Thẩm Sát Môn Và Thấu Thị Môn… Trong Bồ Tát Đạo (Tiếp Theo)

Các bạn! ... Trong thực tế, có rất nhiều thắc mắc liên quan đến việc tu hành, nếu chúng ta biết tận dụng cơ hội để giải quyết tốt những thắc mắc đó, ngoài việc giúp HĐ thoả mãn những gì chưa được sáng tỏ, nó còn giúp bản thân có dịp nâng cao năng lực tư duy. Việc làm này, là một phần trọng yếu trong yêu cầu tu tập, mà HĐ chúng ta phải thực hiện! Các thắc mắc như sau:
- CÂU HỎI TCTT 2018/11 − Thẩm sát môn, Thấu Thị Môn (tiếp theo)
1) Có hai ý kiến liên hệ đến việc tịch diệt “thiện ác”: − Ý kiến thứ nhất “Tu hành để tâm được định thì, thiện ác trong tâm sẽ không sanh...” ... − Ý kiến thứ hai “Tu hành để thiện ác trong tâm không sanh thì, tâm sẽ được định...” Trong hai ý kiến nêu trên:
A) Theo bạn, đối với Phật đạo, ý kiến nào hợp lý, ý kiến nào chưa hợp lý, hay cả hai đều hợp lý trong việc tu học? B) Hãy giải thích cụ thể, dựa trên cơ sở nào, bạn cho rằng ý kiến mà bạn đã chọn là hợp lý, và những ý kiến còn lại, là không hợp lý?
2) Một số câu hỏi liên quan đến công đức. Người tu hành phần lớn đều mong muốn có được công đức... Xin hỏi:
A) Bắt đầu từ lúc nào, tâm trí người tu hành có thể phát sinh công đức? B) Người tu hành có được công đức để dùng vào việc gì? Xin nêu cụ thể? C) Dấu hiệu nào để ta có thể nhận biết rằng, bản thân đang thụ hưởng công đức do việc tu tập làm nên?
Rất mong, được nghe những kiến giải bổ ích từ các bạn (17-09-2018)
GỢI Ý... TCTT 2018/11− Thẩm sát môn, Thấu Thị Môn (tt)
Theo mình, việc các bạn chọn ý kiến nào là hợp lí trong câu số một (hoặc tu định để thiện ác không sanh, hay tu để thiện ác không sanh nhờ thế tâm được định). Điều quan trọng vẫn là, các bạn phải chứng minh một cách thuyết phục, cũng như dựa vào cơ sở giáo pháp đáng tin cậy đối với phương án mà bạn chọn lựa. Điều quan trọng thứ hai là, chúng ta cần phải xem xét mối liện hệ nhân quả giữa hai pháp thiện ác và tâm, giữa thiện ác và tâm cái nào là nhân, cái nào là quả. Khi các bạn thấy được tính nhân quả, mình tin rằng việc chọn lựa ý kiến hợp lí không còn khó khăn. Từ đó, chuyện lập luận bảo vệ, hay phản bác, hoặc đồng thuận các ý kiến còn lại nằm trong tầm tay!
Hai câu hỏi lần này, điều mình muốn thấy ở các bạn đó là, khả năng lí luận để hiển bày chân lí. Chân lí được chọn lựa, phải dựa vào cơ sở giáo pháp, có tính thuyết phục cao, và lựa chọn đó phải đáp ứng được các mục tiêu của Phật đạo đề ra. Có nghĩa, chúng ta không chọn theo cảm tính, theo số đông có tính truyền thống nhưng không như pháp hoặc phi khoa học, v.v… Vì thế, việc chọn lựa ý kiến này hay ý kiến kia, phải là một chọn lựa tối ưu, được bảo vệ vững chắc bằng những lập luận có cơ sở đáng tin cậy, thuyết phục, hợp lí và khoa học! (17-09-2018)
Các bạn! ... Để trả lời dứt khoát rằng, “ý kiến nào hợp lí” đối với câu hỏi số một là chuyện không dễ. Muốn làm được điều này, cần phải nắm vững giáo pháp, nhận biết mục tiêu thật sự của Phật đạo là gì, khác biệt giữa các thứ định nằm ở đâu, cứu cánh đạt đến của các thứ định (hay thiền định) là gì! Quan trọng là, phải nhận thức rõ, khái niệm “Định” (hay thanh tịnh) của Phật đạo là gì, và làm thế nào để có được thứ định này! Những điều tạm coi là cơ bản nêu trên, trong các cuốn sách, mình cũng đã phân tích rất kỹ. Chỉ có điều, các bạn đã nắm được hay chưa mà thôi! (18-09-2018)
Bất chợt, Lão Lý nhớ tới câu nói của thánh nhân mà dân ta thường dùng “ngôn dị hành nan”, tức “nói dễ làm khó”, nay đã trở thành lạc hậu, thành ngữ này sắp cáo chung ở tiền bán thế kỉ 21 rồi chăng???! Từ đây về sau, có lẽ nên đổi thành “ngôn nan hành dị” tức “nói khó làm dễ “! Rồi Lão Lý lại ngẫm nghĩ, vì sao có cái cớ sự tréo ngoe “ngôn nan hành dị” này ló mặt ra?
Chắc là khi gặp câu hỏi, các vị HĐ chúng ta thất thần, hồn vía lên tận trên trời, quên mất bài thuốc rắn, mải chạy theo cục xương mà không ngó ngàng gì người ném!... Nếu bình tĩnh, chỉ cần lùi ba bước, quan sát tâm này, sẽ nhận ra cái ta được hôm nay là nhờ đâu? Thử nghĩ xem: Nay tâm ta không loạn động trước cảnh duyên, nay tâm ta thảnh thơi, bình lặng trước cõi thế ô trược, nay ta có chút công đức lận lưng là vì cái gì?
Là: − Nhờ ta bỏ ra nửa đời người, lên tận thâm sơn cùng cốc để tu định chăng? − Nhờ ta biết rõ cái “tồ lô” (tào lao) của các pháp, mà ta chẳng thèm sinh đẻ gì nữa, nhờ thế mà ta mắc phải “chứng vô sanh”? − Nhờ ta dùng cả hai, tức 20 năm cô độc lên núi lên non thiền định, rồi có 20 năm lóng lỗ tai nghe pháp mà có đặng chút công đức còm hôm nay?...
Chỉ cần dòm lại cái ót, nhất định câu trả lời do cái gì mà tâm ta được định (thanh tịnh) chắc chắn sẽ ở trên trán! Bài thuốc rắn cho đến giờ này, vẫn còn nguyên giá trị! ... Các bạn! ... Câu ca dao:
“Đố ai đến được trời cao!
Đố ai đếm được ngôi sao trên trời!”
Có lẽ nên đổi lại:
“Đố ai cột được bóng cây!
Thế mà có kẻ hôm nay...đòi...mần!”
Tâm như bóng (cây), thức mê như cái cây! Cột bóng, để cây không lay động, có phải đây là cái chuyện “loạ nhất trên đời” hay không! Ấy thế mà, cũng có vị HĐ nghĩ ra, lại coi đây là phương án hợp lí! Các bạn thấy... có... ngộ... không? (18-09-2018)
Các bạn! ... Trước khi bàn đến việc chọn lựa ý kiến nào là hợp lí. Mình có vài gợi ý: Ba khái niệm “Tâm”, “Định” và “Thiện Ác” là ba nhân tố hình thành các ý kiến khác nhau. Bây giờ, ta thử mổ xẻ ba khái niệm này, cũng như tìm xem mối liên hệ nhân quả của ba khái niệm trên theo tinh thần Phật đạo.
I. NHẬN DIỆN CÁC KHÁI NIỆM
- Tâm: Là các “hiệu ứng tình cảm” như: Buồn, vui, thương, ghét, giận, hờn, v.v... nó chỉ hiện khởi khi Thức bị Mê và sanh Pháp! Hay nói khác hơn, “Tâm” chỉ là “Bóng Dáng” của một nhận thức không sáng suốt khi Căn xúc đối “Trần Cảnh”(Vô Minh Xúc). Thức Mê như một cái cây, “Tâm” như bóng của cái cây khi các “Duyên” hội hiệp! Duyên không hội hiệp, bóng cây sẽ tự mất!
- Định hay “Thanh tịnh”: Là kết quả của một “Nhận Thức Như Pháp” khi căn đối trần (Minh Xúc). Định hay thanh tịnh, là sự “Dừng Lặng” do thấu suốt bản chất “Tự Như” của sáu trần, cũng như thấy được “tính chất hư dối” của các quan niệm (Pháp). Từ đó, ý thức (hay thức) không bị mê “Trần” (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) để rồi sinh pháp! Tóm lại, Định hay “Thanh tịnh” là cách nói khác của Vô Sanh. Tức không sanh Tâm, hoặc không sanh Pháp! Quả vị Vô Sanh là kết quả của Giác Ngộ. Vì thế, “Định hay Thanh tịnh Thật Sự” chỉ có đối với những người đã giác ngộ.
Trong thế gian, người ta cũng ý thức được rằng, khi “Ý Thức Động Lay”, “Tâm sẽ Dao Động”. Để giúp tâm không dao động, người ta dùng “một Sở Pháp Cột Chặt Ý Thức”, làm tê liệt ý thức, bức tử ý thức, không cho ý thức hoạt động. Ý thức không hoạt động, các hiệu ứng tình cảm của “Tâm” như buồn, vui, thương, ghét, v.v... theo đó cũng dừng! Như vậy, xét tột cùng, “loại Định này”, cũng là kết quả của “dừng Nhận Thức trước” chứ không phải “dừng Tâm trước”! Và “các loại Định dưới hình thức này”, không phải chủ trương của Phật đạo, vì nó không đưa đến Giác Ngộ. Người xưa gọi là “Lấy đá đè cỏ”!
- Thiện, Ác: Là hai quan niệm (pháp) trong vô số quan niệm của thế gian như: Thiện, ác, đúng, sai, phải, quấy, hơn, thua, đẹp, xấu, được, mất, v.v... Khi “Thức bị Mê”, ý thức sẽ sinh khởi các quan niệm (pháp) đối với “Nội Trần” hoặc “Ngoại Trần”! Pháp hay các quan niệm, là tác nhân chính (Nhân) cho ra hiệu ứng “Sinh Tâm”, buồn, vui, thương, ghét... (Quả)!
II. LIÊN HỆ NHÂN QUẢ.
Theo các phân tích trên, ta có thể thấy được mối liên hệ nhân quả giữa “Tâm”, “Định” và “Thiện Ác”... như sau:
- Thiện Ác (hay các pháp) là sản phẩm của “Thức Mê”. Nó là “Nhân” sinh ra “hư vọng Tâm” (hiệu ứng tình cảm như vui, buồn, thương, ghét…)
- “Định” hay “Động” chỉ là kết quả của một nhận thức “Như Pháp” (sáng suốt, thấu triệt...) hay nhận thức “Phi Pháp” (không sáng suốt, u tối, mê lầm...) Vì thế Giác Ngộ, với một nhận thức sáng suốt (Thức không Mê), khi sáu căn xúc đối với sáu trần, sẽ không sinh các quan niệm (pháp), do pháp không sanh, nên tâm không sanh. “Pháp Không Sanh, Tâm Không Sanh” Phật đạo gọi trạng thái đó là “Định” hay “Thanh tịnh”!
- Xét đến đây, ta sẽ thấy được: Thiện ác là NHÂN, tâm là QUẢ, định hay động là “Quả của Quả”! Thanh tịnh hay định của Phật đạo, là kết quả của việc “Dừng Nhân Sanh” chứ không phải của “Diệt Quả Chứng”!
III. CÁC VÍ DỤ MINH HOẠ:
- Ví dụ 1: Ta có thể lấy ví dụ, nhận thức như một cái cây, tâm như bóng cây. Khi cây lay động thì bóng cây sẽ lay động, khi cây dừng lặng thì bóng cây cũng theo đó mà dừng lặng. Người ta không thể, cột bóng cây để cái cây không lay động. Giống như người ta không thể dừng tâm để mong rằng nhận thức thiện ác tịch diệt!
- Ví dụ 2: Nhận thức như những viên sỏi, tâm như mặt hồ. Khi người ta ném những viên sỏi xuống hồ, nhất định mặt hồ sẽ nổi sóng và động lay, muốn mặt hồ tĩnh lặng, phải dừng việc ném sỏi! Không có chuyện các viên sỏi nhận thức vẫn tiếp tục ném xuống, mà mong rằng hồ tâm không nổi sóng (mong rằng tâm định để thiện ác dừng).
Các bạn! ... Những phân tích nhỏ ở trên, hy vọng các bạn sẽ có được những chọn lựa tốt nhất, có được những đánh giá như pháp khi đối trước các ý kiến trái chiều về kĩ thuật tu hành! 19-09-2018
Trong Kinh Đại Niết Bàn Phật dạy: “Đến thời mạt pháp, giáo pháp của đức Phật giống như sữa đã bị những người bán hàng pha nước vào đó đến năm mươi lần”. Câu nói này có nghĩa, từ một lít sữa ban đầu, khi đến tay người tiêu dùng, nó trở thành năm mươi mốt (51) lít. Thử nghĩ, vì lợi dưỡng, những người bán hàng đã pha như thế, người dùng sữa có còn hưởng được tí sữa nào chăng?
Giống như bệnh nhân dùng thuốc để chữa bệnh, mỗi lần uống một viên thuốc mà, trước mặt có đến năm mươi mốt viên, trong đó chỉ có một viên thuốc thật, còn lại năm mươi viên gần giống như thuốc thật. Thử hỏi, người bệnh bằng cách gì uống được viên thuốc thật cho khỏi bệnh? Các bạn là những người được tạm coi là: “Nắm vững quy trình sản xuất, nắm vững cách nhận biết thật hư, hàng ngày được dùng thuốc thật, bệnh tình có thuyên giảm, v.v...” thế mà còn chọn lựa vất vả, trong đó, người chọn thuốc giả không ít! Thế thì, những người trong đời không đủ kiến thức, chưa một lần thấy viên thuốc thật, phải làm sao đây?
Chúng ta không bi quan, chúng ta không nhìn mọi thứ dưới ánh mắt tiêu cực, chúng ta không đánh đồng quan điểm, chúng ta không phủ nhận toàn bộ, chúng ta là những người biết trân trọng. Nhưng, chúng ta, không thể là những người dễ dàng chấp nhận bị ru ngủ bởi những liều thuốc giả! Và, chúng ta phải là những người, trước thực tế “hư nguỵ”, biết rằng bản thân nên làm điều gì là tốt nhất! ֎ Theo mình thì, tất cả những thứ ấy, đang nằm trên đôi vai của Các bạn! ... ֎
Các bạn! ... Có thể hôm nay, chúng ta còn lẫn lộn giữa thật giả, lẫn lộn chơn nguỵ. Nhưng ngày mai, ngày kia nhất định chúng ta sẽ là những người biết chắc đâu mới là viên thuốc thật của giáo pháp! Có làm được điều này, chúng ta mới không phụ công ơn chư Phật! Xin chuyển đến các bạn tham khảo, bài trả lời tiêu biểu của HĐ... (20-09-2018)
(Tham khảo) CẢM NHẬN TCTT 2018/11 − Thẩm Sát Môn, Thấu Thị Môn.
- (01) Cảm Nhận TCTT 2018/11 − Thẩm Sát..., Thấu Thị... (Lý Anh Lạc)
Thầy kính! Con xin trả lời các câu hỏi như sau:
- Trả lời câu hỏi 1: Thưa Thầy! Theo con, đối với Phật đạo thì ý kiến thứ hai là hợp lý nhất. Vì sao?
Vì Phật đạo là Đạo Giác Ngộ, là Đạo như pháp mà nhận thức. Do đó, nếu một người tu hành khi biết rõ (Giác) thiện, ác vốn phi thiện, phi ác. Từ đó đối trước thiện ác, vị này như pháp mà nhận thức. Vì như pháp mà nhận thức, dần dần tâm thức vị này không còn hiện khởi (tịch diệt). Vì thiện ác (pháp) không còn hiện khởi, nên khi đối trước cảnh duyên, tâm vị này tự định (ngộ)…
Và con chọn ý kiến thứ hai vì biết rằng, tâm chỉ là hiệu ứng (tình cảm) khi ba duyên căn, trần, thức hoà hiệp. Vì vậy, khi đối trước thiện ác, nếu nhận thức như pháp (thiện ác vốn không tánh...), không nhận thức phi pháp thì, thiện, ác sẽ không sanh khởi (tịch diệt). Khi thiện, ác không còn sanh khởi, tâm tự định. Và theo con, thiện ác (nhận thức) là nhân còn tâm chỉ là quả. Người trí chỉ cần giải quyết nhân. Tư duy đến đây con chợt nhớ đến lời Thầy đã nói: “Bồ Tát thì sợ nhân, Thanh Văn thì sợ quả”. Chính vì thế, nên con đã chọn ý kiến thứ hai “tu hành để thiện ác không sanh thì tâm được định”. Và lựa chọn này theo con nghĩ, con đang thực hiện lời dạy của Phật: “Đạo của ta không nhọc công, không tốn sức”.
- Trả lời câu hỏi 2:
Câu 2.A: Thưa Thầy! Một người tu hành khi bắt đầu nhận thức như pháp, không nhận thức phi pháp (sơ ngộ). Theo con cũng là lúc tâm trí vị này bắt đầu phát sinh công đức.
Câu 2.B: Thưa Thầy! Theo con, người tu hành dùng công đức để đổi lấy quả vị trong Phật đạo. Ví dụ:
− Khi biết rằng: “Tâm này xưa nay tự thanh tịnh”, và vị này như pháp mà sống. Theo con, đây là thứ công đức dùng để đổi lấy quả vị Niết Bàn. − Khi biết rằng hư vọng tướng là cái chúng ta đang thấy. Và vị này như pháp mà thấy. Theo con đây là thứ công đức để đổi lấy quả vị Trí Tuệ.
Câu 2.C: Thưa Thầy! Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy bản thân đang thọ hưởng công đức từ việc tu tập làm nên như: − Đời sống thì tri túc. − Không năng, không sở. − Tâm thì mất biệt, pháp thì kiếm không ra. − Khởi tư duy thì hỷ lạc...
Thưa Thầy! Kính Thầy chỉ dạy thêm cho con! Con xin lạy Thầy ba mươi lạy! Con.
- (02) Cảm Nhận TCTT 2018/11 − Thẩm Sát..., Thấu Thị... (Lý Ngọc Hỷ)
Kính Thưa Thầy! Con xin trả lời các câu hỏi như sau:
- Trả lời câu hỏi 1: Theo con, đối với Phật đạo, ý kiến thứ hai: “Tu hành để thiện ác trong tâm không sanh thì, tâm sẽ được định...”là hợp lý. Vì sao như vậy? Chỉ thú tu hành trong Phật đạo là“Giác Ngộ, Giải Thoát, Trí Tuệ”. Lấy “thay đổi nhận thức”, thấu suốt lời Phật dạy (Pháp), “sống đời sống như Pháp” thì Định tự sanh…
Để giải quyết nội dung câu hỏi này, cần hiểu rõ các thuật ngữ sau theo lời Phật dạy: − Cái gì là Tâm? Vì sao nó hiện? − Định trong Phật đạo là gì? Khi nào thì có Định?
- Tâm là các hiệu ứng tình cảm: như buồn vui, thương ghét, giận hờn, v.v... nó chỉ hiện lên khi căn thân, đối xúc đối với trần cảnh, bị thức mê sai sử, làm sinh pháp, mê pháp thì “Tâm hiện” (sanh tâm). Tâm không thật, vì là sản phẩm của Thức mê, nên không diệt được.
- Định là hệ quả của một nhận thức như Pháp, chỉ có đối với người đã Giác Ngộ, biết rõ “Căn” không tánh không tướng, “Trần” bản chất “tự Như”, căn thân xúc đối với trần cảnh, khi “giác ngộ”, thấu suốt vấn đề, tâm không động lay gọi là định.
− Vậy, ý kiến thứ nhất: “Tu hành để tâm được định thì, thiện ác trong tâm sẽ không sanh...” là không hợp lý. Vì Tâm “không thật”, lấy cái “không thật” để tu cho được Định thì không thể được.
− Với Ý kiến thứ hai: “Tu hành để thiện ác trong tâm không sanh thì, tâm sẽ được định...” là hợp lý. Vì tu hành để Thiện ác trong tâm không sanh, chính là không sinh Pháp, Pháp không sanh thì Tâm không hiện, lúc này mới được gọi là Định.
- Trả lời câu hỏi 2:
Câu 2.A: Người tu hành phát sinh công đức khi bắt đầu sơ ngộ, chứng quả vị Tu Đà Hoàn, mặc dầu chưa nhiều nhưng đã có công đức.
Câu 2.B: Người tu hành có công đức, khi còn ít, dùng để mua An Lạc, khi có nhiều, mua Niết Bàn, nhiều nữa mua Trí Tuệ. Công đức càng nhiều Trí tuệ càng sâu.
Câu 2.C: Dấu hiệu để nhận biết bản thân đang thụ hưởng công đức do việc tu tập làm nên như: Hết sân hận, khi gặp nghịch cảnh vẫn an vui, phiền não không hiện.
Trên đây là những nhận biết của con, còn nhiều thiếu sót, xin Thầy từ bi chỉ dạy thêm. Con xin thành tâm kính lễ Thầy vô lượng lễ. Kính bút! Con.
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






