Luận Về Thuyết Thông, Tông Thông Và Tầng Bậc Kiến Tánh Trong Phật Đạo

Các bạn! ... Trò chơi trí tuệ vừa rồi (TCTT - 2018/07), chúng ta đã trao đổi với nhau chỉ thú cốt lõi của kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đó là khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến... Đồng thời cũng mổ xẻ ý nghĩa khái niệm kiến tánh trong Phật đạo... Để làm rõ hai vấn đề này, việc phân tích cũng như tìm hiểu đến nơi đến chốn mỗi đề tài đã được thảo luận, không bao giờ là việc làm thừa...
− Chúng ta càng hiểu rõ “Phật tri kiến” chừng nào, càng dễ thể nhập trí tuệ chừng ấy, vì nó là con đường đưa đến “cửa ngõ thuyết thông” …
− Chúng ta càng tường tận khái niệm “kiến tánh” chừng nào, càng dễ thành tựu đỉnh cao Phật đạo chừng ấy, vì nó là con đường dẫn đến “cửa ngõ tông thông”.
Các bạn! ... Cái được gọi là Phật trí, hay trí tuệ trong Phật đạo là thứ gì đó không hình không tướng, rất khó nhận biết, vì thế rất dễ nhầm lẫn với các thứ trí của thế gian, nhất là khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến Phật pháp… Người xưa gọi các thứ trí thế gian hiểu và biện giải Phật đạo là “biện thông thế trí”! Những luận giải thuộc loại “biện thông thế trí” chỉ có thể chiếc phục được những người không am tường Phật đạo, và tất nhiên, nó không thể đánh lừa những hành giả thấu suốt Phật pháp. Tai hại của việc diễn giải Phật pháp theo kiểu “biện thông thế trí” có thể làm cho người nghe nghe lọt lỗ tai, nhưng khi ứng dụng những điều đã nghe vào việc tu tập thì, kết quả không như mong đợi!
Dùng thế trí diễn giải Phật pháp, giống như chuyện “người mù sờ voi”. Khi anh mù sờ vào chân voi, bảo con voi giống cây cột đèn, miêu tả này ta có thể tạm chấp nhận ở một người mù! Nhưng khi người mù sờ cây cột đèn, bảo rằng đây (cây cột đèn) là con voi, diễn giải theo cách của anh mù bây giờ đã đi quá xa bản chất vấn đề! Đến khi anh mù “cao hứng làm Thầy”, dạy những anh mù khác, hãy tìm con voi bằng cách lần theo các sợi dây điện ở lề đường!... Chuyện không thể chấp nhận!
Đạo Phật là đạo trí tuệ! Đỉnh cao của Phật đạo là trí tuệ! Sự nghiệp của người tu hành trong Phật đạo là thành tựu trí tuệ! Tất nhiên, “nhân nào quả đó”, đạo quả trí tuệ nhất định không thể sinh ra từ một nhân khác (tà tông)! Vì thế, Phật tri kiến là chính nhân của quả trí tuệ! Trí tuệ tuy không hình không tướng, nhưng lại là “một thực chứng”. Cho nên, trí tuệ cũng có những đặc trưng của nó, đặc trưng của trí tuệ, luôn luôn bao gồm hai yếu tố cốt lõi, đó là “thuyết thông và tông thông”. Hai đặc trưng trên, được mô tả cụ thể trong kinh Lăng Già:
“Ta có hai thứ thông,
Thuyết thông và tông thông,
Thuyết chỉ lối sang sông (mê),
Tông đưa người đến bờ (trí).”
Hai thứ thông cũng được Lục Tổ khắc hoạ qua bốn câu kệ:
“Thuyết thông và tông thông,
Như mặt trời (giữa) hư không,
Duy truyền phép kiến tánh,
Xuống thế phá tà tông!”
- Thuyết thông, là thứ ngôn thuyết khi phát ra, nó có thể khiến người nghe lần lượt thành tựu bốn đế! Đây là tấm bản đồ, giúp người tu hành dù ở bất kì hướng nào, cũng có thể tìm đến mục tiêu đã định!
- Tông thông, là loại năng lực phát sáng khi chiếu ra, có thể khiến người tu hành dù bất kể căn cơ nào, cũng có thể thành tựu ba tầng kiến tánh. Đây là những mục tiêu cụ thể, giúp người tu hành biết mình đã đến đâu và còn những mục tiêu nào phía trước!
Thuyết thông và tông thông là hai thứ kì đặc mà chỉ có từ trí tuệ của Phật đạo. Nó giống như những thông tin chính xác về một hành trình, và thực địa trên hành trình đó. Chánh nhân của thuyết thông là Phật tri kiến, chánh nhân của tông thông là ba lần kiến tánh qua các bước thành tựu bốn đế. Để hiểu thấu đáo hai thứ Thông, 3 loại kiến Tánh… mình có một số câu hỏi sau:
- CÂU HỎI TCTT 2018/08 – “Thuyết Thông, Tông Thông” Và “Tầng Bậc Kiến Tánh” Trong Phật Đạo
1) Giả sử, một người tu hành đã ngộ nhập Phật tri kiến. Theo bạn, ngộ nhập của người đó có được coi là thành tựu thuyết thông hay chưa? Vì sao được, vì sao chưa? Hãy giải thích, và cho ví dụ để làm sáng tỏ giải thích của bạn!
2) Kiến tánh giác, kiến tự tánh, kiến Phật tánh: Ba thứ kiến này, cùng kiến (thấy) chung một điều gì đó, hay thấy ba thứ khác nhau?
− Nếu ba lần thấy này, chỉ thấy một thứ thì, vì sao lại thấy đến ba lần, và đó là thứ gì? Xin cho ví dụ!
− Nếu ba lần thấy này, thấy ba thứ khác nhau. Ba thứ đó là ba thứ gì? Mỗi thứ từ đâu ra? Xin chứng minh cụ thể!
3) Phật trí và Phật tri kiến là hai hay là một? Tức, hai thứ này: Một thể một dụng, hay (cả hai) đồng thời vừa thể vừa dụng?
Rất mong nhận được những kiến giải bổ ích từ Các bạn! (16-07-2018
GỢI Ý... TCTT 2018/08 – “Thuyết Thông…” Và “…Kiến Tánh” …
Các bạn! ... Câu hỏi ghi rất rõ:
“− Nếu ba lần thấy này, chỉ thấy một thứ thì, vì sao lại thấy đến ba lần, và đó là thứ gì? Xin cho ví dụ!
− Nếu ba lần thấy này, thấy ba thứ khác nhau... Ba thứ đó là ba thứ gì? Mỗi thứ từ đâu ra? Xin chứng minh cụ thể!”
Theo mình, nội dung ba câu hỏi lần này không khó, hầu như các yêu cầu đặt ra, mình đã trao đổi với các bạn nhiều lần, chỉ cần nắm vững vấn đề là có thể trả lời được. Cái khó ở các bạn là, ba câu hỏi thuộc dạng mở, mang “tính nước đôi”; Có nghĩa rằng: “Trả lời thế này hay trả lời thế kia, đều có cảm giác đúng...” Chính cảm giác “nước đôi” này, làm người trả lời phân vân, nếu không xác quyết được đâu là trọng tâm câu hỏi và yêu cầu của nó là gì thì, từ một điều tưởng chừng rất dễ lại trở thành khó. Điều này giống như, đứng trước một ngã ba đường các hướng đi đều giống nhau, buộc phải lựa chọn một hướng, đúng là không dễ cho những ai chưa nắm chắc điểm cần đến nằm ở hướng nào!
Các câu hỏi được đưa ra, nhằm giúp các bạn hình thành thói quen chọn một giải pháp trong nhiều giải pháp, và chọn lựa đó phải mang tính quyết định! Vì rằng, quyết định nghĩa chính là sức sống của giáo pháp! Thiếu nghĩa quyết định, giáo pháp khi tuyên thuyết, sẽ trở thành một “thây ma vô hồn”! Muốn chọn một giải pháp tối ưu trong nhiều giải pháp, ngoài việc phải có một lượng kiến thức nhất định đối với yêu cầu câu hỏi đặt ra. Các bạn còn phải tìm xem, câu hỏi được đặt ra trong thời điểm hiện tại nhằm vào mục đích gì? Mục đích nhắm đến của các câu hỏi mới là yếu tố quan trọng! Thoả mãn được yếu tố này, quyết định nghĩa sẽ xuất hiện, đây chính là “sức sống và cái hồn” của các câu trả lời trong Phật pháp! (17-07-2018)
Các bạn! ... Rất lý thú!
Đêm đã khuya, trời còn mưa rã rích...
Ngồi ở đây, đọc tâm sự của nhau...
Cuộc trần ai, như sương khói qua mau!
Ai được mất? Ai chẳng màn thế sự?
LÝ TỨ (18-07-2018)
Các bạn! ... Đã gọi là trò chơi, tức chúng ta không đặt nặng nhiều vào việc trả lời đúng hay sai, hơn hay thua, mà cốt ở tinh thần tích cực tham gia của mọi người! Tuy nói rằng, đây chỉ là trò chơi, nhưng lại là thứ trò chơi đem lại nhiều bổ ích trong việc tu tập.
− Bổ ích thứ nhất là: Nhân dịp này, chúng ta ôn lại lượng kiến thức đã tiếp thu từ trước, đồng thời tiếp nhận kiến thức mới...
− Bổ ích thứ hai là: Nhân dịp này, chúng ta tập phân tích, tập lý giải, tập kết luận một vấn đề như pháp...
− Bổ ích thứ ba là: Nhân dịp này, chúng ta tập đào sâu một ý nghĩa bất kì của Phật đạo đến nơi đến chốn...
− Bổ ích thứ tư là: Nhân dịp này, chúng ta rèn giũa văn tự, một thứ khí cụ không thể thiếu trong Bồ Tát Đạo...
− Bổ ích thứ năm là: Nhân dịp này, các kiến giải của chúng ta, được chuyển đến đại chúng, cầu đại chúng thẩm định và bổ khuyết...
− Bổ ích thứ sáu là: Nhân dịp này, chúng ta học hỏi lẫn nhau về nhiều phương diện...
− Bổ ích thứ bảy là: Nhân dịp này, mỗi người tự thấy được khiếm khuyết của mình, từ đó khắc phục để ngày một hoàn hảo hơn...
− Bổ ích thứ tám là: Nhân dịp này, chúng ta thấy được mặt bằng tu tập chung của HĐ chúng ta, để có thể đánh giá một cách chính xác nhất...
− Bổ ích thứ chín là: Nhân dịp này, chúng ta hiểu ra, thế nào là một thứ “Trò Chơi” của Đạo Pháp!
− Bổ ích thứ mười là: Nhân dịp này, các con mèo của Lý Gia lại có dịp khen nhau... cái... đuôi... của mình dài hơn cái đuôi của các con mèo... nhà... người!
− Bổ ích thứ mười một là: Nhân dịp này, chúng ta chơi mà không...mất...tiền...Như chơi số đề, bầu cua hay cá độ!
Nói chung, xét về mặt lợi ích thì theo mình, Trò Chơi Trí Tuệ có rất... rất nhiều bổ ích, khó có thể cân, đong, đo, đếm được... Cho dù có kể đến một kiếp hay một kiếp giảm cũng không thể nói hết được lợi ích của nó! Tuy lợi ích là như thế nhưng tỉ lệ HĐ của chúng ta tham gia gửi bài không nhiều... Cứ mỗi lần gởi câu hỏi đi, không cần sử dụng thần thông, mình cũng có thể biết được những ai tham gia, những ai không! Nhưng rồi mình lại suy nghĩ, giống như một tuồng hát được công diễn... Ắt hẳn số lượng nghệ sĩ phải ít hơn khán giả... Nếu ở đâu đó, số lượng nghệ sĩ bằng hoặc nhiều hơn khán giả thì, có lẽ nghệ sĩ sẽ thất nghiệp dài dài…...
Phật dạy: “Những gì ta biết, như lá trong một rừng cây... Những gì ta nói với các ông, như số lá trong nắm tay!”. Có bao giờ các bạn đặt câu hỏi: “Nếu phải đếm, thì đến bao giờ người ta mới có thể đếm hết số lá trong một rừng cây? Một năm? Một đời? Hay bao nhiêu đời?’’
Học “Phật tri kiến”, như người cất công đếm lá cây trong rừng... Có được Phật tri kiến, như người biết được số lá trong một rừng cây! Năm chữ “ngộ, nhập Phật tri kiến” đằng sau năm chữ “khai, thị Phật tri kiến” nhằm nói lên điều gì? Nếu phải đếm, để biết rừng có bao nhiêu lá, nhất định sẽ là việc làm không khả thi! Nhưng, nếu ngồi mong nhờ một phép mầu, bỗng dưng ta biết rừng có bao nhiêu lá, cũng là hành động không khả thi, thậm chí rất vô lý!
Cụm từ “khai, thị, ngộ, nhập” bao hàm hai giai đoạn: Khai thị là chỉ cho thấy để học tập, và ngộ nhập là thấu suốt để có được. Hai giai đoạn này, giống như một người vừa cất công đếm lá, trong khi đang đếm, bỗng dưng ngộ ra rừng cây có bao nhiêu lá! Đây được coi là điều khó hiểu nhất của Phật đạo! “Ngộ nhập” là sự bùng vỡ nào đó mà người xưa tóm tắt bằng hai chữ “hoát nhiên”! Một đời tu tập miệt mài, rồi một sát na nào đó “bỗng dưng” hay “hoát nhiên” nó... thông! Một sự thông tuệ chẳng phải từ trên trời rơi xuống, mà nó là kết quả của một công trình “rất chi vô lý” của kẻ cất công “đếm lá trong rừng”!
Đi tìm cái hữu lý từ một việc làm vô lý! Các bạn thử nghĩ xem, điều này có được gọi là hy hữu không? Trò Chơi Trí Tuệ ra đời, chúng ta mãi miết tìm cách trả lời hết câu hỏi này đến câu hỏi khác, như kẻ vô vọng đếm lá trong rừng. Với hy vọng, một ngày đẹp trời nào đó, trong một lần hoát nhiên, bỗng dưng ta ngộ ra: “số lá trong rừng cây, chính là những... chiếc... lá… trong... tay”! ... (20-07-2018)
Các bạn! ... Có đọc trả lời của các vị Nữ HĐ Lý Gia, mới thấy rằng, chỉ với danh xưng Nữ Lưu không thôi, danh xưng này còn rất nhiều khiếm khuyết đối với các vị Nữ HĐ chúng ta! Có thể nói, Phật tri kiến là đề tài lớn trong Phật đạo, từ ngàn xưa, số người dám luận bàn phân tích đề tài này, không quá các ngón tay của hai bàn tay! Thế mà hôm nay, đề tài gọi là lớn đã được Lý Gia đem ra mổ xẻ, và các vị Nữ HĐ chúng ta không hề thua kém các nam nhân trên phương diện luận bàn! Thế mới biết, ngày xưa nàng Long Nữ đã khiến đại đệ tử của Phật là Đại Trí Xá Lợi Phất kinh ngạc không phải là chuyện không có... Hoặc như Vô Uý Đức Nữ Bồ Tát hay Thắng Man Phu Nhân đã nhiều lần khiến các Thánh đệ tử của Thích Ca Mâu Ni, thậm chí các Bồ Tát danh tiếng thời ấy bái phục, chẳng phải là việc gì ghê gớm lắm đối với hôm nay! Và điều này cũng nói lên rằng, trượng phu hay bồ liễu chẳng phải ở cái thân, mà nó là biểu hiện của tâm và trí! Cho dù “vai năm tấc rộng thân mười thước cao” như Từ Hải ngày xưa, mà cái tâm u mê, cái trí mờ tối thì, chẳng khác chi phận “má hồng”!...
... Để tán thán toàn bộ Nữ HĐ của Lý Gia. Hôm nay, vào lúc 18 giờ 02 phút ngày 20 tháng 07 năm 2018. Nhằm: Thân Thời Lục Nguyệt Sơ Bát Nhật Mậu Tuất Niên Việt Nam Quốc, tất cả Nữ Lưu của Lý Gia đồng có danh xưng Lý Nữ Phương Danh (Nữ nhân nhà họ Lý lưu danh mười phương) và danh xưng này phải được viết hoa trong mọi văn bản! ...
Đọc lại toàn bộ bài viết của các bạn kì này, dù trả lời không đồng nhất, có nhiều quan điểm khác nhau... Nhưng với mình, mỗi bài, mỗi bài là một viên ngọc quý của đạo pháp! Thật tình, mình muốn có thêm nhiều, thật nhiều kiến giải được các bạn đưa ra! Đối với một đề tài lớn, trước sức ép thời gian, trước sức ép tư duy phân tích, trước sức ép phải viết suy nghĩ thành lời.... Hầu như năm ngày, chưa phải là thời gian vừa đủ để chúng ta có thể bình tâm tư duy câu hỏi, chưa đủ thời gian để chúng ta nhìn ngắm và thẩm định từng bài viết. Nếu có đọc, chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, nếu có tư duy, chỉ là “hạt mưa tháng bảy”. Mọi thứ chẳng thấm vào đâu đối với công trình trí tuệ!
Các viên ngọc từ những bài trả lời chúng ta thấy được thì đã rực sáng qua emails, còn những viên ngọc mà các HĐ không có email trình đại chúng thì thế nào đây? Theo mình, “người viết ra hay một, nhưng người thẩm định mới là kẻ hay mười”! Bây giờ, chúng ta thử cùng hợp tác để nhận ra đâu là một, đâu là mười! (19-07-2018)
(Tham khảo) CẢM NHẬN TCTT 2018/08 của HĐ…
- Tiêu Chí Bình Chọn Bài Trả Lời TCTT 2018/08 − ... “Thuyết thông, Tông Thông” Và “Tầng Bậc của Kiến Tánh” … “HAY NHẤT”
Các bạn! ... Các đề tài được đưa ra trong Trò Chơi Trí Tuệ từ trước đến nay, được HĐ chúng ta đón nhận và quan tâm! Cho dù những HĐ có bài viết gởi về, hay những HĐ không tham gia bằng Email, đều coi các câu hỏi là đề tài tu tập...
Từ lúc câu hỏi gởi đi đến lúc kết thúc, mỗi đề tài là quãng thời gian để mọi người nghiền ngẫm tư duy, cho dù làm bất kì công việc gì, tâm trí cũng không rời đạo tràng! Chỉ bấy nhiêu thói cũng đủ thấy rằng, sức tu tập của HĐ chúng ta không thể nghĩ bàn! Xin tán thán chung! Để mọi người có thời gian đọc toàn bộ trả lời, có đủ thời gian thẩm định viên ngọc nào sáng nhất! Xin đề nghị!
- Chọn một (01) bài viết mà bạn ưng ý nhất, theo tiêu chí sau:
1) Phân tích hợp lý. 2) Lý luận sắc bén. 3) Văn tự dễ hiểu. 4) Trả lời thuyết phục.
- Gởi kết quả về cho mình (email, điện thoại hoặc Facetime)
- Bài viết được đánh giá xuất sắc nhất, sẽ làm tài liệu tổng kết Trò Chơi Trí Tuệ lần này, vì nó là công trình thẩm xét chung.
- Để động viên tinh thần, phần thưởng cho vị HĐ đạt giải là: Một cuốn Kinh Diệu Pháp Liên Hoa xuất bản năm 1950 (Cụ kinh này lớn tuổi hơn mình, đã 68 tuổi), mặc dù Cụ già nua, xấu xí, rách bìa vì bọn ác lật tới lật lui nhiều lần, nhưng Cụ Kinh được mình rất kính quý... Kính quý vì, cho dù bọn ác bao lần tàn hại dung nhan của Cụ như thế, nhưng chưa một lần Cụ ta sinh tâm sinh pháp. Nghe mà ghê chưa?
- Các bạn trong cùng một nhóm, có thể dùng chung một email để gởi kết quả nhiều người. Ví dụ: Nhóm Quảng Nam:
− Minh Pháp chọn: Bài Lý Nhạn Ảnh.
− Bốn Duyệt chọn: Bài Lý Chơn Thiệt... (20-07-2018)
- Bình Chọn “Bài Viết HAY” (Trả Lời − TCTT 2018/08)
Các bạn! ... Như mình đã viết: “Theo mình, người viết ra hay một, nhưng người thẩm định mới là kẻ hay mười!” Vì sao nó lại như vậy? Để có thể thẩm định đánh giá một tác phẩm, một bài viết. Người thẩm định đánh giá, phải là người thông tuệ hơn người viết. Giống như muốn chấm bài của học sinh, phải là Thầy giáo dạy học sinh đó! Nếu bảo rằng, yêu cầu người thẩm định phải có trình độ cao hơn người viết thì, các HĐ của chúng ta có đủ năng lực thẩm định, đánh giá bài viết của các HĐ khác hay không? Trước khi đưa ra yêu cầu các bạn đánh giá và bình chọn bài viết hay nhất, mình đã có chủ đích: “Tất nhiên, trong HĐ chúng ta ở hiện tại, chưa thấy một vị nào hoàn toàn vượt trội HĐ khác, xét mặt bằng chung, độ chênh lệch nhau không nhiều!” Nhưng, từ khi gởi câu hỏi đến lúc đưa ra yêu cầu bình chọn, hầu như mỗi bài viết của mình là một định hướng để các bạn trả lời, mỗi bài viết luôn luôn ẩn chứa những hướng dẫn cần thiết đủ để các bạn hiểu ra những điều đã hỏi là gì, và trả lời như thế nào là đúng nhất. Thậm chí, nếu tinh ý, các bạn có thể tìm thấy kết quả đúng nhất từ trả lời của các HĐ khác sau mỗi gợi ý của mình! Vì thế, nếu vị HĐ nào đó đọc kỹ những gì mình đã gợi ý cũng như các câu trả lời, nhất định việc thẩm định, đánh giá bài viết nào tốt nhất trong những bài viết không còn là việc làm quá sức của Các bạn!
Tập thẩm định, đánh giá bài viết của HĐ cũng là một cách học Phật tri kiến. Vì rằng, đọc kĩ và hiểu rõ bài viết của HĐ, cộng với những định hướng trả lời đã ngầm gởi gắm trong các emails, là cơ sở tốt nhất giúp các bạn hiểu ra và thể nhập những đạo lý cao hơn!
Trước khi thuyết Diệu Pháp Liên Hoa, Phật thuyết kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa. Sau đó, nhập vào Vô Lượng Nghĩa Xứ Tam Muội. Hiện thần tướng, phóng quang trên chiếu đến trời Hữu Đảnh (Sắc Cứu Cánh) dưới chiếu đến địa ngục A Tỳ... Khi thuyết kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa cùng với việc nhập Chánh Định và phóng quang, Phật đã ngầm gởi gắm tất cả những gì được gọi là Phật tri kiến trong đó, đây được coi như “nghi thức khai diễn và trình bày nội dung Phật tri kiến”.
Các Bồ Tát, các vị La Hán khi thấy Phật hiển lộ thần biến như thế, đều kinh ngạc và hoan hỉ!!! Riêng 500 vị tăng thượng mạn, chưa được tưởng được, chưa chứng tưởng chứng diệt đế, lặng lẽ bỏ đi! Vì sao? Vì “Phật tri kiến không dành cho những ai không ham thích trí tuệ và chưa vượt qua những nhỏ bé của tự thân!”
Mình không dám bảo rằng, hai lần chúng ta thực hiện Trò Chơi Trí Tuệ vừa rồi giống với những gì ngày xưa Cổ Đức đã làm! Nhưng chí ít ra, trong hai lần Trò Chơi Trí Tuệ vừa qua, đã giúp một phần nào đó để HĐ chúng ta hiểu ra thế nào là Phật tri kiến. Tất nhiên người hiểu ra “thì phấn khởi”, người chưa hiểu ra thì “ngoảnh mặt làm ngơ”, hai thái độ khác nhau này xảy ra trong đạo pháp xưa nay không phải là... chuyện... “lạ”. Vì thế, đánh giá, thẩm định, chọn bài viết hay... Chính là tự đánh giá, tự thẩm định, tự kết luận năng lực tiếp thu của bản thân trước một đề tài lớn trong Phật đạo. Tập đánh giá, là hình thức tự đánh giá mức độ thể nhập của chính bản thân, đánh giá này chưa hẳn đã thành tựu tất cả, vì thế các bạn cũng đừng ngại. Đây cũng là một cách giúp ta vượt qua những hạn chế cố hữu “của cái được gọi là người”, hầu vươn tới những “lớn lao hơn của đạo Trí Tuệ”!
Các bạn! ... Nhìn vào tỉ lệ bình chọn lần này, cho phép chúng ta có thể đánh giá hai môn học đầu tiên trong tám môn học của Đạo Đế là Thấu Thị Môn và Thẩm Sát Môn, hay bước đầu của “Khai và Thị” đã có những thành công tốt đẹp!
− Thấu Thị Môn, là môn học giúp nhìn xuyên thấu, thấy biết không ngăn ngại khi đối trước một nội pháp hay ngoại pháp. Thấu thị còn cho phép nhìn rõ thật tướng của các pháp, hoặc cho phép thành tựu những thấy biết cao hơn!
− Thẩm Sát hay Trạch Pháp, là phương pháp thẩm định, đánh giá, xem xét tỉ mỉ một sự vật, một sự việc xảy ra từ nội tâm hay ngoại giới đúng với bản chất của nó bằng chính Tuệ Giác của mình! Đức Phật đã định nghĩa trạch pháp (dhammavicaya) như sự “tìm kiếm, thẩm sát, xem xét kỹ lưỡng, để có tuệ giác hay sự hiểu biết sâu sắc về những vấn đề (pháp) bên trong tự thân… và những vấn đề (pháp) bên ngoài.”
Nói khác hơn, ở cấp độ Đạo Đế, Thấu Thị Môn và Thẩm Sát Môn [[1]] là môn học chính yếu giúp có được Chánh Kiến và Chánh Tư Duy bằng vào chính những tri kiến hay tri thức đã được “Tuệ Giác Hoá” bởi năng lực của chính chúng ta! Đây cũng là lý do vì sao Trò Chơi Trí Tuệ - 2018/08, đặt ra yêu cầu, các bạn vừa là khán giả, vừa làm diễn viên, đồng thời cũng kiêm nhiệm thêm vai trò giám khảo! Động tác “ba trong một” này, là điều kiện tối ưu để các bạn tập làm quen với loại hình học tập mới của Đạo Đế, hay còn gọi là khai thị Phật tri kiến! Theo sách vở ghi lại, Thế Tôn của chúng ta phải mất đến hơn mười năm, mới thực hiện xong công việc khai thị Phật tri kiến. Ngày nay, cũng bắt chước Cổ Đức. Hy vọng, với các Trò Chơi Trí Tuệ tiếp theo, chúng ta sẽ gặt hái những thành công mà Chư Phật đang mong đợi! Rất mong, nhận được nhiều bình chọn từ Các bạn!...
Mình đã chuẩn bị các câu hỏi tiếp theo cho Trò Chơi Trí Tuệ 2018/09, các câu hỏi lần này cũng chỉ gói gọn trong đề tài Phật tri kiến!... Đến khi nào, chúng ta còn chưa thật sự hiểu ra Phật tri kiến là gì, quyết không dừng lại! (22-07-2018)
KẾT QUẢ BÌNH CHỌN BÀI VIẾT HAY NHẤT
Các bạn! ... Bây giờ là 18 giờ 01 phút, ngày 26/07/2018. Việc bình chọn trả lời của Lý Anh Lạc hay nhất Trò Chơi Trí Tuệ -2018/08. Theo mình, đây là “Bình Chọn Sáng Suốt Nhất” của HĐ Lý Gia!
Kể từ giờ phút này, Lý Nữ Phương Danh Lý Anh Lạc chính thức là người sở hữu Cụ Kinh “Diệu Pháp Liên Hoa” xuất bản 1950 (PL 2518)! Xin chúc mừng SM. Lý Anh Lạc! Xin cảm ơn tất cả HĐTM Lý Gia! Hẹn gặp lại các bạn ở Trò Chơi Trí Tuệ - 2018/09
Xin chuyển đến các bạn, “Bài Bình Chọn Tiêu Biểu” của SH Lý Thái Đăng và “Bài viết có các câu trả lời TCTT 2018/08 (Kỳ 8) hay nhất của Lý Nữ Phương Danh Lý Anh Lạc”. Bài viết bình chọn của Lý Thái Đăng rất hay! (Có thể nói, hay nhất từ xưa đến giờ trong các bài viết của Thái Đăng Đại Ca). Điều này cho thấy, tác giả đã hiểu ra điều gì đó qua Trò Chơi Trí Tuệ lần này!
- Bài Viết Bình Chọn: Cảm Nhận TCTT 2018/08... Hay Nhất (Lý Thái Đăng).
Kính Thầy! Đọc lại các bài trả lời của HĐTM về các câu hỏi trong TCTT 2018/08. Con ấn tựợng cách trả lời của Lý Anh Lạc và xin bình chọn là câu trả lời hay nhất.
Con cảm nhận: Sau khi đọc xong con thấy, bài viết không những đáp ứng, làm thỏa mãn các yêu cầu câu hỏi đặt ra mà còn thể hiện mạch tư duy rõ ràng, mạch lạc, như kết nối các hạt ngọc, làm cho người xem thấy đẹp như xâu chuỗi có tên Anh Lạc của các vị Bồ Tát thường cúng dường chư Phật.
Con xin tán thán trí tuệ của bài viết, và vui mừng trước sản phẩm (viên ngọc lớn nhất thế giới mà Thầy trao đầu năm 2018) đến nay được gọt giũa đã bắt đầu tỏa sáng. Đây là minh chứng cho sự lớn mạnh và giàu có của Đại gia đình Lý Gia. Qua bài viết này con cũng rút ra được một số bài học:
- Để học thuyết thông (qua văn nói hay văn viết) trước hết phải xác định cho được “Điểm nhấn”hay là chiếc chìa khóa, mã khóa để mở được cánh cửa đi vào kho báu. Tạm gọi là “chủ đề cần thuyết, cần làm sáng tỏ”, nếu không xác định rõ mục tiêu thì triển khai không đúng trọng tâm.
- Khi vào lấy được của báu, phải biết thẩm định tài sản. Để tránh được những“cái bẫy”phải nắm vững các nguyên tắc đừng ngây thơ như thỏ non, sau đó đánh giá phân loại tài sản có được một cách rành mạch, chi tiết…
- Sử dụng của báu một cách hợp lý, tiết kiệm vừa đủ (tránh lạm dụng), trang điểm nhẹ nhàng kín đáo, nhưng vẫn thể hiện được sự giàu sang của trí tuệ. Đây cũng là một cách ứng dụng bài học “Danh, cú, hình thân”mà Thầy đã chỉ dạy vào trong ứng dụng thực tiễn.
- Thông qua bài viết, con cũng đã hiểu được phần nào cách ứng dụng phép quán ở cấp độ “Quán chân thực lý trí và quán nhất thiết cảnh trí” thực hiện công đoạn “hút”, “ép” nhiên liệu, chờ thời điểm “đánh lửa” để “nổ”, “xả”.
- Ngoài ra, việc sử dụng môn Thần Công “Chiết Phát Đẳng Pháp”của Lý Gia, tác giả cũng đã mang lại hiệu quả trong việc dùng “Từ” dễ hiểu, phân tích hợp lý thể hiện “Nghĩa” rõ ràng, văn tự nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ, dứt khoát, có đủ “Quyết định Nghĩa” làm thuyết phục người đọc, nhất là làm cho nhiều người hoan hỷ, biểu hiện của sự thay đổi được nhận thức, cảnh giới trong tâm, bớt đi những cái che chướng và thấu tỏ được nhiều điều sau khi đọc bài của tác giả... Ví dụ: Phật tánh là “Nhân” tám tính chất Từ, Bi, Hỷ, Xả, Thường, Ngã, Lạc Tịnh là “Quả”của Phật tánh. Các vị “Bồ tát chỉ thấy một số phần trong tám phần này…” Do vậy khi dùng “Quả” của Phật tánh để trả lời câu hỏi về “Nhân” thì chưa đầy đủ và chưa hợp lý.
Năm 2018, Pháp Hội Diệu Pháp Liên Hoa đã được mở, “Khai, Thị, Ngộ, Nhập” Phật tri kiến đã được Thầy triển khai, các bức tượng mà mỗi học trò hì hục đục đẽo ngày đêm từ đầu năm 2018 cho đến nay, dường như đã có hồn. Không biết Thầy “Khai Tâm” “Điểm Nhãn” khi nào mà các bức tượng có trí tuệ vượt trội hẳn lên, giống như đã được cài phần mềm ứng dụng công nghệ 4.0 của thời đại. Sự thật này đã làm cho mọi người hoan hỷ, đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Con xin đảnh lễ Thầy ba lễ! Con.
- Bài Viết Hay Nhất: Cảm Nhận TCTT 2018/08 − “Thuyết thông, Tông thông và Tầng Bậc của Kiến Tánh Trong Phật đạo” (Lý Anh Lạc)
Thầy kính! Con xin kiến giải các câu hỏi như sau:
- Trả lời câu hỏi 1: Thưa Thầy! Để có thể giải quyết rốt ráo yêu cầu câu hỏi do Thầy đưa ra. Con xin tạm phân tích hai thành phần được coi là quan trọng, cấu thành câu hỏi, đó là:
− Một là, “ý đồ hay thành tố” nào làm nên “điểm nhấn” của câu hỏi. − Hai là, điều kiện “ắt có và đủ” để một người “có thể ngộ nhập” Phật tri kiến.
Theo con, nếu giải quyết được hai nút thắt trên, câu trả lời sẽ có tính thuyết phục cao! Khi đọc kỹ câu hỏi, con nhận thấy ý đồ của Thầy trong câu hỏi rất rõ ràng. Đây là điểm nhấn, đồng thời cũng là chiếc bẫy, sẵn sàng sập bất kì lúc nào, khi một chú thỏ ngây thơ vội vàng bước qua mà không để ý! Như vậy, ý đồ hay điểm nhấn đó là gì? Nếu đặt câu hỏi theo hướng: “Giả sử có một người vừa được “Khai Thị Phật tri kiến”, người này có được gọi là “Thuyết Thông” chăng?” Xin thưa, chỉ mới được “khai thị” thì chắc hẳn là chưa. Đằng này, câu hỏi đặt theo chiều ngược lại, đó là: “Giả sử, một người tu hành đã Ngộ Nhập Phật tri kiến... Theo bạn, ngộ nhập của người đó có được coi là thành tựu thuyết thông hay chưa?”. Chiều ngược lại, theo con, vừa là ý đồ, vừa là điểm nhấn của câu hỏi, ý đồ hay điểm nhấn này nằm ở hai chữ “Ngộ Nhập”
Ngộ, nhập là gì? Để giải quyết hai khái niệm này, phải nhờ đến công việc mở nút thắt thứ hai, đó là: “Điều kiện ắt có và đủ để một người có thể ngộ nhập Phật tri kiến”. Thầy từng giảng, muốn thành tựu Phật tri kiến (con đường đưa đến Phật trí), người tu hành phải trải qua bốn giai đoạn là: “Khai, Thị, Ngộ, Nhập”. “Điều kiện để được khai thị”, phải là những người đã chứng diệt đế.
− Như vậy, Thánh quả Diệt đế là điều kiện bắt buộc, cũng có nghĩa là “trời người hay những người chưa thành tựu giác ngộ và giải thoát không có phần ở đây”. − Và bốn bước khai, thị, ngộ, nhập là bốn công đoạn “cần phải có và đủ” để thành tựu Phật tri kiến. Bốn công đoạn này, con hiểu như sau:
- Khai: Mở ra.
- Thị: Thấy để quan sát và học tập.
- Ngộ: Hiểu rõ, thấu suốt, nhận chân cái đã thấy (Chân Ngộ).
- Nhập: Thành tựu, chứng nhập đạo quả đã thấy (Liễu Nhập).
Căn cứ các kiến giải trên, theo con: “Vị đã ngộ nhập Phật tri kiến, chính là vị thành tựu thuyết thông”. Con còn nhớ, trong một lần nào đó rất lâu rồi, Thầy có giảng: “Thật tình mà nói, kinh Diệu Pháp Liên Hoa chỉ đảm nhận vai trò khai thị Phật tri kiến. Còn hai giai đoạn ngộ nhập, phải đợi đến khi Phật tuyên thuyết Đại Niết Bàn, người tu hành mới thể nhập được”. Lời thuyết này, giúp con tìm ra “cái bẫy” Thầy đã gài sẵn trong câu hỏi số một. Hi hi hi hi! Con thỏ ngây thơ, nhất quyết phải lớn nhanh, để trở thành con cáo già của Phật đạo, như nàng Long Nữ đã từng trong nháy mắt biến thành Nam Bồ Tát trước mặt Xá Lợi Phất, được ghi lại ở kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
- Trả lời câu hỏi 2: Thưa Thầy! Ba thứ kiến trên cùng thấy chung một điều, đó là thấy Phật tánh. Và vì sao lại thấy đến ba lần? Vì:
− Kiến tánh giác: Thấy Phật tánh qua lăng kính tánh thấy, tánh nghe, tánh hay, tánh biết. Nên chỉ thấy Phật tánh lờ mờ.
− Kiến tự tánh: Thấy Phật tánh thông qua tự tánh. Nên thấy Phật tánh chưa trọn vẹn.
− Kiến Phật tánh: Thấy rất rõ Phật Tánh.
Ba cái thấy trên, giống như một người trên đường đi về ngôi nhà của mình, xảy ra ba giai đoạn thấy:
− Thấy tánh giác, dụ cho thấy ngôi nhà lờ mờ.
− Thấy tự tánh, dụ cho thấy ngôi nhà và các màu sắc nhưng chưa thấy đồ đạc trong đó.
− Thấy Phật tánh, dụ cho thấy tất cả khi người đó bước vào ngôi nhà của mình.
- Trả lời câu hỏi 3: Thưa Thầy! Phật trí là nói đến trí tuệ của một vị Phật, còn Phật tri kiến là nói đến thấy biết của một vị Phật.
Ta có thể hiểu Phật trí ví như mặt trời (thể), Phật tri kiến ví như ánh sáng (dụng) từ mặt trời soi rọi ra. Cho nên nếu là một vị Phật, thì Phật trí và Phật tri kiến là một (vừa thể vừa dụng). Còn HĐ chúng con thì, phải nương vào trí tuệ nơi Thầy, để vị lai thành tựu Phật tri kiến. Vì thế, đối với chúng con, Phật trí và Phật tri kiến là hai, một cái là thể, một cái là dụng. Chúng con đang nương nơi “Dụng” của Thầy, để tìm về “Thể” của Phật.
Thưa Thầy! Kính Thầy chỉ dạy thêm, để kiến giải của con được hoàn thiện hơn. Con kính lễ Thầy ba trăm ba mươi ba lạy! Con.
THƯ CẢM ƠN:
Các bạn! ... Mình nhận được email của Tịnh Hiền (Lý Anh Lạc) xin chuyển đến Các bạn! ... Đọc tâm sự của Tịnh Hiền, mình chợt suy nghĩ trong đầu: “Một người với tâm tính như thế này, không thông suốt Phật đạo mới là...chuyện...lạ”!
Các bạn! ... Đối với Phật đạo, tâm tính con người rất quan trọng. Theo mình, nó chiếm đến 80 phần trăm yếu tố thành công trong tu tập! “Vì nó chỉ có một quyển, nên Tịnh Hiền sẽ pho to gởi đến những HĐTM có nhu cầu...”. Một suy nghĩ rất mộc mạc! Suy nghĩ mộc mạc, chơn chất nhưng sâu sắc và thể hiện đầy đủ phong cách Lý Gia! Rất xứng đáng và rất xứng đáng! Xin chuyển đến HĐ, Thư Cảm Ơn, và cũng là tâm sự của Tịnh Hiền. (26-07-2108)
Thư cám ơn của Lý Nữ Phương Danh Lý Anh Lạc.
Kính Thầy! Kính HĐTM! Khi vừa đọc xong kết quả bình chọn Cảm Nhận TCTT 2018/08... Tịnh Hiền đã khóc. Tịnh Hiền vừa khóc, vừa hướng về nơi có Thầy để lễ lạy...
Thầy kính, con cảm ơn Thầy rất nhiều vì đã nhận con làm đệ tử, làm con của Thầy. HĐTM kính, Tịnh Hiền cảm ơn HĐTM rất nhiều vì đã bình chọn bài viết lần này.
Thưa Thầy! Thưa HĐTM! Về phần thưởng lần này, Tịnh Hiền nghĩ nó là món quà chung cho tất cả HĐTM chúng con. Vì nó chỉ có một quyển, nên Tịnh Hiền sẽ photo gởi đến những HĐTM có nhu cầu. Kính Thầy chỉ dạy. Con, Tịnh Hiền. (Lý Anh Lạc)
[[1]] Tám môn học của Đạo Đế gồm: Thấu Thị Môn, Thẩm Sát Môn, Đẳng Ngữ Môn, Đại Hạnh Môn, Đại Đạo Môn, Thật Nghĩa Môn, Đẳng Trì Môn, Chân Giác Môn.
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






