Giới Thiệu Khái Quát Về Chương Trình Học Đạo Đế (Học Nhất Thiết Trí) Trong Phật Đạo

I. DẪN NHẬP
Trong đời và cả Phật đạo, trí tuệ được ví như một viên ngọc quý bởi những giá trị nhất định của nó. Ngọc quý thuộc về vật chất, trí tuệ thuộc về tinh thần.
- Ngọc quý là viên ngọc có độ tinh khiết tuyệt đối, ổn định, khả năng chiết quang và phản quang mạnh, có độ cứng nhất định, chống ăn mòn. Sau khi chế tác, mài dũa, các mặt của nó đều ánh lên sự lấp lánh mà không có một vật thể nào trên đời sánh được!
- Trí tuệ trong Phật đạo là sự thuần khiết siêu việt tuyệt đối của tâm và trí. Khi tiếp cận, người có mắt sẽ nhận ra sự lấp lánh đặc trưng từ các mặt cơ bản của nó!
Để có được một viên ngọc quý, ngoài sự hình thành do quá trình địa chất tự nhiên, viên ngọc đó còn phải trải qua sự mài dũa, cắt gọt từ những nhà chuyên môn, để viên ngọc thô trở thành viên ngọc giá trị. Phật dạy: “Hết thảy chúng sinh đều có Phật tánh”.
Phật tánh trong mỗi chúng sanh như những viên ngọc thô đang lẫn khuất trong vô vàn khoáng vật cùng đất đá của tâm thức hư vọng. Muốn tìm thấy viên ngọc này, người ta phải cất công tìm kiếm bởi những con người có chuyên môn cao và những công cụ đặc biệt. Sau khi tìm được, viên ngọc thô được các nghệ nhân kim hoàn chế tác thành những viên ngọc quý hiếm, có giá trị trong đời!
II. NHỮNG MÔN HỌC CƠ BẢN CỦA ĐẠO ĐẾ
Trong Phật đạo, Tứ Diệu Đế chính là quy trình hoàn hảo, giúp người tu hành đi tìm viên ngọc Phật tánh từ chính họ, mà từ lâu nó bị lẫn khuất bởi các thứ nhiễm ô thế tục hoà lẫn với tâm thức hư vọng. Sau đó, qua bàn tay khéo léo của giáo pháp, viên ngọc thô Phật tánh lại một lần nữa, được chế tác để trở thành những viên ngọc Trí Tuệ quý hiếm trong đời.
Và, Đạo Đế chính là công cụ chế tác ngoạn mục, có thể biến viên ngọc thô Phật tánh (đã tìm thấy từ quy trình tìm kiếm của ba Đế trước) này trở thành Trí Tuệ siêu việt! Điều này được minh hoạ trong Kinh Đại Niết Bàn, đại ý như sau: “Trước khi thọ thực, thân Bồ Tát là nhục thân (tâm thức phàm phu).Thọ thực xong (Giác Ngộ chân lý), Bồ Tát nhập Kim Cang Tam Muội tiêu hoá thức ăn (thể nhập chân lý), biến nhục thân thành Kim Cang thân (hết Khổ, dứt Tập, chứng Diệt Đế). Thấy Phật tánh (ra khỏi vô minh, kiến Bổn Tánh), thành Đẳng Chánh Giác (Thành tựu Đạo Đế, viên mãn Đại Trí Tuệ)”.
Nếu như, viên ngọc mà người đời cho là quý hiếm, được đánh giá bởi độ thuần khiết và sự lấp lánh, không ô tạp hay tỳ vết từ trong ra ngoài, được nhìn thấy xuyên suốt qua các mặt của nó thì Trí Tuệ trong Phật đạo chính là sự thuần khiết siêu việt của tâm và trí người tu hành, được ảnh chiếu xuyên suốt từ trong ra ngoài, được nhìn thấy bởi những người mắt sáng (trong giao tiếp) qua tám mặt cơ bản của nó.Điều này đã được Đấng Tam Giới Tôn khái quát trong Thập Bát Bất Cộng là:
“− Nhứt thiết thân nghiệp tùy trí huệ hành: Hết thảy nghiệp của thân, tùy theo trí huệ mà tạo tác. − Nhứt thiết khẩu nghiệp tùy trí huệ hành: Hết thảy nghiệp của miệng tùy theo trí huệ mà tuyên thuyết. − Nhứt thiết ý nghiệp tùy trí huệ hành: Hết thảy nghĩ suy của ý, tùy theo trí huệ mà thấu suốt...”
Tám mặt cơ bản của Trí Tuệ chính là tám sự chân chánh tuyệt đối của Phật đạo. Trí Tuệ, là một khái niệm mơ hồ, mênh mông và khó nhận biết, chỉ khi nào người ta nhìn vào một mặt cơ bản bất kỳ nào đó của người tu hành mà, ở đó người ta nhận ra nét siêu việt, sự thông suốt, không ô tạp và hiện lên những ảnh quang lấp lánh đặc trưng của Đạo Pháp. Chừng ấy, sự xác chứng về viên ngọc Trí Tuệ của Phật đạo được coi là hiện hữu trong vị tu hành ấy!
Viên ngọc Trí Tuệ của Phật đạo có tám mặt cơ bản, tám mặt này giáo pháp gọi là Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo gồm: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Cũng giống như một viên ngọc quý, không phải ngẫu nhiên mà nó có được sự hoàn hảo ở các mặt Muốn có được sự hoàn hảo, viên ngọc đó phải được thông qua quá trình chế tác vô cùng công phu và tinh tế. Cũng như vậy, tám mặt cơ bản (bát chánh) của viên ngọc Trí Tuệ, muốn có được sự hoàn hảo và lấp lánh dưới ánh sáng Đạo Pháp, nó cũng phải được thông qua quá trình học tập và rèn luyện chuẩn mực. Vì thế, Bát Chánh Đạo chính là tám môn học cơ bản, sau khi thông suốt tám môn học này, nó có năng lực phản chiếu những gì được coi là ưu việt và chân chánh nhất của Đạo Trí Tuệ. Hay nói khác hơn, Bát Chánh Đạo gồm tám môn học của Đạo Đế, thành tựu hoàn hảo tám môn học này, sẽ có được một Trí Tuệ chân chánh siêu việt, được gọi là Nhất Thiết Trí. Trong kinh, chư Thiên thường khen ngợi Bát Chánh Đạo là “Độc đạo, an ổn và bất tử”!
III. TÊN GỌI CÁC MÔN HỌC
Tám môn học của Đạo Đế là: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Tám môn học này, khi thành tựu viên mãn sẽ ẩn tàng trong nó những Tam Muội Môn và Giải Thoát Môn của Phật đạo. Có nghĩa rằng, các Tam Muội Môn hay Giải Thoát Môn của Phật đạo chỉ là hệ quả tất yếu của sự thấm nhuần và thông đạt Giáo Pháp, tức ngữ và nghĩa không hai. Nếu có một Tam Muội Môn hay Giải Thoát Môn nào không được soi sáng bởi ngọn đuốc Giáo Pháp đều không thuộc về các Đạo Quả trong Phật đạo!
Tất nhiên, trong chừng mực nào đó, người tu hành sử dụng các tên gọi thuần tuý của Bát Chánh Đạo như Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, v.v... thay vì gọi tên tám môn học về Bát Chánh là Thấu Thị Môn, Thẩm Sát Môn, v.v... cũng không có gì sai. Vì rằng, trong tu học, danh tướng không quan trọng, điều quan trọng nhất là: Ta đã học được môn học đó hay chưa, học bằng cách gì, học ở đâu và đến lúc nào mới thành tựu viên mãn các Đạo Phẩm này? Cho nên, cái được gọi là Trí Tuệ trong Phật đạo, không phải chỉ đơn thuần nhận biết qua những tên gọi hoặc định nghĩa như thế này hay thế kia... Mà, nó phải thật sự lấp lánh và rực sáng dưới mọi góc nhìn của Đạo Pháp!
Để phân biệt giữa môn học và sự thành tựu sau khi học, tức là học để có Chánh Kiến khác với người đã thành tựu Chánh Kiến, người xưa tạm đặt tên cho các môn học của Bát Chánh Đạo theo cách gọi riêng để dễ nhận biết...
III.1. Thấu Thị Môn (Môn học về Chánh Kiến)
Học cách trực nhận và thấu đáo như pháp (về Thánh Pháp lẫn Thế Pháp). Khi thành tựu hoàn hảo, sẽ có được Chánh Kiến.
III.2. Thẩm Sát Môn (Môn học về Chánh Tư Duy)
Học cách suy nghĩ, phản biện thấu đáo như pháp. Khi thành tựu hoàn hảo, sẽ có được Chánh Tư Duy.
III.3. Đẳng Ngữ Môn (Môn học về Chánh Ngữ)
Học cách thức tuyên thuyết như pháp. Khi thành tựu hoàn hảo, sẽ có được Chánh Ngữ.
III.4. Đại Hạnh Môn (Môn học về Chánh Nghiệp)
Học về Bồ Tát Hạnh như pháp. Khi thành tựu hoàn hảo, sẽ có được Chánh Nghiệp.
III.5. Đại Đạo Môn (Môn học về Chánh Mạng)
Học về Bồ Tát Đạo như pháp. Khi thành tựu hoàn hảo, sẽ có được Chánh Mạng.
III.6. Thật Nghĩa Môn (Môn học về Chánh Tinh Tấn)
Học về Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa như pháp. Khi thành tựu hoàn hảo, sẽ cho ra Chánh Tinh Tấn.
III.7. Đẳng Trì Môn (Môn học về Chánh Niệm)
Học các thứ Tâm Vô Lượng như pháp. Khi thành tựu hoàn hảo, sẽ có được Chánh Niệm.
III.8. Chân Giác Môn (Môn học về Chánh Định)
Học về Đại Niết Bàn như pháp. Khi thành tựu hoàn hảo, sẽ có được Chánh Định.
Thành tựu hoàn hảo tám môn học chân chánh nói trên, gọi là người tu hành thành tựu Đạo Đế. Thành tựu Đạo Đế, sẽ là người tu hành có Trí Tuệ chân thật trong Phật đạo, hay còn gọi là đắc thành Nhất Thiết Trí, người sở hữu trí này còn gọi là Hy Hữu Trí. Đây là thứ trí tuệ thuần khiết, không ô tạp, bất hoại, đệ nhất lành, tối thượng chân chánh. Trí tuệ này, được ảnh chiếu qua tám mặt cơ bản của nó, mà: Những ai có mắt, nhất định sẽ thấy giá trị tuyệt đối của Đạo Pháp thông qua những lấp lánh từ sự ảnh chiếu này!
Nếu, Trí Tuệ là mặt trời thì, Bát Chánh Đạo chính là những tia sáng từ mặt trời ấy chiếu đến nhân gian, làm cho cả nhân gian bừng sáng, và những ai có mắt, như thật biết rằng: Mặt trời kia là một thực hữu, đang soi sáng giữa cuộc đời này!
IV. Ý Nghĩa, Nội Dung Và Phương Pháp Học Tập Các Môn CƠ BẢN Của ĐẠO ĐẾ Thuộc XUẤT THẾ GIAN Thượng Thượng (Còn Gọi Là Học Nhất Thiết Trí)
IV.1. Ý NGHĨA (MỞ RỘNG)
- Nếu, Tứ Diệu Đế là bốn cấp học từ thấp lên cao, có năng lực giáo dục một phàm phu vô văn trở thành người có trí tuệ trong Phật đạo. Thì 37 phẩm, là giáo trình giảng dạy hoàn hảo, gồm 37 môn học từ thấp lên cao, giúp người học thành tựu mục tiêu học tập.
- Nếu, Tứ Diệu Đế có ba tầng nghĩa gồm: Tục Đế, Thánh Đế và Chân Đế. Thì 37 phẩm cũng có ba tầng nghĩa tương ưng với các tầng của Tứ Đế. Vì thế, 37 phẩm còn có các tên là Trợ Đạo, Trợ Bồ Đề và Đạo Phẩm. Sự tương ưng này cho thấy, việc giải thích về 37 phẩm ở Tục Đế khác Thánh Đế, Thánh Đế khác Chân Đế.
Và trong chừng mực nào đó của tầng nghĩa Chân Đế, 37 phẩm bây giờ lại trở thành môn học chuyên biệt của Thấu Thị Môn và Thẩm Sát Môn (Chánh Kiến và Chánh Tư Duy) trong quy trình học Nhất Thiết Trí. Có xét đến đây, ta mới thấy sự hoạt dụng đến vô tận của Tứ Đế và 37 phẩm. Nếu, mỗi một Đế như một cấp học. Thì 37 phẩm hay 37 môn học được phân chia cho từng mỗi cấp học phù hợp với trình độ nhận thức về Đạo Pháp như sau:
a) Cấp Khổ Đế & Tập Đế (cấp I & cấp II) gồm các môn học: Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc. Gọi chung là Tư Lương Vị. Đây là hành trang tri thức tối thiểu, giúp người học vượt qua tám món khổ của nhân gian, cùng mười món Kiết Sử đã cột trói hữu tình trong ba cõi bằng chính sự Giác Ngộ tối sơ, gọi là Sơ Ngộ. Vị tu hành này tâm thức bắt đầu chảy vào dòng Giác Ngộ!
b) Cấp Diệt Đế (cấp III) gồm các môn học: Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi. Gọi là Kiến Đạo Vị. Đây là nhóm tri thức thuộc về Xuất Thế Pháp, có công dụng đưa người từ bến bờ Xuất Thế, tiến sâu vào Đạo Quả Xuất Thế trở thành một vị Thánh thực thụ trong Phật đạo, hoàn thành mục tiêu cuối cùng của Phạm Hạnh. Như người đi tìm lõi cây, đã tìm được một lõi cây đích thực, đúng nghĩa Thành toàn Đạo Quả Giải Thoát!
c) Cấp Đạo Đế (cấp IV) gồm các môn học: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Gọi là Tu Đạo Vị.
Đây là nhóm tri thức thuộc về Xuất Thế Gian Thượng Thượng, có công dụng biến lõi cây đã tìm được (ở cấp III) trở thành một vật phẩm vô giá mang đến nhiều lợi ích cho đời. Nói khác hơn, tám môn học chân chánh này, giúp một vị Thánh trong Phật đạo trở thành những Bồ Tát thực thụ, trở thành một Đạo Sư đúng nghĩa, với Trí Tuệ Siêu Việt có thể ung dung trở lại thế gian (nhập Pháp Giới, nhập Thế), dùng con thuyền Bát Nhã sẵn sàng đưa người qua khỏi bến mê, đến bờ Giác Ngộ. Thành tựu Đạo Trí Tuệ!
IV.2. NỘI DUNG & PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP (MỞ RỘNG)
Cũng giống như các môn học ở đời, cũng chừng ấy môn học, nhưng tùy vào cấp lớp mà người học được nâng dần nội dung từng môn học từ thấp lên cao, từ dễ đến khó, từ cạn đến sâu, từ hẹp đến rộng, từ đại cương đến chi tiết, các môn học của Phật đạo trong thực tế cũng gần giống như vậy. Chỉ cần nhìn vào một vài giải thích đơn cử của Phật đạo, ta có thể dễ dàng nhận ra điều này. Ví dụ: Đồng một Bát Chánh Đạo, nhưng khi giải thích về Chánh Kiến, Chánh Tư Duy hay Chánh Niệm ta thấy có ba cách giải thích khác nhau (từ cạn đến sâu) của Tục Đế, Thánh Đế và Chân Đế.
- Đối với Tục Đế và Thế Luận: Khi Luận Về Chánh Kiến hay Chánh Tư Duy, các luận giả thường đưa ra những luận cứ mang nặng ý nghĩa luân lý đạo đức ở đời hơn là đứng trên quan điểm Giác Ngộ... Ví dụ: “Chánh Kiến có nghĩa là thấy nghe, hay biết một cách ngay thẳng, công minh, chánh trực, rõ ràng, cụ thể, không chủ quan...”. Hoặc “Chánh kiến phải phù hợp với luật nhân quả và phải tương ưng với điều thiện, và mang lại an lạc trong hiện tại và tương lai...”. Ví dụ về Chánh Tư Duy: “Chánh Tư Duy có nghĩa là suy tư, suy ngẫm về mười điều thiện và mười điều ác, do sự tư duy như vậy ta nhất định sống trong mười điều lành và luôn luôn loại trừ mười điều ác, mỗi khi có điều gì khởi lên trong ta, ta tư duy suy ngẫm và hiểu rõ nó thiện hay là ác, nếu là ác pháp thì ngay đó ta liền đẩy lui ra khỏi tâm ta...”
- Đối với Thánh Đế hay Xuất Thế Đế: Định nghĩa về Chánh Kiến, Chánh Tư Duy hoặc Chánh Niệm thường không mang nặng luân lý đạo đức ở đời như Tục Đế. Mà những định nghĩa của Thánh Đế thường xoáy sâu vào tâm thức, buộc người thính pháp nhân đó mà dừng sinh tâm dừng sinh pháp (dừng sinh diệt), đưa thẳng nguồn tâm trực chỉ Niết Bàn Vô Sanh. Ví dụ: “không thấy một pháp mới gọi là Chánh Kiến...”. Hoặc “tịch diệt mọi suy lường gọi là Chánh Tư Duy”. Hay “vô niệm mới là Chánh Niệm”!
Ta thấy, cả ba định nghĩa điển hình ở trên, vượt ra mọi thế thường của một định nghĩa được coi là chuẩn mực của thế gian. Trong các định nghĩa ấy, luôn luôn hàm chứa ý vị của Đạo Xuất Thế, cả người khai thị lẫn người thính pháp sau khi nói và nghe xong, đồng tịch diệt các thứ nhân duyên tạo tác hữu vi!
- Đối với Chân Đế hay Đạo Đế của Xuất Thế Gian Thượng Thượng: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy nói riêng, và Bát Chánh Đạo nói chung, càng không giống Tục Đế lẫn Thánh Đế cả về cách định nghĩa, cách đặt khái niệm cũng như nội dung học tập... Ở tầng bậc này, tám môn học của Bát Chánh Đạo đề cao nhận thức tuyệt đối về tánh tướng của các pháp hơn là những định nghĩa mang tính giáo dục của giáo khoa thư hay khai thị. Vì rằng, có nhận thức tuyệt đối về tánh tướng của một pháp, mới có thể nhìn ra những duyên cớ trôi lăn của một hữu tình trước pháp đó. Có thấu tột tánh tướng, có biết rõ những nẽo đường trôi lăn, có thâm nhập những tầng bậc Giác Ngộ sai khác trong tâm thức một hữu tình. Chừng đó, cơ hội vạch một con đường, đốt một ngọn đuốc soi sáng cho hữu tình ấy đi từ mê đến giác, từ giác đến trí mới không sai lệch (gọi là như pháp).
Những định nghĩa, những khái niệm, những nội dung học tập nào, thể hiện được các phần việc nêu trên, chính là nội dung giảng dạy và học tập của Đạo Đế thuộc Đạo Trí Tuệ!
Tóm lại, nội dung các môn học của Đạo Đế mang nặng sự trực nhận qua cửa ngõ “tương thông tâm ý” giữa Thầy và Trò hơn là dựa trên ý nghĩa văn tự bằng những suy lường cố hữu, hay các định kiến cột buộc của tâm thức, hoặc những tri kiến đậm chất giáo điều của Ba Thừa. Ta thấy, khi Thiện Tài đi cầu Nhất Thiết Trí trên 50 nhà Thiện Tri Thức. Chỉ bằng sự thành tâm, chỉ bằng những quan sát thông qua thân khẩu ý của các vị Thiện Tri Thức, Thiện Tài đã nhận ra tất cả. Tất cả ở đây chính là sự biểu hiện siêu việt của Đạo Bất Cộng từ các vị Thiện Tri Thức ấy, thông qua các hành hoạt, sức lưu xuất, tất cả mọi thị hiện nếu có, đều không ngoài phương tiện giáo hoá. Những hình ảnh trực quan này, là thông điệp chứa đựng đầy đủ cả nội dung lẫn hình thức của Đạo Trí Tuệ, nó giúp người học trực nhận ra những gì được coi là đỉnh cao Đạo Pháp mà mình cần vươn tới.
Có thể nói, bất cộng Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát Quyền Thừa chính là trọng tâm của tám môn học ở Đạo Đế. Ta có thể tìm thấy những quan điểm đặc trưng về việc thấu suốt tánh tướng vạn pháp của Đạo Trí Tuệ thông qua các Bất Cộng Pháp. Từ đó, người tinh ý, có thể trực nhận ra rằng: “điều gì mới là mục tiêu tối thượng của Trí Tuệ”. Chừng ấy, việc thấu rõ nét độc đáo của việc dạy và học Trí Tuệ ở Đạo Đế không còn là ẩn số! Xin giới thiệu một số Bất Cộng Pháp tượng trưng: − Vô bất tri dĩ xã: Điều gì chưa biết, chưa xả (thấu tột nguồn cơn, tự xả). − Dục vô diệt: Các dục không diệt (tánh tướng các pháp vô sanh, vô bất sanh).− Tinh tấn vô diệt: Sự tinh tấn không thối thất (nhất thiết pháp giai thị Phật pháp). − Niệm vô diệt: Ý niệm không quên mất (niệm và vô niệm đồng vô). − Huệ vô diệt: Hiểu biết không tổn giảm (các pháp tự giải thoát). − Giải thoát vô diệt: Giải thoát không hư hoại (tánh tướng các pháp tự không). − Giải thoát tri kiến vô diệt: Giải thoát tri kiến không cùng tận (rõ biết tánh tướng các pháp chưa từng sanh cũng chưa từng diệt) [[1]] ...
IV.3. SỰ CẦN THIẾT PHẢI HỌC CÁC MÔN CƠ BẢN ĐẠO ĐẾ TRONG QUÁ TRÌNH THÀNH TỰU TRÍ TUỆ
Như đã nói ở phần trên: “Nếu, Trí Tuệ là mặt trời thì, Bát Chánh Đạo chính là những tia sáng từ mặt trời ấy chiếu đến nhân gian, làm cho cả nhân gian bừng sáng, để những ai có mắt, như thật biết rằng: Mặt trời kia là một thực hữu, đang lặng lẽ soi sáng giữa cuộc đời này!”. Đức Phật, ngoài những danh xưng tốt đẹp mà ta đã biết, Ngài còn được gọi là Bậc Đại Trí Tuệ. Trí Tuệ, chính là đỉnh cao của Phật đạo. Tu hành mà chưa hoặc không có hoài bảo đạt đến đỉnh cao này sẽ là một nghịch tử không biết kế thừa sự nghiệp Tổ Tiên, điều này đã được Thế Tôn căn dặn nhiều lần trong các buổi thuyết pháp!
Vì thế, đối với bốn cấp học của Tứ Đế... Bốn đế này chỉ được coi là Diệu (trong Tứ Diệu Đế), khi nào người tu hành học tập và thành tựu viên mãn đủ bốn cấp học. Cũng giống như một viên ngọc được coi là quý, khi nào viên ngọc này được tìm thấy, lại được mài dũa để các mặt của nó có sức phản quang tối ưu và lấp lánh khi ánh sáng rọi đến. Giả sử, có một viên ngọc thô lẫn lộn trong mớ hỗn độn gạch đá tạp vật không giá trị từ cộng đồng những người kém hiểu biết, không có năng lực phát hiện. Thử hỏi, giá trị đích thực của viên ngọc đó là gì? Nó có được coi là một viên ngọc hoàn hảo đích thực trước thực tế này hay không?
Trí Tuệ của Phật đạo cũng như vậy. Viên ngọc Trí Tuệ phải được phát hiện từ Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và phải được gia công mài dũa bởi tám môn học của Đạo Đế mới có được tám mặt rực rỡ chân chánh. Chỉ cần một môn học khiếm khuyết, một mặt tì vết, không thành tựu như ý, nhất định Trí Tuệ ấy chẳng thể được coi là viên mãn trong Phật đạo! Khác với Thanh Văn Trí, khác với Duyên Giác Trí, khác với Bồ Tát Quyền Thừa Trí. Thứ Trí Tuệ được học tập bởi tám môn học của Đạo Đế là thứ Trí Tuệ đem lại lợi ích cho muôn loài, vì muôn loài mà thành tựu (còn gọi là Đạo Nhất Thừa). Nó là độc đạo dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề ở vị lai. Nó chính là hạt nhân của Sanh Mẫu Trí, một thứ Trí sanh ra tất cả các quả vị trong Phật đạo!
V. QUYẾT NGHI
Hỏi: Tại sao trong tám môn học của Đạo Đế lại có thêm chữ “như pháp”?
− Đáp: Có đến hai chữ là chữ như và chữ pháp! Nếu một chữ thì, hoặc như, hoặc pháp, thì sao gọi là “như pháp” được?
Hỏi: Đúng là “như pháp” có đến hai chữ!
− Đáp: Hai chữ “như pháp” khác với ba chữ “không như pháp” ... Bởi lẽ, đã có quá nhiều sự giảng dạy tám môn học của Bát Chánh (cũng như 37 môn học của Tứ Đế) không như pháp... Nên hai chữ “như pháp” ở đây thuộc về điều kiện, loại “điều kiện ắt có và đủ” để khi học xong, người học có thể thành tựu các Đạo Quả Xuất Thế và Trí Tuệ trong Phật đạo vậy!
Hỏi: Thành tựu tám môn học của Đạo Đế, đã là một vị Phật tại thế hay chưa?
− Đáp: Thành tựu tám môn học của Đạo Đế chỉ mới như viên ngọc quý vừa chế tác xong. Hay nói khác hơn, coi như cơ bản đã có tiền, nhưng tiền đó còn ở trong túi thiên hạ nhà giàu. Muốn có tiền thực thụ, viên ngọc này phải được đem ra đấu giá ở chợ đời, khi nào có vô lượng Đại Gia đến hùn tiền và vàng để mua, chừng ấy mới được coi là giá trị đích thực của viên ngọc được định đoạt!
Hỏi: Có một người nào trong đời, không thông qua sự phát hiện và chế tác của Tứ Đế mà hoàn thành Đạo Nghiệp Trí Tuệ hay không?
− Đáp: Có! Có! Hình như Cô Tấm trong chuyện cổ tích có được sự may mắn đó!
Hỏi: Nếu nói như vậy, Thích Ca trước khi thành Phật học các thứ ấy ở đâu?
− Đáp: Theo Phật kể lại, tiền thân của Ngài đã được mài dũa viên ngọc Trí Tuệ bởi nhiều Đức Phật quá khứ. Trong hiện kiếp, Thích Ca túng tiền, đem nó đến chợ đời ở Ta Bà đấu giá. Và năm anh em Kiều Trần Như là những Đại Gia đầu tiên trong vô số Đại Gia sau này như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, v.v... và cả chúng ta cùng con cháu chúng ta trong mai hậu xúm nhau hùn tiền vàng để mua. Sau hơn 2500 năm ngả giá, giá trị đích thực của viên ngọc Trí Tuệ từ Thích Ca Mâu Ni đã được định đoạt. Nhờ thế, viên ngọc này mới được đem ra trưng bày và lưu giữ đến bây giờ!
Hỏi: Trong câu hỏi, có đề cập đến các Tam Muội Môn, các Giải Thoát Môn. Vì sao, trong bài viết này không đề cập đến các thứ ấy?
− Đáp: Ai bảo rằng không? Trong bài viết có đề cập đến vô số Giải Thoát Môn cùng vô số Tam Muội Môn. Nhưng, nó lẫn khuất dưới dạng văn tự thô thiển của thế gian. Chỉ những người có trí bén cùng hai con mắt sáng, lại nhìn thấu ý nghĩa đằng sau lớp vỏ văn tự, mới có thể phát hiện giá trị đích thực của các Tam Muội Môn cùng Giải Thoát Môn nằm ở đâu trong mớ hỗn độn văn tự thô thiển ấy!VI
VI. LƯU THÔNG
Các bạn! ... Hy vọng, với những kiến giải trong bài viết này, sẽ giúp các bạn có cái nhìn sơ bộ, có được định hướng tối thiểu và biết rõ việc học Nhất Thiết Trí của Đạo Đế là học những gì và phương pháp học tập ra sao. Có lẽ, đọc đến đây, các bạn đã có thể tự trả lời những thắc mắc về 3 câu hỏi trong Trò Chơi Trí Tuệ 2018/04.
Chúc các bạn sớm trở thành những Lão Lái Đò không biết mệt mỏi vì vạn loại hữu tình ở vị lai!
LÝ TỨ (12-02-2018)
27 tháng Chạp năm Đinh Dậu
--------------------------------------
[[1]] Các bạn có thể tham khảo thêm cách dạy và học Đại Thừa Pháp là như thế nào, qua câu chuyện tiền thân Thích Ca Mâu Ni cầu Đại Thừa Đạo với vị Tiên Ngũ Thông Đề Bà Đạt Đa trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






