Thấu Suốt Và Thể Nhập Văn Hóa Vô Lậu

Các bạn!... Văn Hóa Vô Lậu là “Một hình thái văn hóa” chỉ có trong Phật đạo, đó là đời sống của những người có Giác có Ngộ. Liên quan đến đề tài này, để khởi động cho việc tu học của năm mới 2018, mình có vài thắc mắc, rất mong được HĐ giải đáp:
- CÂU HỎI TCTT 2018/01 − Văn Hóa Vô Lậu
Muốn thành tựu văn hoá vô lậu, người tu hành phải trừ sạch bốn tướng, trị dứt bốn bệnh và không kẹt bốn câu (tứ cú). Xin hỏi:
1) Trừ sạch bốn tướng, trị dứt bốn bệnh, không kẹt bốn câu, mỗi thứ như vậy sẽ tịch diệt sau khi thành tựu (từng) đế nào trong “bốn Đế”? (Ví dụ: Hết bốn bệnh tương ưng với thành tựu đạo đế, hết bốn tướng tương ưng với thành tựu tập đế, v.v... Chú ý: Đây chỉ là ví dụ để tham khảo, chưa phải câu trả lời chính xác)
2) Bạn hãy giải thích: Vì sao, thành tựu đế này sẽ trừ sạch bốn món kia? (Ví dụ: Thành tựu tập đế sẽ trị dứt bốn tướng vì các lý do sau: Chú ý: Ví dụ này cũng chỉ dùng để hướng dẫn cách trả lời, chưa phải câu trả lời đúng nhất). Rất mong nhận được những kiến giải lý thú từ các HĐ! (02-01-2018)
GỢI Ý … TCTT 2018/01 − “… VĂN HÓA VÔ LẬU”
Mình không biết hai câu hỏi vừa rồi có quá khó đối với các HĐ hay không? Nhìn vào số HĐ trả lời, chúng ta sẽ thấy một con số ấn tượng về tỷ lệ HĐ trả lời đúng thì đâu có thể gọi là khó được! Điều này minh chứng rằng, câu hỏi không nằm ngoài khả năng của các bạn. Với những gì các bạn thành tựu trong tu tập, cộng với những kiến thức đã được trang bị trong thời gian vừa qua. Nếu các bạn chịu khó “lặng lẽ quan sát”, chịu khó đối chiếu quá trình tu học, việc trả lời đúng chỉ là chuyện “lấy đồ trong túi”!
Phật đạo là đạo giác ngộ, là đạo giải thoát, là đạo trí tuệ. Có nghĩa rằng, Phật đạo siêu quá “Khái Niệm Tu Cùng Không Tu” của thế gian. Các quả vị của Phật đạo từ thấp đến cao, thậm chí Vô Thượng Bồ Đề cũng chỉ thành tựu với những ai giác ngộ. Nếu không giác ngộ, cho dù có bỏ một đời, hai đời, hoặc nhiều hơn thế nữa để dụng công tu hành, kẻ ấy muốn thành tựu một quả vị chính thống dù nhỏ nhất trong Phật đạo, cũng chỉ là chuyện không tưởng! Chính vì điều này, một người chỉ cần sơ ngộ như một Tu Đà Hoàn chẳng hạn, cho dù người đó có giải đãi, theo lời Phật dạy: “Trải qua bảy đời, người này cũng chứng La Hán”.
Lời dạy này minh định rằng, cơ sở để thành tựu các đạo quả chính thống của Phật đạo bắt nguồn từ giác ngộ chứ chẳng do dụng công (bốn bệnh nằm trong phạm trù dụng công) hay làm một điều nào khác. Vì thế, Đức Phật còn có danh xưng là đấng Đại Giác, Bậc Đại Trí. Chớ, chẳng ai gọi Thế Tôn của chúng ta là “Đấng... Đại... Tu”.... Đây cũng là lý do vì sao, khẩu hiệu “giác ngộ, giải thoát, trí tuệ” luôn là kim chỉ nam cho HĐ chúng ta!
- Bốn bệnh (nhậm, tác, chỉ, diệt) gồm bốn quan niệm tu và không tu của thế gian. Mà, pháp thế gian chẳng cho ra quả xuất thế, pháp hữu lậu chẳng cho ra đạo quả vô lậu, pháp hữu vi (pháp làm ra, dụng công) chẳng thể đưa đến Niết Bàn vô vi (vô công dụng đạo, vô tác...). Chỉ những ai “Có Giác, Có Ngộ”. Nhờ sức giác, kiết sử tự huân lắng. Giống như “nhờ thế lực của Thuỷ Thanh Châu nước đục tự lắng thành trong” (lời kinh).
Trong quá trình thẩm sát, nhờ thế lực của giác làm cho phàm tâm tịch diệt, làm cho hư vọng tâm không hiện khởi, làm cho kiết sử tự tiêu hoại. Đến khi thành tựu viên mãn Tập đế (không còn phàm tâm, không còn hư vọng tâm, không còn kiết sử), vị ấy mới thật sự hiểu rằng “Dứt Tập sẽ trừ sạch Bốn Bệnh”. Bây giờ, vị ấy sẽ như thật xác chứng rằng, thành tựu tập đế chẳng phải do tu cùng không tu như người đời đã hiểu, vượt ra khỏi giới hạn của bốn bệnh (các đế kia cũng đều như vậy). Đây cũng là lý do vì sao, trong Tâm Pháp mình viết: “Tập đế lấy giác làm đế”, có nghĩa muốn dứt kiết sử, muốn dứt phàm tâm, muốn dứt hư vọng, “Giác là Cơ Sở Chính Yếu” để thành tựu đế này, ngoài cơ sở này, hoàn toàn không thể nương cậy vào pháp khác... Như vậy, “dứt Tập hết bốn bệnh” là câu trả lời đúng!
- Bốn tướng (Ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả) là sản phẩm của sinh pháp. Cũng bởi tại quan niệm, nên mới thấy tôi khác anh (nhân ngã), đạo quả này tôi chứng còn anh thì chưa (chúng sanh thọ giả). Chứng diệt, các pháp không sanh (Vô Sanh Pháp), bốn tướng nếu có còn, chỉ là tướng... hư... không... ⁎ Trong trường hợp này là: “Chứng Diệt dứt bốn tướng”.
Nếu các bạn nào có đọc qua Tâm Pháp, sẽ thấy Lão Lý đã từng viết rằng: “Diệt đế lấy ngộ làm đế...” điều này có nghĩa khi “Ngộ Bổn Tâm” (chứng diệt đế) các tướng sẽ tự tịch diệt vì nơi bổn tâm (chơn tâm) một tướng còn không có, hà huống có đến ba bốn tướng! “Thiên cơ bất khả lậu”...
- Tứ cú hay bốn câu gồm bốn cái ngu của ngôn thuyết, là những cái ngu khi cho rằng: Pháp là đồng (giống) hay dị (khác), pháp là có hay không (hữu hay vô), pháp là thường hay vô thường (tồn tại vĩnh viễn hay biến hoại), pháp là chẳng thường chẳng vô thường (cũng tan hoại cũng vĩnh viễn) thậm chí Như Lai là người hay ma, bậc thánh đi trên mặt đất hay bay trên mây, phàm phu giống cuộn chỉ kéo hoài sẽ tự hết, v.v... và v.v... Bát Nhã (trí tuệ đặc thù của Phật đạo) sẽ trả lời tất tần tật câu nào dở hơi, câu nào chánh lý! ... Câu trả lời đúng nhất trong hoàn cảnh này sẽ là: “Thành tựu Đạo đế, sẽ tịch diệt (giải quyết rốt ráo) hết bốn, năm, sáu, bảy, thậm chí vô lượng câu”. Như thế! ... Như thế! ... Cũng trong Tâm Pháp, Lão Lý từng nói như đinh đóng cột: “Đạo đế lấy Trí làm Đế! Tức là thành tựu Đạo đế sẽ cho ra Vô Đối Trí!
- Tóm lại, khi thành tựu đủ “bốn Đế”, sẽ biết rõ “ba thứ bệnh kia” tương ưng với những đế nào... (05-01-2018)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






