Bất Vô Phi Ly

 0
Bất Vô Phi Ly

Các bạn!!!

Có HĐ hỏi mình về ý nghĩa của bốn chữ, Bất, Vô, Phi, Ly và phạm vi ứng dụng. Mình trả lời vắn tắt như sau:

Trong Phật đạo, bốn chữ này đồng chỉ nghĩa không, biểu hiện sự vắng mặt trong hiện tại. Là “bốn cấp độ” nhìn nhận một Pháp, nhận thức một vấn đề. Mỗi một chữ, có một cách ứng dụng, mỗi ứng dụng có giá trị riêng của nó, đồng đưa đến an lạc Niết Bàn.

1. Chữ ‘Ly’:   Xa lìa, xa lánh...

Nhận thức này đưa đến việc xa lánh các nguyên nhân phát sinh kiết sử. Kiết sử không hiện, vị này được an lạc...

Ví dụ: Nơi chợ búa dễ sinh tham sân. Ý thức được điều này, người tu hành tìm nơi A Lan Nhã (vắng vẻ, tịch tĩnh) để tu hành...

2. Chữ ‘Bất’:  Trước có, nay không...

Vị này nhân giác ngộ mà hiểu rằng các Pháp do mê sanh. Giác ngộ như vậy, vị này không nuôi dưỡng, đeo đuổi, say mê các Pháp. Nhờ vậy, đối trước muôn cảnh, muôn duyên, tâm vị này dừng lặng, không hiện hai thứ đối đãi như: Đúng sai, phải quấy, tốt xấu, hay dở, tịnh bất tịnh... Từ đó, Ngộ ra “xưa nay tâm này thanh tịnh”... Ví dụ: Lúc trước, cũng sự việc như vậy xảy ra, do không giác ngộ, đem tâm nghĩ suy, sinh pháp rồi phiền muộn. Nay, biết được các pháp chỉ là nghĩ suy, nghĩ suy này không thật, nên người này dừng tâm... Tâm dừng, phiền não hết, pháp tịch diệt... Giống như người nhầm sỏi đá là vàng, ôm ấp, giữ gìn. Nay biết được đó là các món không giá trị, bèn buông bỏ không luyến tiếc...

3. Chữ ‘Vô’:  Trước không, nên nay cũng không...

Chỉ cho cảnh giới thấy được bổn tâm. Do thấy được bổn tâm, Tâm và Pháp đồng vô vi. Ở trong vô vi, hoát nhiên phát hiện ra "trước không nay cũng không"... Ví dụ: Người nhặm mắt thấy đèn có quầng. Mắt hết bệnh, người này nhận ra, trước quầng đèn chẳng sanh, nay quầng đèn chẳng diệt, quầng đèn thật sự không có, chỉ do mắt bệnh mà thấy...

4. Chữ ‘Phi’: Chẳng phải... Chẳng phải có, chẳng phải không.

Đây là cái thấy cao tột trong Phật Đạo, cái thấy của trí tuệ. Người tu hành thấu suốt chữ phi, xuất sinh vô lượng phương tiện. Từ lúc thấy cho đến viên mãn đạo quả, thôi không còn lầm nữa... Ví dụ: Như giấc mơ. Bảo rằng “có” cũng sai mà bảo rằng “không” cũng sai, còn có nghĩa: “Thấy vậy chứ chẳng phải vậy”. Đây là cảnh giới “Thị Hiện” của Hoá Phật, Hoá Bồ Tát. Chữ Phi, Phật dùng để dạy ngài Đại Huệ trong kinh Lăng Già là một ví dụ...

Một vài lời, chưa thể nói hết mọi thứ, rất mong HĐ khéo hiểu!!!                 (07-2012)

−−−••• ⁕ ⁕  ۝⁕ ⁕ •••−−−

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG