Phương Pháp Tiếp Cận

 0
Phương Pháp Tiếp Cận

Phật giáo, hay nói khác đi ‘thiền của Phật giáo’ giống như một viên ngọc quý nhiều cạnh, nhiều màu. Khi đối diện tùy vào góc nhìn, ánh sáng, người ta cảm nhận về màu sắc, hình thể của viên ngọc rất khác nhau vì “nghiệp quả sai biệt cho ra thấy biết sai biệt.” Chính thấy biết khiếm khuyết này buộc người ta phải loay hoay đi tìm màu sắc đích thực của viên ngọc; càng đi tìm mới ngộ ra rằng thấy biết hôm qua không giống hôm nay và cứ thế càng đào sâu càng thấy vi diệu.

Chính sự loay hoay buộc người nghiên cứu phải tìm cho mình một phương pháp nghiên cứu; phương pháp hợp lý sẽ làm giảm bớt công sức khi những gì không liên hệ đến mục đích được loại trừ.

1. Nhắm thẳng điểm sáng.

Như người đi đêm ‘cứ nhắm thẳng điểm sáng’ bước tới, mắt không rời điểm sáng cho dù bóng đêm có tăm tối bao nhiêu cũng không sợ sai lạc phương hướng, vì một khi trong lòng không còn hồ nghi thì mục tiêu sẽ mau đạt được.

Với phương châm như vậy, điều đầu tiên phải xác định mục tiêu hay đốm sáng ấy là gì;  Người tu hành thường hay nói nôm na Phật giáo có tám mươi bốn ngàn pháp môn. Tám mươi bốn ngàn pháp môn là tám mươi bốn ngàn cánh cửa vào đạo. Nó như ánh sáng của đốm sáng, nhưng cái gì làm nên đốm sáng để có tám mươi bốn ngàn tia sáng kia chính là mật mã đầu tiên cần phải giải.

Nếu giải được mật mã này thì tám mươi bốn ngàn hay hơn thế nữa cũng không là vấn đề. Công việc cần xác định bây giờ là dùng công cụ gì để có thể nhìn thấy những tia sáng ấy; vì những tia sáng pháp môn không phải là vật thể nên chẳng thể dùng con mắt quan sát ngũ dục để nhìn.

Vì vậy cần tạo một nhãn quan tương thích với tia sáng pháp môn để làm phương tiện nhìn ngắm là công việc đầu tiên. Giống như thỏi nam châm chỉ hút sắt, điều kiện để nam châm hút được phải là sắt và phải nằm trong vùng phủ từ trường, không phải sắt hoặc sắt mà nằm ở cự ly xa quá thì nam châm cũng đành chịu. Chính đây là nguyên tắc, xa rời nguyên tắc này thì việc nghiên cứu không đạt yêu cầu.

2. Ngọn đèn vô lậu.

Ngọn đèn vô lậu của Phật giáo được làm nên bởi ba chất liệu quan trọng đó là: Giới - Định - Huệ.

Khi ba món này hòa hợp nhuần nhuyễn sẽ cho ra thứ ánh sáng trí tuệ hay còn gọi là mùi hương, đó là giới hương, định hương, và huệ hương. Muốn thấy hay ngửi được mùi hương này phải là con mắt được thanh lọc hiện nghiệp, giống như tấm gương được lau chùi sạch sẽ.

Mọi Phật tử đều biết rằng chúng sanh sở dĩ bị trói buộc trong ba cõi hay bị các phiền não làm khổ đau vì đang sở hữu nghiệp quả. Nếu thoát ra hoặc bỏ rơi nghiệp quả thì họ sẽ không còn bị nghiệp quả trói buộc, giống như người tù được tha, mọi phiền não khổ đau do lao tù gây ra tự dưng chấm hết.

Nghiệp như bóng tối, Phật gọi là vô minh, nếu thắp lên ngọn đèn trí tuệ thì bóng tối vô minh sẽ tan biến, và mọi khổ đau sợ hãi không còn. Chính vì vậy ngọn đèn giới-định-huệ được thắp lên để xóa tan bóng đêm tăm tối và con mắt không bị nhiễm ngũ dục mới mong thấy được ánh sáng này.

Theo Phật giáo, một chúng sanh có mặt là do nhiều đời kiếp quá khứ đã tạo vô số nhân chẳng lành. Vì thế tu hành hôm nay là làm một cuộc sám hối dài cho đến khi nào hiện nghiệp không còn ngăn che, như con mắt đã tháo bỏ lăng kính nghiệp quả mới mong thấy được màu sắc trung thực của các pháp.

Giữ giới, tu thiền định, và tư duy ý nghĩa kinh điển chính là sám hối thân tâm; ba thứ này khi hòa được với nhau sẽ giúp nghiệp quả hiện tiền mỏng nhẹ. Bây giờ ý nghĩa kinh điển dễ hiểu hơn, thấm nhuần ý nghĩa kinh điển sẽ cho ra con mắt trí tuệ, mà kinh thường gọi là ‘tịnh pháp nhãn’.

Tịnh pháp nhãn trở thành công cụ thanh lọc nghiệp quả để nghiệp quả nếu có chiêu cảm thì chỉ chiêu cảm báo ác thành báo lành giải thoát, tức tập nhân và giao báo không đan xen lẫn nhau, giống như trời nóng bức gặp được bóng râm.

Vì thế, giới-định-huệ vừa là công cụ để nhìn vừa là đốm sáng soi đường cho hành trình sám hối.

  • Giới không khuyết giúp người tu hành dừng tạo nhân mới.
  • Thiền định thâm sâu là phương thức làm cho hiện tại không đủ duyên để nhân cũ thành tựu.
  • Trí tuệ thù thắng giúp thay đổi tính chất của quả báo hiện tại từ hữu lậu thành vô lậu, biến báo dữ thành báo lành.

Để có được ba món vô lậu quý giá này không có nơi nào tốt hơn là tìm kiếm trong núi rừng kinh điển. Chánh kinh chính là vùng đất chứa đầy pháp lành để người tu hành có thể tìm ba món báu vô lậu.

Nó là giềng mối, là điểm xuất phát của hành trình đi tìm chân lý;  Giống như người đi tìm vàng, kinh điển như núi vàng, khi vào đến đó tùy theo sức mỗi người sẽ mặc sức thu lượm. Có thể trong thời gian còn ở trong núi, người tìm vàng không có cơ hội sử dụng, nhưng khi về đến thôn làng, với những túi vàng đầy ắp người kia tha hồ mua sắm. Vàng có thể quy đổi thành nhiều thứ giá trị mà người không có nó hoặc những hiện vật tương tự, sẽ vĩnh viễn không thể được các vật phẩm giá trị này.

Phương thức tìm vàng, sau đó chờ thời cơ sử dụng, sẽ cho phép người tu hành quy đổi ‘ngữ nghĩa ẩn mật của kinh’ thành ‘ngọn đèn ba vô lậu học’, khi có được ngọn đèn ba vô lậu thì việc hóa dữ thành lành mới có thể thực hiện.

(còn nữa) 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG