Văn Hóa Vô Lậu

“Văn Hóa Vô Lậu” là “Một hình thái văn hóa” chỉ có trong Phật đạo, đó là đời sống của những người có Giác, có Ngộ. (22-08-2017)
- Điều kiện cần và đủcủa người sống trong môi trường văn hóa vô lậu là: “Ngũ Uẩn Giai Không”
− Sắc uẩn (thân): Không đặt bất cứ giá trị hư ảo nào lên thân này.
− Thọ uẩn: Không lấy khổ vui của cảm thọ mà sinh tâm.
− Tưởng uẩn: Biết rõ các tưởng không thật nên chẳng duyên theo, chẳng mong cầu; chẳng tìm cách tịch diệt.
− Hành uẩn: Biết rõ “vô minh duyên hành”, tâm hành do bất giác khởi niệm, bản chất vô minh là phân biệt, phân biệt tạo ra sự chênh lệch, đối đãi, bất bình đẳng, hành xuất hiện do chênh lệch; không có vô minh không có hành; giác ngộ thì hết vô minh.
− Thức uẩn: Thấu suốt “vạn pháp duy tâm tạo” (hay tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức) tâm hư vọng do thức phân biệt làm ra; dừng phân biệt, thức tịch diệt; thức tịch diệt, thức chuyển thành trí.
Tóm lại: Sắc uẩn thuộc về thân; (thọ, tưởng, hành, thức) uẩn thuộc về tâm, “tâm đứng đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác” (Trước đây thường hiểu: Hữu tình có Thân & Tâm; Rõ hơn (Tâm ≈ Tâm, Ý, Ý thức) nên viết rõ là “Tam giới duy tâm; Vạn pháp duy thức”); Tâm thanh tịnh tạm gọi là ngũ uẩn giai không. “Ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”.
- Đặc tính của văn hóa vô lậu
- Ứng xử của cộng đồng văn hóa vô lậu là “Không bốn tướng”(nhân, ngã, chúng sanh, thọ giả). Vì không bốn tướng, đặc biệt là không còn tướng ngã, (nên chẳng còn ngã sở), do tướng ngã tịch diệt mà các tướng còn lại tướng nhân, chúng sanh, thọ giả cũng không.
- Ngữ ngôn của cộng đồng văn hóa vô lậu là “Không tứ cú” (Đồng, Dị; Có, Không; Chẳng phải có, Chẳng phải không và Thường, Vô Thường). Tứ cú là ngữ ngôn của ba cõi, là ngữ ngôn của kẻ phân biệt, nhị nguyên. Kẹt vào tứ cú là kẹt vào luân hồi ba cõi. Muốn giải thoát, dạy người giác ngộ giải thoát, ngữ ngôn phải lìa tứ cú.
- Đời sống của cộng đồng văn hóa vô lậu là “Không bốn bệnh”(tác, nhậm, chỉ, diệt). Không còn bốn bệnh nên đạo tràng tự thanh tịnh. Cần phải nói rõ rằng, người tu hành không biết, không thấy đích cần đến, là tu mù, chẳng bao giờ đến được. “Niết bàn”, nhưng nếu biết rõ “Niết bàn” mà không nắm rõ phương pháp tu tập, còn khởi tâm, cố gắng, làm cái gì đó để đến, phạm vào “Bốn bệnh” thì chẳng bao giờ thành tựu. Người tu lúc này dùng “không hộ trì” để mà hộ trì; dùng “không tu tập” để mà tu tập mới xa lìa được bốn bệnh, mới tới được Vô thượng Bồ Đề.
- Quan niệm của cộng đồng văn hóa vô lậu là “Không ba thời”(quá khứ, hiện tại, vị lai). Vì không ba thời nên chẳng có khái niệm phân biệt thường hay vô thường.
- Giá trị chuẩn mực (hay thước đo) của cộng đồng văn hóa vô lậu là “Thanh tịnh tâm” những gì trái với thanh tịnh tâm được loại bỏ hoàn toàn. Tâm thanh tịnh là tâm của giải thoát, mọi hoạt động với tâm thanh tịnh sẽ gặt hái thành quả là công đức, là nhân quả của giải thoát (với tâm không thanh tịnh, mọi cố gắng thiện nhất cũng chỉ đưa đến phước đức, là sản phẩm trói buộc của ba cõi).
- Tồn tại của cộng đồng văn hóa vô lậu là “Tứ vô lượng tâm” (từ, bi, hỷ, xả). Để có tứ vô lượng tâm người tu cần thành tựu 10 ba la mật. Sáu ba la mật đầu (Bố-thí; Trì-giới; Kham nhẫn; Tinh-tấn; Thiền-định; Trí-huệ) dùng tự độ mình. Bốn ba la mật sau (Nguyện Ba-la mật; Phương tiện Ba-la mật; Lực Ba-la mật; Trí Ba-la mật) dùng để độ người.
Vì có nguyện Ba la mật nên Bồ tát mới xuất hiện ở cõi này để độ cho chúng sanh. Những người đang sống trong cộng đồng văn hóa vô lậu là những Bồ tát đang thực hiện lời nguyện của mình.
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






