Thường Tự Tỉnh Giác

 0
Thường Tự Tỉnh Giác

Các bạn!!!

Khuya nay, mình có khởi quán: Nguyên nhân vì sao, một số huynh đệ chúng ta tuy có giác ngộ, nhưng thường hay bất giác, phiền não vẫn còn, dễ giận hờn, đôi khi phát sinh tà kiến, v.v... Không khác gì người đời...!

- Mình thấy rằng, các vị huynh đệ này tuy có giác ngộ, nhưng chỗ̃ giác ngộ chưa sâu, hoặc giác ngộ sâu mà không khéo hộ trì. Vì thế, thường để cho tập nhân hiện khởi, từ đó phát sinh bất giác... Một khi bất giác hiện khởi, giác trí bị che mờ, cho nên phiền não tâm và những hệ lụy kể trên lôi kéo, khiến vị ấy rời xa chánh pháp, sinh tâm giận hờn từ bỏ bạn lành, phát sanh tà kiến, thậm chí là ác kiến!

- Để giúp Bồ Đề tâm tăng thượng, làm cho bất giác đẩy lùi. Người tu hành phải thường nhớ nghĩ đến việc tu tập, như trong kinh Lăng Già Phật dạy: “Đầu hôm, giữa khuya, gần sáng phải thường tự tỉnh giác...”. Thường tự tỉnh giác là cách tốt nhất để ngăn chận bất giác.

“Thường tỉnh giác” bằng cách gì?

- Đối với người chưa giác ngộ, hoặc giác ngộ không sâu. Dùng phép Tam Ma Đề, dừng cho được phân biệt, dập tắt mọi quan niệm (pháp) đang hiện sanh. Tu như vậy, đến khi nào các pháp và phân biệt không còn hiện khởi, chỉ còn lại giác trí. Vị này dùng giác trí quán (tầm tứ) trở lại thân và tâm này, lúc đó thiền định với đầy đủ năm chi sẽ sanh khởi... Nhờ sự an ổn của thiền định, vị tu hành này phát hiện ra thế nào là bản chất thật của thân và tâm. Thấy được bản chất thật của thân và tâm, vị ấy an trú nơi không thân tâm gọi là Xa Ma Tha. Trong Xa Ma Tha, tập nhân và bất giác (ngã) dần dần tự diệt. Vị lai sẽ thấu suốt được thế nào là Diệt đế.

- Đối với người đã giác ngộ. Dùng huệ trí, phát khởi pháp Tỳ Bà Xá Na. Dùng Tỳ Bà Xá Na quán tột cùng “bản lai của các pháp”, khi thấy được bản lai của các pháp chỉ là sự huyễn hoá của tâm ý này. Khi thật biết rằng các pháp chỉ là huyễn hóa, bản chất của tâm này là “rốt ráo không”, vị này an trụ nơi “thực tướng vắng lặng của tâm” gọi là Xa Ma Tha.

Trong Xa Ma Tha, không cần phát khởi tâm ý, Thiền Na sẽ tự hiện. Trong Thiền Na, vị tu hành này dần dần thấu suốt thế nào là Viên Giác. Trong Viên Giác, Tuệ giác sẽ tự toả sáng. Đây là “ngọn đuốc vĩnh cữu” giúp người tu hành thành tựu những gì cần thành tựu của Diệt đế.

Thường tự tỉnh giác là một trong những hình thái của tu “Thiền Định Ba La Mật”. Thành tựu Thiền Định Ba La Mật sẽ có được chiếc chìa khoá để mở cánh cửa Trí Tuệ Ba La Mật. Việc tu tập này phải duy trì thường xuyên, nếu không bất giác sẽ chiếm giữ tâm ý mà không tự biết, đôi khi người tu hành nhầm tưởng đó là trí tuệ!

Người tu hành, chỉ khi nào thành tựu được Trí Tuệ Ba La Mật thì bất giác mới vĩnh viễn được đoạn trừ. Nếu không hoặc chưa thành tựu Ba La Mật này, giống như người cầm ngọn đuốc đi trong đêm tối. Đuốc tắt, bóng tối tức thì hiện hữu.

Đây cũng là lý do vì sao, cho đến tận bây giờ, trong huynh đệ chúng ta vẫn còn một số người hay phát sinh bất giác, chưa thể trừ sạch tập nhân và phiền não, thậm chí đôi lúc phát sanh tà kiến hoặc bị tà kiến lôi kéo, không ham thích gần gũi bạn lành, chán nghe chánh lý!

(01/2015)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG