Ý Nghĩa Hai Chữ Bồ Tát

Rồi Ả nói:
Thưa Lão Sư!... Tiểu nữ trước đây thường hay mơ ước, phải chi mình có nhiều tiền chừng vài trăm triệu đặng bố thí cho thỏa thích. Vì thế tiểu nữ thường hay mua vé số... nhưng chưa thấy trúng... Không biết tiểu nữ suy nghĩ như vậy có lỗi gì không? Xin Lão Sư từ bi mà khai thị cho tiểu nữ...
Lý Tứ cười ha hả rồi nói:
Cô Nương ơi!... Cô Nương!... Đã mong ước sao không mong ước luôn thể vài trăm tỷ cho nó đã. Tội gì mong ước lặt vặt vài trăm triệu mai mốt xài hết rồi lại mơ ước nữa. Cứ thế làm hoài có phải là nhọc công hạ sách hay không... Ha ha ha ha... Còn cô hỏi tôi:
Mong ước như vậy có lỗi gì không? Xin thưa với Cô Nương, mong ước có tiền vì lòng tốt và có tiền bằng cách trúng số, thì mong ước này đối với ba cõi chẳng lỗi gì hết... Thậm chí đáng vỗ tay hoan nghênh... Nhưng…
Điều này với Bồ Tát đạo thì coi là có lỗi. Lỗi vì trong Bồ Tát đạo, móng tâm tức tâm không thanh tịnh. Không thanh tịnh là gốc của mọi thứ sai... “Muốn được” là chướng giải thoát vì chưa “vô sở cầu”. “Muốn có” là còn vọng tâm vì chưa “vô sở đắc”... Vì thế, tốt nhất “có nhiêu cho nhiêu, cho hết thì thôi”…
⁎ Trong đạo Bồ Tát, móng tâm đồng nghĩa phạm lỗi... Chỉ cần móng tâm liền sai, chẳng luận tham nhiều hay tham ít... Vì thế, giới Bồ Tát gọi là giới tánh... Có nghĩa lấy thanh tịnh tâm làm giới, cái gì làm tâm này mất thanh tịnh đều coi là phạm...
⁎ Khác với Thanh Văn thừa, lấy một xu tội khác một tiền, lấy một tiền tội khác năm tiền... Cái này gọi là giới tướng... Tức Thanh Văn “tùy vào mức độ sai phạm mà xử lý”... Có nghĩa nhân nơi tướng sai phạm mà luận tội...
⁎ Vì thế Thanh Văn có Luật mà Bồ Tát thì không...
Bồ Tát chỉ nói đến phạm hay chẳng phạm, chứ không đem luật ra mà bàn cãi... Tôi nói như vậy, Cô Nương có thông cảm hay không?
Thất Muội cười bẽn lẽn rồi lí nhí trong miệng: Con hiểu!... Con hiểu!... Từ đây chẳng nên móng tâm cho dù tâm thiện!...
Thất Muội lại nói:
Thưa Lão Sư!... Tiểu nữ nghe nói trong thời kỳ đầu, Đức Phật không cho người nữ tu hành trong Phật đạo. Phải đợi đến thời gian sau khi ngài A Nan khẩn cầu, Thế Tôn mới cho Di Mẫu của mình và phụ nữ tu hành. Và cũng tại có người nữ trong giáo pháp mà chánh pháp phải rút ngắn còn năm trăm năm. Vì sao như vậy? Xin Lão Sư giải thích cho tiểu nữ... Tiểu nữ cũng là phụ nữ nên muốn giải tỏa chuyện này trong lòng... Xin lão Sư đừng cười đàn bà nhiều chuyện...
Lý Tứ cười nói: Cái gì mà đàn bà nhiều chuyện!... Chưa thông thì hỏi.
⁎ Phật dạy, một trong những kiết sử đó là “Nghi”. Khi chưa rõ điều gì phải hỏi cho ra lẽ. Trong lòng dứt mối nghi thì tu hành mới dễ dàng...
⁎ Theo tôi, nói rằng thời kỳ đầu, Phật không cho người nữ tu hành là không đúng, mà chỉ là Phật chưa sẵn sàng chấp nhận người nữ xuất gia trong giáo pháp của mình...
⁎ Theo cá nhân tôi, sở dĩ có chuyện như vậy là vì, thời đó giai cấp thống trị Sát Đế Lợi và giai cấp tế tự Bà La Môn cũng như văn hóa Ấn Độ không coi trọng người nữ. Nếu cho người nữ làm Tăng trong khi họ và quần chúng chưa hiểu nhiều về giáo pháp sẽ gặp bất lợi. Mà lúc này Phật giáo rất cần sự ủng hộ của hai giai cấp này cũng như quần chúng... Nếu giáo pháp trong thời kỳ còn phôi thai, mọi người chưa cảm thông mà bị chỉ trích thì sẽ không ổn...
Sau đó khi A Nan khẩn cầu, thấy đã đủ duyên, Phật mới đồng ý cho người nữ xuất gia, nhưng phải chịu phép “bát kính” và ràng buộc nhiều hơn về giới luật tất có lý do, và cũng không ngoài một phần ý nghĩa như tôi đã nói...
⁎ Chứ chẳng phải Phật không coi trọng người nữ, vì đối với Phật, mọi người bình đẳng...
Tôi còn nhớ, trong kinh có kể chuyện, khi Phật nhận ông Ni Đề là người thuộc giai cấp hạ tiện làm Tăng, tức thời bị vua A Xà Thế chất vấn...
Nam nhân của giai cấp Thủ Đà làm Tăng mà còn bị chất vấn như thế, hà huống nữ nhi... Cũng giống như xưa kia, một thời phụ nữ không được tham gia quân đội, hoặc một số vị trí trong xã hội là do hoàn cảnh nhất định của lịch sử và văn hóa địa phương... Nhưng không nhất thiết chuyện này mãi mãi như vậy...
Đây chỉ là suy nghĩ của cá nhân tôi, có thể suy nghĩ này chưa thỏa đáng. Khi nào thuận tiện Cô Nương có thể gặp các cao Tăng nhờ họ giải thích thêm... Hoặc ở đây, có vị nào kiến giải tốt hơn, xin mời lên tiếng...
⁎ Còn chuyện vì sao có người nữ xuất gia tu hành, giáo pháp phải mất đi năm trăm năm thời chánh pháp. Thì cũng theo cá nhân tôi, đây là lời huyền ký của Phật. Mà đã là lời huyền ký thì chẳng thể luận bàn... Bởi lẽ…
⁎ Phật nói như vậy thì nó như vậy, lý do rất khó biết... Ví dụ như Phật thọ ký một vị nào đó đời nào đó làm Phật... Theo tôi, lời huyền ký này chỉ có Phật biết, sức của tôi đây chẳng thể biết được... Tôi cũng nghĩ, Phật đạo không phải nhất nhất đều có thể bàn luận lý giải, vì có nhiều lý do. Một trong những lý do đó là:
⁎ Phật trí khác, phàm trí khác... Có những điều Phật biết, chúng ta không biết, đây cũng là lẽ đương nhiên...
Vả chăng, lời Phật là thiệt ngữ, có nghĩa khi Phật tuyên nói như vậy thì sự việc nhất định phải xảy ra như vậy. Còn nguyên nhân như thế nào thì rất khó thấy rất khó biết... Nếu Phật không nói ra chẳng có ai biết được...
Ví dụ chuyện khu rừng bị cháy lúc Phật và Tăng đoàn trú ngụ... Cả khu rừng bị cháy chỉ có nơi Phật và tăng đoàn đang ở không cháy...
Sau đó thấy sự việc lạ, các đệ tử hỏi nguyên nhân. Do có hỏi nên Phật mới kể là: “Nhiều kiếp trước Phật đã chú nguyện cho nơi này không cháy...” nên nay không bị cháy!... Nguyên nhân này Phật không tự miệng nói ra thì không ai có thể biết được...
Vì thế, trong năm cảnh giới[1], có cảnh giới gọi là: “Như Lai tự đáo cảnh giới...” ra khỏi nghĩ bàn của thế thường...
Thưa các vị!... Trong Phật đạo, cái gì chưa thông thì nên tìm hiểu trong phạm vi có được để thông. Cái gì tôi biết thì tôi chia sẻ cùng các vị. Cái gì tôi chưa biết mà có vị nào đã biết thì hãy nói cho mọi người cùng nghe cùng được lợi ích. Cái này gọi là “Lợi hòa đồng quân, Ý hòa đồng duyệt”. Không nên giấu giếm chỗ chưa thông cũng như kiến thức của mình... Vì tất cả các điều hôm nay tôi và các vị có biết được cũng đều là Phật pháp, tức của Phật nói ra, mình may mắn học được, chẳng phải của riêng mình tự biết... Lại nữa, tu hành trong Phật đạo cần nhất là chân thật. Cái gì biết thì nói tôi biết. Cái gì chưa biết thì nói chưa biết. Không phải mọi thứ đều biết như Phật. Vì thế chẳng ai chê trách cái chưa biết của mình...
Một khi ai hỏi điều gì mà mình chưa biết thì nói rằng cái này tôi chưa biết, tôi sẽ học hoặc tìm hiểu thêm... Đừng nên cưỡng cầu nói cái không biết, giải thích với người một điều mà mình chưa biết rõ, vô tình sẽ làm hại người. Tự hại mình thì không sao... nhưng hại người là việc không nên... Lại càng không nên dối với người tu hành trong Phật đạo... Phật đạo chỉ chê trách những người không biết mà cố nói, tài khôn dạy người. Làm như vậy chẳng khác gì người đời, khó lòng thành tựu pháp vô ngã... Thất cô Nương!... Những điều cô hỏi, hiện nay tôi chỉ biết có thế, chưa nghĩ ra ý nghĩa nào tốt hơn, xin Cô Nương hoan hỷ...
Bây giờ Lão Nhị mới lên tiếng:
Thưa Lão Sư!... Cái biết của Lão Sư thật là chân chánh và cái chưa biết của Lão Sư cũng rất chân chánh... chúng con nguyện học cái chân chánh này... Thưa Lão Sư!... Trong Phật đạo, nên hiểu về hai chữ Bồ Tát như thế nào mới đúng. Ở đời có rất nhiều người sẵn sàng đem tài sản của mình cho người... làm nhiều điều phước thiện... Không biết những người như thế có phải là Bồ Tát, và có được coi là Bồ Tát hay không. Con vẫn phân vân, xin Lão Sư giải thích giùm...
Lý Tứ ngẫm nghĩ một hồi rồi nói:
Thưa các vị!... Muốn minh bạch điều này, trước nhất chúng ta phải xác định ý nghĩa hai chữ Bồ Tát theo quan niệm chánh thống của Phật giáo.
⁎ Theo tôi hiểu, Bồ Tát là Phạn ngữ, Bồ Tát tức cách viết gọn của hai chữ Bồ Đề và Tát Đỏa, có nghĩa Giác Ngộ Hữu Tình... Ý nói đây là những người tự mình đã giác ngộ diệu lý và giúp người giác ngộ diệu lý... Trong Phật đạo, những ai làm được điều này đều gọi chung là Bồ Tát...
⁎ Như vậy, mục tiêu của Bồ Tát là sau khi mình giác ngộ còn phải giúp người giác ngộ. Chính vì vậy mà Phật dạy rất nhiều ý nghĩa thâm u cho Bồ Tát. Những lời dạy này nhằm giúp cho Bồ Tát biết phải làm gì mới đúng, trên tinh thần của một Bồ Tát theo yêu cầu Phật đạo... Nếu chiếu theo nghĩa này mà nói, thì người nào dùng phương tiện gì nhằm hoàn thành mục tiêu giúp người hoặc bây giờ hoặc sau này giác ngộ diệu lý, đều gọi chung là Bồ Tát...
Trong đời không ít người có lòng tốt, biết giúp đỡ người khác, biết chia sẻ quyền lợi, biết vì mọi người, có khi sẵn sàng xả thân... Nhưng không phải vì mục đích cho người giác ngộ diệu lý, mà vì một lý do riêng tư nào đó thì còn phải coi lại...
Theo quan niệm thế gian, thông thường hễ ai có lòng tốt, bao dung độ lượng... thì họ cho rằng người này có tâm Bồ Tát. Nói rằng làm như vậy là Bồ Tát không có gì sai, nhưng Bồ Tát trong ý nghĩa này hoàn toàn thuộc về quan niệm của người thế gian... Thế gian hiểu theo nghĩa thế gian, Phật đạo hiểu theo nghĩa Phật đạo. Cũng là chữ Bồ Tát, nhưng không đồng nhất trong cách hiểu là nguyên nhân như vậy.
Thưa các vị!... Chỉ có hai chữ Bồ Tát mà vì sao phải cắt nghĩa dông dài, tỷ mỷ như vậy... Các vị thử nghĩ xem, Phật thuyết pháp cũng mượn văn tự ngữ ngôn của thế gian mà nói. Vì thế xét trên phương diện từ ngữ thì thế gian và đạo không khác nhau, nhưng ý vị ẩn chứa trong đó mỗi thứ lại có phần riêng của mình. Vì thế cũng văn tự đó nhưng người tu hành phải hiểu theo ý nghĩa Phật dạy mới biết lời kinh nói gì. Nếu cứ hiểu từ ngữ Phật giáo theo như cách hiểu thế gian thì không rốt ráo được lý lẽ của nó... Thậm chí có khi sai lệch rất xa về mặt ý nghĩa...
⁎ Như hai chữ Bồ Tát, thế gian hiểu không sai, nhưng người tu hành muốn làm Bồ Tát mà hiểu như vậy nhất định không ổn. Bởi lẽ hiểu như thế gian làm Bồ Tát không cần gì phải tu phải học, chỉ cần có tấm lòng là được... Nhưng thưa các vị!...
Trong Phật đạo chỉ một tấm lòng thôi chưa đủ, mà đòi hỏi đã là Bồ Tát ngoài tấm lòng, còn phải thấu suốt một số vấn đề nhất định của Phật đạo. Nếu không như vậy thì chẳng thể giải quyết phần mình, cũng chẳng giúp người giác ngộ diệu lý.
Giống như thấy người chết đuối, trong tâm muốn cứu người đó nhưng tự mình không biết bơi lội, cũng chẳng có phương tiện tốt thì phỏng có cứu người được không? Hay là cả hai cùng chết chìm...
Trong kinh Đại Niết Bàn Phật cũng có ví dụ về chữ Tiên Già Bà... Đồng một chữ này mà người lính hiểu nó là cây gươm, người nội trợ hiểu chữ này là muối, người hầu hiểu đó là tấm chăn, người giữ ngựa hiểu là con ngựa... Mỗi người có cách hiểu riêng. Nếu hiểu không đúng hoặc người này hiểu cách của người kia thì nhất định sẽ hỏng việc...
Cho nên đã là thuật ngữ thì điều rất cần là phải hiểu đúng. Nếu hiểu như cách ở đời thường hiểu, thì còn gì gọi là thuật ngữ... Mà Phật đạo có vô số thuật ngữ như vậy, xin các vị hiểu cho...
Lão Nhị lại lên tiếng:
Lão Sư đúng là mỗi mỗi phân minh, đã hiểu thì phải hiểu đến nơi đến chốn... Nếu chỉ qua loa mà cho rằng như thế là đủ thì sẽ không có nhiều lợi ích. Anh em chúng con từ xưa đến giờ, vì thiếu cái cặn kẽ này mà đọc kinh tuy nhiều, nghe giảng không ít... rốt cùng nếu không may mắn gặp Lão Sư thì chẳng khác chi người đời... Vẫn cứ loay hoay trong cái hạn hẹp của chấp nhất, chưa thông lại tưởng đủ...
[1] Nếu thêm Kiến và Tâm (phàm phu cảnh giới) thì tổng là bảy. |
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






