Có Công Thức Chung Trong Tu Tập Phật Đạo Hay Không? Kiến Thiệt Tế, Trụ Thiệt Tế Là Gì?

Hỏi: Vì sao ngày trước xếp Anh Nhi Hạnh trước Thiên Hạnh, nay lại xếp Anh Nhi Hạnh sau Phạm Hạnh? Trước sau các hạnh thứ lớp không đồng, ý nghĩa cũng không đồng. Có thâm ý gì chăng?
Đáp: Thâm ý thì không, nhưng tùy cơ mà các hạnh được xếp đặt theo thứ lớp sai khác để khiến người tu hành thành tựu đạo quả trước mắt.
Hỏi: Xin hỏi, tùy cơ là như thế nào?
Đáp: Ngày trước, phần lớn huynh đệ mới bước chân vào con đường tu hành chưa phân biệt được cái gì là đời, cái gì là đạo, đạo đời lộn xộn. Để giúp mọi người chấm dứt sự lộn xộn này, cũng để khiến người quên dần tâm đời, lúc đó phải đặt Anh Nhi Hạnh làm mục tiêu trước mắt. Anh Nhi Hạnh trong giai đoạn này có ý nghĩa quên đời để chờ đạo.
Vì thế lúc đó mới nói rằng: “Điều cũ đã quên, cái mới chưa được, hồn nhiên như trẻ thơ, gọi là Anh Nhi Hạnh*”.
Nay, người tu hành đã biết rõ điều gì là đời, điều gì là đạo, đạo có mấy tầng. Vì thế, trong thời điểm này, Anh Nhi Hạnh được xếp sau Phạm Hạnh để giúp người chuẩn bị học Đạo Trí Tuệ. Bây giờ, Anh Nhi Hạnh lại mang một ý nghĩa khác.
Nói chung, tùy vào thời điểm tu hành, mỗi một giai đoạn trong Phật Đạo, Bậc Đạo Sư sẽ cho ra một ý nghĩa tương ưng phù hợp với thời điểm đó để hướng người tu hành thành tựu đạo quả trước mắt.
Giống như, có khi nói vào Như Lai Địa, Sơ Địa đi trước Bát Địa. Có khi nói trong Phật Địa, chứng Bát Địa rồi mới trở lại đăng Sơ Địa (Sơ Hoan Hỷ Địa). Chừng nào, người tu hành chưa có được Thật Trí, thì chưa thể biết hết sự ảo diệu của Đạo Pháp.
Ví dụ, ngày trước tuy huynh đệ đã tu hành, nhưng còn chấp nhất vì sao thân còn mang bệnh tật, bây giờ phải cắt nghĩa bệnh tật là Bồ Tát thị hiện trả quả báo hiện đời của thân nghiệp, làm duyên cho chúng sanh biết thân này vô thường, phải chịu sanh lão bệnh tử.
- Tóm lại, chưa thấy cái “Thiệt” thì phải dùng lời “Quyền” để giảng nói. Vì thế Phật Đạo mới có quyền có thiệt!
Hỏi: Như vậy, có thể đưa ra một “công thức chung” để giúp người tu hành nhờ đó mà tự giải các vấn đề của Phật Đạo?
Đáp: Nếu có thể đặt ra một công thức chung thì ngày xưa Thế Tôn đâu phải mất công 49 năm ròng rã thuyết pháp. Đến nỗi, lúc tuổi già không tự đi được, phải nhờ đồ chúng khiêng. Thế mà nằm trên võng, Thế Tôn cũng phải nén cái đau, mở miệng thuyết pháp.
Hỏi: Vì sao Phật Đạo không thể đưa ra một công thức chung?
Đáp: Vì tâm người đảo điên không theo một quy luật nào hết. Vì thánh chúng chỗ chứng sai biệt. Vì Trí Tuệ vô cùng rộng lớn trong một lúc chẳng thể nói hết. Vì Đạo Quả Vô Thượng bất cộng Tam Thừa. Nói tóm lại, có vô số sai biệt như thế, mà đã là vô số sai biệt thì chẳng thể có một công thức chung.
Hỏi: Vì sao ngày trước ngăn không cho huynh đệ chứng thiệt tế, nay lại nói nhiều về thiệt tế?
Đáp: Ngày trước tâm của huynh đệ còn yếu kém, nếu khuyến khích chứng thiệt tế sẽ không thể phát tâm Vô Thượng Bồ Đề. Nay huynh đệ chớm thấy Đạo Trí Tuệ, vì thế khuyến khích mọi người Giác Ngộ chân thật để khi học trí tuệ, trí tuệ không bị hoen ố bởi suy lường. Trong thực tế, có quá nhiều huynh đệ chưa vượt qua được ải Giác. Nay đã đến lúc phải vượt qua cái ải này thôi!
Hỏi: Nay huynh đệ chứng thiệt tế, thì làm sao phát tâm Vô Thượng Bồ Đề?
Đáp: Bây giờ mà còn nói chuyện phát tâm Vô Thượng Bồ1 Đề. ông có lẫn hay không? Giống như hỏi người đang đi học đại học, vì sao chú mày không mơ ước được bước chân vào giảng đường đại học.
Hỏi: Kiến Thiệt Tế và Trụ Thiệt Tế, giống hay khác?
Đáp: Bản thân hai chữ kiến và trụ khác nhau rất xa, đâu cần cắt nghĩa. Vả chăng, nó cũng giống như người đói lâu năm, thấy thức ăn ngon trước mặt, người này có chịu cam tâm trụ ở đó để tiếp tục “được” đói hay không?
Hỏi: Phật Đạo có vô số thuật ngữ, vô số danh pháp. Đây là rào cản lớn nhất khi người tu hành đọc tụng kinh điển. Xin hỏi, làm sao vượt qua rào cản trước mắt này?
Đáp: Tôi có thể giúp cho ông vượt qua rào cản trước mắt này bằng hai câu thần chú: “Đạo ta khi đọc kinh ta/ Cái nào không biết thì tra…. Gu Gồ (Google)” Ha ha ha!
Hỏi: Nhưng mà những giải thích từ các phương tiện như vậy đâu thể giúp người Giác Ngộ?
Đáp: Tất nhiên những giải thích được tìm thấy bằng các công cụ tìm kiếm của kỹ thuật chưa phải là tất cả. Nhưng có còn hơn không. Muốn đào sâu ý nghĩa hơn nữa thì phải quảy trên vai mấy ngàn đôi giày để tầm cầu Đạo Sư thôi. Ngồi đó mà chờ sung rụng, thì có lẽ đợi đến tháng tám năm (nay là năm 2015) may ra có người sinh tháng tám, hợp tuổi, hợp mạng, hợp cung,… đến kiếm mình mà giảng nói.
Hỏi: Như những gì ông đã cắt nghĩa về Phật Đạo thì Phật Đạo quan niệm như thế nào về đời sau?
Đáp: Phật Đạo rất coi trọng nhân quả, nhân nào thì quả ấy.
- Nếu trong hiện đời, thành tựu nhân vô lậu, thì đời sau sẽ là vô lậu.
- Nếu hiện đời, tâm ý vắng lặng, không muốn đi nữa, không có động lực để đi tiếp, thì người đó sẽ dừng vĩnh viễn.
- Nếu trong hiện đời thành tựu trí tuệ, thì đời sau sẽ là người có trí tuệ. Giống như một người có tiền của, đi từ điểm A để đến các địa điểm B, C, D. người này đi đến đâu cũng là người giàu sang. Nếu một người có tri thức, cho dù đi đến đâu, đời sống có sang hèn, sự hiểu biết của họ cũng không mất đi.
- Nếu một người, không có ý nguyện đi một nơi nào khác, trong tâm cũng chẳng muốn đổi thay, thì người ấy nhất định sẽ ở nguyên tại nơi này...
Vì thế, người tu hành thường hay nói: “Người đời sợ quả, kẻ tu lo nhân”.
---------------------------
- Phát tâm Vô thượng Bồ Đề: Phát tâm thành Phật.
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






