Tất Cánh (Cứu Cánh Cuối Cùng) Của Thiền Định

Các bạn! ... Để tiếp tục đào sâu tư duy và có những bước khởi đầu tốt nhất trên con đường tìm kiếm trí tuệ. Có ba câu hỏi sau, rất mong nhận được những câu trả lời thú vị từ các bạn.
- CÂU HỎI TCTT 2016/07 − Tất Cánh Của Thiền Định
1) Pháp giới chúng sinh, bao gồm những cảnh giới nào???
2) Một người thành tựu cứu cánh cuối cùng (tất cánh) của thiền định, người đó sẽ giải quyết được đế nào trong bốn đế (khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế)? hãy đưa ra lập luận thuyết phục để bảo vệ ý kiến của bạn!
3) Bốn đế (khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế), đế nào thuộc về hữu vi, đế nào thuộc về vô vi? Vì sao nó như vậy? (03-07-2016)
- GỢI Ý... TCTT 2016/07 − Tất Cánh Của Thiền Định
Rất mau chóng! Câu số 2 là câu hỏi khó, mặc dù mới nhìn vào, thấy nó rất dễ. Muốn trả lời được câu hỏi này, rất cần đến "những cảm nhận tinh tế" từ người trả lời... Sự tinh tế này, hai ngày qua chỉ có Minh Pháp và Tâm Pháp nhìn ra! (04-07-2016)
Các bạn! ... Để giúp các bạn nắm vững vấn đề, nhìn ra giá trị thực của thiền định, không rơi vào tình cảnh đề cao quá mức hay chối bỏ giá trị của thiền định. Một vài ý kiến sau, sẽ giúp các bạn hiểu hơn về giá trị của thiền định trong Phật đạo...
- Muốn thành tựu Vô Lậu Quả, Phật dạy Tam vô lậu học, đó là: Giới, định, huệ. Trong ba học pháp vô lậu, thiền định đứng sau giới và trước huệ (giác). Có nghĩa rằng, chỉ đơn thuần là thiền định, mà thiếu huệ (giác), thì thiền định đó đồng ngoại đạo, không có giải thoát. Cho nên, muốn giải quyết một vấn đề nào đó của Phật đạo (trong phạm vi Tứ Đế), phải hội đủ ba điều trên, giống như ba chân của một chiếc kiềng. Thiếu một trong ba điều, đời sống tu hành sẽ khó thành tựu.
- Tập đế gồm hai phần, đó là kiết sử và tập nhân. Thiền định chỉ có thể giúp người hạn chế, tạm thời không cho kiết sử hiện hữu. Giống như dùng phèn lóng trong nước, nhưng không thể làm sạch nước. Riêng tập nhân, muốn giải quyết được nó phải có một tri kiến tốt (gọi là huệ), từ sức hiểu biết này, người tu hành mới có thể làm sạch tập nhân bằng con đường giác ngộ. Chính vì thế mà Kinh Lõi Cây, Phật chỉ ra trình tự đưa đến giác ngộ phải gồm đủ năm điều: Xuất gia, giữ giới, thiền định, tri kiến, bất động giải thoát… Không nắm vững hai điều này, có thể chúng ta trả lời đúng nhưng không thoả đáng vì thiếu lập luận bảo vệ vững chắc, sẽ rơi vào tình cảnh hoặc chối bỏ, hoặc cho rằng thiền định có thể tuyệt đối giải quyết một đế nào đó trong bốn đế.
Các bạn! ... Trí tuệ trong Phật đạo là sức lý luận, và lý luận này phải hoàn toàn có chân lý và dựa trên cơ sở thuyết phục. Trí tuệ trong Phật đạo thể hiện qua cách lập luận trình bày một vấn đề. Đã gọi là trí tuệ, thì không thể chỉ trả lời theo kiểu “yes hay no”, mà không có lý lẽ đủ sức thuyết phục. Sức thuyết phục trong lý luận của Phật đạo, giống như chẻ sợi tóc làm tám phần bằng nhau, không một mảy may sai sót, ngày xưa mình đặt cho nó cái tên nghe vui tai: "Chiết Phát Đẳng Pháp". Vì thế, từ xưa đến nay, học trí tuệ là việc làm rất khó, nó đòi hỏi nhiều yếu tố... (05-07-2016)
Các câu hỏi và trả lời, là một trong những hình thức chúng ta tập làm quen với việc chia chẻ “sợi tóc pháp” thành nhiều phần bằng nhau một cách thuyết phục. Không thể chia chẻ một pháp đến tận bờ mé chân lý, thì chuyện thành tựu trí tuệ trong Phật đạo là điều không thể xảy ra!!! ... Tập dần sẽ quen, đây là cách rèn luyện để thành tựu một trong những tố chất cần thiết để làm nên trí tuệ!
Các bạn! ... Muốn trả lời được ba câu hỏi lần này, phải biết dùng năng lực tư duy, quán trực tiếp bổn tâm, sau đó đi ngược dòng để tìm đầu mối nhằm giải quyết các câu hỏi. Làm như vậy, chính là cách tu Tam Muội. Tu Tam Muội không giống tu Thiền Định.
- Thiền định thuận theo dòng tâm tức để chiêu cảm cảnh giới, giống như người từ chân núi hướng về đỉnh núi để chọn đường đi.
- Tam Muội khác hơn, đó là đi ngược từ Bổn Tâm truy nguyên xuất phát điểm của điều cần tìm, sau đó quan sát tâm thức. Giống như từ một vệ tinh trên cao quan sát toàn bộ trái đất để đưa ra các dự báo chính xác. Sau đây là bài trả lời tiêu biểu, HĐ tham khảo.
(Tham khảo) CẢM NHẬN TCTT 2016/07 − Tất cánh... Thiền Định
- Cảm Nhận TCTT 2016/07 − Tất cánh Của Thiền Định (Lý Anh Lạc)
Thưa Thầy! Con xin trả lời ba câu hỏi:
- Trả lời câu hỏi 1: Pháp giới chúng sinh, bao gồm những cảnh giới của ba cõi, đó là cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc.
- Trả lời câu hỏi 2: Một người thành tựu cứu cánh cuối cùng (Tất cánh) của thiền định, chỉ giải quyết được một phần của tập đế. Tập đế gồm mười kiết sử và mười tập nhân, người đắc thiền định "chỉ có thể" giải quyết ba kiết sử đầu của độn sử. Còn lại, bảy kiết sử (5 lợi sử, 2 độn sử) và mười tập nhân, thì thiền định không thể chạm đến được. Vì rằng, muốn các thiền thú hiện, người đó phải còn tập nhân và ở trong pháp giới, cho dù đó là thiền cảnh cao nhất cũng không ngoại lệ. Thiền cảnh là kết quả của tập nhân chiêu cảm với thiện báo mà sanh, cho thấy thiền định không thể giải quyết rốt ráo bất kỳ một đế nào trong bốn đế vì tập nhân chưa dứt.
- Trả lời câu hỏi 3: Trong bốn đế thì khổ đế, tập đế thuộc hữu vi. Còn diệt đế và đạo đế thuộc vô vi… Vì sao? Vì khổ đế và tập đế thuộc nhân hữu lậu (làm ra), nên nó là hữu vi. Còn diệt đế và đạo đế thuộc nhân vô lậu, nên nó là vô vi.
Kính Thầy chỉ dạy thêm. Kính chúc Thầy luôn khỏe! Con. (06-07-2016)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






