Chữ Hiếu Trong Phật Đạo

 0
Chữ Hiếu Trong Phật Đạo

Hỏi: Phật Giáo chỉ nói đến Giác Ngộ, Giải Thoát và Trí Tuệ. Như vậy, Phật Giáo có chú trọng đến chuyện báo hiếu hay không?

Đáp: Giống như các loại hình học tập ở đời, trong học tập, người ta chỉ nói đến thành tài, nói đến danh vị, nói đến bằng cấp, nghề nghiệp chứ không nói đến báo hiếu. Nhưng một người học hành thành tài, có danh vị, có bằng cấp, nghề nghiệp có phải người này đã ngầm một phần báo hiếu, đền đáp công ơn sinh dưỡng cuả cha mẹ hay không?

Hỏi: Trong cuộc đời người tu hành, Phật Đạo đặt mục tiêu báo hiếu ở vị trí thứ mấy?

Đáp: Báo hiếu là mục tiêu tối thượng, là mục tiêu cao nhất, là mục tiêu số một. Và nó là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc đời người tu hành, theo quan niệm của Phật Đạo.

Hỏi: Xin hãy chứng minh điều mà ngài vừa nói?

Đáp: Ông có nghe chuyện Hoàng Hậu Maya1 vừa sanh Thái Tử 2 bảy ngày, từ một người phàm tục, trở thành Thiên Chúng của cõi Đao Lợi hay không? Thái Tử vừa được sinh ra, sau này lớn lên mới thành Phật, mà đã thực hiện chữ hiếu của mình cao cả như thế. Phỏng xưa nay, ông đã từng nghe qua, ai là người làm được việc hy hữu này hay không?

Hỏi: Đấy là chuyện hy hữu của một Đức Phật, còn chuyện này từ trước đến giờ ngoài Phật đâu có ai làm được?

Đáp: Ông có nghe Mục Kiều Liên là người chứng quả La Hán, một quả vị có thứ hạng thấp của Phật Đạo, Sau khi chứng quả, tức thì dùng đạo lực của mình, lặn lội xuống Địa Ngục để tìm cách cứu mẹ hay không?

Hỏi: Mục Kiền Liên 3 chứng thánh, tuy là thánh hạng thấp. Nhưng người chứng thánh thì ít, hạng chưa chứng thì nhiều. những người chưa chứng, làm sao báo hiếu?

Đáp: Ông có nghe chuyện nàng Quang Mục4, là cư sĩ hạng bình dân, chưa từng chứng một quả vị nào trong Phật Đạo, cho dù đó là quả vị dưới hạng cuối cùng của hàng thánh. đã cứu được mẹ mình ra khỏi Địa Ngục hay không?

Hỏi: Chỉ có ba trường hợp báo hiếu hy hữu này, còn những trường hợp khác thì đâu có thấy làm được những chuyện lớn lao đến vậy?

Đáp: Vì những người tu hành còn lại, đâu người nào có cha mẹ làm nhiều chuyện ác, bị đọa xuống Địa Ngục đâu, mà bắt họ đi cứu.

Hỏi: Tu hành trong Phật Đạo, ngoài cứu cha mẹ, còn các quyến thuộc khác thì thế nào?

Đáp: Chẳng những Hoàng Hậu Maya, sinh mẫu của Đức Phật làm một Thiên Chúng. Vua Tịnh Phạn là thân sinh của Phật, sau khi tạ thế cũng sanh Đạo Lợi Thiên. Kế mẫu của Phật là Kiều Đàm Di 5 chứng thánh, ra khỏi ba cõi. Vợ là Công Chúa Gia Du Đà La cũng chứng thánh, thành bậc Ứng Cúng. Con trai là La Hầu La cũng chứng thánh, thành Đệ Nhất Mật Hạnh. Nguyên dòng họ Thích bị quân của vua Lưu Ly giết sạch cũng sanh Thiên toàn bộ. Ông còn muốn điều gì hơn nữa về chuyện báo hiếu như thế này của Phật Đạo.

Hỏi: Phật Đạo phân chia việc báo hiếu ra thành mấy lớp?

Đáp: Phật Đạo chia việc báo hiếu ra thành bốn lớp.

Hỏi: Bốn lớp như thế nào, xin ngài nói rõ cho tôi hay.

Đáp: Bốn lớp là Tiểu Hiếu, Trung Hiếu, Đại Hiếu và Tối Thượng Hiếu ý nghĩa như sau:

- Lớp Tiểu hiếu: Kiểu này tu hành trong Phật Đạo, nhưng ý chí thấp kém, mong ước nhỏ Làm người của Đạo lớn, nhưng chỉ dám mong ước được báo hiếu như người đời, ví như chuyện ngồi đó khóc măng, đội gạo, hái lê, làm thuê.

Nói chung, báo hiếu theo kiểu Quách Cư Nghiệp 6 đời Nguyên đã viết. Như ông, là bậc làm cha mẹ, có muốn con cái mình sau này báo hiếu cho ông theo “cách thê thảm” đó không? Chắc là không rồi! Đừng nói là có. Nhỡ người đời nghe được, thật xấu danh Phật Tử.

    - Lớp Trung hiếu: Hạng này tuy trong Phật Đạo, nhưng tu hành chỉ để mong ước là người thành tài, ở đời kiếm chút công danh, ngày hai bữa cận kề bên cha mẹ, sáng chiều dâng cơm ngon, mặc áo đẹp, ở nhà Mặc cho cha mẹ, phải chịu nóng bức bởi lửa phiền não, hàng ngày bị cột trói trong ngục tù ba cõi. Tôi hỏi ông, cha mẹ giống người tù chung thân, có món ăn ngon, khi ăn có thấy ngon không, hay là nuốt không trôi, chỉ muốn sớm được ra ngoài, sống trong tự do, ăn dở mặc rách cũng cam.

    Bản thân là cha mẹ, ông có muốn suốt đời mình ở trong nhà tù ba cõi, bị thiêu đốt bởi lửa phiền não, hầu được ăn miếng cơm ngon, mặc chiếc áo đẹp từ sự báo hiếu của con cái, theo kiểu này hay không? Chắc là không rồi. Đừng có nói là có, Phật mà nghe được điều này, chắc Phật buồn lắm.

    - Lớp Đại hiếu: Đây là hạng người tu hành trong Phật Đạo, có ý chí, quyết tu tập để tự thân Giác Ngộ, sớm được Giải Thoát. Vị ấy thành tựu xong, dùng các pháp lành này hồi hướng, cứu cha mẹ thoát khỏi cảnh đốt thiêu bởi lửa phiền não. Trong một niệm biến ngục tù tam giới thành Niết Bàn, đời này, đời sau vĩnh viễn an

    Là một người làm cha, làm mẹ thấy con cái mình theo Phật, thành Bậc Ứng Cúng, là vị đủ tài đức, hơn hẳn mọi thứ tài đức trong ba cõi, người người có gặp cùng không gặp, đều chắp tay cung kính, lễ bái, ngợi khen. Con cái thành tựu đạo quả và báo hiếu trong ý nghĩa thắng diệu này.

    Đã là Phật Tử ông muốn làm điều này cho cha mẹ mình hay không?

    - Lớp Tối Thượng Hiếu: Đây là hạng tu hành trong Phật Đạo, có trí tuệ lớn, đủ năng lực thừa kế sự nghiệp của Đức Phật.

    Khắp nhân loại này, cho dù người trong đạo, kẻ ngoài đạo, người thương, kẻ ghét. trong lòng đều cung kính xưng tán công đức, trí tuệ của vị ấy. Ngoài chuyện, báo hiếu cho cha mẹ, quyến thuộc hiện đời, cha mẹ những đời trước và tất cả chúng sinh, nếu học hành theo Giáo Pháp của Phật do vị này truyền dạy, nhất định toại nguyện.

    Phàm làm cha mẹ, ông có muốn con mình thành tựu Trí Tuệ và báo hiếu cùng khắp theo như những gì Đức Phật dạy hay không? Đã là Phật Tử, chắc ai cũng mong muốn.

    Thế đấy, Phật Đạo chia việc báo hiếu ra làm bốn thứ lớp trước sau như vậy. Ông muốn mình và con cái thuộc lớp nào, để sau này thực hành báo hiếu?

    Hỏi: Xin hỏi, những việc báo hiếu như vậy, chỉ nghe có ông nói. Trước nay, chưa thấy người tu hành nào nói như thế?

    Đáp: Có rất nhiều người tu hành trong Phật Đạo nói như thế từ xưa đến nay, chỉ tại ông chưa đủ duyên để được nghe mà thôi.

    Vả lại, Phật Đạo là pháp tối thâm u, tối thắng diệu. Ông và những người tầm thường như ông, nếu tự hiểu ra được những đạo lý thâm ảo này, hóa ra Phật Đạo là thứ triết lý chỉ ngang bằng sức suy nghĩ của một kẻ tầm thường như ông hay sao?

    Hỏi: Nếu nói rằng, Phật Đạo có năng lực báo hiếu thắng diệu nhường ấy. Tại sao người tu hành, sau khi người thân qua đời, lại không trực tiếp đi cứu như Phật, như Mục Kiền Liên, như Nàng Quang Mục, mà phải thỉnh Tăng cầu siêu?

    Đáp: Nguyên nhân người tu hành thỉnh Tăng cầu siêu cho cha mẹ sau khi qua đời là vì:

    Vị đó, tuy tu hành trong Phật Đạo, nhưng chưa đến mức biết người thân của mình qua đời đang ở đâu, nên họ báo hiếu bằng cách nhờ Tăng đến trợ giúp. Nếu rủi ro người thân xuống Địa Ngục thì Tăng trợ giúp để ra khỏi đó. Người thân may mắn được sanh các cõi khác thì sớm Vãng Sanh, không còn trở lại cõi đời đầy phiền não này nữa.

    Chuyện này đâu có gì là sai mà phải bàn cãi? Như bản thân ông, thân làm con, khi cha mẹ qua đời, tự thân mình không biết cha mẹ nay ở đâu, liệu có lặn lội nhờ vả người khác cứu cha mẹ của mình để tròn đạo hiếu hay không? Hay là cha mẹ chết rồi, đến đâu thì đến; sướng, cực mặc kệ, thân tui tui lo? Làm người như thế, có đáng hay không?

    Tóm lại, tự mình chưa thể cứu được, thì nhờ vả người khác cứu giúp. Được không chưa biết, nhưng việc làm này chí ít cũng thỏa mãn lòng hiếu đạo của người tu hành!

    Hỏi: Nhưng theo tôi, cầu là chuyện rủi may, đâu có biết chắc là được hay không? Mà đã không biết chắc, thì tại sao phải nhờ vả người khác cầu xin điều mình chưa biết chắc?

    Đáp: Tôi chưa thấy trên đời có ai lý luận ngược ngạo như ông. Không biết chắc mới đi cậy nhờ người ta; chứ đã biết chắc, thì tự mình đi cứu, chớ nhờ mà làm chi cho tốn kém, lại phải mang ơn.

    Vả chăng, như Mục Kiền Liên, tuy biết chắc mẹ mình ở đâu, đang làm gì, nhưng một thân một mình không kham nổi, nên phải nhờ công đức của chư Tăng. Giống như có người thấy tảng đá bự bằng con voi giữa đường, muốn dời nó đi, sức mình không làm nổi, thì nhờ thêm nhiều người, chuyện này có gì là lạ mà phải thắc mắc.

    Hỏi: Trong Phật Đạo, dựa trên tiêu chuẩn nào để làm cơ sở đánh giá đời sau của quyến thuộc?

    Đáp: Đâu riêng gì Phật Đạo, ở đời cũng có lắm tiêu chuẩn làm cơ sở đánh giá tương lai của một con người.

    Hỏi: Các tiêu chuẩn của Đạo Phật cụ thể như thế nào?

    Đáp: Phật dạy:

    • Quy y Phật, không đọa địa ngục.
    • Quy y Pháp, không đọa ngạ quỷ.
    • Quy y tăng, không làm súc
    • Giữ năm giới, không mất thân người.
    • Tu thập thiện, được quả báo sanh thiên.
    • Người nhất tâm nhớ nghĩ Phật Quốc, khi bỏ cõi này, Vãng Sanh làm công dân của Phật Quốc đó.
    • Người chứng Tu Đà Hoàn, tệ lắm bảy đời cũng được Giải Thoát.
    • Người chứng La Hán, ra khỏi ba cõi.
    • Người Giác Ngộ, thấy đây là Niết Bàn.
    • Người thành tựu Trí Tuệ, làm thầy trời người.

    Vô số tiêu chuẩn làm cơ sở đánh giá, tại ông không biết đó thôi!

    Hỏi: Người đã quy y Tam Bảo, nhưng sau đó làm thì có bị trừng phạt vì tội lỗi mình gây ra hay không?

    Đáp: Nếu có chịu, sau khi trả xong lỗi ác, thì cái quy y vẫn còn, vì Tam Bảo thường trụ. Giống như một người có cha mẹ làm quan to, vì mắc tội với người khác, nên bị giam cầm. Sau khi mãn hạn, vị thế con của quan to của cha mẹ đâu có mất.

    Hỏi: Ba cõi ở đâu mà tại sao nó có thể giam cầm được người ta?

    Đáp: Ba cõi trong tâm này.

    Hỏi: Tâm vô hình làm sao biết có ba cõi trong đó?

    Đáp: Tâm vô hình nhưng có bóng. Thấy bóng nên biết có ba cõi. Như gió vô hình, nhưng thấy cờ bay, người trí biết ngay ở đó có gió.

    Hỏi: Cái bóng của ba cõi trong tâm, hình dáng như thế nào?

    Đáp:

    - Phiền não là bóng dáng của ba cõi trong tâm.

    - Tham lam là bóng dáng của ba cõi trong tâm.

    - Sân hận là bóng dáng của ba cõi trong tâm.

    - Ngã mạn là bóng dáng của ba cõi trong tâm.

    - Tà kiến là bóng dáng của ba cõi trong tâm.

    - Ngu si là bóng dáng của ba cõi trong tâm.

    Nói chung, ba cõi tuy vô hình nhưng có bóng dáng của nó. Khi nào, trong ông hiện khởi những bóng dáng này, thì biết chắc rằng, mình đang là “công dân ưu tú” của ba cõi. Công dân ưu tú nhất định sẽ được tuyên dương. Ông đã được ba cõi tặng tấm “huy chương hay kỷ niệm chương vì sự nghiệp phiền não” nào chưa?

    Hỏi: Như vậy, những lúc không hiện các bóng dáng nói trên, mình đã ra khỏi vô minh ba cõi rồi chăng?

    Đáp: Mọi chuyện đâu có dễ dàng như thế?

    Giống như trong tối thì không thấy một bóng hình nào cả... Nhưng bước ra ngoài sáng, lập tức hình với bóng của ta xuất hiện.

    Vì thế, “Khi nào, cho dù ở ngoài sáng hay trong bóng tối, cũng không một chút bóng dáng của ta hiện hữu. Lúc đó mới biết chắc, bóng dáng vô minh của ba cõi hoàn toàn tịch diệt trong tâm thức này ”.

    ------------------------------

    1. Hoàng hậu Maya: vợ vua Tịnh Phạn, mẹ của Thái tử Tất Đạt Đa.
    2. Thái Tử: ở đây chỉ Thái tử Tất Đạt Đa.
    3. Mục Kiền Liên: là người nước Ma Kiệt Đà, một đệ tử giỏi thần thông nhất của Đức Phật.
    4. Nàng Quang Mục: tên nữ cư sĩ xuất hiện trong Kinh Địa Tạng.
    5. Kiều Đàm Di: sinh trưởng ở nước Câu Ly, bà là em gái của hoàng hậu Hai chị em cùng lấy vua Tịnh Phạn. Bà là ni trưởng đầu tiên của nhà Phật.
    6. Quách Cư Nghiệp: là một học giả đời nhà Nguyên (Trung Quốc). Ông là người biên soạn cuốn “Nhị thập tứ hiếu” kể về 12 tấm gương hiếu thảo nổi tiếng.

    Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

    Thích Thích 3
    Không thích Không thích 0
    Yêu Yêu 0
    Buồn cười Buồn cười 0
    Tức giận Tức giận 0
    Thất vọng Thất vọng 0
    Ấn tượng Ấn tượng 0
    Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG