Ba Mươi Bảy Phẩm – Tứ Niệm Xứ – Tâm Niệm Xứ

 0
Ba Mươi Bảy Phẩm – Tứ Niệm Xứ – Tâm Niệm Xứ

Tâm là phạm trù rộng lớn. Thuật ngữ tâm trong Phật giáo có tính trừu tượng thường khó cụ thể hóa bằng một hình tượng nhất  định, nhưng nó lại được đề cập rất nhiều và hầu như là tư tưởng chủ đạo trong toàn bộ hệ thống giáo lý đại thừa.

Nói đến Phật giáo người ta nghĩ ngay đến tâm, thậm chí tu hành trong Phật giáo người ta liên tưởng đến tu tâm. Những cụm từ như “tu tâm dưỡng tánh”, “minh tâm kiến tánh”, “tâm phiền não”, “tâm an vui”, vọng tâm”, “định tâm”, là những câu nói thường nhật nhằm biểu thị điều gì đó đối với người tu hành.

Chữ tâm trong Phật giáo có một ý nghĩa đặc biệt, nó không đứng độc lập nhằm chỉ một tấm lòng như chữ tâm của thế gian, mặc dù ít nhiều nó cũng có chứa đựng hàm ý này, ví dụ như nói đến phát tâm.

Trong tạng Nikaya rất ít đề cập đến thuật ngữ tâm, khi chỉ tâm Phật lại nói đến bốn ấm là thọ tưởng hành thức. Đây là cách phân chia để cụ thể hóa tính chất của một vấn đề cho người tu hành dễ nhận biết.

Cho đến khi kinh Phương Đẳng ra đời như Thủ Lăng Nghiêm, Kim Cang, bây giờ tâm mới được đề cập như một đối tượng chính mà người tu hành cần phải nhắm đến để giáo dục.

  • Một loạt khái niệm mới về tâm xuất hiện như vạn pháp duy tâm”, “pháp an tâm”, “Niết Bàn diệu tâm”, “phàm tâm”, “thánh tâm, và chữ ‘tâm’ bây giờ được coi như một chỉnh thể chủ đạo chi phối mọi hoạt động của chúng sanh. Muốn thăng hoa đời sống tu hành, thoát ra khỏi mọi mối hiểm nguy, tâm là đối tượng chính cần được xem xét.
  • Như vậy có thể hiểu đối với thừa Bồ Tát ‘tâm’ là mục tiêu cần giáo dục. Vì sao Bồ Tát cần phải chuyển hóa tâm này?

Như những phần trước đã đề cập, nhu cầu thoát ly sanh tử của Thanh Văn được coi là bức thiết. Để giải quyết nhu cầu này Phật dạy Thanh Văn dùng pháp yểm ly, yểm ly trực tiếp thân ngũ ấm hầu mong thoát khỏi ba cõi. Một khi thân được yểm ly triệt để, nếu thân này biến hoại thì những đau khổ về thân giảm nhẹ.

  • Khi báo thân đã mãn, mong muốn thân sau không hiện khởi, đời sống của một chúng sanh chấm dứt. Cho nên khi chứng quả, Thanh Văn tuyên bố về thân rốt sau như một tuyên ngôn từ chối ba cõi: “Thân này là thân rốt sau, không còn trở lại đời sống ngu si này nữa,” và đây là thông điệp xác chứng sự không tồn tại của một chúng sanh.
  • Bồ Tát thì không như vậy, đối với họ có thân hay không thân, thân tốt hay thân xấu, tồn tại ở cõi này hay ở cõi khác không là vấn đề, cho dù mang thân nào, sống ở đâu miễn tâm thanh tịnh thì mọi thứ tốt đẹp.
  • Cũng chính quan niệm này giúp Bồ Tát không cầu thoát ly tam giới, không rời bỏ chúng sanh, thậm chí có những Bồ Tát phát nguyện chung sống với những chúng sanh có đời sống tồi tệ nhất để thành toàn hạnh nguyện. Đây cũng là con đường Phật khuyến khích và khen ngợi.
  • Quan niệm “chỉ cần tâm thanh tịnh” mới nghe qua có vẻ giản đơn, nhưng thực chất đây là một khái niệm khôn ngoan và dõng mãnh. Khái niệm này hàm ý từ bỏ mọi thứ xét thấy không cần thiết và làm cản trở đời sống tu hành mà người đời muốn từ bỏ nó là cả một quá trình phấn đấu.

Cho nên Bồ Tát thừa đặt nặng vấn đề thanh tịnh nguồn tâm hơn là phải chọn lựa cảnh giới, không phải không có lý của nó. Thậm chí đối với Phật đạo nó được coi như chánh lý giúp giải quyết vấn đề công hạnh, một trong những thành tố làm nên Vô Thượng Bồ Đề.

  • Như vậy TÂM là gì? Thật khó có thể chỉ ra cái gì thật sự là tâm, bởi khi nói đến tâm là nói đến cái không thực thể.

Người ta chỉ cảm nhận được tâm thông qua tính chất sau cùng của nó như: Giận, thương, ưa, ghét, buồn, vui. Một thứ tình cảm nào đó biểu hiện thái độ đối với sự việc sự vật. Những tình cảm này tồn tại một thời gian rồi mất đi nhường chỗ cho tình cảm mới xuất hiện, đây là biểu hiện vô thường nhân nơi cảnh mà có. Phật giáo gọi đó là phàm tâm, cụm từ “quán tâm vô thường” để chỉ thứ tâm này.

  • Phàm tâm’ chỉ là hiệu ứng của ba duyên hòa hợp, căn trần thức phối ngẫu cho ra hiệu ứng này. Hiệu ứng này lại không đồng nhất giữa hai cá thể cùng một loài, điều này dễ bắt gặp đó là đồng một sự việc nhưng hai người tiếp xúc lại có hai thứ tình cảm khác nhau. Ví dụ như xác chết giữa ngã tư đường, người thân buồn rầu, kẻ thù vui mừng.

Phật giáo chỉ ra rằng sở dĩ có sự khác biệt này là vì giữa hai người nghiệp quả sai khác. Do nghiệp quả sai khác nên cho ra hai thứ tâm sai khác, từ đây Phật giáo lại cho ra một thuật ngữ mới đó là “tâm nghiệp.” Phàm tâm hay tâm nghiệp chỉ là hiệu ứng nhất thời của ba duyên hòa hợp. Nó là kết quả của sự thấy biết sai lầm từ nghiệp thức, nên có thể kết luận: ‘Chúng sanh không có tâm’, nếu có chỉ là sự cảm nhận chủ quan từ tiền cảnh, Phật giáo gọi đó là “bóng dáng tiền trần.”

Vì mê nhiều đời lầm tưởng đó là tâm, giống như người mê phim ảnh, người coi phim và nhân vật trong phim thực tế không có sự liên hệ nào cả, nhưng vì mê nhân vật hư cấu mà người coi phim tự đặt mình vào vị trí vai diễn, dần dần nhập vai và hòa mình vào diễn tiến câu chuyện, cứ như thế hỷ nộ ái ố có mặt. Thì tâm và tiền cảnh cũng vậy, tiền cảnh không dính dáng gì đến tâm, nhưng vì mê tiền cảnh, tâm bị tiền cảnh níu kéo. Muốn có được (sở hữu) tiền cảnh ‘ngã sinh’, ngã quay lại chấp thủ tiền cảnh ‘tâm sanh’.

Cứ thế ‘tâm cảnh’ và ‘ngã’ chấp thủ lấy nhau như hình với bóng, chấp thủ không được phiền não xuất hiện, trong phiền não lại thấy dường như có tâm. Nếu bình tâm, đứng ngoài vòng lẩn quẩn này mới cảm nhận tâm ngã kia chẳng thiệt có, cái không phải tâm tưởng lầm là tâm, cái không phải ngã tưởng lầm là ngã.

Thật ra đó chỉ là sự ức niệm nào đó Phật giáo gọi là đảo tưởng, giống như con mắt bị nhặm thấy đèn có quầng. Để không bị thấy biết hư dối làm hại, Phật dạy đối với tâm này người tu hành phải quán nó vô thường, vô thường vì bởi có cảnh mới sanh, không nên chạy theo, nếu chạy theo sẽ sinh các món phiền não.

Phiền não che đậy gọi là lậu hoặc, mà lậu hoặc chưa sạch thì không thể thấy bổn tâm thanh tịnh. Kinh Kim Cang Phật giản trạch rất rõ điều này: “Bất ưng trụ sắc sinh tâm, bất ưng trụ thinh hương vị xúc pháp sinh tâm, ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.”

Đây là lời khuyến cáo chớ chạy theo trần cảnh để sinh tâm khác, một thứ tâm xa lạ tràn đầy lậu hoặc che mờ bổn tâm (thanh tịnh tâm), một thứ tâm hư dối mà chỉ có chúng sinh ngu mê mới có.

  • Như vậy bổn tâm hay thanh tịnh tâm là tâm nào?

Thật ra tâm hư dối vừa khảo sát phần trên và bổn tâm thanh tịnh không phải hai món, giống như bóng tối và ánh sáng, khi không có đèn gọi là tối, đốt đèn lên thì chỗ tối đó là ánh sáng, bóng tối chẳng chạy đi đâu, ánh sáng không từ đâu lại. Tối và sáng chỉ là một thể, chấp thủ tiền trần thì tâm hư dối, rời bỏ tiền cảnh thì tâm thanh tịnh.

Hư dối không chạy đi đâu, thanh tịnh không từ đâu lại, hư dối hay thanh tịnh cũng chỉ một tâm.

  • Từ nguyên lý này thuật ngữ “giác ngộ” ra đời, có nghĩa muốn ngộ bổn tâm phải giác cái mê.

Giác ngộ là giải pháp tối ưu để Bồ Tát thừa giải quyết vấn đề, giải pháp này thiên về trí tuệ. Nó hàm chứa một sự thấu suốt sâu thẳm bắt nguồn từ nội tâm dõng mãnh, sẵn sàng đứng ngoài mọi tình cảm tầm thường của thức nghiệp, không bị chi phối bởi ông chủ ngã tướng hư ảo. Như người cầm dao tự chặt đầu mình, trước khi đầu bị chặt có người cầm dao có đầu bị chặt, đến khi đầu rơi thì mọi thứ “bất khả tư nghì.” Đoạn kinh sau mô tả cách giải quyết vấn đề:

 “Ni Duy Ma Cật nói:

-Ni Xá Lợi Phất! Vả chăng người cầu pháp, thân mạng còn không tham tiếc, huống chi là giường ngồi. Vả chăng người cầu pháp không phải có sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà cầu; không phải từ ấm giới nhập mà cầu; không phải có dục giới, sắc giới, vô sắc giới mà cầu.

Ni Xá Lợi Phất! Vả chăng người cầu pháp không đắm trước nơi Phật mà cầu, không đắm trước nơi Pháp mà cầu, không đắm trước nơi chúng  (Tăng) mà  cầu. Vả  chăng  người  cầu pháp không thấy khổ mà cầu, không đoạn tập mà cầu, không đến chứng diệt, tu đạo mà cầu. Vì sao? – Vì pháp không hý luận. Nếu nói: Ta phải thấy khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo, đó là hý luận không phải cầu pháp.

- Ngài Xá Lợi Phất! Pháp là tịch diệt, nếu thật hành pháp sanh diệt là cầu pháp sanh diệt, không phải cầu pháp. Pháp  là không nhiễm, nếu nhiễm nơi pháp cho đến Niết Bàn, đó là nhiễm đắm, không phải cầu pháp. Pháp không chỗ làm, nếu làm nơi pháp, đó là chỗ làm không phải cầu pháp. Pháp không thủ xả, nếu thủ xả pháp, đó là thủ xả, không phải cầu pháp. Pháp không xứ sở, nếu chấp trước xứ sở, đó là chấp trước nơi xứ sở không phải cầu pháp. Pháp không có tướng, nếu nhân tướng mà biết, đó là cầu tướng không phải cầu pháp. Pháp không thể trụ, nếu trụ nơi pháp, đó là trụ nơi pháp không phải cầu pháp. Pháp không thể thấy, nghe, hay biết, nếu làm theo thấy, nghe, hay, biết, đó là thấy nghe hay biết không phải cầu pháp. Pháp là vô vi, nếu làm hữu vi là cầu hữu vi không phải cầu pháp.

Vì thế, Ngài Xá Lợi Phất! Nếu người cầu pháp, đối với tất cả pháp, không có cầu đến.

Khi ông Duy Ma Cật nói lời ấy rồi, năm trăm vị Thiên tử ở trong các pháp được pháp nhãn thanh tịnh.”[[1]]

Tóm lại tâm niệm xứ là cột trụ của Bồ Tát, nếu như Thanh Văn dùng thánh pháp yểm ly thân để chứng thánh đế vào thánh quả giải thoát, thì Bồ Tát giác ngộ nguồn tâm vào chân đế thấy ba cõi chính là Niết Bàn thanh tịnh. Tâm niệm xứ ra đời giải quyết nguồn mê, dứt mê mọi pháp đồng  trở về bản  nguyên  của nó. Đã là bản nguyên thì pháp tự nó vô sở hữu chẳng phải chỗ cầu mà được, đã không cầu được thì bỏ được chăng? Nếu còn cầu còn bỏ thì tự điều này đã cách xa chân giáo.

[[1]] Trích kinh Duy Ma Cật -Thích Huệ Hưng dịch.

(còn nữa)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG