Xa Ma Tha

 0
Xa Ma Tha

Nếu như pháp Tam Ma Đề dùng huyễn giác để ngộ bổn tâm, thì pháp Xa Ma Tha ngược lại dùng chân ngộ để dừng huyễn giác. Pháp Tam Ma Đề thuần túy tiệm tu thì pháp Xa Ma Tha gần với đốn ngộ.

Vì vậy muốn tu pháp Xa Ma Tha phải dựa trên cơ sở giác ngộ triệt để. Độ sâu giác ngộ để tu pháp này tương đương với thanh tịnh tâm tức đã thấy căn nguyên hư vọng. Phần việc còn lại là y nơi cái thấy thanh tịnh lóng trong vọng niệm. Khi vọng niệm đã lắng trí tuệ phát sanh.

- Trí tuệ phát sanh tâm tư vắng lặng, chỗ vắng lặng tịch nhiên này gọi là Xa Ma Tha.

Sở dĩ pháp Xa Ma Tha không được gọi là đại ngộ, cũng chưa gọi là đốn tu bởi người tu pháp này tuy giác ngộ triệt để nhưng phải đợi vọng niệm lóng trong. Giống như gió cảnh đã dừng nhưng sóng biển chưa lặng. Khi lặng rồi mới hốt nhiên nhận ra sóng ấy tức nước, nước với sóng chẳng phải hai. Bây giờ mới được gọi đại ngộ.

Khi nói người tu pháp Xa Ma Tha phải giác ngộ triệt để, nói triệt để nhưng vì còn giác nên chỉ triệt để trong phạm vi của giác. Vì thế giác ngộ này có chừng ngằn, thuật ngữ thiền lý thú và chính xác ở chỗ người giác ngộ dù sâu đến đâu cũng kẹt phần giác. Vì kẹt phần giác nên phải tu, mà đã có tu thì nửa khắc cũng chưa được gọi là đốn. Khi ngộ rồi mới biết giác kia chẳng phải ngộ.

Chữ đốn ngộ có cái hay của nó là đốn ngộ hay đại ngộ không hề có chữ giác, nếu còn nửa chữ giác thì chưa phải là đốn.

Từ giác đến ngộ giống như thấy ly nước. Thấy rõ ly nước nhưng vị nóng lạnh ngọt đắng của nước chưa nếm qua, khi nếm qua rồi thì không còn gì nghi ngờ. Chỗ không còn gì nghi ngờ thiền ngữ gọi là ngộ. Người giác ngộ để tu pháp Xa Ma Tha giống như ly nước trước mặt, phải uống mới biết mùi vị, biết rõ mùi vị gọi là Thiền Na.

- Đoạn kinh Phật định nghĩa "pháp Xa Ma Tha".

“Này Thiện nam! Nếu các Bồ Tát ngộ được Viên Giác thanh tịnh rồi, thì y theo tâm Viên Giác thanh tịnh này mà giữ cái hạnh yên lặng và lóng các vọng niệm. Khi các giác quán vọng thức phiền động đã lặng rồi, thì trí huệ thanh tịnh phát sanh. Lúc bấy giờ cái thân tâm hư vọng sanh diệt như khách và nhiễm ô như bụi này, từ đây diệt hết.

Khi đó trong nội tâm của hành giả sanh ra vắng lặng và nhẹ nhàng thư thới (tịch tịnh khinh an) nên chư Phật trong mười phương thế giới đều hiện ra trong tâm của hành  giả, rất rõ ràng như bóng hiện trong gương. Phương tiện tu hành như thế, gọi là ‘Xa Ma Tha’.”[[1]]

Trong hai kinh Thủ Lăng Nghiêm và Viên Giác đều đề cập đến pháp Xa Ma Tha. Theo định nghĩa trong đoạn kinh trên, Xa Ma Tha là “giữ cái hạnh yên lặng.” Như vậy, có thể hiểu đây là pháp tu định hoặc chỉ. Tức là dùng sức giác ngộ để chỉ tâm dừng mọi vọng niệm, không phải ức chế để tâm dừng, cũng không phải đem tâm duyên một sở pháp để tâm không lăng xăng.

Tất nhiên người tu thiền nào cũng muốn dừng vọng niệm. Vì ai cũng biết vọng niệm là gốc của mọi nguy hại trên con đường tiến tu, và cũng biết vọng niệm không thể tự dừng, trừ những vị giác ngộ sâu trong Phật đạo.

Vì thế hầu hết người tu hành đều tìm mọi biện pháp có được. Trong lúc chưa giác ngộ và chưa biết phải làm gì, biện pháp hay dùng đó là niệm Phật hoặc quán sổ tức.

Hai cách thông dụng này tuy chưa phải tối ưu nhưng có lợi là khi thực hành có thể tạm chế ngự một số vọng tâm, và không rơi vào tà nẻo. Sở dĩ không rơi vào tà nẻo vì tuy chưa thấu suốt, nhưng người tu hành chọn đúng pháp được Phật cho phép. Hai pháp này nằm trong ngũ đình tâm quán, một cách điều tâm trước khi vào thiền.

Như người lạc vào rừng sâu nhiều ngày đói lả, lượm quả chín ăn tạm, do phước đức quả chín này không độc, không độc tạm thời có thể cứu đói. Nhưng lâu dài không thể thay thế cơm cháo, nên nói tạm thời không rơi tà nẻo.

Hai pháp trên khi thực hiện có thể giữ tâm tạm dừng vọng tưởng hạn chế phiền não. Tâm tạm dừng không có nghĩa tâm này rốt ráo giải thoát dứt sạch phiền não. Phiền não chỉ dứt sạch khi nào trí tuệ thanh tịnh phát sanh. Có một số người tu hành dùng các biện pháp bức ngặt tâm ý. Như nhìn đốm sáng hoặc quán một cái gì đó không được Phật thọ ký trong kinh cho đó là thiền. Khi tu như vậy dẫn đến hậu quả tai hại là không kiểm soát được hành vi thì hãy coi lại.

Bởi Phật giáo là đạo trí tuệ. Tức phải biết chắc vì sao làm điều này, làm điều này vì cái gì và kết quả ra sao, dựa trên nguyên lý nào cho ra kết quả này? Nói chung dừng tâm là việc cần làm nhưng không dừng theo cách mê tín không có cơ sở.

Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật có cảnh báo việc trụ tâm không đúng pháp như sau: “Người trụ tâm một chỗ nói rằng dứt vọng tưởng, ta bảo đó là kẻ vọng tưởng.”

Trong Thập Lục Quán kinh, Phật có dạy bà Vi Đề Hi 16 pháp quán tưởng theo thứ lớp, vật tưởng được chỉ định. Tưởng vào đó để định tâm, nhằm làm chuyển biến tâm nghiệp. Trong các thứ lớp quán tưởng này, mỗi lớp đều có ý nghĩa đặc biệt, công dụng đặc biệt, và giá trị đặc biệt.

Đây là trình tự được Phật chỉ định, trong điều kiện người thính pháp đã đủ công đức để nhiếp tâm.

Trì Phật chú cũng là biện pháp một số ngưòi dùng để an tâm. Thường người trì chú ngoài việc làm cho an tâm như một pháp an tâm, còn vì phát nguyện thực hiện hay muốn thành tựu một điều gì đó, mỗi bài chú có một công năng đặc biệt. Vì sao làm điều này được điều kia, chỉ có bậc thấu suốt nhân quả và ý nghĩa các tự môn như Phật mới biết được. Trong các bài chú Phật cũng có nói rõ công năng từng chú. Do đó quán tưởng hay trì chú cũng là các pháp tạm dùng để định tâm. Công dụng như thế nào đã được Phật chỉ rõ khi tuyên nói các pháp này.

Trong kinh Phật cũng dạy khi tâm đang phiền não không được tu định, mà phải dùng trí tuệ quán cho tiêu phiền não, phiền não tạm không khởi mới tu định.

Phật cũng dạy, người làm nhiều ác nghiệp, lớn ác tâm, khi quán hoả đại, phép quán thành tựu, hoả đại sẽ quay lại thiêu đốt thân tâm người đó và sa hoả ngục. Do đó muốn tu định, điều tiên quyết là tâm phải không phiền não.

Phật giáo chưa bao giờ dạy người tu thiền dừng vọng niệm khi chưa thật sự giác ngộ. Chưa thật sự giác ngộ mà quyết tâm dừng vọng niệm giống như gói cất nghiệp quả. Khi viên mãn nghiệp quả sẽ hiện.

Nghiệp quả không thể tiêu bằng cách cất trong tủ sắt hay gởi nhà băng mà chỉ tiêu thất khi nào giác ngộ như pháp. Vì thế đạo Phật có tên là đạo giác ngộ. Phật là đấng đại giác chứ không phải là chủ nhà băng. Vì thế không tự mình giữ nghiệp phiền não cũng không bảo người cất giữ.

Chính vì thế tứ diệu đế ra đời. Bốn đế ra đời để dạy cho chúng sanh giác ngộ, biết cách phân tích một pháp theo đúng chân lý và thấy nguyên nhân tại sao tâm phiền não. Biết rõ nguyên lý làm sao dừng phiền não, khi giác ngộ rồi sẽ tự biết làm thế nào để phiền não hay nghiệp không hiện. Thực hiện đúng nguyên lý, việc giác ngộ và tu hành sẽ không gặp khó khăn.

Vì những điều như vậy, nên chưa bao giờ Phật dạy đệ tử tu hành ngay. Tức là không dạy pháp tu trước, mà thuyết pháp đến lúc đệ tử giác ngộ rồi tự biết nẻo vào. Chỉ khi đệ tử không tự biết cách thức, hoặc Bồ Tát vì chúng sanh đời sau tha thiết mong cầu chỉ bày phương tiện tu hành, các vị này mới tạm nói.

  • Và cũng chưa thấy đệ tử nào của Phật ngộ rồi mà không biết cách điều tâm.

Ta thường thấy trong kinh: “Sau khi nghe xong kinh này, vô số người chứng Tu Đà Hoàn, vô số người vào các địa vị khác….” Chưa rời đạo tràng đã chứng, không thấy nói họ làm gì để chứng.

Tất nhiên trong lúc nghe pháp, túc duyên, công đức, căn cơ những vị này đã đủ, đủ túc duyên mới sinh thời Phật, mới nghe Phật thuyết, nghe đến đâu nguồn tâm hướng đến đó. Phật như người khơi dòng, người thính pháp dẫn tâm theo mạch nước pháp mà chảy, điều tâm theo từng câu Phật nói, do vậy khi Phật thuyết xong cũng vừa lúc nguồn tâm đến đích.

  • Người đời trước làm được, đâu vì thế mà đời sau không làm được! Ví như Tổ Huệ Năng, khi nghe “ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm” liền có chỗ vào.
  • Trong khi đó có vô lượng người nghe câu này, có người nghe cả trăm, cả ngàn lần vẫn đứng xa nguồn cội. Tại sao không đặt câu hỏi, Tổ đã nghe câu kinh đó như thế nào, ta nghe câu kinh đó như thế nào? Tổ nghe bằng gì, ta nghe bằng gì? Tổ nghe lấy ý nghĩa nào, ta nghe lấy ý nghĩa nào?

Khi đặt câu hỏi như vậy, mới thấy nhiều vấn đề cần điều chỉnh, như cách đọc kinh, thính pháp, mục đích đọc kinh, nghe pháp. Nếu điều chỉnh hợp lý, đọc kinh hay thính pháp sẽ đưa tâm vào vị trí thích hợp. Hướng tâm theo mạch kinh, nếu đủ túc duyên thì giác ngộ không khó, chưa đủ túc duyên phải tư duy, làm các hạnh lành.

Kinh dạy: “Nầy Thiện Nam Tử! Nếu có người tu tập thân giới tâm huệ như đã nói ở trên, có thể thấy các pháp đồng với hư không, chẳng thấy trí huệ cũng như chẳng thấy người trí, chẳng thấy ngu si cũng như chẳng thấy kẻ ngu, chẳng thấy tu tập và người tu tập, đây gọi là người trí. Người nầy có thể tu tập thân giới tâm huệ. Người nầy có thể làm cho báo địa ngục trở thành quả nhẹ hiện đời: Giả sử người nầy gây tạo ác nghiệp rất nặng, nhờ tư duy quan sát có thể làm cho nghiệp nặng thành nhẹ. Người nầy nghĩ rằng: Nghiệp của ta dầu nặng nhưng chẳng bằng nghiệp lành. Như bông vải dầu nhiều nặng cả trăm cân, nhưng chẳng thể sánh bằng một lượng vàng ròng. Như đem một thăng muối ném vào trong sông Hằng, nước sông không vị mặn người uống chẳng biết. Như người giàu to dầu thiếu người ngàn muôn vật báu cũng không ai bắt bớ làm khổ được. Như đại hương tượng có thể bức dây xích sắt mà đi tự tại. Người trí huệ cũng như vậy, thường suy nghĩ rằng công đức lành của tôi nhiều, nghiệp ác yếu kém, tôi có thể phát lồ sám hối trừ hết tội ác, tôi có thể tu tập trí huệ làm cho sức trí huệ nhiều, sức vô minh ít.[[2]]

Có thể ngay lúc đó hỏi Huệ Năng ý nghĩa văn tự của câu “ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm” là gì?

Huệ Năng chưa chắc đã giải thích trôi chảy, đúng từ điển, lưu loát, có ca có kệ như người đời sau! Chính không lưu loát, chỉ nhằm lấy nghĩa như người ăn mía hưởng dụng vị ngọt từ nước và nhả bã văn tự, nên lợi ích xảy ra tức thì.

Kinh cũng có ví dụ: “Như con nga vương nhúng mỏ vào hỗn hợp hòa tan sữa và nước, con nga vương chỉ hút sữa còn nước thì để lại.” Phật tử chúng ta đã hút được những gì trong kinh điển?

  • Sở dĩ đề cập đến những vấn đề trên vì đây là những vấn nạn người tu thiền hay mắc phải.
  • Những vấn đề này tuy không mới nhưng ít người giải quyết tận gốc, chính không lưu ý giải quyết rốt ráo. Đọc kinh như đọc sách, tư duy kinh như tư duy triết, học kinh như học bài, đời sống thiếu các hạnh lành, phóng dật trong suy nghĩ, đọc kinh với đầy đủ ngã tướng.

Thực tế, đã xảy ra nhiều trường hợp đọc vô số kinh điển, mà ứng dụng chẳng được bao nhiêu, thậm chí không thể ứng dụng và cảm thấy kinh Phật là cái gì đó xa vời, khó hiểu. Cuối cùng tìm cách giải quyết kiến thức bằng con đường lý giải theo thế pháp, hay triết lý. Phật giáo có cách tư duy đặc thù của Phật giáo, không theo quy luật tư duy thông thường thế gian.

Cũng một câu kinh, nếu suy nghĩ theo thế gian sẽ cho ra nghĩa thế pháp. Nếu tư duy theo quy luật Phật giáo sẽ cho ra giác ngộ ứng dụng tu hành.

Do đó cần có căn bản, hiểu đúng giáo lý là điều cần thiết trước khi bước vào nghiên cứu những điều lớn lao trong Phật đạo. Và điều quan trọng bậc nhất của kinh là một bài, một đoạn, một câu đều có chung ý nghĩa.   

Đó là: Làm cho người nghe thanh tịnh tâm năng nghe, làm cho người thấy thanh tịnh tâm năng thấy, làm cho người hay biết thanh tịnh tâm năng hay biết, làm cho hết thảy chúng hữu tình thanh tịnh bản tâm. Văn tự kinh như thứ thuốc chữa năng sở, không phải liều thuốc bổ làm tăng kiến thức.

Kinh Kim Cang Phật dạy: “Nếu có người thọ trì (thấu suốt) kinh này, cho đến một bài kệ bốn câu (thấu suốt rồi) đem giảng cho người khác nghe, thì phước đức lại nhiều hơn người kia (những người đã làm việc bố thí ở đoạn kinh trước). Tại sao? Tu Bồ Đề! Tất cả chư Phật và pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của chư Phật đều từ kinh này ra. Tu Bồ Đề, gọi là Phật pháp, tức phi Phật pháp.

Pháp tu ‘Xa Ma Tha’ được coi là pháp tu khó nhất trong Phật giáo. Đòi hỏi điều giác ngộ phải tỏ tường, người ứng dụng pháp tu này có năng lực trú tâm vững vàng, giới luật không khuyết.

Tuỳ chỗ cạn sâu của tri kiến, trụ tâm vào điều giác ngộ để hướng đến cứu cánh. Công việc trú tâm vào giác là mượn sức huân lắng của cứu cánh để tịch diệt những gì làm ngăn ngại.

Này Thiện nam tử! Nếu có Bồ Tát giữ tâm rất vắng lặng, nhờ sức vắng lặng này, mà đoạn các phiền não, được vĩnh viễn thành tựu rốt ráo tánh Viên Giác, thì vị Bồ Tát ấy lúc bấy giờ chẳng rời chỗ ngồi mà vẫn nhập được Niết Bàn, Bồ Tát tu như thế, gọi là chỉ tu một pháp Xa Ma Tha.”[[3]]

Trong đoạn kinh trên, mới đọc ta thấy gần như mâu thuẫn. Có hai mệnh đề rõ rệt, mệnh đề thứ nhất: “Nếu có Bồ Tát giữ tâm vắng lặng,” mệnh đề thứ hai: “Mà đoạn các phiền não.” Nếu tâm đã vắng lặng thì phiền não đâu ra mà đoạn, nếu có phiền não để đoạn thì sao gọi tâm vắng lặng? Hai mệnh đề này đúng là mâu thuẫn. Chính mâu thuẫn này xuất sinh ra pháp Xa Ma Tha.

Mệnh đề thứ nhất: “Nếu Bồ Tát giữ tâm vắng lặng.” Ở đây ta thấy Bồ Tát cần phải giữ tâm vắng lặng, có nghĩa Bồ Tát đã thấy tâm vắng lặng rồi nhưng không giữ sẽ mất. Vì sao lại mất? Cái gì cướp mất? Xét tột cùng đoạn kinh, Bồ Tát giác ngộ vắng lặng nhưng không thường hằng, nếu thường hằng không cần phải giữ.

  • Như vậy, tâm không giữ được chỉ có tâm năng giác, vì giác bằng năng tâm mới không giữ được cái đã giác. Hễ có năng tất nhiên có sở, như vậy thứ giác ngộ được đó là sở giác. Chính giác ngộ có năng sở nên mới có phiền não để đoạn. Phiền não ở đây là gì? Phiền não ở đây không phải như phiền não của chúng phàm phu, mà do Bồ Tát rõ biết bổn tâm vắng lặng thanh tịnh không năng sở.
  • Tuy đã giác ngộ không năng sở nhưng năng giác, sở giác vẫn còn nên gọi đó là phiền não.

Bây giờ Bồ Tát mượn sức thanh tịnh bổn tâm để huân lắng, làm tịch diệt năng giác và sở giác.

  • Khi năng giác sở giác tịch diệt, kinh gọi: “Được vĩnh viễn thành tựu rốt ráo tánh Viên Giác.” Bồ Tát không rời chỗ ngồi mà được Niết Bàn.

Được Niết Bàn ở đây là thấy được thanh tịnh bổn lai không năng sở, không năng sở nên gọi vô sở đắc. Kinh Kim Cang nói: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai.”

Bồ Tát tu pháp Xa Ma Tha khi đã vào Niết Bàn khó khởi bi tâm, vì duyên chúng sanh và nhân cứu độ đã tịch diệt. Vì thế thập địa ra đời để giải quyết mối tịch diệt này, kinh Hoa Nghiêm gọi là nhập pháp giới.

Tóm lại Xa Ma Tha là pháp tu định hay tu chỉ, nghĩa là giác ngộ tâm thanh tịnh. Lấy thanh tịnh làm chất liệu huân lắng vọng niệm. Giống như bỏ phèn vào nước để nước tự trong. Nếu chưa giác ngộ có thể dùng một trong các pháp đình tâm được Phật khuyến khích như quán sổ tức, quán bất tịnh, quán từ bi, niệm Phật (trì chú), quán hình tượng Phật, Bồ Tát, hoặc bạch cốt quán.

Tuy đây là những pháp quán nhưng có khuynh hướng làm tâm an định, giảm bớt phiền não nhưng phải tụng đọc kinh điển thường xuyên để giác ngộ. Khi nào giác ngộ tâm mới dừng triệt để. Không nên cột tâm vào sở pháp như quán một điểm trong hoặc ngoài thân hay trú tâm vào pháp nào khác để dừng vọng niệm bằng mọi giá. Nếu cố dừng vọng tâm bằng tất cả nỗ lực khi chưa thật sự giác ngộ là tự làm cho nghiệp cô kết mau hiện quả. Vì thế Xa Ma Tha đặt nặng giác ngộ, coi giác ngộ là then chốt đưa đến rốt ráo thanh tịnh tự tâm. Đây là chỉ thú quan trọng của Phật pháp.

[[1]] Trích kinh Viên Giác –HT. Thích Thiện Hoa dịch.

[[2]] Trích kinh Đại Bát Niết Bàn –HT. Thích Trí Tịnh dịch.

[[3]] Trích kinh Viên Giác –HT. Thích Thiện Hoa dịch.

(còn nữa)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG