Sắc Giải Thoát

 0
Sắc Giải Thoát

Bài viết nhằm trả lời thắc mắc của một số HĐ về Sắc giải thoát và Sắc thường trụ...

1. Sắc gồm nội sắc và ngoại sắc.

  • Nội sắc: Gồm thân và những món thuộc về thân, trong đó có sắc do ý xúc đối, gọi là Vô biểu kiến sắc.
  • Ngoại sắc: Gồm các cảnh duyên do năm căn thân tiếp được, gọi là sắc biểu kiến.
  • Vô biểu kiến sắc và sắc biểu kiến.

- Tuỳ tâm chuyển gọi là sắc phiền não.

- Tuỳ thức chuyển gọi là sắc triền phược.

  • Muốn chấm dứt phiền não và cột trói bởi hai thứ sắc trên. Người tu hành phải dùng: Luật nghi, thiền định và trí tuệ để giải trừ nó. Gọi là: Luật nghi vô biểu, Bất luật nghi vô biểu và Phi luật nghi phi bất luật nghi vô biểu.
  • Luật nghi gồm có: Khiêm hạ, cung kính, oai nghi, có tàm, có quý và biệt giải thoát luật nghi vô biểu.
  • Bất luật nghi gồm: Các món thiền định, tam muội, vô lậu luật nghi vô biểu.
  • Phi luật nghi phi bất luật nghi vô biểu gồm: Tịnh sắc căn vô biểu, diệt loạn tán đẳng vô biểu, vô tâm đẳng vô biểu, bất tuỳ lưu tâm vô biểu, tịnh bất tịnh vô biểu, thể nhập đại chủng tánh vô biểu, do thử thuyết vô biểu, vô nhiếp trì vô biểu.

2. Giải thoát gồm thời giải thoát, phi thời giải thoát và thường trụ giải thoát.

  • Thời giải thoát gồm: Yểm ly sắc, yểm ly tâm, thiểu dục tri túc, an trú bốn thánh chủng.
  • Phi thời giải thoát gồm: Đình tâm, Biệt tổng tướng niệm trụ vị, Gia hạnh niệm vị, Tứ quả vị, Chứng nhập hiền thánh đạo vị.
  • Thường trụ giải thoát gồm: Thành tựu thập trí lực, thành tựu thập bát bất cộng, thành tựu tứ vô ngại trí, thành tựu tứ vô uý, thành tựu thập ba la mật, thành tựu sai biệt trí.

3. Thành tựu cả hai món này gọi là sắc giải thoát.

Trên đây chỉ là những giải thích cơ bản. Nếu triển khai đầy đủ không thể thực hiện được trên một bài email. Vì phần liệt kê và ý nghĩa từng món rất nhiều. Hy vọng đủ duyên, mình sẽ trực tiếp giải thích cặn kẽ.

Câu trả lời của các HĐ rất hay, tuy nhiên mình xin bổ túc vài ý sau:

A La Hán chỉ dứt sanh tử phần đoạn, ra khỏi khổ đau ba cõi. Còn thấy có sanh tử có Niết Bàn vì thế vị này bỏ sanh tử cầu Niết Bàn. Vì chưa thấy phiền não cùng Bồ đề chẳng hai, nên vị này sợ phiền não tìm Bồ Đề. A La Hán chỉ chứng được nhân không mà chưa thấy pháp cũng không và A La Hán cũng chưa thấy được thiệt tướng.

Sau khi chứng La Hán, muốn biết được những điều nêu trên, vị này phải phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, phát nguyện độ sanh và cầu học nhất thiết trí. Thực hiện những điều này, một A La Hán sẽ không còn danh xưng là A La Hán, mà được gọi “hồi tâm A La Hán”.

Sau khi phát nguyện, vị này hành công hạnh Bồ Tát gọi là Bồ Tát sơ phát tâm, trải qua hai vô số kiếp, chuyển biến trong “Bất tư nghì biến dịch sanh tử” vì công hạnh, viên mãn nhất thiết trí, dứt hai phần sở trí ngu, Bồ Tát này mới thấy được Phật tánh.

Thấy Phật tánh, Bồ Tát này được thọ ký, có danh xưng là Đại Bồ Tát. Trải qua một vô số kiếp còn lại gọi là “hậu biên thân” giống như thân Bồ Tát Di Lặc. Về thân, Đại Bồ Tát dùng thân này tu tập 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Về trí Đại Bồ Tát Tu tập Nhất Thiết Chủng Trí, thiết lập cõi nước, trang nghiêm chúng sanh, gọi là trang nghiêm Phật độ và trang nghiêm chúng sanh độ.

Viên mãn hai phần: Công đức và trí tuệ, tức thân tướng đầy đủ và trí huệ tối thượng, Bồ Tát này nhập “Tối hậu thân” còn gọi là “sắc thường trụ” giống như thân Thích Ca Mâu Ni, từ cung trời Đâu Suất đản sanh chứng Vô  Thượng Bồ Đề. Đây mới được gọi là “thân rốt sau”. Vì thế mới có danh xưng “Chánh Đẳng Chánh Giác” tức thân và trí đồng chư Phật 10 phương.

Hết thảy người tu hành trong Phật đạo đều không thể ra khỏi thông lệ này, nếu muốn chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.                                         

(23-06-2013)

−−−••• ⁕ ⁕  ۝⁕ ⁕ •••−−−

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG