Pháp Hộ Trì Tứ Gia Hạnh

Các bạn!!!
Giác ngộ rất quan trọng đối với người tu hành trong Phật đạo. Vì thế, Phật đạo còn được gọi là Đạo Giác Ngộ...
Giác ngộ ban sơ, là lúc người tu hành trong Phật đạo đặt một chân vào thế giới mới, gọi là xuất thế. Vì là lần đầu tiên đặt một chân vào cảnh giới xuất thế, nên tất cả đều mới lạ. Để làm quen với cuộc sống ở đây, và giữ gìn thành tựu này, phải biết cách hộ trì, một trong những pháp hộ trì tối ưu là Tứ gia hạnh.
Tứ gia hạnh gồm bốn pháp, giúp người tu hành bảo vệ và trưởng dưỡng thành quả giác ngộ. Giống như từ quả trứng, để cho ra con gà, quả trứng này phải được chăm sóc đặc biệt, bất kỳ một lỗ̃i nhỏ nào cũng có thể làm cho quả trứng hư thối... Bốn pháp như sau:
1. NOÃN VỊ.
Noãn là cái trứng. Người tu hành khi vừa giác ngộ, giữ gìn sự giác ngộ này giống con gà giữ cái trứng. Giác ngộ ban đầu như là cái phôi, không giữ gìn đúng phép sẽ bị hư hoại
2. NHẪN VỊ.
Muốn cái trứng này thành hình, phải dùng sức nhẫn để gia bị. Nhẫn có hai thứ là: Nhu thuận nhẫn và Âm hưởng nhẫn. Hai nhẫn này chính là thiền và định, giúp cái phôi kia thành tựu.
Âm hưởng nhẫn: Trong thấy nghe hay biết, người tu hành dùng sức giác để quán sát lỗ̃i họa của thấy nghe, không cho các căn duyên nơi trần cảnh để sinh pháp như người đời. Hành động này giúp Tiền ngũ thức trở về chỗ̃ đồng gọi là “Thành sở tác trí”.
Thực hành như vậy trong tứ oai nghi (đi, đứng, ngồi, nằm), bây giờ ý thức không duyên nơi trần cảnh mà quay trở về nội tâm, lặng lẽ quan sát nội tâm gọi là “Diệu quan sát trí”. pháp tu này gọi là Tỳ Bà Xá Na.
Nhu thuận nhẫn: Đầu hôm, giữa khuya, gần sáng đưa tâm thuận theo chỗ̃ đã giác ngộ. Quán sát sự vắng lặng của tâm ý, hỷ lạc khinh an sẽ sanh, các thiền chi xuất hiện. Sự xuất hiện các thiền chi làm thay đổi tâm sinh lý để người tu hành thuận theo dòng Giác. Khi các thiền chi tự xả, hành giả phát hiện “bản lai tâm này thanh tịnh, chưa từng có ngã” gọi là Ngộ.
Lúc này Mạt na thức không chấp lấy A Lại Da để sinh ngã, mà hoạt động độc lập gọi là “Bình đẳng tánh trí”. A Lại Da không bị ngã chi phối, nhìn nhận sự việc như gương sáng soi cảnh duyên, gọi là “Đại viên cảnh trí”. Pháp tu này gọi là Xa Ma Tha.
Sự thay đổi tâm sinh lý này cực kỳ quan trọng, nó sẽ giúp thân tâm hành giả thích nghi với đời sống mới của một vị đã giác ngộ. Giống như con cá nước ngọt đã làm quen với môi trường nước mặn, nếu không được thích nghi và trở thành tập quán mới, con cá sẽ chết hoặc quay trở về với ao hồ nước ngọt, nơi đã sinh ra mình, gọi là thối chuyển.
Lâu dần, con cá đã thích nghi, có thể di chuyển từ nguồn nước ngọt đến nước mặn hay ngược lại mà không hề trở ngại, gọi là tự tại. Điều này sẽ giúp hành giả khi giáo hóa “Biết rõ tâm người”. Trong kinh gọi là: Tâm tham biết có tham, không tham biết không tham, hành tâm biết hành tâm, đại hành tâm biết đại hành tâm, tâm si biết có si… Thành tựu hai thứ Nhẫn trên, gọi là “Vô Sanh Pháp Nhẫn”.
3. ĐẢNH VỊ.
Đảnh là cái đỉnh, như đỉnh núi. Người tu hành đưa sự giác ngộ đến chỗ̃ cao nhất trong đời sống, làm thành cao trào tu tập. Đỉnh cao này giúp hành giả dùng trí tuệ tự thoát ra khỏi ràng buộc của "Đỉnh núi Tu Di" ba cõi.
Nếu không giác ngộ thật sự và giác ngộ này không được đưa lên tột đỉnh, trở thành cao trào, hành giả không thể tự thoát khỏi đỉnh núi để đến với hư không...
Giống như một người đứng trên đỉnh núi, cho dù thân đã ở trong hư không, nhưng da bàn chân vẫn còn dính trên đỉnh núi, không thể tự vượt thoát được.
4. THẾ ĐỆ NHẤT VỊ.
Thành tựu này là thế gian đệ nhất. Đây là cảnh giới cao tột đối với thế gian, thuộc về vô vi, thế gian không thể suy lường mà biết được, nên gọi là Thế đệ nhất. Đến đây, coi như quả trứng đã nở ra con gà con khoẻ mạnh, với đời sống mới, con gà con sẽ trưởng thành theo thời gian...
Mong rằng, những lời giải thích ngắn ngủi này có thể giúp các bạn thực hành và trưởng dưỡng, không để cho “quả trứng giác ngộ” trở thành “quả trứng thối”!!!
(12-2010)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






