Quan Niệm (Pháp)… Tu Hành

 0
Quan Niệm (Pháp)… Tu Hành

Hỏi: Làm sao để diệt ngã?

Trả lời: Ngã không thiệt có thì làm sao mà diệt. Người ta không thể diệt ngã một khi chưa tự giác ngộ rằng mình vô ngã. Vì thế nói diệt ngã không phải nhắm cái ngã mà diệt, mà sau khi giác ngộ vô ngã chỉ nên không khởi cái ngã, tức không chấp thủ một vấn đề gì (một cái gì) hết, không khởi tưởng “có mình trong vấn đề này”. Có nghĩa hoàn toàn tĩnh lặng trước mọi việc dù có xảy ra hay không xảy ra. Tâm như vậy gọi là Vô Ngã.

Khi chưa được vô ngã thì hãy thường xuyên quở trách cái ngã này, và thầm biết rằng nó không thiệt có, chỉ do mê mà hiện khởi.

Tất nhiên được như vậy không phải dễ. Quan trọng là phải thường “Giác ngộ bản lai vô ngã” để tâm như hư không, giống như gió thổi vào đồng trống thì có gió hay không đều vô hại. Nhưng nếu có một vật cản (ngã), gió sẽ làm ngã đổ những gì chướng ngại nó. Ngã cũng vậy, giống như lá cờ trước trận gió lớn, cờ sẽ tung bay.

Hãy cuốn ngọn cờ xuống khỏi cột cờ, không sợ gió thổi. Nếu không, gió sẽ làm ngọn cờ rách te tua (phiền não). Hãy chết cái ngã đi một lần, thì sẽ có đời sống an vui vĩnh hằng.

Hỏi: Gió ở đây có phải là gió ngũ dục hay không?

Trả lời: Đúng là gió ngũ dục.

Hỏi: Có phải nếu lấy “tu hành vì người” cũng sẽ giúp dần dần quên đi mình, giác ngộ chúng sanh vô ngã, và thêm sức tinh tấn?

Trả lời:Tu hành vì người” là thật nghĩa của tu hành vì mình (Bồ Tát lấy chúng sanh làm tự thể tu tập). Thanh Văn chủ trương vô ngã nên không thể giác ngộ chúng sanh.

Bồ Tát biến Ngã thành Bi, biến Khổ thành Từ, thấy Không thành Hỷ, hiểu Vô Thường nên tâm thường tự Xả. Vì rốt ráo xả nên tâm thanh tịnh, tâm thường thanh tịnh nên gọi là tinh tấn. (Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã = Từ, Bi, Hỷ, Xả).

Hỏi: Một trong những điều kiện cần có và đủ để được vãng sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà là phải dốc lòng hồi hướng. Đây có phải là một cách để tăng trưởng từ bi tâm?

Trả lời: Thanh Văn dốc lòng hồi hướng để thành tựu “Vô Ngã”. Bồ Tát dốc lòng hồi hướng để thành tựu Ba La Mật tâm. Người cầu vãng sanh dốc lòng hồi hướng để rũ bỏ chốn này. Phàm phu dốc lòng hồi hướng để mau thành bậc Thánh. Đại Bồ Tát dốc lòng hồi hướng để thành tựu Phật quả…

Hỏi: Vì sao cõi Cực Lạc còn được gọi là An Dưỡng Quốc?

Trả lời: Gọi là An Dưỡng Quốc vì Cực Lạc chỉ là trạm nghỉ ngơi (trại An Dưỡng). Giống như Niết

Bàn của Ba thừa chỉ là Hóa thành, trạm dừng chân để nghỉ ngơi của người lữ hành trước khi đến Bổn Sở (nơi chốn thật sự của mình). Vì thế Niết bàn Ba thừa hay Cực Lạc chỉ là trạm dừng chân tạm nghỉ do chư Phật hóa hiện ra, để người tu hành uống cà phê, trà đá… đỡ khát… trước khi đi đến quả vị Phật.

Hỏi: Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ có đoạn như sau: “Này Vi Ðề Hi! Người muốn sang nước Cực Lạc ấy nên tu ba phước.

- Một là hiếu nuôi cha mẹ, kính thờ bực Sư Trưởng, có tâm nhơn từ chẳng giết hại và tu tập mười nghiệp lành

- Hai là thọ trì Tam Quy y, đầy đủ các cấm giới và chẳng phạm oai nghi.

- Ba là phát tâm Bồ Ðề, sâu tin nhơn quả, đọc tụng Kinh điển Ðại Thừa và khuyên dạy sách tiến người tu hành.

- Ba sự như vậy gọi là tịnh nghiệp. Nầy Vi Ðề Hi! Nay bà có biết chăng? Ba tịnh nghiệp ấy là: Chánh nhơn tịnh nghiệp của tam thế chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại”.

Vì sao ba tịnh nghiệp này được gọi là Chánh Nhơn Tịnh Nghiệp?

Trả lời: Chánh nhơn tịnh nghiệp: Gọi là chánh nhơn vì nhơn này không kẹt ba thừa. Nói tịnh nghiệp vì nghiệp này là nghiệp của Phật và Bồ Tát.

Hỏi: Ngoài việc thường xuyên nhớ nghĩ đến những cảnh tốt lành của cõi Cực Lạc, có phải người tu Tịnh Độ cũng nên thường xuyên nhớ nghĩ và thực hành ba tịnh nghiệp nói trên để tự trồng công đức?

Trả lời: Tâm thường nhớ cảnh giới tốt lành của Cực Lạc, Ý thường không quên ba tịnh nghiệp, Ý thức thường biết rõ hai món này là chánh nhân của người cầu vãng sanh và tịnh nghiệp của chư Phật. Chánh nhân hiện tại là được vãng sanh, tịnh nghiệp vị lai là thành Phật quả.

Hỏi: Nhận xét “tôi phải qua sông rồi mới trở lại cứu người khác” và nhận xét “tôi biết bao nhiêu thì khuyên dạy sách tiến người tu hành bấy nhiêu”, nhận xét nào thật sự giúp người nhiều hơn? Với nhận xét “tôi biết bao nhiêu thì khuyên dạy sách tiến người tu hành bấy nhiêu”, khuyên dạy người tin sâu nhân quả để làm lành lánh dữ có phải là một bước đầu nên làm?

Trả lời:

1) Không được mà thường cho là quan niệm của chư Phật.

2) Không được cũng không cho là quan niệm của mấy ngài Đại Bồ Tát.

3) Tôi phải qua sông rồi mới trở lại cứu người là quan niệm “chắc cú” của hàng Thanh Văn.

4) Được nhiêu cho nhiêu là quan niệm “hào phóng” của hàng Bồ Tát.

5) Được hai cho một là quan niệm của mấy chàng Quân tử.

6) Được nhiêu cũng không cho là quan niệm của ông nội Trùm sò.

7) Cho một lấy hai là quan niệm của mấy lão kinh doanh.

8) Cho rồi mai mốt lấy lại là quan niệm của bọn thực dân.

Khuyên người tin sâu nhân quả, làm lành lánh dữ… là việc phải làm và làm thường xuyên của Phật Giáo.

(08-2010)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG