Trích Trao Đổi Từ Một Buổi Phỏng Vấn

Các bạn!!! ... Thời gian vừa qua, mình được vị khách quý đặt một số câu hỏi!!! ... Xin chuyển đến mọi người nội dung các câu hỏi của khách và phần trả lời của mình!!! (24/07/2020)
KHÁCH: (1) Có lần trao đổi trên báo đài, ông đưa ra quan điểm, coi Phật đạo là một hệ thống giáo dục?
Ông có thể chia sẻ rõ hơn với độc giả.
47.1. LÝ TỨ: Bảo rằng, Phật đạo là một hệ thống giáo dục là quan điểm có cơ sở và khoa học. Vì rằng Phật đạo đặt ra những mục tiêu nhất định, và muốn đạt được những mục tiêu này, không có cách gì khác hơn là người học phải học tập!
Ta có thể coi tứ đế gồm khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế là bốn cấp học. Để hoàn thành bốn cấp này, người học phải học 37 chủ đề hay 37 môn học ta quen gọi là 37 phẩm trợ đạo. Học xong một số chủ đề nhất định nào đó, người học sẽ hoàn thành một cấp học. Ví dụ: Người học hoàn thành 12 môn học cơ bản gồm tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc sẽ hoàn thành cấp học khổ đế và một phần cấp học tập đế. Khi hoàn thành cấp học này, tám món khổ nhân sinh là sinh khổ, lão khổ, bịnh khổ, tử khổ, ái biệt li khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ và ngũ ấm xí thịnh khổ sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất hoặc hoàn toàn chấm dứt!
Nói Phật đạo là một nền giáo dục, vì chương trình giáo dục của Phật đạo luôn nhất quán, có tính kế thừa và mang trong nó sự thực dụng của khoa học. Có nghĩa, người học hoàn thành cấp học trước mới có thể lãnh hội cấp học sau, mỗi cấp học giải quyết một số vấn đề nhất định của cuộc sống! Ví dụ: Người chưa hoàn thành cấp học khổ đế chưa hết khổ, thì chưa thể học cấp tập đế để dứt lậu hoặc. Giống như người chưa học hết cấp Tiểu Học thì không thể học cấp Trung Học Cơ Sở, v.v...!!!
KHÁCH: (2) Trong hai năm 2019-2020 ông cho xuất bản 4 đầu sách: Vô Đối Môn, Phật giáo và thiền, Tâm pháp (2019) và Anh lạc luận 1 (2020). Ông có thể chia sẻ nét riêng biệt của các tác phẩm. Nói cách khác, nội dung chính và đối tượng tiếp cận của từng tác phẩm?
47.2. LÝ TỨ: Về bốn đầu sách đã được cấp phép xuất bản năm 2019-2020, mỗi đầu sách có một số nét riêng và phục vụ cho một số đối tượng chính, nhưng cùng có một mục đích chung, đó là: Giúp những người hữu duyên, có thể tìm thấy an vui trong lao động, học tập cũng như tạo dựng một đời sống thanh thản, nhằm giúp cân bằng giữa vật chất và tinh thần trong cuộc sống!
- Cuốn Vô Đối Môn, tôi viết dưới dạng hỏi đáp. Nhằm phục vụ cho những người bắt đầu tìm hiểu Phật pháp. Vì thế, các câu hỏi đáp trong đó nâng dần từ thấp lên cao, từ dễ đến khó, từ cạn đến sâu!
- Cuốn Phật Giáo Và Thiền, tôi viết dưới dạng giáo trình dạy và học. Nhằm phục vụ cho những người nghiên cứu sâu về Phật đạo. Cuốn sách này, hệ thống hoá giáo trình dạy và học, giải thích một số khái niệm quan trọng, cũng như giúp người đọc nhận ra thế nào là hệ thống giáo dục của Phật đạo!
- Cuốn Tâm Pháp, tôi viết dưới dạng tiểu thuyết cổ trang, phần lớn các nhân vật trong dó đều hư cấu. Cuốn sách này dễ đọc, dễ hiểu, mang đậm chất văn chương, nhằm giúp người đọc tiếp cận Phật pháp một cách nhẹ nhàng, có thể ứng dụng Phật đạo trong nhiều hoàn cảnh khác nhau từ đó ham thích văn hoá đọc. Và tôi cũng muốn giới thiệu đến người đọc “nghệ thuật khai thị” và “nghệ thuật dẫn tâm”, đây là hai bộ môn nghệ thuật giúp người học mau chóng thành tựu điều mình đang học mà không cần đến kiến thức hàn lâm! Phật giáo gọi hai bộ môn này là “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”!
- Cuốn Anh Lạc Luận gồm hai tập (1&2) là hai cuốn sách tổng hợp các bài viết của tôi từ năm 2010 đến 2018. Hai cuốn sách này triển khai rất nhiều chủ đề của Phật đạo, nó giống như một bộ tự điển bách khoa Phật giáo. Người đọc có thể tìm thấy hầu hết các chủ đề Phật pháp trong đó.
KHÁCH: (3) Ông nhận định thế nào về văn hoá đọc của giới trẻ hiện nay? Và đặc biệt về "thế giới sách viết về Phật đạo" hiện thời?
47.3. LÝ TỨ: Trong những năm gần đây, theo đánh giá chủ quan của tôi, giới trẻ chú trọng nhiều đến văn hoá đọc hơn những năm cuối thế kỉ 20 và thập niên đầu thế kỉ 21. Có lẽ sau những choáng ngợp từ thế giới ảo trên mạng internet, những người trẻ bắt đầu tìm lại các giá trị văn hoá từ thế giới thật, đó là sách giấy cùng văn hoá đọc. Hình như hiện nay giới trẻ thích thú và tìm thấy giá trị đích thực của bản thân, khi cầm trên tay một cuốn sách bổ ích hơn là mang trên vai một túi xách đựng máy tính giống như những năm cuối thể kỉ 20!
Về “thế giới sách viết về Phật đạo”. Theo tôi, hiện nay rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, theo nhận xét chủ quan của mình, hầu hết sách Phật giáo chỉ viết nhiều về văn hoá Phật giáo, dạy người tu thiền hoặc một số phép tu khác, hay học Phật để trở thành một người có đạo đức, v.v... Hơn là các loại sách giúp người đọc ứng dụng để thành tựu các cấp học trong Phật đạo như mục tiêu mà Phật đạo đề ra!
KHÁCH: (4) Trong 4 tác phẩm đã xuất bản, nếu để chọn lấy 1 cuốn để giới thiệu trước cho người mới tìm hiểu và có hứng thú về Phật đạo thì ông sẽ chọn cuốn nào?
47.4. LÝ TỨ: Như đã trình bày ở câu hỏi số 2. Cuốn Tâm Pháp và cuốn Vô Đối Môn (đồng xuất bản năm 2019), là hai cuốn sách giúp người đọc dễ tiếp cận Phật pháp, tìm thấy hứng thú khi đọc sách Phật giáo! Người thích truyện cổ trang, ưa tâm tình thì tìm đọc Tâm Pháp. Người có nhiều thắc mắc, trăn trở trong cuộc sống lẫn đạo pháp thì tìm đọc Vô Đối Môn!
KHÁCH: (5) Hệ thống giáo dục luôn có những thước đo đánh giá về trình độ, năng lực người đọc. Vậy theo ông, tiêu chí đánh giá một người nào đó có thành tựu trong Phật đạo hay chưa?
Và thành tựu ở mức độ nào là như thế nào?
47.5. LÝ TỨ: Để đánh giá trình độ, năng lực của người học, Phật đạo có nhiều công cụ đo lường cũng như thang điểm đánh giá. Những tiêu chí đánh giá này đều dựa vào bốn cấp học của Phật đạo là tứ đế.
- Người hoàn thành “cấp học khổ đế” phải giảm thiểu đến mức thấp nhất hoặc tịch diệt hẳn tám món khổ nhân sinh như đã trình bày ở câu hỏi số một!
- Người hoàn thành “cấp học tập đế” phải giảm thiểu đến mức thấp nhất hoặc tịch diệt hẳn bốn món phiền não trụ địa, đồng thời muội lược mười kiết sử cũng như thành tựu đạo quả vô lậu (không mê mờ)!
- Người hoàn thành “cấp học diệt đế” nhất định phải thành tựu đạo quả giải thoát bất động, thấy bổn tâm và bổn tánh, ta quen gọi là “minh tâm kiến tánh”!
- Người hoàn thành “cấp học đạo đế” phải thấu suốt tất cả các Tam muội môn và Giải thoát môn của Phật đạo, ta quen gọi là thành tựu Nhất thiết trí. Do thành tựu những điều đã nêu, người này khi tuyên thuyết về Phật pháp mới không còn mắc sai lầm!
KHÁCH: (6) Ông có lời nhắn gì với độc giả khi đọc tác phẩm của mình?
47.6. LÝ TỨ: Sách Phật giáo dù viết ở dưới bất kì hình thức nào, cũng mang trong nó nội dung của sách giáo khoa. Vì thế, khi đọc sách Phật giáo, ngoài việc tăng trưởng kiến thức, phải biết dùng kiến thức đó để ứng dụng nhuần nhuyễn vào đời sống sau khi tư duy thấu đáo. Chỉ khi nào kiến thức được ứng dụng nhuần nhuyễn vào đời sống thì, kiến thức đã học mới có cơ may biến thành trí tuệ!
Phật đạo là đạo trí tuệ, vì thế kiến thức Phật học không dừng lại ở giá trị của một món trang sức, mà nó chính là hành trang giúp ta thể nhập văn hoá vô lậu, một thứ văn hoá mà người sở hữu nó không còn khổ, phiền não, kiết sử, mê mờ...!
KHÁCH: (7) Trong tương lai, ông có dự tính xuất bản thêm đầu sách nào nữa không?
47.7. LÝ TỨ: Nếu điều kiện cho phép, tôi sẽ cho xuất bản các cuốn Chuyện Bên Lề, Chuyện Trên Mây và Anh Lạc Luận Tập 2!
KHÁCH: Xin cảm ơn ông đã trả lời câu hỏi!!!
LÝ TỨ: Rất cảm ơn ông đã có những câu hỏi thú vị!!!
(24/07/2020)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






