Khái Niệm Nghiệp

 0
Khái Niệm Nghiệp

PHẦN III. MỘT SỐ KHÁI NIỆM LIÊN QUAN ĐẾN "THIỀN"

Phật giáo có rất nhiều khái niệm, mỗi khái niệm được coi như một cửa vào đạo, đã là cửa thì phải có lối vào và có đóng mở, hiểu sai là tự đóng bít cửa vào. Vì thế khái niệm càng minh bạch thì cánh cửa vào đạo sẽ mở dễ dàng.

Ở đây chỉ nêu một số khái niệm có liên quan đến người tu thiền, không tham vọng nói hết mọi vấn đề và cũng không đào sâu đến nơi đến chốn, vì bởi đào sâu đến nơi đến chốn thì khái niệm không còn là khái niệm.

I. KHÁI NIỆM NGHIỆP

Khái niệm nghiệp trong Phật giáo rất rộng, tất cả mọi hoạt động của thân khẩu ý đều có liên quan đến nghiệp và bị nghiệp chi phối, nghiệp có nghiệp chung và nghiệp riêng.

Nghiệp chung để chỉ mối tương quan giữa cá nhân và cộng đồng còn gọi là cộng nghiệp.

Biệt nghiệp hay nghiệp riêng là nói đến cái riêng của từng cá nhân.

Ví dụ con người và những gì chỉ thuộc cá nhân là biệt nghiệp, nhân loại và những gì nhân loại đang tiếp cận là cộng nghiệp của biệt nghiệp người.

Nghiệp chung và nghiệp riêng không tách rời nhau và không nhất thiết chịu chung quy luật thiện ác như nhau, những gì có tính chất tốt đẹp là thiện nghiệp và ngược lại là ác nghiệp.

Ví dụ trong một trận lũ lớn, mọi gia đình đều bị thiệt hại nặng, được coi như ác hay bất thiện nghiệp tùy mức độ thiệt hại, nhưng đồng thời có những người tận dụng cơ hội đó dùng thuyền chở mướn kiếm được nhiều tiền hơn bình thường, tuy có chịu chung nghiệp lũ lụt (ác) nhưng bản thân lại được điều tốt lành (thiện). Vì thế khái niệm nghiệp khó mô tả hoàn toàn, chỉ có thể tự cảm nhận, nhưng dù thiện hay ác Phật giáo đều gọi chung đó là nghiệp.

Khi nói đến nghiệp, Phật giáo muốn nói đến sự ràng buộc hoặc hữu hình hoặc vô hình nào đó tác động trực tiếp lên một chúng sanh hoặc cộng đồng chúng sanh đó, và đưa ra biện pháp giúp chúng sanh này thoát khỏi sự ràng buộc trên theo tinh thần Phật giáo gọi là thoát nghiệp hay giải thoát.

Và thực tế người tu hành nào cũng sợ nghiệp, nhất là nghiệp ác. Vì thế chủ trương tăng thiện nghiệp để hóa giải ác nghiệp được đông đảo Phật tử chấp nhận, biện pháp này gọi nôm na là giải nghiệp. Nghiệp ác như nước muối, nghiệp thiện như nước ngọt, thêm nhiều nước ngọt thì nước mặn sẽ ngọt dần.

Trong đạo giải thoát biện pháp này chỉ mang tính đối phó tạm thời, không phải biện pháp căn cơ giúp thoát ra khỏi trói buộc của nghiệp.

Trong thâm sâu Phật giáo quan niệm dù nghiệp thiện hay nghiệp ác cũng đều là thứ ràng buộc đối với giải thoát, vì thế Phật giáo không chủ trương dừng lại ở Thiên thừa.

  • Về nguyên tắc muốn thoát ra khỏi nghiệp phải biết cơ chế vận hành của nghiệp, biết rõ cơ chế vận hành thì việc tìm phương tiện thoát ra khỏi cơ chế này sẽ khả thi.

Nói đến nghiệp là nói đến tiến trình tổng quát của cỗ máy nghiệp vận hành. Cỗ máy này được vận hành qua nhiều công đoạn mới hình thành, tuy nhiều công đoạn nhưng có bốn công đoạn chính mà cỗ máy nghiệp phải trải qua nếu thiếu một trong bốn công đoạn này thì nghiệp không thành tựu.

  • Thậm chí khi nghiệp thành tựu Phật giáo chỉ ra thành tựu này có thể thay đổi vì Phật giáo biết chắc nghiệp chỉ là hiệu ứng của mê và nó vô thường. Vô thường nên có thể dừng và chỉ là kết quả của mê nên không thật, không thật thì có thể thay đổi.
  • Bốn công đoạn của nghiệp đó là: Nhân, duyên, quả, báo. Trong giới tu hành hay gọi là: Nghiệp nhân, nghiệp duyên, nghiệp quả, nghiệp báo.

Nghiệp nhân có thể hiểu như đem hạt giống về nhà;

Nghiệp duyên như đem hạt giống gieo trồng và thực hiện các kỹ thuật canh tác;

Nghiệp quả tương tự như giai đoạn đơm hoa kết trái;

Nghiệp báo là các tính chất có được của quả (trái) như ngọt, đắng, lớn, nhỏ, tốt, xấu.

Thấu suốt cơ chế vận hành của nghiệp nên Phật giáo tận dụng sự hiểu biết này làm vô hiệu hóa thành tựu của mỗi công đoạn. Giống như biện pháp canh tác, hạt giống được canh tác tốt sẽ cho ra kết quả tốt và ngược lại từ nhân đến quả sẽ không thành.

  • Bốn công đoạn trên là tiến trình từ nhân đến quả gọi là nhân quả. Như vậy có thể hiểu nghiệp chỉ thành tựu khi nào viên mãn yếu tố nhân quả.

Hiểu nghiệp theo cách vừa nêu giống như trồng cây thì có thể dừng từng công đoạn để cây không ra trái, tức không thành quả báo. Nếu lỡ đem hạt giống về nhà mà không đem hạt giống này trồng tỉa thì hạt giống vô dụng;  nếu trồng tỉa rồi nhưng ngưng chăm sóc không tưới nước bón phân hạt giống không thể nảy mầm; nếu đã nảy mầm mà không đủ duyên tăng trưởng thì chờ ngày hoại diệt; khi đủ duyên kết trái nếu kỹ thuật canh tác đúng khoa học, dùng kỹ thuật cao có thể làm cho trái này thay đổi tính chất của nó, giống như người ta bơm thuốc cho trái cam chua thành ngọt.

Nói chung, từ ‘nhân’ đến ‘quả’ phải trải qua thời gian, trong thời gian này nếu hiểu biết sẽ làm ‘chậm’ hoặc ‘dừng hẳn’ sự vận hành của cỗ máy nghiệp.

• Nhân hay hạt giống (chủng tử)

Luôn thuộc quá khứ, cho dù việc vừa mới xảy ra nhưng khi ý thức về nó thì sự việc đã thuộc niệm trước, chỉ là hiện tại nhớ nghĩ. Vì chúng sanh niệm niệm không dừng như dòng nước chảy, vừa tác niệm thì niệm này trôi theo quá khứ, không một ai có thể đem quá khứ về hiện tại, giống như chiêm bao khi thức dậy chỉ là sự nhớ nghĩ cho dù giấc chiêm bao này có ảnh hưởng như thế nào.

Vì vậy Phật dạy các pháp như mộng, khi ý thức tiếp cận pháp thì pháp này thuộc niệm đã qua như giấc chiêm bao.

Phân tích vòng đời của một chúng sanh Phật chỉ ra vòng đời này gồm 12 công đoạn duyên cho nhau nên có tên 12 nhân duyên.

  • Trong kinh Phật chỉ ra rằng vô minh, hành, thức, danh sắc thuộc nhóm ‘nhân quá khứ’, kinh gọi là tiền tế, có nghĩa là thuộc về mé trước (quá khứ tâm hay niệm trước).
  • Một trong ngũ triền cái là hối quá, tức nhớ nghĩ hối hận chuyện đã qua làm tâm yếu ớt, Phật dạy người tu thiền phải từ bỏ hối quá thì thiền mới sanh. Không truy tìm quá khứ chính là hình thức giúp người tu hành an tịnh nơi hiện tại.

• Duyên

Là những tác nhân làm cho hạt giống nảy mầm và tăng trưởng thuộc về hiện tại. Hiện tại có gieo trồng chăm bón thì mầm mới lớn lên thành cây, do đó để dừng nghiệp phải ý thức hiện tại đang mê, không để thân khẩu ý thi vi tạo tác.

  • Trong 12 nhân duyên các khâu: Xúc, thọ, ái, thủ thuộc về hiện tại, kinh gọi là trung tế.

Vì thế Phật thường dạy người tu hành trong hiện tại phải hộ trì các căn, dừng tâm phân biệt, không chạy theo cảnh duyên để dừng xúc đối hay khác hơn phải minh xúc, tức luôn luôn sáng suốt khi thân căn tiếp xúc nội pháp hoặc ngoại pháp.

  • Khi xúc dừng thì thọ dừng, hoặc quán thọ để dừng ái, quở trách ái để không nắm giữ gọi là vô xúc, vô thọ, vô ái, vô thủ.

Duyên có nhiều thứ, duyên gần gọi là thân cận duyên, duyên xa gọi là duyên duyên, duyên ngoài gọi là sở duyên. Tất cả mọi duyên đều phải dừng vì hiện tại đang mê, các pháp có thấy có biết đều là ảnh tượng của nghiệp thức nên Phật dạy các pháp như ảnh, như hưởng, như vang, như bóng.

Biết vậy kẻ có trí không chạy theo ảnh tượng hư dối, không chạy theo thì các duyên tự dừng. Tóm lại dừng các duyên là hình thức không giúp nghiệp đủ duyên thành quả, việc làm này phải thực hiện ngay trong hiện tại đang mê này.

• Quả hay trái.

Là kết quả viên mãn một pháp thuộc vị lai, hiện tại dừng các duyên vị lai quả sẽ không hiện. Như cây không tưới nước bón phân thì ngày mai cây không ra quả, vị lai không thật có vì nó chưa đến, chỉ là thức giong ruổi tìm kiếm nơi không hoặc chưa có tưởng là có.

Vị lai thuộc về pháp tưởng, Phật ví như huyễn ảo, giống như nhà ảo thuật nơi không có bồ câu mà làm thành bồ câu, ảo pháp này chỉ làm mờ mắt dối gạt kẻ vô trí lầm tưởng thiệt có sự tướng.

  • Trong 12 nhân duyên các chi: Hữu, sanh, lão, tử thuộc hậu tế. Vị lai chưa đến nên không thể đem vị lai ra tu hành hay sửa đổi vì cái chưa thành hình thì lấy gì để sửa. Dứt mong cầu vị lai cũng chính là cách giúp người tu hành hiện tại dừng duyên để an trú trong chánh niệm.

• Báo.

Là tính chất của quả, báo có báo lành báo dữ. Trên thực tế đã hiện quả thì khó mà thay đổi tính chất của quả, tuy nhiên không nhất thiết như vậy.

  • Phật giáo biết rõ các pháp không tánh, chính yếu tố không tánh của các pháp đã giúp Phật giáo giải quyết nan đề quả báo. Giải quyết nan đề này bằng cách làm thay đổi tính chất của một pháp hiện hữu. Bản lai các pháp không tánh chỉ do duyên mà các thứ tánh giả tạm hiện ra, ví như nước gặp duyên nóng thì thành tánh nóng, gặp duyên lạnh thì tánh nó là lạnh.

Các thứ tánh chúng sanh thấy được chỉ là kết quả của mê lầm và vô thường, vì thứ tánh chúng sanh thấy chỉ là giả tánh nên tánh này có thể thay đổi, tức dừng các duyên trả pháp về bản nguyên không tánh của nó.

Bởi nếu các pháp tánh thật có thì tánh ấy là thường, nếu thường thì không thể thay đổi được.

  • Nếu chúng sanh có tánh thì chúng sanh này vĩnh viễn là chúng sanh, khổ đau có tánh thì khổ đau không thể chấm dứt, nhưng thực tế khổ đau tự hết.

Do thấu triệt nguyên lý này, cho dù nghiệp đã thành quả vẫn có thể thay đổi tính chất hiện tại của nó. Phật pháp lý giải được vấn đề nên mới giúp chúng sinh có điều kiện tu hành.    

Cũng từ lý giải này chỉ ra rằng ‘thân chúng sinh là quả nghiệp’, tu hành chỉ có thể ‘thay đổi tính chất bên trong là tâm’.

  • Vì thế chúng sanh này có tu hành thành thánh thì cũng không thể mọc cánh tay thứ ba hay cái miệng thứ hai. Chứng thánh giống như thứ bình cũ thay đổi loại rượu bên trong mà dân gian gọi là “bình cũ rượu mới”. Vì thế ngài Xá Lợi Phất khi chứng quả thường nói: “Con từ miệng Phật sanh”.

Hay câu nói bất hủ của Ương Quật Ma La: “Tôi từ ngày được thánh pháp sinh ra đến nay, chưa sát hại một chúng sinh nào,” mà thật ra trước khi gặp Phật, Ương Quật Ma La đã bị ngoại đạo xúi dục giết gần 100 người.

  • Điều này cũng nói lên vì sao ngài A Na Luật bị mù mắt lại có được thiên nhãn thấy khắp mười phương, nhưng khi xỏ kim vá chiếc y phải nhờ đến Phật. Quả nghiệp không thể đổi chỉ thay đổi nhãn lực bên trong, tức là thay đổi bản chất thấy nghe suy nghĩ từ phàm thành thánh chứ không phải thay đổi thân này.
  • Trong đau khổ cũng vậy, Phật giáo chỉ giải quyết phần khổ bên trong của ‘tâm’, tức là có đau mà không khổ, chúng sanh đau khổ chịu cả hai; đau thuộc về ‘thân’ phần này có y học giải quyết.

Chuyện kinh kể rằng ngài Xá Lợi Phất đang ngồi thiền bị con quỷ đánh vào đầu, ngài Mục Kiền Liên thấy được hỏi ngài Xá Lợi Phất có kham chịu nỗi không, ngài Xá Lợi Phất nói tuy rất đau nhưng tôi có thể kham nhẫn được. Tuy đã chứng thánh nhưng thân vẫn phải chịu đau khi duyên tác động, do đó đừng nên hiểu lầm tu hành khi chứng quả ‘thân’ như cây cỏ vô tri.

Đoạn kinh sau Phật dạy đệ tử vượt qua khổ thọ bằng cách chế ngự tâm:  “Tỳ Kheo ấy nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, các ác, bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.”[[1]]

Tóm lại khái niệm ‘nghiệp’ không đơn giản, Phật giáo tuyên nói nghiệp quả không chỉ để giới thiệu một kiến thức, mà giúp người tu hành biến kiến thức này thành cửa vào đạo gọi là pháp môn.

  • Mỗi thứ Phật đề cập đến đều giúp chúng sanh mở cánh cửa Niết Bàn. Nghiệp hay nghiệp quả là hành động của thân khẩu ý ngay trong mỗi người tu hành, nếu muốn đóng cánh cửa nghiệp, mở cửa Niết Bàn phải hiểu biết tường tận về nó.
  • Không điều gì Phật vô cớ nói ra và không điều gì Phật nói ra không chỉ cách giải quyết, chỉ vì người tu hành có chịu tìm hiểu tư duy đúng chánh lý hay không.

Tìm hiểu cặn kẽ nhất định có cửa vào, cho nên Phật dạy người tu hành phải đủ bốn pháp: Văn, , tu, huệ là vậy.

[[1]] Trích kinh An Trú Tâm –HT. Thích Minh Châu dịch.

(còn nữa)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG