Trung Nguyên Cửu Tuyệt… Tìm Cầu Chân Lý

Lý Tứ chắp hai tay vào nhau, gập người xá một cái đáp lễ Trung Nguyên Cửu Tuyệt rồi dõng dạc nói:
Thưa các vị anh hùng!... Hôm nay có duyên lành Lý Tứ tôi cùng các vị anh hùng gặp gỡ nơi đây, thiệt là không uổng sinh ra ở đời này. Tuy vậy, chớ có lễ nghi thái quá. Đành rằng lễ giáo là căn bản của người, là biểu lộ của sự tôn trọng. Nếu thiếu lễ nghi thành ra phường vô lại, nhưng nếu để cho lễ nghi cột trói, thì thành kẻ làm tôi mọi cho lễ nghi.
Lý Tứ tôi cũng chỉ là con người bằng xương bằng thịt như các vị, chẳng phải thần thánh từ trên trời rơi xuống.
Vì là con người nên mới rèn luyện tu học, chừng nào chưa thành Phật thành Thánh thì còn phải học, còn phải sửa mình. Sửa mình cốt ở tâm chứ chẳng phải hình dáng bên ngoài. Thành thánh là thành tựu ở tâm chứ chẳng phải ở thân. Đành rằng tâm nương nơi thân, nhưng thân là cái quả đã thành. Dù có tu đến đắc đạo hiện tiền, thì chẳng thể mọc thêm ba mắt sáu tay...
Các vị!... Đạo cốt ở thẳng ngay, gọi là trực tâm, không trau chuốt bên ngoài. Nếu chỉ lo cho cái bên ngoài giả tạm thì cái tâm sẽ theo đó mà duyên nơi giả tạm, cái đạo thật và tâm thật sẽ không hiện.
Thế nào gọi là trực tâm?
Trực tâm là thẳng ngay đến vô thượng. Muốn được điều này phải xả bỏ những dối trá quanh co. Người trực tâm thì thương nói thương, ghét nói ghét, phải nói phải, quấy nói quấy. Trực tâm là tôn trọng chân lý, ai nói đúng mình phải nghe, chẳng vì nể nang mà biến cong thành ngay, biến đen thành trắng. Người trực tâm không mù quáng cả tin, mọi thứ minh bạch. Khi nghe ai nói điều gì phải hỏi lại cho rõ ràng, tại sao phải làm cái này, làm cái này thì được gì... Vì sao không làm cái kia, làm cái kia thì hại chỗ nào... Làm hay bỏ nhất định đều có cái lý của nó...
Tôi và các vị gặp gỡ nơi đây, nếu muốn là tri kỷ của nhau thì phải lấy trực tâm mà đối đãi, không vì nể nang, không vì danh lợi. Lý Tứ tôi nói điều gì không đúng, các vị cứ nói rằng lý Tứ nói không đúng. Nếu nói đúng thì mọi người nghe, rồi lấy đó ứng dụng cho mình. Đúng hay sai phải căn cứ vào chân lý chứ không căn cứ vào tình cảm ghét thương.
*******************
Chân lý là mực thước để đo lường đúng sai. Người tôn trọng chân lý mới xứng đáng gọi là chánh nhân.
Đã là chân lý thì không kể tuổi tác, người nhỏ mà nói đúng thì người lớn phải nghe. Vì sao?... Vì nghe chân lý chứ không phải nghe cái đầu bạc...
Các vị!... Chân lý chính là con đường đưa ta thoát ra khỏi mọi trói buộc phiền não. Người đời phiền não là vì không có chân lý, chỉ trọng cái bên ngoài, chạy theo hư danh... Họ không biết rằng tự tâm xưa nay không hề có mấy thứ này. Không có mấy thứ này gọi là bổn tâm thanh tịnh. Vì không biết được bổn tâm nên người đời lấy hư danh làm tâm, lấy lợi lộc làm tâm, lấy địa vị làm tâm, lấy thấy nghe làm tâm... Tóm lại, những thứ này đều hư dối vì vô thường, trước không nay có, có rồi lại không...
Nếu lấy những thứ đó làm tâm, một khi mất chúng sẽ đâm ra khổ sở phiền não... Vì thế, phải quay lại chính tâm này, quán sát thật kỹ để thấy tâm này bản lai chưa từng sinh khởi. Nay vì mê nơi thân căn, mê nơi trần cảnh mà có sinh tâm. Các thứ tâm được sinh khởi từ thấy nghe và nghĩ suy gọi là hư vọng tâm. Muốn đến vô thượng thì đừng nên sinh khởi tâm hư dối.
Các vị!... Các vị là những anh hùng, không phải vô cớ mà có cái tên Trung Nguyên Cửu Tuyệt. Nhưng cũng chính vì cái danh này, nó đã cột trói cuộc đời các vị.
Gì là Cửu Tuyệt? Các vị nói cho tôi nghe đi? Nếu các vị có được chín điều hơn người thì điều thứ mười, điều thứ mười một... các vị không hơn. Hơn thua là cái gốc của phiền não, cái gốc của đấu tranh. Các vị hô hào “tìm lại chính mình” mà đi lấy cái hơn làm trọng. Cái hơn không phải là mình, cái thua không phải là mình. Cái gọi là mình đích thực, thì bổn lai chẳng có hơn thua. Lấy cái hơn thua làm mình thì nó là cái hơn thua chứ đâu phải là mình.
Ngày xưa Lục Tổ nói một câu chí lý: “Huệ Năng không nghề hay”… Vì chẳng thấy có nghề hay nên mới làm Tổ. Nếu mà Huệ Năng thấy mình có cái hay cái tuyệt, thì chỉ xứng đáng làm một phàm phu...
Các vị!... Các vị ở Trung Nguyên, có danh xưng là Trung Nguyên. Các vị nói đi!...
Cái gì là Trung Nguyên?… Trung Nguyên nếu hiểu rằng nó là cái chính giữa hai nguyên “âm” và “dương” theo cách hiểu của Đạo Gia, thì Trung Nguyên này sẽ bị chính sự vận động của hai nguyên “âm” và “dương” làm cho sinh diệt. Thái hay thiếu đều sinh phiền não. Còn nếu cố cân bằng cho được hai nguyên này, thì cái gốc là Trung được làm ra bởi nỗ lực cân bằng vẫn chưa mất. Chưa mất có nghĩa rằng giềng mối phiền não sanh tử còn đó...
Còn Trung Nguyên nếu hiểu theo Nho Gia, là cái nôi của thiên hạ; là trung tâm chi phối chung quanh, thì Trung Nguyên này là giềng mối của đấu tranh mạnh được yếu thua. Hiểu chữ Trung theo nghĩa này, phát sinh cái ngã, sanh tử không dứt.
Các vị!... Thế thì hiểu như thế nào mới đúng là Trung Nguyên?… Vì trong tâm không thấy có đây kia, không có đây kia nên mới chính danh là Trung. Nếu có hai phương sở đây kia thì chữ Trung ở đây chỉ đúng với phương sở này mà không đúng với phương sở khác, thành ra chữ Trung như vậy không phải là chân lý. Vì thế các vị, khi nào hiểu được rằng, bản lai chẳng có hai nguyên, thì nơi chẳng có hai nguyên này mới chính là Trung. Khi nào thấy thật chẳng có cái gì là Tuyệt, thì cái thấy này mới rốt ráo Tuyệt. Như vậy, các vị thử nghĩ lại coi cái gì mới thật là Trung Nguyên Cửu Tuyệt...
Để cho mọi người thấm cái đạo lý mới nói, Lý Tứ im lặng một hồi rồi tiếp:
Các vị!... Hồi tối đến giờ, chúng ta giong thuyền trên dòng Ô Giang này. Khi nãy Lão Đại ca có kể, “Ô Giang tháng nắng thì trong tháng mưa thì đục”, đục vì bởi nước từ bờ tây chảy xuống mang theo tạp chất làm nhiễm ô. Như vậy, bản chất của Ô Giang là trong hay đục? Nếu bản chất của nó là trong, thì làm sao đục được!... Còn nếu bản chất của nó là đục thì sao tháng nắng lại trong? Nói Ô Giang trong vì có Ô Giang đục. Cũng vậy, thưa các vị!...
Nguồn tâm của một hữu tình bản lai chẳng có trong đục, trong đục chỉ tại nhiễm ô. Khi nhiễm, nước của Ô Giang nhiễm. Khi trong, nước của Ô Giang trong. Chứ thật ra Ô Giang tánh của nó chưa từng trong đục.
Cái đạo lý này nếu chạy theo khái niệm đục trong thì chẳng thể hiểu được. Kinh có dạy: “bất cấu bất tịnh” có nghĩa rằng, nước Ô Giang có cấu có tịnh chứ bản chất thật của Ô Giang ra ngoài cấu tịnh. Cái vượt ngoài cấu tịnh gọi là “thiệt tướng”. Vì thế, kinh nói: “Thiệt tướng là nhất tướng, nhất tướng là vô tướng”.
Như vậy, muốn không bị nhiễm ô thì phải rời lìa các tướng nhiễm ô. Muốn rời lìa tướng nhiễm ô phải thấy được bản chất của tâm chưa từng bị nhiễm ô, gọi là thấy tánh. Tánh đó là tánh gì?... Tánh đó là không tánh...
Sao gọi là không tánh?...
Ví dụ như nước, tánh của nó chẳng bị nhiễm cùng không nhiễm làm ngại... Nhiễm là tướng của nước bị nhiễm chứ chẳng phải tánh nước bị nhiễm. Rời các tướng nhiễm ô thì không tánh tự hiện. Ví như có đèn thì sáng, không đèn thì tối. Sáng tối bởi có đèn hoặc không đèn chứ chẳng phải hư không kia có sáng tối...
Các vị!... Chưa được nửa canh giờ nữa là chúng ta đến Lưu Khanh. Các vị thấy đó, một chữ lưu khi viết ra có hai mươi bốn chữ khác nhau, nhưng khi đọc thì có một âm, phân thành sáu nghĩa... Cũng đọc là lưu nhưng có lúc lưu nghĩa là giữ lại, ví dụ như “lưu nhậm” (ở lại làm việc quan), hay “án vô lưu độc” (văn thư không đọng lại); cũng có lúc đọc là lưu nhưng lại có nghĩa trôi đi..., ví dụ như “hải lưu”, “lưu hành”... ; cũng chữ lưu nhưng có lúc nghĩa là dòng như “cửu lưu” (chín dòng; (1) nhà Nho; (2) nhà Đạo; (3) nhà Âm Dương; (4) nhà học về pháp; (5) nhà học về danh; (6) nhà Mặc; (7) nhà tung hoành; (8) nhà tạp học; (9) nhà nông…)...
Như vậy đồng thời một âm là lưu nhưng lúc có nghĩa chảy, lúc nghĩa dừng, lúc nghĩa dòng. Xét đến đây mới thấy văn tự ngữ ngôn kia không tánh. Chữ lưu là “chảy, hay dừng, hay dòng”? Chảy, hay dừng, hay dòng… chỉ tại tâm này muốn ám chỉ cái gì đó... Ám chỉ, rồi chấp chặt thành ra văn tự có tánh nọ tánh kia... mà kỳ thực, như chữ lưu tự nó không nghĩa, không tánh...
Phật đạo chỉ ra rằng, chỉ vì không biết rõ “bổn tâm không tánh không tướng” như bản chất chữ lưu không tánh không tướng, mà hữu tình phải chịu phiền não. Chỉ vì chẳng thấu triệt nguồn cơn mà một hữu tình ở mãi trong ba cõi. Không rời ba cõi thì gọi là lưu; chỉ vì không biết rõ nguồn cơn mà hữu tình mãi trôi lăn chảy trong ba cõi cũng gọi là lưu; chỉ vì không biết rõ nguồn cơn mà hữu tình bị bốn dòng cuốn trôi trong phiền não cũng gọi là lưu...
Dù ở mãi trong ba cõi hoặc trôi trong tam giới hay bị bốn dòng cuốn vào phiền não đều không ngoài tâm. Nếu không thấy được bản lai tâm này bất động tự không, thì khó mà thoát ra những thứ ấy. Bị lưu giữ nơi ba cõi vì không biết ba cõi do mê tâm tự hiện.
- Vì mê tâm mà ham muốn thêm nhiều nên bị dục giới cột trói.
- Ưa thích thân này và các cảm thọ thuộc về thân nhất định bị sắc giới cột trói.
- Ỷ thị nơi hiểu biết thì khó mà ra khỏi vô sắc giới...
Nếu nơi thấy nghe mà không biết hộ trì, thì bị dòng chảy của thấy nghe cuốn hút gọi là trôi trong dục giới. Nhận thân và các cảm thọ làm ta thì tối ngày chỉ nghĩ đến thân, không thoát ra khỏi dòng suy nghĩ của thân gọi là sắc giới cuốn trôi. Dựa vào hiểu biết lấy đây làm nhân ngã tôi anh hơn thua được mất, thì tâm thức bị chảy trong những nghĩ suy hư dối khó ra khỏi vô sắc...
Nơi thấy nghe mà tâm không dừng được thì bị dòng chảy thấy nghe làm cho phiền não gọi là kiến lưu. Nơi tham dục mà tâm chẳng chịu dừng thì gọi là kẻ trôi trong dục lưu làm nhiễm ô phiền não. Nơi thân cảm mà chẳng biết vượt qua thì sẽ bị cuốn nơi hữu lưu làm cho dậy khởi muộn phiền. Nơi hiểu biết hư dối mà không tịch diệt thì khó thoát ra khỏi vô minh lưu.
Bốn dòng kiến lưu, dục lưu, hữu lưu và vô minh lưu là đầu mối của phiền não, gọi là “phiền não trụ địa”.
Các vị!... Chúng ta đang đi trên dòng Ô Giang và nơi sẽ đến là Lưu Khanh.
Kẻ trí nhân đi nơi Ô Giang mà thấu suốt nghĩa chẳng nhiễm ô. Đến Lưu Khanh mà chẳng bị dừng hay trôi làm ngại.
Các vị!... Nếu nhân duyên tao ngộ giữa tôi và các vị đêm nay mà chẳng có gì lợi ích cho nhau; chẳng nhân gặp gỡ này mà thấu suốt cái chẳng gặp, chẳng thấy được đi trên sông mà dòng tâm thức rỗng rang, đến thôn trang mà tuyệt vô năng sở. Có trăng mười sáu soi đường mà chẳng dứt vô minh, thì thôi thà chẳng gặp còn hơn.
Lý Tứ này lòng dạ khẳng khái đã quen, không đầu môi chót lưỡi, chẳng ham ưa lễ nghi, chẳng văn từ khách sáo. Nếu vị nào thấy Lý Tứ tôi nói sai điều gì thì xin chỉ giáo để Lý Tứ này học tập. Bằng ngược lại thì chúng ta có thể làm bằng hữu của nhau, cùng nhau trao đổi những điều chưa biết để thấu suốt tâm này. Có như thế mới gọi là tri kỷ.
Lý Tứ tôi có thói quen không áp đặt lên người, đấy là cốt lõi của đạo giải thoát. Vị nào thấy hợp duyên thì đồng hành thấy trái duyên thì ngày đến chia tay. Dù đồng hành hay chia tay đều là duyên lành gặp gỡ... Nói đến đây Lý Tứ chắp tay gập mình một lần nữa lấy lễ đối với sáu người.
Ông lái đò từ chặp tối đến giờ ngồi ở cuối con thuyền, lặng thinh làm công việc của mình. Có lẽ kinh nghiệm “đưa khách giang hồ” thường xuyên đã dạy ông bài học “im lặng”... Nhưng khi Lý Tứ vừa dứt lời, ông lão lái đò vội vàng lên tiếng trước:
Tôi đã một đời lái đò trên dòng Ô Giang này hơn mấy chục năm, đã đưa không biết bao nhiêu anh hùng hảo hán qua sông, đã thấy không biết bao nhiêu cao nhân học sĩ, đã nghe không biết bao nhiêu luận giải thánh hiền. Nhưng nay tận mắt thấy, tận tai nghe được những lời luận biện của khách quan thiệt như cởi tấc lòng. Bao nhiêu lần đi trên Ô Giang mà lòng trĩu nặng vì cái nghĩa đục trong. Bao nhiêu lần đi qua Lưu Khanh mà lòng chưa dứt bỏ. Nay nghe được những lời vàng ngọc của khách quan tôi mới thật sự cảm nhận hết ý nghĩa thanh lương của con trăng mười sáu rọi khắp Đại ngàn. Lòng bỗng dưng thanh thản như uống nước cam lồ. Khách quan ơi, nếu chẳng chê cái nghề hạ bạt “chèo đò” của già này, xin khách quan nhận của già này một lễ. Cái lễ của cả cuộc đời ngu tối giữa đêm trăng.
Lý Tứ chưa kịp phản ứng, lão lái đò đã cúi đầu chắp tay xá dài. Lão tiếp:
Các vị Trung Nguyên Cửu Tuyệt!... Không biết bao lần lão đã đưa các vị qua đây, nhưng với thân phận thấp hèn, lão chẳng dám trèo cao. Vả chăng lão vì ngân lượng mà chèo đò chứ chẳng thích đạo nghĩa giang hồ. Nay mới biết các vị với cái vẻ bên ngoài là những hảo hán nhưng trong thâm tâm lại là những kẻ có tấm lòng vàng. Trên mình đeo gươm đao mà trong tâm chứa toàn từ bi hỷ xả... Để tỏ lòng trân trọng với các vị và cung kính cao nhân khách quan Lý Lão Sư, xin cho lão này từ đây được chèo đò đưa các vị tới lui mà không cần ngân lượng. Chỉ mong rằng ngày mai ngày mốt, nếu có đàm luận đạo nghĩa, xin nhắn một tiếng lão già này sẽ đưa các vị đến bất cứ nơi nào các vị muốn. Và xin được ngồi chỗ thấp nhất rửa tai nghe đạo lý. Một đời già này nếu có ra đi cũng không uổng miếng cơm hơi thở...
Lý Tứ và năm người Trung Nguyên Cửu Tuyệt đồng hướng về phía lão chèo đò chắp hai tay và gập mình thủ lễ.
Nét hân hoan hiện lên trên khuôn mặt từng người như sáu ngôi sao tỏa sáng...
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






