giang hồ. Hắn xuất thân từ con nhà khoa bảng. Năm lên mười sáu nghe đâu đã đậu cử nhân, được bổ làm quan, nhưng hắn bỏ công danh thích chuyện ăn sương nằm gió... Mới nhìn vào con người này cũng biết trong bụng gã “chữ nghĩa nhiều hơn canh cơm”... Hắn lên tiếng: 

Từ ngày theo Lão Đại làm đệ tử Phật Gia, đệ bắt chước người xưa ngày ngày dày công trì kinh quán nghĩa... Ngưỡng mong lãnh hội một phần nhỏ lời vàng ý ngọc của Phật của Tổ... Nhưng càng đọc càng suy gẫm, lại cảm thấy như lạc vào rừng rậm không biết lối ra. Thậm chí đệ đây càng mù mờ khi đọc quyển này thấy nói rằng có, quyển khác lại nói rằng không… Đệ đem điều này thưa hỏi các bậc cao nhân, nhưng mỗi người giải thích mỗi khác. Ai cũng có lý lẽ riêng, đến nay thắc mắc càng thêm thắc mắc. Xin Lão Sư và các vị ở đây, vị nào cao kiến đả thông giùm đệ chỗ thắc mắc bấy lâu này... 

Lý Tứ đảo mắt nhìn mọi người. Hình như mọi người đồng có tâm trạng như Lục Đệ... Tuy thế, Lý Tứ cũng nói: 

- Các vị!... Các vị thấy thế nào về câu hỏi của Lục Đệ? 

Mọi người đồng hướng về Lý Tứ chờ câu trả lời. Thấy vậy Lý Tứ chậm rãi nói: 

- Các vị!... Đây là tâm trạng chung của người tu hành... Thưa các vị!... Phật pháp tuy nói rằng mênh mông nhưng có bờ có mé, có cạn có sâu. Giống người ra biển, đi từ cạn đến sâu, đi từ bờ ra giữa. 

Người học đạo cũng vậy!... Muốn tìm hiểu giáo pháp phải tuần tự từ thấp lên cao. 

Ngày xưa Phật tuyên nói giáo pháp cũng không làm khác. Vì thế, mới có phân chia thành ngũ thời thuyết pháp. 

Vừa thành Đẳng Chánh Giác, sau khi thấy chân Lý Tối Thượng khó có thể diễn nói cho quần chúng, Phật tính nhập Niết Bàn. Nhưng được chư Thiên khuyến thỉnh ba lần, Phật đồng ý trụ thế. Sau đó Phật mới quán, chúng sanh giống như ao sen, có cây còn ở dưới mặt nước, có cây vừa nhô lên, có cây đã ra hoa... Phật nhớ lại Phật xưa dùng ba thừa thuyết pháp. Phật nay cũng dùng ba thừa. Vì thế, ba thừa ra đời. 

Ba thừa là phương tiện tu hành căn bản của một chúng sanh. Tùy theo căn trí mà mỗi chúng sinh được trang bị một phương tiện phù hợp với cách giảng nói phù hợp, cụ thể... gọi là kinh. 

Do đó thưa các vị!... Giống như các vị vào chốn giang hồ. Muốn bước chân vào giang hồ, đầu tiên phải học quyền cước binh khí... Muốn học quyền cước binh khí phải học tấn thế tới lui. Thành thục tấn thế sau mới học quyền pháp, binh khí... thì… 

Kinh Phật có phần giống như vậy, có kinh căn bản, kinh nâng cao, có kinh bác học. Kinh căn bản gọi là A Hàm, kinh nâng cao gọi là Phương Đẳng, kinh bác học gọi là Phương Quảng... Vì thế mới có danh xưng kinh liễu nghĩa và bất liễu nghĩa...

Như người giang hồ, khi võ nghệ chưa vững, mánh lới chưa thông mà vội vã đặt chân vào chốn đao thương rất khó toàn mạng... Giống như chuyện con cá và con nai... Muốn bơi lội như con cá, con nai phải trở thành con cá... Muốn thấu hiểu văn hóa vô lậu của kinh các vị phải học tập tu hành để tâm này vô lậu.

Khi tâm này vô lậu, thì sẽ thụ hưởng lợi ích từ văn kinh vô lậu không khó... Nếu tâm còn lậu hoặc, phiền não mà đọc tụng giảng nói kinh vô lậu hay liễu nghĩa, chẳng khác nào người mù bẩm sinh đi tìm màu sắc, trẻ thơ vô trí lạc giữa rừng sâu... Chẳng khác con nai nói chuyện con cá... 

Căn bản giáo dục để đưa đến vô lậu là những lời dạy căn bản từ các kinh căn bản hay giáo lý căn bản, gọi là kinh tam thừa... 

Kết quả của ba thừa chính là sự chuyển đổi ngoạn mục từ phàm phu lên thánh. Tức từ một chúng sinh hữu lậu trở thành bậc thánh vô lậu... Ba thừa với kết quả thành tựu tuyệt vời của một hữu tình, từ đây mới có thể thâm nhập kinh tạng liễu nghĩa, từ đây mới có thể thấu suốt thế nào là “có” thế nào là “không”... Đằng này, thói quen của chúng ta là “gặp kinh thì đọc” đọc “không chọn lựa”, đọc “không dựa vào trình độ”, đọc mà không chú ý đến năng lực, đọc mà tâm thế chưa sẵn sàng... thì chuyện càng đọc càng hồ đồ, càng rối là điều tất yếu. 

Như người chưa thông võ nghệ mà hành tẩu giang hồ mất mạng là điều không thể tránh khỏi... Như chuyện con nai nghe con cá nói đi, bèn vội vàng lao xuống nước sâu chảy xiết thì lẽ tất nhiên sẽ bị ngập chìm... 

Như vậy thì phải đọc như thế nào mới hợp lý? 

Thưa các vị!... Người chưa giác ngộ thì chỉ nên trì tụng kinh văn ba thừa để tu tâm dưỡng tánh chờ ngày giác ngộ. Khi giác ngộ rồi mới đọc tụng nghiên cứu kinh tạng cao hơn... 

Vì thế, kinh bao giờ cũng có phần duyên khởi. Duyên khởi luôn kể về thành phần Đại chúng nghe kinh. Đây chính là bảng liệt kê trình độ người nghe... Đây là cây thước để đo lường trình độ người đọc và bài giảng trong kinh. Nếu cố chấp, nếu ngã mạn, nếu cố đọc, nếu cố hiểu, nếu cố giảng nói khi chưa hiểu rõ ý nghĩa đích thực của kinh... nhất định phát sinh tà kiến... 

Tiêu biểu như kinh Pháp Hoa, năm trăm vị chưa chứng thánh đành phải ra ngoài vì ở đó cũng chẳng lãnh hội được gì...

Nhưng nếu một mực cho rằng, hết thảy người tu hành nhất nhất phải trải qua trình tự thứ lớp, thì tại sao trong Phật sử lại có những vị đang là phàm phu nhưng chỉ nghe một câu, thấy một vật liền vào cảnh giới Đại thừa? 

Thưa các vị!... Giáo pháp nhà Phật mà Đại diện là ba thừa có tiệm có đốn, có chậm có mau, tùy căn cơ... Thắng căn thì chỉ một câu một chữ, trong vắt nguồn tâm. Hạ căn thì phải tiệm thứ tu hành để mài mòn kiết sử... Dù đốn hay tiệm, khi đến bờ mé, đồng nhau không khác... Đó là nguồn tâm rỗng rang, một bề thanh tịnh, chẳng còn trói buộc, phiền não không sinh... tham ái tự dứt… Người xưa gọi đó là “tâm vô nhất vật”. 

Tôi nói như vậy, các vị thấy có thỏa đáng chăng!... Vị nào có ý kiến tốt hơn, xin cùng luận bàn. Nói đến đây Lý Tứ cung tay mời mọi người... Rồi Lý Tứ nói tiếp: 

Lục Lão Đệ!... Lão Đệ nghe tôi nói có lọt lỗ tai không? Có gì chưa thỏa mãn, xin Lục Đệ cứ nêu ra, mọi người cùng nhau bàn luận... 

Chờ cho Lý Tứ dứt lời, Lục Đệ lên tiếng: 

Lời của Lão Sư đã rạch ròi rồi còn gì. Cái lỗi của đệ tử là ham thích đọc tụng. Lấy cái phàm trí để cố hiểu lời thánh nhân nên thành ra mờ mịt (bây giờ gã không xưng là đệ mà xưng đệ tử). 

Nhưng thưa Lão Sư, trong các kinh bác học phương quảng cũng có nói, ai đọc tụng kinh, biên chép, vì người mà giảng nói kinh này... sẽ phát sinh vô lượng công đức, là nghĩa thế nào? Xin Lão Sư rộng giảng... 

Lý Tứ lên tiếng: 

- Ham thích đọc tụng không phải là lỗi, đọc tụng có cái tốt của đọc tụng. Đọc tụng kinh điển Đại thừa giống như vào núi châu báu, nhặt đâu cũng là châu báu... 

Tuy nhiên, có châu báu là một chuyện, còn sử dụng châu báu là một chuyện. Người thiếu trí, được nhiều châu báu rồi đem khoe khoang mà không biết giá trị, lại chẳng tìm chỗ kín cất giấu thì châu báu trở thành mối họa lớn. Kẻ trí có được châu báu, về đến nhà gìn giữ cẩn thận sau đó cầu học các giá trị... Khi cần dùng, số châu báu này sẽ là phước lớn giúp mình giàu sang. Lại còn có của bố thí cho kẻ cơ hàn... 

Châu báu chỉ có giá trị với người thấu triệt giá trị của nó. Bằng ngược lại nếu vào tay kẻ vô trí hay trẻ thơ thì châu báu kia không khác hòn đá củ khoai...

- Thì cũng như vậy, kinh văn bác học giống như núi báu, đọc tụng giống như nhặt thâu... Gom góp rồi còn phải tìm hiểu thấu triệt... cái này kinh gọi là “tương ưng”... Tương ưng chính là “sử dụng đúng cách” châu báu kia... Một khi chưa tương ưng, chưa biết nghĩa tương ưng mà đem sử dụng, không khác thuốc tốt mà trị sai bịnh. Chẳng những không ích lợi, lại còn có hại về sau... 

Kinh bác học cũng có khuyến cáo, nó như con dao bén, vào tay kẻ trí tất được nhiều việc, vào tay trẻ con sớm muộn cũng đứt tay... Vì thế tóm lại, đọc tụng không có lỗi, lỗi ở chỗ “xử lý” như thế nào với những kiến thức kia... 

Trong kinh bác học cũng có nói như lời lão đệ đã nêu là: “Trong đời, nếu ai siêng năng đọc tụng, biên chép, thấu suốt ý nghĩa, vì người giảng nói sẽ phát sinh vô lượng công đức”

Các vị thử nghĩ coi!... Ngày Thế Tôn còn trụ thế, Thế Tôn thuyết pháp, môn đồ nghe hiểu rồi ghi nhớ ý nghĩa, thường xuyên trì tụng tu tập ý nghĩa. Đến bao giờ tâm tánh tương ưng gọi là khế chứng... Sau khi khế chứng, tức là tự thân thấu suốt ý nghĩa lời dạy rồi, mới đem ra dạy người. Dạy người là dạy cái nghĩa lý cao thâm u ẩn trong đó, chứ không phải dạy người học thuộc văn tự của kinh. Nếu học thuộc văn tự của kinh mà không thấu rõ đạo lý, người xưa gọi là “kinh chuyển”

Thời Phật chưa có cuốn kinh, nên khi nói đến trì kinh tức là nói đến tư duy lời dạy để thấu suốt ý nghĩa, chứ không phải nói bề dày một quyển hay số lượng văn tự... 

Nói trì kinh không phải là bảo người đọc hết quyển này rồi đến quyển kia... 

Sáng chiều chỉ lo đọc tụng mà không biết nghĩa thì chẳng khác đổi lốt le le lấy phải thân cò... cùng là thứ trói buộc như nhau... Vì thế, văn kinh có nói đến ba chữ “Văn Tư Tu”… chắc các vị đã nghe qua... 

Vả chăng, biên chép đọc tụng có công đức riêng của việc này. Ai có công kết tập phổ biến lời thánh sẽ phát sinh công đức. Vì làm như vậy tức thị giữ gìn truyền tụng thánh ngôn không cho dứt mất; giống như người có công giữ gìn giống mạ, người giữ gìn giống mạ tuy không trực tiếp canh tác nhưng chẳng thể chết vì thiếu đói, công đức của việc này là như vậy. Người thấu suốt ý nghĩa, vì người mà giảng nói, có công đức riêng của việc làm này. Đây là công việc giúp người thấu suốt ý nghĩa thánh hiền để mà tu học. Công việc này của những pháp sư chẳng phải ai cũng có thể làm được; giống như thầy giáo dạy học trò, mình đã thấu triệt mới biết cách làm cho người thấu triệt; giống như người trực tiếp canh tác, kết quả của việc canh tác là được ấm no...

Phật gia mỗi mỗi minh bạch, nhân nào quả đó đây là lẽ thường xưa nay không khác, chẳng thể nhân nọ lại sinh ra quả kia. 

- Thưa các vị!... Như tôi đã nói, mỗi mỗi việc làm đều phát sinh công đức. Nhưng chẳng phải các việc đều giống nhau, không nên nhầm lẫn... Các vị cũng đừng nên hỏi rằng, vì sao tôi làm như vậy mà không thấy công đức? 

Công đức chẳng phải do thấy, cũng chẳng phải do nghe!... Nói chung công đức không thể đem thấy nghe hay biết mà trù lượng... Cái gì mà thấy nghe hay biết suy lường được thì chỉ là phước đức, tức là quả báo ba cõi. Cái gì từ ngã phát sanh thì chỉ gói gọn trong hai thứ là phước đức hay nghiệp báo... Chính nghĩa này mà Sơ Tổ Đạt Ma đã bảo với Lương Võ Đế rằng: “Việc lập chùa, độ Tăng của ông không có công đức gì ráo trọi”… Không có công đức cũng bởi cái tâm suy lường, nhớ nghĩ, hãnh diện... của Lương Võ Đế thành ra có ngã. Ngã nào mà sanh công đức... 

Công đức trong chừng mực nào đó bao gồm ý nghĩa Vô Ngã. Nên cũng xin đừng đem cái ngã, mà đòi hỏi công đức... 

Công đức chỉ phát sinh khi nào nguồn tâm thanh tịnh. Làm đến khi nào tâm này thanh tịnh thì công đức phát sinh. Thanh tịnh có sâu cạn, công đức cũng có ít nhiều... Giống như lắng nước trong ao, đành rằng lắng là để nước đục thành trong, nhưng không phải một lúc mà tất cả nước đều trong như nhau. Trong nhiều hay ít tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, như nguồn nước, chất liệu làm cho nước từ đục thành trong, số lượng tạp chất trong nước, có bị khuấy động hay không... Nói chung đòi hỏi nhiều thứ chứ chẳng phải giản đơn... 

Nói khác đi, thanh tịnh tâm chính là công đức. Công đức và thanh tịnh, văn tự có khác nhưng nghĩa chẳng hai... Giống như đèn soi bóng tối, đèn lớn sáng nhiều, đèn nhỏ sáng ít... Đèn như công đức, hết tối như thanh tịnh tâm, đèn nhỏ có sáng nhưng bóng tối vẫn còn... Đến khi nào toàn sáng, không còn lẩn khuất chút tối, mọi thứ minh bạch, tâm chẳng vết ô, không mê không lầm, trí tuệ tợ nhật quang thì chừng đó mới tạm gọi là viên mãn công đức... 

Nhưng thưa các vị!... Nói rằng: “đòi hỏi nhiều thứ chứ chẳng phải giản đơn”, xin các vị chớ hiểu lầm rằng: “Phát sinh công đức là công việc phức tạp”, suy nghĩ như thế không đúng. Công đức ra ngoài hai thứ giản đơn và phức tạp. Giản đơn hay phức tạp đều là pháp đối đãi. Đối đãi bởi trong lòng còn có hai pháp, tức là có đây có kia, có mau có chậm, có phải có quấy, có đẹp có xấu... Khi nào trong lòng vắng lặng, thấu triệt đây kia, phải quấy, tốt xấu..., chỉ do tự tâm hiện, nó như mộng ảnh... Giác ngộ như thế, vị này không khởi đối đãi, bặt dứt các duyên, ngoài không chạy theo thấy nghe, trong không sinh tâm vì cái biết... Nếu được như thế, không đòi công đức cũng đến, có trốn chạy công đức cũng theo... 

Khi công đức đến rồi mới biết thiệt chẳng có chi là giản đơn cũng chẳng có chi là phức tạp... Nơi thanh tịnh kia chẳng có hai nguyên... Chẳng có hai nguyên, kinh gọi là “bất nhị”... 

- Thưa các vị!... Đây là những luận đàm sơ giao, một chút nói năng không thể hết ý. Ngày tháng còn dài, nếu hội đủ duyên, chúng ta sẽ đào sâu những ý nghĩa của tôi vừa trình bày. Vả chăng, dù gì đây cũng chỉ là văn tự ngữ ngôn. Cái khác của Phật học là nơi ngữ ngôn kia, người nghe lắng tâm tĩnh lòng để ngữ ngôn như là dẫn dược, truyền tải ý nghĩa thanh tịnh vào chốn thâm tâm... Không phải như các học thuật thế gian, người nghe nghe xong, tăng trưởng kiến thức, xem đây là chỗ cậy nương làm lớn cái ngã... 

Chính điều này mà ngày xưa Thích Gia vẫn thường hay nói: “Ta biết, biết nhiều hơn thế, nhưng chẳng chấp thủ, chẳng nương tựa vào pháp nào, vật gì ở trên đời”

- Cái thấu triệt của Phật môn chính là “tâm xả”, tốt cũng xả mà xấu cũng xả, đúng cũng xả mà sai cũng xả... Như thuốc trị tâm, tâm lành thuốc hết... 

- Thấu triệt đạo lý thì bặt dứt nói năng. Nếu còn chút nghĩ suy nói năng thì cũng như trăng mười sáu, soi sáng khắp nơi mà chẳng hề thấy có soi có sáng... Người đủ duyên thì được sáng, không duyên thì mờ... Sáng hay mờ trăng kia vẫn lặng lẽ, không ngã không nhân... Nghĩ suy, thấy biết như nước chảy qua cầu... Nước chảy qua rồi, cầu chẳng luyến tiếc, nước chưa đi qua, cầu chẳng mong đợi... Cái học Phật gia là nghĩa như thế... Xin các vị hiểu cho!... 

Lý Tứ chưa dứt lời, mọi người chắp tay hướng về phía Lý Tứ xá dài... Lão Trượng lên tiếng: 

Thiệt chúng tôi sinh ra đời này không uổng. Nay duyên lành được nghe Lão Sư biện thuyết, mỗi mỗi phân minh. Chúng tôi như người trong tối bước ra ánh sáng, kẻ đói được ăn, kẻ nghèo được của... Trước nay lầm tưởng, học Phật như học thế gian, đọc nhiều tụng giỏi. Đọc xong ghi nhớ không sót một chữ không thiếu một lời... chất đầy bụng dạ. Xưa nay những tưởng cái biết này là châu báu, ai dè, ai dè, chỉ là gạch ngói qua lớp vỏ ngữ ngôn của một phàm phu. Than ôi!... Một đời thiệt là may mắn. Ai ngờ Lão Lái Đò hạ bạt mù tối nay lại được thấy trời xanh... Nói xong lão lại xá Lý Tứ một xá.

Lý Tứ thầm nghĩ: Lão này xem qua không phải tầm thường, nói năng trôi chảy, tâm ý thẩm sâu... Những điều mình nói, hình như là lão lãnh hội trọn vẹn... Con người này nhất định mai sau nếu khéo mài dũa sẽ là châu ngọc chớ chẳng phải đồ chơi... 

Lục Đệ lại nói: 

Lão Sư ơi!... Bao nhiêu công phu trì kinh quán nghĩa của đệ tử xưa nay, nay đã đến hồi đúc kết, như lấy quặng nấu vàng... Nếu chẳng nghe được những lời vàng ngọc của Lão Sư, không biết ngày nào đồ đệ mới bước ra ngoài ánh sáng. Lão Sư mới thiệt là người chèo đò đưa người ra sáng. Một khi chưa ra ngoài sáng cứ ở trong tối nói chuyện ban ngày, chẳng khác nào người mù luận bàn màu sắc. Nói càng nhiều chỉ thêm hý luận... Con hiểu, muốn nói chuyện sáng, phải bước ra nơi có sáng. Không thể ở mãi trong tối mà nghiền ngẫm luận bàn ánh sáng ra sao... Cho dù có bàn hết một đời cũng chỉ là người ở nơi bóng tối... Đạo cốt ở việc dắt người ra sáng rồi họ tự thấy chớ chẳng phải bàn chuyện ngày đêm... Văn tự ngữ ngôn của Lão Sư không có con mắt, không có ngón tay, nhưng lại chỉ được con đường... Xin Lão Sư nhận con làm đồ đệ... Nói đến đây hắn lại quỳ gối lạy dài Lý Tứ... Mọi người còn lại cũng đồng làm theo...

(còn nữa) 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG