Các Cảnh Giới Trong Phật Đạo

 0
Các Cảnh Giới Trong Phật Đạo

Hỏi: Hôm qua, khi chia tay, về suy ngẫm lại những điều đã được nghe, tôi có một chút thắc mắc trong lòng, xin giải thích giùm để tự thân sáng tỏ.

Đáp: Có thắc mắc gì, ông cứ việc hỏi.

Hỏi: Lúc đàm đạo, tôi có nghe nói, khi Ngũ Tổ tiễn Lục Tổ ra đi, kề tai nói nhỏ: “Ai có cái cục kiến tánh đó sẽ làm thầy của cõi trời và cõi người”. Xin hỏi, làm thầy của người, thì nghe còn có lý, còn trời ở trên cao, làm sao lên đó được mà làm thầy?

Đáp: Sao ông biết trời ở trên cao?

Hỏi: Thì người ta vẫn nói thế. Ví dụ như người ta thường nói “trời cao, đất thấp”.

Đáp: Ông là người có tu tập, tụng đọc kinh điển của Phật, sao lại giữ quan niệm như người đời? Ở đời, người ta có quan niệm, trời thì ở trên cao, trên đó có thiên nữ bay liệng như chim, muốn gì được nấy. Còn người trần gian thì ở dưới đất, phải làm lụng vất vả để có cái ăn. Địa ngục thì ở sâu dưới đất, đào vài trăm thước chưa đến, tối ngày dầu sôi lửa bỏng. Người đời quan niệm như vậy, ở đây chúng ta không bàn đến chuyện đúng hay sai. Nhưng đã là người tu hành trong Phật Đạo, mà cũng giữ quan niệm như thế, thì làm sao nghe cho thông được.

Hỏi: Như vậy, Phật Đạo giải thích như thế nào về những cảnh giới (trời người) đó?

Đáp: Như tôi đã nói ở những phần trước, bất kỳ cảnh giới nào, Phật Đạo cũng chỉ nhắm nói đến thân tâm này, không nói ra ngoài. Ông có bao giờ nghe câu: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” chưa?

Hỏi: Tôi đã từng nghe nhiều lần câu này, nhưng ý nghĩa của nó thế nào thì tôi không rõ. Xin giải thích giùm.

Đáp: Tam giới duy tâm có nghĩa rằng: Trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh gì… Phật dạy: “Cũng do tự tâm này mà có…”. Vạn pháp duy thức có nghĩa rằng: Hết thảy các quan niệm đều do hiểu biết mà thành… Những ai còn tâm (dù tâm đó thanh cao vô cùng), những ai còn niệm (dù quan niệm đó là tốt nhất), muốn Thanh Tịnh, muốn Giác Ngộ, muốn Giải Thoát, muốn có Trí Tuệ đều phải cầu Phật Đạo.

Vì thế mới nói, ai được cái cục đó thì làm thầy của cõi trời và cõi người. Vì rằng, cũng theo lời Phật dạy: “Tất cả các thứ tâm đều vô thường, vô thường nên hết vui thì đến khổ”.

Tất cả các pháp đều do thức biến hiện, do thức biến hiện nên không phải là ngã, vì không phải là ngã nên chẳng bền chắc, chẳng bền chắc vì thế bản chất nó không thật, không thật nên chỉ đúng với nơi này sai với nơi kia. Đúng với nơi này sai với nơi kia thuộc về tỷ lượng, mà đã thuộc về tỷ lượng thì chẳng thuộc về chân lý. Cho nên, cái gì vô thường, vô ngã nhất định không thể đưa đến rốt ráo an vui.

Hỏi: Quan niệm “thiên”, theo Phật Đạo nhằm chỉ cho những thứ tâm nào?

Đáp: Thiên, theo Phật Đạo chia làm nhiều hạng, nhưng tựu trung có

ba.

  • Hạng thứ nhất gọi là “Phước sanh thiên”, tức là những người tâm thức chứa toàn thiện nghiệp. Do vì tâm thức chứa toàn thiện nghiệp, nên phước đức đầy đủ. Phước đức đầy đủ vì thế muốn gì được đó, đời sống vui vẻ. Được như vậy, Phật Đạo gọi là “Phước sanh thiên”.
  • Hạng thứ hai: “Định sanh thiên”, tức là những người, do có tu tập thiền định, nên tâm hay sinh hỷ lạc, thân thường được khinh Lấy hỷ lạc khinh an, làm đời sống. Hạng này Phật Đạo gọi là “Định sanh thiên”.
  • Hạng thứ ba: “Trí sanh thiên”, tức là những vị có Giác Ngộ, được Trí Tuệ Vô Lậu, nhưng vì thương tưởng chúng sanh, các vị này không cầu Giải Thoát, ở lại ba cõi kề cận chúng sanh để giúp họ thành tựu đạo nghiệp. Tuy thân các vị ấy ở trong ba cõi, nhưng tâm vắng lặng, trí thấu thoát, không chung cùng tâm trí phàm phu. Phật Đạo gọi hạng đó là “Trí sanh thiên”.

Cho nên, khi nghe Phật Đạo nói đến “thiên”, phải biết những lời này nhằm chỉ đến các cảnh giới nào trong tâm thức, chứ không nhằm nói đến các loại thiên như người đời quan niệm.

Hỏi: Phật Đạo quan niệm như thế nào về địa ngục, súc sinh?

Đáp: Hạng nào tâm thức chứa toàn nghiệp ác, Phật Đạo ví tâm thức của hạng đó là “tâm thức địa ngục”. Hạng ngu si, tâm trí mờ tối, hạng này Phật Đạo ví như súc sinh.

Hỏi: Vì sao trong kinh Phật thường miêu tả chư thiên thì bay liệng trên không, địa ngục thì dầu sôi lửa đốt?

Đáp: Những lời đó Phật Đạo gọi là dùng “quyền” để hiển “thiệt”. Những lời như vậy, do người trí hóa hiện ra cái không thật (quyền) để dẫn dụ kẻ mê hướng đến cái thật (đời sống tốt đẹp). Ví như, có người nói rằng: “Người nào biết thương người, hay giúp đỡ kẻ khốn cùng thì được làm tiên”.

Người kia hỏi lại: “Tiên là như thế nào?”. Người này bèn dùng lời quyền, nhằm dẫn dụ, để kẻ kia ham thích cái phi thường mà thành người tốt, bèn nói rằng: “Tiên là những người ở trên trời, sống lâu đến muôn tuổi, bay liệng như chim, muốn gì được đó”. Người kia nghe những lời như vậy, ham ưa thích thú, vì thế thường hay thực hành thiện pháp, từ bỏ ác nghiệp.

Đọc kinh mà không biết rõ ý nghĩa, chẳng phân biệt được lời nào là quyền, lời nào là thiệt, thì cho dù có đọc bao nhiêu kinh điển, hiểu biết cũng chẳng khác gì người đời.

Vì thế, Phật căn dặn: “Khi chép kinh, phải mở đầu bằng câu “Tôi nghe như vậy ”, tức là tôi nghe nói như vậy, chứ chẳng phải tôi được thấy như kia”. Phần lớn người tu hành, miệng thì đọc tôi nghe như vầy, mà trong tâm trí lại cầu thấy như kia. Tối ngày nghĩ tưởng chuyện trên mây, cho nên không thể hiểu được diệu lý của kinh điển cũng tại lý do này.

Hỏi: Nếu nói rằng “tâm thức chứa toàn thiện nghiệp, nên phước đức đầy đủ, phước đức đầy đủ vì thế muốn gì được đó, đời sống vui vẻ, hạng như vậy, Phật Đạo gọi là “Phước sanh thiên”. Nhưng thực tế trong đời, tôi thấy có rất nhiều người thường hay đi chùa lễ bái, giúp đỡ người nghèo, siêng năng làm chuyện phước thiện mà sao cuộc đời của họ khổ nhiều hơn vui, lại thường gặp chuyện không may?

Đáp: Cái quả có được hôm nay, là do nhân ngày trước đã gieo. Cái nhân mới gieo hôm nay, thì ngày sau sẽ hái quả. Giống như trước đây anh trồng ớt, trồng chanh, thì hôm nay anh hái được trái chua, quả cay. Hôm nay anh trồng lúa, trồng xoài, thì ngày sau anh có gạo lại thêm quả ngọt. Vì thế, hôm nay anh trồng lúa, nhưng hái toàn là ớt thì phải biết cái quả này chẳng phải của nhân lúa hôm nay, mà nó do cái nhân ớt trước đây anh trồng. Vì thế trên đời, cũng có những người hiện tại chuyên làm thiện mà hay gặp chuyện không vui, người kia làm ác mà đời sống đầy đủ, nhân quả trước sau chẳng phải cũng tương tự như vậy hay sao?

Hỏi: Hôm qua ông có dạy tôi hai câu hỏi để thăm dò người Kiến Tánh là thật hay giả. Về nhà, tôi suy ngẫm ý nghĩa của hai câu đó. Mới nghe qua, chúng thì có vẻ rất đời thường, lại mang đậm chất hài hước, chỉ tưởng để nói chơi hơn là nói thật. Nhưng càng suy ngẫm, tôi thấy ý vị của hai câu hỏi này không tầm thường, ẩn chứa nhiều sâu xa. Nếu một người không thật sự có kiến tánh mà chỉ tự xưng thì nhất định sẽ bị hai câu hỏi đó vây hãm, không thoát ra được. Giống như người chơi cờ, nhìn vào thế trận quân chủ lực bị hao, xét toàn cuộc lại còn thua nước.

Xin hỏi hai câu hỏi đó nhằm hướng người nghe đến điều gì trong Phật Đạo?

Đáp: Chuyện tưởng như hài hước hôm qua, mà ông cũng để tâm và cảm nhận được ý vị của nó. Theo tôi, những người như vậy, nội tâm sâu sắc, lý trí bén nhạy, tâm ý này không phải của hạng tầm thường. Mong rằng ngày sau, ông có thể lãnh hội được cái thâm u của Phật Đạo.

Câu hỏi thứ nhất, Phật Đạo gọi là “tồi tà hiển chánh môn”.

Đây là dạng câu hỏi đặt ra để phá nát tà kiến, dựng cờ Chánh Đạo. Nếu người đó trả lời được, kiến tánh dùng để làm gì thì cơ hội Kiến Tánh của người này rất cao, trong đương cơ nhất định sẽ có cách giúp anh ta đạt thành ước nguyện. Còn nếu không biết, trả lời vòng vo như gà mắc tóc, thì biết hạng này chỉ toàn chạy theo danh tướng, khó bề Giác Ngộ chứ đừng nói chi thể nhập Đại Đạo.

Còn câu thứ hai, Phật Đạo gọi là “đoạn mê khai giác môn”.

Câu này nhằm hướng người ra khỏi mê muội của phàm phu, siêu xuất cộng nghiệp, đưa tâm trí vào Chánh Đạo. Nếu trả lời được câu này, người đó trong giây phút hiện tiền có thể lìa phàm hiển thánh.

Trong đương cơ, nhất định sẽ có cách giúp kiểu người này tìm ra lối thoát, hướng tâm ý đến “Bất Cộng Phàm Phu”, “tồi tà hiển chánh môn” 1 và “đoạn mê khai giác môn”2 nằm trong “Tứ Thập Nhị Pháp Môn” của “Nhất Thiết Trí Môn”.

Nếu có duyên lành, ngày sau nhất định tôi và ông sẽ đi chung đường, chúc ông tinh tấn, thăng tiến trên con đường trí tuệ.

 ---------------------------

  1. Tồi Tà Hiển Chánh Môn: là Pháp môn phá nát tà kiến, xiển dương chánh kiến.
  2. Đoạn Mê Khai Giác Môn: là Pháp môn giúp người hết mê lầm, mở ra con đường giác ngộ.

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 1
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG