Về… Các Phép Tu Tìm Cầu… Giác Ngộ, Giải Thoát

 0
Về… Các Phép Tu Tìm Cầu… Giác Ngộ, Giải Thoát

Các bạn! ...  Từ xưa đến nay, đa số những người ra sức dụng công tu tập (hoặc thiền định hoặc chỉ quán), nếu không gặp Phật hoặc Thiện Tri Thức khai ngộ, không thể tự mình ra khỏi pháp giới (giác ngộ hay giải thoát). Đơn cử như ngoại đạo trước thời Phật ra đời, hoặc Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác bỏ công sức 20 năm tu chỉ quán trong câu chuyện Nhất Túc Giác Hoà Thượng (một đêm giác ngộ). Nếu các ngoại đạo này không gặp Phật, hoặc Ngài Huyền Giác không gặp Lục Tổ thì sẽ khó có cơ hội giải thoát hay giác ngộ…Một vài câu hỏi khi trao đổi với một số HĐ được nêu ra, xin gửi đến các bạn để cùng nhau tìm lời giải đáp tốt nhất. Câu hỏi là:

  • CÂU HỎI TCTT 2016/06 – Về... Các PHÉP TU Tìm Cầu GIÁC NGỘ ...

1) Điều gì chính yếu đã ngăn trở nỗ lực tự thân của một hữu tình, cho dù tự thân người đó có cố gắng tu hành cách mấy mà không được sự hỗ trợ (khai thị) của Phật hoặc Thiện Tri Thức, bản thân họ không thể vượt ra khỏi ba cõi, tức chẳng thể giải thoát hay giác ngộ? Có thể cho ví dụ để làm sáng tỏ điều các bạn trình bày.

2) Trong khi đàm luận Phật Pháp với một đối tượng bất kỳ, đặc điểm hay dấu hiệu nào được họ thể hiện trong ý nghĩa của câu nói hay cách nói. Nhân đó bạn có thể nhận biết rằng, người đối diện đang đàm luận với mình, còn kẹt mắc bởi ba cõi, hay vị này đã giác ngộ (hoặc giải thoát)?

Rất mong nhận được những câu trả lời lý thú! (Các bạn thoải mái phân tích, kiến giải, biện luận để làm sáng tỏ vấn đề!) 24-06-2016 

  • GỢI Ý... TCTT 2016/06 – Về “Các Phép Tu Tìm Cầu Giác Ngộ ...”

Trong Phật đạo, trí tuệ là tối thượng. Trí tuệ chính là Phật đạo, Phật đạotrí tuệ. Trí tuệ của Phật đạo sâu không đáy như kinh Đại Niết Bàn mô tả về đại hải. Nếu chúng ta chưa thể lội vào nguồn sâu tối thiểu, thì chuyện đi dần đến nơi sâu nhất là không thể!

Từ trước đến giờ, phần lớn các câu hỏi chỉ khơi dậy mầm tư duy, chưa đụng chạm đến chiều sâu. Và khi cần một chiều sâu tối thiểu, thì hầu như chúng ta chưa bắt kịp. Bước đầu nhằm khơi mào "đánh thức chiều sâu tư duy" của các bạn. Hai câu hỏi vừa rồi, câu số một giúp chúng ta phải tìm cho ra cái gốc (bản chất) của vấn đề để kết luận "tại sao cái ngọn nó như thế". Câu số hai thì ngược lại, nhìn cái ngọn, ta phăng dần để biết được "cái gốc của nó là gì".

Muốn trả lời được hai câu hỏi này, phải đưa tư duy đến chỗ sâu nhất rồi từ đó phân tích, phản biện và tìm ra câu trả lời thoả đáng. Chưa tìm ra bản chất (cái gốc) của vấn đề, mọi kết luận đều chỉ là "gãi ngứa ngoài hia" (hia, một loại giày). Hai câu hỏi kỳ này, là chiếc chìa khoá để mở cửa trí tuệ. Nếu chưa giải quyết được, rất khó để chúng ta có được "thần cảnh trí", vị lai nhằm thâm nhập "tâm thức một hữu tình". Đã không thâm nhập được tâm thức một hữu tình, lấy gì làm cơ sở hoàn thành Bồ Tát Đạo bằng chính chiều sâu trí tuệ?  Các bạn! ...  Hãy cố lên! Rất mong nhận được những câu trả lời có vị mặn đầu tiên của “Đại Hải[[1]]  (26-06-2016)

Xin chúc mừng! HĐ là người đầu tiên đã trả lời thoả đáng hai câu hỏi... Như vậy là bế tắc đã được khai thông. Giống như trong những phút cuối của một trận bóng đá, một tiền đạo lại ghi liên tiếp hai bàn thắng…

  • Câu hỏi số một, mang tính kỹ thuật. Nội dung mình muốn hỏi là: Vì sao hai pháp tu "thiền định chỉ quán" không thể đưa người ra khỏi pháp giới? Chúng ta cần mổ xẻ đến tận cùng bản chất của hai pháp tu này, nhất định sẽ có câu trả lời đúng trọng tâm câu hỏi.
  • Câu hỏi số hai, những câu nói hàm chứa ý nghĩa gì là biểu hiện của “người không giác ngộ, hoặc ngược lại”. Chỉ cần đưa ra một vài câu nói có ý nghĩa tiêu biểu sẽ minh chứng được những gì ta cần trình bày. (26-06-2016)

Các bạn! ...  Mình chỉ hỏi vì sao hai phép tu thiền địnhchỉ quán không thể đưa người giác ngộ, chứ đâu có hỏi người tu hành phải làm như thế nào để được giác ngộ đâu? Vì thế bàn chuyện tâm, pháp, niệm, ngã, ý, v.v... không phải là trọng tâm của câu hỏi. Muốn trả lời được câu hỏi, phải đi tìm "bản chất" của hai phép tu này, xem xét vì sao nó không đưa người đến giác ngộ. Giống như mình hỏi vì sao phi thuyền của người Đức không thể bay vào không gian. Chứ đâu có hỏi người ta phải lái như thế nào để nó có thể vào quỹ đạo!                                                       (27-06-2016)

Khi đàm luận Phật Pháp với một người, người đó đã giác ngộ hay chưa, đây là điều không khó để HĐ chúng ta nhận ra... Chỉ cần tinh ý để thấy các ý nghĩa trong câu nói của họ có tính ràng buộc, chấp nhất, hoặc ngược lại thì biết chắc họ còn bị cột trói hay đã giác ngộ. Giống như người săn voi, chỉ cần thấy dấu chân, là có thể đánh giá con voi vừa mới đi qua!

Hiện nay, người dụng công tu thiền định và chỉ quán nhiều vô số... Trong những trả lời vừa rồi, có vị HĐ viết: "Ví dụ một người muốn ra khỏi quả địa cầu (trái đất) dù đã leo lên tới đỉnh núi cao nhất. Toàn thân đã ở trong hư không. Nhưng da bàn chân vẫn còn tiếp xúc với đỉnh núi. Nếu bước thêm bước nữa thì lại rơi xuống chân núi. Vì vậy phải chờ người ở bên ngoài quả địa cầu kéo lên". Vị HĐ này đã phân tích câu hỏi số một đến đây, rất tiếc, vị HĐ này đến đây rồi dừng lại, mà không tiếp tục phân tích sâu hơn nữa, để tìm ra nguyên nhân vì sao người kia không thể tự mình vào được hư không, mà phải cần đến một tác động ngoại lực (như Phật hay Thiện Trí Thức)? Nếu tiếp tục phân tích để thấy được cái gốc của vấn đề, chắc chắn việc giải quyết câu hỏi số một không còn là chuyện khó khăn.

Trước đây, mình có đọc một tài liệu nói về tàu vũ trụ. Tài liệu này có đề cập đến việc, trong đệ nhị thế chiến, người Đức muốn chế tạo một con tàu có thể vượt không gian bay vào vũ trụ, từ đó có thể khống chế thế giới. Người Đức đã thiết kế một con tàu có hình dáng giống với con tàu vũ trụ bây giờ. Khi thế chiến thứ hai chấm dứt, người Đức không thể tiếp tục thử nghiệm con tàu đó…

Đến nay, công nghệ tên lửa đẩy ra đời, nhờ công nghệ này người ta có thể đưa tàu vũ trụ đi vào không gian. Các nhà khoa học đã chỉ ra, con tàu mà người Đức đã phát minh, không thể bay vào vũ trụ vì số lượng nhiên liệu mà tự thân của nó mang theo không đủ sức để đưa con tàu đó thoát ra khỏi lực hấp dẫn!           (27-06-2016)

Các bạn! ...  Theo mình nghĩ, với kiến thức đã được trang bị. Với sức tu tập của HĐ thời gian qua. Hai câu hỏi đợt này thuộc loại "dễ", không thể làm khó các bạn được. Thế nhưng, phần lớn HĐ chưa có thói quen nắm vững câu hỏi mà đã vội trả lời rất chủ quan, cứ tưởng chừng như mình đã hiểu được nội dung câu hỏi, nhưng suy nghĩ cho kỹ thì "trớt hướt", do vì "hoả mù chữ nghĩa" nên bị “từ ngữ” câu hỏi nó gạt! Đây cũng là một kinh nghiệm cần ghi nhớ!                               (27-06-2016)

Các bạn! ...  Tinh thần "quyết chiến thắng" của HĐ rất đáng khâm phục. Cho dù giữa khuya, các HĐ vẫn miệt mài tư duy, chưa tìm ra đáp án chưa ngưng nghỉ. Với tinh thần tu tập như thế, không có gì là không thể. Con đường tiến về trí tuệ rất cần sức tinh tấn. Tinh tấn chính là động lực đưa đến thành công. Xin tán thán sức tinh tấn này!                                                    (28-06-2016)

Các bạn! ... Thiền định và chỉ quán là hai phép tu tiêu biểu trong vô số phép tu mà người tu hành trong quá khứ cũng như hiện tại đang áp dụng. Và, tất cả những phép tu như vậy, nhất định không thể đưa người đến giác ngộ. Mặc dù, người tu hành "cố tìm một phép mầu" từ những pháp tu này, nhưng tất cả đều không thể! Vì các "nguyên lý cơ bản" của những phép tu đó không mang trong nó "nội hàm giác ngộ". Điều này không phải người tu hành nào cũng biết. Phật sử chính thống (kinh điển và các vị Tổ có y bát), chưa một vị nào giác ngộ từ những phép tu này.

  • Ngũ Tổ dạy: "Bất thức bổn tâm, học pháp vô ích".
  • Hay Lục Tổ còn nói: "thiền định và giải thoát là hai pháp, mà Phật pháp là pháp không hai".
  • Phật cũng dạy: "điều (thành tựu từ thiền định) mà các ông có được, ngoại đạo cũng được". Vì Đức Phật đã tu thành thục những pháp này trong thời kỳ khổ hạnh, nhưng cuối cùng cũng phải từ bỏ nó!

Quyết tâm từ bỏ nó, Đức Phật đến bờ sông Ni Liên Thuyền ngồi xuống chiêm nghiệm và đã giác ngộ để trở thành Đẳng Chánh Giác! Phần lớn người tu hành không nắm rõ "hạn chế" của những phép tu, và thực tế họ cũng không còn lựa chọn nào khác trong lúc bế tắc, không có được một tri kiến chuẩn làm ngọn đuốc soi đường để đi đến giác ngộ, họ đành chấp nhận "ôm" một pháp bất kỳ với hy vọng tìm kiếm điều gì đó bất lực và vô vọng, nhưng không thể làm khác, đây cũng là điều tự nhiên!

- Tất nhiên, không phải thiền định, chỉ quán và những pháp tu khác là không tốt cho người tu hành. Mình không nói nó không tốt, mà chỉ muốn nói rằng: “bản chất của những phép tu đó không đưa người ra khỏi pháp giới, tức không thể đưa người đến giác ngộ, không đưa người đến giải thoát và cũng không có công dụng phát sinh trí tuệ!

- Tìm kiếm giác ngộ, giải thoát và trí tuệ trong các pháp tu, chẳng khác nào người đi tìm sừng thỏ lông rùa, như người muốn sở hữu hoa đốm của hư không. Đây là việc làm không thể! May mắn nhất của HĐ chúng ta, là có được nguồn sáng của giáo pháp. Chúng ta đã được trang bị những tri kiến đúng đắn, nhờ tri kiến này chúng ta làm ngọn đuốc soi sáng con đường giác ngộ. Và chúng ta đã làm được việc này, giống như người đi tìm lõi cây đã tìm thấy giác cây và tiếp tục thu hoạch lõi cây. Chúng ta thử đặt vấn đề, nếu giờ này các bạn không được trang bị ngọn đuốc giáo pháp để soi sáng con đường các bạn đang đi, và có được thành tựu như hiện tại, mà các bạn đang ôm một trong các pháp tu như các HĐ ngoài kia, thì điều gì sẽ xảy ra trong cuộc đời tu hành của các bạn?

Chắc chắn đó là những mảng tối của bức tranh tu tập!  Có lẽ, chính các bạn là những người biết và thấy rõ điều này hơn ai hết. Biết như vậy! Nhưng nếu không tìm ra "sự thật" từ các phép tu, phỏng chúng ta có đủ cơ sở giúp người thoát ra khỏi "vòng luẩn quẩn" của nó hay không?

Kinh Lõi Cây, Phật cũng đã phân tích rất rõ: "Người xuất gia, đầy đủ giới đức, có được thiền định, tri kiến thật tốt. Nếu không thành tựu giải thoát bất động, thì chưa thể đạt được mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh. Nó giống như người đi tìm lõi cây mà chỉ đem về cành lá, vỏ ngoài, vỏ trong và giác cây, chứ chưa được lõi cây".

Thiền định, chỉ quán và các phép tu khác chỉ là vỏ trong của một cái cây, nó chưa phải là giác cây và càng không phải là lõi cây... Giáo Tông (tri kiến) như giác cây, Tâm Tông (giác ngộ) mới đích thực là lõi cây, đây mới chính là thứ mà người tu hành cần tìm... Và, chỉ có lõi cây Giác Ngộ mới có thể làm được công việc cần đến lõi cây, chỉ có giác ngộ mới có thể giúp người tu hành tiếp tục con đường tìm kiếm Trí Tuệ của Đạo Đế. Giống như chỉ có lõi cây mới có thể tạc nên một bức tượng vĩnh cữu, không bị mối mọt và tác động tự nhiên xâm hại!

Đây là lý do vì sao, sau khi các bạn đã có được lõi cây Giác Ngộ, mình yêu cầu các bạn quay trở lại tìm xem nguyên nhân gì mà "vỏ trong của một cái cây" (thiền định, chỉ quán) không thể làm được công việc của một lõi cây!

Nói đến trí tuệ, là nói đến sức thấu suốt những gì đưa người đến giác ngộ và những gì không đưa đến giác ngộ. Tìm hiểu bản chất của những phép tu chính là đi tìm sự thấu suốt đầu tiên của giáo pháp, đây là những dấu chân đầu tiên của người bắt đầu "lội vào biển lớn Đại Giác"!

Giống như phát hiện đầu tiên của Thế Tôn ngày xưa về các phép tu. Nhờ phát hiện quan trọng này, nên Ngài đã từ bỏ nó không thương tiếc, để sau đó Ngài có cơ hội Giác Ngộ và trở thành một Đẳng Chánh Giác! Rất mong các bạn nỗ lực tư duy, trả lời thoả đáng hai câu hỏi để chúng ta thực hiện những bước tiếp theo, "lội vào biển lớn"!                                                (29-06-2016)

  • TỔNG KẾT TCTT 2016/06 Về “... Phép Tu Tìm Cầu Giác Ngộ ...”

1) Thiền định, chỉ quán là sản phẩm của pháp giới, là hữu vi pháp do tạo tác (làm ra) mà thành, là pháp hữu lậu, nên không thể đưa người ra khỏi pháp giới hay giải thoát để chứng vô lậu quả. Giống như nước, không thể làm khô nước, lửa không thể dập tắt lửa.

2) Những câu nói hay cách nói nào, mang trong nó ý nghĩa trói buộc, chấp nhất. Đây là lời nói mang biểu hiện của người không giác ngộ.                                                                         (03-07-2016)

------------------------------

[[1]] Đại Hải: Biển lớn (Tiếng Hán-Việt).

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG