Tứ Diệu Đế Thế Gian Pháp Xuất Thế Gian Pháp Rốt Ráo Không

 0
Tứ Diệu Đế Thế Gian Pháp Xuất Thế Gian Pháp Rốt Ráo Không

Sau tuần trà... Như Tánh lên tiếng:

Thưa Lão Sư!... Thưa huynh đệ!... Sau khi nghe Lão Sư khai triển ý nghĩa Tứ Đế, trong lòng đồ đệ đứng lặng...

Nhưng những gì đã diễn ra, các cảnh giới vụt qua quá mau, nhường chỗ cho cái vắng lặng tuyệt đối... Bây giờ đồ đệ mới nghiệm ra, ý nghĩa văn tự mà Lão Sư đã đề cập. Tuy đồ đệ như con ong, chỉ hút cái tinh túy bất động... Nhưng về mặt từ ngữ và phân tích ý nghĩa thì đồ đệ cảm thấy còn có gì đó chưa thông... 

Xin Lão Sư một lần nữa cắt nghĩa cho đồ đệ hiểu: Thế nào là thế gian pháp, thế nào là xuất thế gian pháp, thế nào Giác là Đế của Tập, thế nào Ngộ là Đế của Diệt... và thế nào là rốt ráo Không? 

Lý Tứ nói: 

Các huynh đệ!... Đây là chuyện đương nhiên... Như con ong chỉ hút lấy tinh túy của hoa đó là mật, còn bông hoa thì để lại chẳng nên làm tổn thương... Nhưng thưa các huynh đệ!... Tuy hút lấy cái tinh túy, nhưng con ong kia cũng phải biết rõ hình tướng các loài hoa và hoa nào cho nhiều mật, cũng như con ong cần biết thời khắc hoa nở... Vì thế, sau khi hút cái tinh túy bất động, các vị cũng phải cần biết rõ ý nghĩa của ngữ ngôn văn tự, như con ong xác định các loài hoa...

Thưa các bằng hữu!... Bốn đế gồm: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế... Khổ là những gì các vị đã thân chứng trước khi giác ngộ, nay tôi không đề cập đến. Cái chúng ta cần hiểu ở đây là Tập và Diệt, vì sao như vậy? Vì rằng có biết Tập mới chứng Diệt, có Giác mới có Ngộ, cũng như có đèn mới thấy được màu sắc... 

  • Tập Đế là gì? Tập là nói chung những nguyên nhân nào làm cho một hữu tình bị khổ đau phiền não, bị sanh diệt cuốn trôi... Có thể hiểu Tập bao gồm những thứ có năng lực trói buộc và làm mê mờ một chúng sanh... Những thứ đó Đại loại là: Tập nhân, Kiết sử, Ba duyên hòa hiệp, Mê lầm các pháp... 

Cũng có thể hiểu Tập chính là Vô Minh... Vì sao như vậy? Cũng như trong bóng tối, người ta lầm sợi dây thành con rắn, sự lầm nhận khiến đau khổ hãi sợ này chính là Tập... Cho nên trước đây tôi có nói “Tập thuộc về thế gian”... Và sau đó cũng có nói: 

⁕Giác là Đế của Tập... Điều này có ý nghĩa như thế nào? Tập giống như bóng tối, vì bởi trong bóng tối nên người ta lầm nhận sợi dây thành con rắn... Muốn dứt bóng tối này, người trí nên làm gì? Người có trí chỉ nên đốt ngọn đèn lên, một khi hết tối, mọi lầm nhận sẽ chấm dứt... Giác chính là ngọn đèn được đốt lên để xua tan bóng đêm vô minh... 

Muốn thoát khỏi bóng tối của Tập, người ta phải đốt ngọn đèn Giác... Muốn dứt vô minh, người tu hành phải có Minh... Minh này chính là Giác, cho nên nói Giác là Đế của Tập, có nghĩa có đèn lập tức hết tối... Vô minh thuộc về thế gian nên Minh giác cũng thuộc về thế pháp... Mà thế gian là vô thường, cho nên giác kia cũng vô thường. 

Kinh dạy: “Các pháp làm ra đều vô thường”. Kinh cũng dạy: “Lấy pháp huyễn để diệt huyễn tâm”... 

Sau khi giác, như hang động kia đã được thắp sáng bởi ngọn đèn trí huệ. Bây giờ người có mắt, có trí mới tiến gần lại, nhướng mắt nhìn thật kỹ... Con mắt cộng với ánh sáng, vị này phát hiện ra rằng: “Con rắn trước kia ta đã thấy, thật sự nó chỉ là sợi dây...” 

Một khi đã thấy nguyên hình sợi dây, người này không còn sợ hãi, không còn lo nghĩ, và người này cũng tự biết rằng: “Có đèn hay không đèn, sợi dây vẫn chỉ là sợi dây... từ trước đến giờ chỉ là sợi dây”... Cái hết sợ, cái không toan tính, cái chẳng cần đối phó với con rắn hư vọng kia... gọi là Bất Động... Thấy rõ sợi dây gọi là Ngộ, hết mọi lo toan nghĩ ngợi gọi là Diệt... Vì thế nên nói: 

⁕ Ngộ là Đế của Diệt...

Nhưng vì sao lại nói Diệt Đế và Đạo Đế thuộc về xuất thế gian? Thấy con rắn là cái thấy của bóng tối, cái thấy của mê mờ hư vọng nên nó thuộc thế gian. Thấy sợi dây chính là cái thấy sáng suốt, không bị mờ tối, thấy như thật... nên gọi là xuất thế pháp... 

Khi thấy được sự thật này, vị tu hành kia mới hoát nhiên hiểu ra, thiệt chỉ vì lầm tưởng sợi dây là con rắn, nên mới có Khổ có Tập và mong rằng có Diệt có Đạo để được an ổn... 

Nhưng khi biết được sự thật này, bây giờ vị này tự cười mình rằng: “Thiệt chẳng có gì là Khổ, Tập, Diệt, Đạo... Đã là sợi dây thì chẳng đợi có ánh sáng hay không ánh sáng, sợi dây từ xưa đến giờ chỉ là sợi dây... Vì thế kinh dạy: “Vô vô minh, diệc vô vô minh tận... Vô Khổ Tập Diệt Đạo... Vô trí diệc vô đắc...“ 

Có nghĩa rằng: Đã thấy biết đó thật là sợi dây thì chẳng cầu ánh sáng, chẳng cầu diệt tối, chẳng có sợ hãi và cũng chẳng làm cho hết sợ hãi, cũng chẳng phải trí ngu gì mới hóa kiếp sợi dây, cũng chẳng thể có sự thành tựu nào biến con rắn trở lại sợi dây...” 

Sự tình này chỉ có thể xảy ra đối với người thấy được thật nghĩa của Diệt Đế như thấy rõ sợi dây. Bây giờ vị tu hành này mới thật giải thoát hết mọi thứ sợ hãi. Vì thoát khỏi mọi thứ sợ hãi nên trong lòng an vui bất động... Cho nên kinh có dạy: 

Những ai còn tư niệm, tư lường, thầm ý... đây là cảnh sở duyên cho thức an trú, thức an trú thức tăng trưởng, thức tăng trưởng thức chọn lựa...”; Và kinh cũng dạy: “Thức nuôi lớn nghiệp, nghiệp là thai tàng của chúng sanh...”!... 

Tóm lại có Mê thì phải nhờ Giác, muốn thấy rõ Diệt phải nhờ đến Ngộ... Chánh Giác sẽ đưa đến Giải Thoát, Liễu Ngộ sẽ cho ra Bất Động. Giải Thoát Bất Động chính là vạch xuất phát, chính là bước khởi đầu hoàn hảo để vị tu hành này đặt một chân trên con đường Phật Đạo gọi là Đạo Đế. Vì thế Diệt Đế và Đạo Đế thuộc về xuất thế gian... 

  • Thưa các vị!... Bây giờ tôi xin nói đến nghĩa không!... 

Phật Đạo chính là rốt ráo không, rốt ráo không là nghĩa Vô Vi... Như có lần tôi đã nói: “Vô Vi như sừng thỏ, như lông rùa...” có nghĩa Vô Vi hay Không trong Phật Đạo chỉ có danh tự mà không có thật thể... Không thật thể nên nó là Vô Tướng... Không thật thể nên tự Không Tánh… Vì thế kinh dạy: “Nghĩa không không thể dùng phương tiện đến được”.

Điều này có nghĩa “Vô Vi” hay “Không”, không phải pháp làm ra, cái gì được làm ra, cái đó chẳng không... Vị nào đem tâm đi tìm cái không chẳng khác đi tìm sừng thỏ lông rùa... 

Tuy rốt ráo của không là như vậy, nhưng vì Từ Bi, chư Thánh cũng có khi nói đến: “Mười tám pháp không”. Mười tám pháp không đã được nói lên chính là giản trạch nghĩa không trên ý nghĩa thế gian để người tu hành khỏi lầm nhận. 

Ví dụ như một hạt đậu nhỏ trong đống thóc lớn, bảo rằng thóc kia không đậu, nghĩa không này không sai nhưng chưa rốt ráo... Ví dụ như công viên chỉ có hoa mà không có trâu ngựa, không có trâu ngựa cũng gọi là không, nhưng chẳng phải không hoa... Tóm lại, chư Thánh giản trạch mười tám pháp không để chỉ ra rằng: “Nghĩa thật không... tự nó là không... chứ chẳng phải nhân nơi đối đãi, biện luận thấy được Không, Vô Vi...” 

Thưa các vị!... Nghĩa không trong Phật Đạo chính là Diệt Đế, Diệt Đế là nghĩa Niết Bàn, nên Phật dạy: 

“Niết Bàn là Vô Vi...”, có nghĩa Niết Bàn, Không, Vô Vi... là Thánh Pháp. Nó là sự tuyệt nhiên rốt ráo vắng lặng trong một tâm thức đã trải qua Chánh Giác... Vô Vi, Niết Bàn, Không... chính là sợi dây... chứ chẳng phải “con rắn”. 

Các vị!... Tôi đã nói ý nghĩa của những điều huynh Như Tánh đã hỏi... Trong các vị, có vị nào chưa thông? Có vị nào như con ong còn mù mờ về hình tướng các loài hoa... Còn mù mờ thì ngay bây giờ có thể nêu lên... Một khi biết rõ các loài hoa và tính chất của nó, con ong tuyệt nhiên không nhầm lẫn, không thể bay đi mà không đem mật trở về... 

- Như Tánh!... Huynh hiểu như thế nào về những điều tôi đã trình bày? 

Thưa Lão Sư!... Lão Sư đã xóa sạch tánh tướng trong lòng đồ đệ!... 

- Sạch tánh tướng thì còn lại gì? 

Thưa Lão Sư!... Người xưa có nói: “Con vẫn thường tự biết, lời nói không đến được”. Nay đồ đệ có nói cũng chỉ nói như vậy!... 

Lý Tứ tiếp: 

Thưa các huynh đệ!... Nơi bản chân thì không “lý”... Nhưng do vì sức Từ Bi, chư Thánh bèn tuyên nói chân lý... Nơi chân mà có lý, lý kia chỉ vì người mê... Giống như có người bệnh, mới có thầy thuốc, và có thuốc... 

“Lý” ở đây là gì? Đó là nơi không Đế hóa hiện bốn Đế... Hóa hiện bốn đế để kẻ mê kia dứt mê, chợt nhận ra: “Đã chân thì không lý”... Vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo, vô trí diệc vô đắc... Nhưng Từ Bi thì chẳng mất... Ha ha!... 

Vì thế đã Như mà sao lại có nghĩa Lai? Đã đứng sao lại nói đi? Như Lai chính là Từ Bi vậy!... Ha ha ha ha!... 

Ha ha!... Lý Tứ hay Lý Ngũ đây!... 

Ngũ Tứ đồng bản chân,

Tột chân không có lý.

Sức Từ Bi hóa hiện,

Vì Khổ nên nói Diệt…!...

(còn nữa)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG