Người Tu Hành Muốn Thành Tựu Phải Dứt Nghi, Muốn Có Trí Tuệ Phải Dứt Si Mê

 0
Người Tu Hành Muốn Thành Tựu Phải Dứt Nghi, Muốn Có Trí Tuệ Phải Dứt Si Mê

Lý Tứ lại nói tiếp: 

Các vị!... Cho đến bây giờ, trong các vị, có ai còn thắc mắc điều gì thì hãy nêu lên để được giải đáp... Một trong mười kiết sử đó là nghi. Nghi chính là lực cản lớn nhất che mờ tâm trí. Người tu hành muốn thành tựu các thứ phải dứt nghi... Nghi chính là hòn đá lớn cản đường làm trở ngại tinh tấn và cũng là một trong những nguyên nhân khiến người tu hành đi vào lối tẻ và từ đây phát sinh tà kiến... 

Nghi có nhiều thứ, nhưng tựu trung có ba: 

- Một là nghi mình. Nghi mình là nghi tự thân không đủ sức thành tựu đạo quả bậc thánh. Chuyện này thường thấy ở đời, có những người cứ mở miệng rao giảng Đại thừa, mở miệng là “đao to búa lớn”, tối ngày bàn luận có không... thường xuyên chê bai kẻ khác là thanh Văn, là chạy theo văn tự... Thậm chí bắt chước Phật chỉ trích các quả vị của Nhị thừa... Điều họ rao giảng chưa xét đến đúng sai... Nhưng một khi có ai đó đề cập đến việc làm sao để thoát khỏi khổ phiền não, thì người này một mực chối quanh, trườn uốn như con lươn, cho rằng các quả vị Phật đề cập là của bậc thánh, mình là người thì làm sao có thể đến đó...

Các vị!... Hạng này ngoài miệng thì ngã mạn, nhưng thâm tâm thì hạ liệt... Hạng như thế, khó thành tựu Phật đạo... Giống như kẻ sợ ma, đi một mình trong đêm tối thường hay nói lớn... Nói lớn để trấn áp nỗi sợ hãi trong lòng, nói lớn để tự khỏa lấp cái lo sợ bản thân, chứ chẳng phải người này không sợ, chứ chẳng phải tự tại mà nghêu ngao... 

Lại cũng có hạng vì tự mình không kham nổi ý nghĩa kinh điển, muốn khiến người khác cũng giống như mình... Vì thế, bác bỏ việc tìm tòi học tập, bác bỏ việc đọc tụng nghiên cứu, bài xích những ai ham ưa giáo pháp, sợ đụng đến ý nghĩa thâm u... Để che giấu cái yếu kém của mình, bày ra các thứ lỗi lầm khi đọc tụng văn kinh, khiến người nghe sợ hãi mà từ bỏ như mình... Hạng này là đồ đệ của ác kiến, phá hoại chánh pháp... Hành động như vậy mặc nhiên vô hiệu hóa pháp Phật mà không tự biết, lỗi lầm này khó bề sám hối... 

Các vị!... Chớ có nên như vậy!... Hãy tin vào chính mình... Những gì người xưa làm được thì nay mình cũng nhất định làm được. Các quả vị Phật nói ra là chung cho vạn loại hữu tình, chẳng của riêng ai... Ai quyết tâm như pháp, người ấy sẽ thành tựu... Khi Ngũ Tổ hỏi Huệ Năng: “Ông đến đây cầu gì?” Huệ Năng đáp: “Đến để cầu làm Phật, không cầu cái khác.” Chính sự tự tin, chính cái mạnh mẽ mà thẳng thắn của Huệ Năng đã đưa con người quê mùa thất học này đến ngôi vị Tổ Sư... Có người cho rằng nói như thế là ngã mạn, xin thưa các vị, lời này không ngã mạn. Vì sao? Vì nói như những gì trong tâm suy nghĩ thì lời này không gọi là ngã mạn. Không nói hơn cái mình có thì chẳng thể gọi đó là ngã mạn. Không nói quá cái biết cái thấy của mình thì chẳng thể gọi đó là tăng thượng mạn... Bao giờ Huệ Năng nói rằng tôi đang là Phật, hoặc tôi bằng thậm chí hơn Phật, thì câu này mới đáng trách, đáng gọi là ngã mạn, tăng thượng mạn... Còn nói để cầu học, nói để thực hiện bản hoài của chư Phật, thì những câu như vậy, những ý tưởng như vậy thiệt đáng cho ta học tập... 

- Thứ hai là nghi người. Nghi người ở đây là nghi bậc đạo sư... Khi nghe bậc đạo sư giảng giải, không lãnh hội hết cũng chẳng hỏi lại. Vì chẳng hỏi lại nên tâm trí không thông, không thông thì trong lòng nghi hoặc là điều khó tránh khỏi... 

Phật đạo là đạo của trí tuệ nên mọi thứ liên quan đến việc tu học cần phải minh bạch. 

Vì thế, điều gì chưa thông thì nên hỏi lại cho thông, không vì lý do nào đó mà để trong lòng... 

Chúng ta tôn trọng nhau không có nghĩa là tôn trọng cả cái đúng lẫn cái sai... Tôn trọng nhau không có nghĩa những điều trong lòng chưa minh bạch mà không dám hỏi… không có nghĩa chấp nhận một vấn đề mà không cần biết lý do, không cần xét nét đúng sai... Làm như thế, vô hình trung trở thành kẻ si mê...

Như thế nào gọi là “Si” trong Phật giáo. Tôi xin đưa một ví dụ, các vị có thể nhân ví dụ này mà hiểu nghĩa. Ví như có người nam bắt gặp người nữ, rồi đem lòng yêu thương, thương quá hóa cuồng... Nam nhân không cần tìm hiểu thân thế người nữ, không cần biết người nữ đức hạnh ra sao, xuất thân tốt xấu, tiền sử dữ lành... Gặp người hiểu biết, chỉ ra rằng người nữ kia là giống La Sát, đêm đến ăn thịt người... Người này vì quá si mê, bỏ ngoài tai tất cả những gì đã nghe, bất chấp đúng sai, bất chấp phải quấy... Vì si mê người nữ, nên bằng mọi giá chỉ cần sống chung là mãn nguyện... Và hậu quả của si mê là nam tử ấy phải chuốc lấy khổ hoạn vào thân... Si mê có tác hại lớn như vậy... 

Các vị!... Vì thế muốn có trí tuệ phải dứt si mê. Muốn dứt si mê cần phải minh bạch, điều gì chưa thông thì phải hỏi lại... Không nên chấp nhận vấn đề được nêu ra một cách mù quáng... Khi ai dạy mình điều gì, phải cần hỏi lại, vì sao ông dạy tôi cái này, tôi thực hiện theo lời nói của ông thì được những gì, không làm theo thì hại gì... Có nghĩa thực hành một điều, hay từ bỏ một điều, nhất nhất phải biết rõ lý do của nó. Cần hiểu rõ lợi ích của việc thực hiện hay từ bỏ sẽ đưa đến dứt nghi, và hiểu rõ thì mới thực hành đúng. Việc làm có đúng mới cho ra kết quả đúng đắn... 

Cần nhất, hiểu rõ việc đang làm thì hồ nghi tự dứt... Có hỏi lại chỗ chưa thông, vị đạo sư mới nhân đây mà giải đáp cặn kẽ. Cặn kẽ rồi thì trong lòng nhất định dứt mối nghi về đạo sư của mình... Dứt nghi là một trong những hình thức tôn trọng. Dứt nghi mới có cung kính, có cung kính mới thực hành rốt ráo những lời được chỉ dạy... 

- Thứ ba là nghi pháp. Nghi pháp là nghi cái mình đang thực hành có rốt ráo đưa đến giải thoát hay lại thêm trói buộc. Nghi pháp là nghi những gì đạo sư chỉ dạy có đưa đến an lạc hay chỉ chuốc lấy phiền não. Nghi pháp là nghi rằng những điều mình được nghe nói có phải là chánh pháp hay tà thuyết... Các vị!... Muốn dứt cái nghi này phải căn cứ vào lời dạy của Phật. Muốn dứt cái nghi này phải có sự thông cảm của hai bên. Muốn dứt cái nghi này trước tiên cần phải giác ngộ... Vì thế muốn dứt cái nghi này, cần có sự nỗ lực của cả hai bên, đó là nỗ lực của đạo sư và nỗ lực của người cầu học... Và cả hai, mỗi mỗi đồng căn cứ vào lời Phật dạy… gọi là nương thần lực chư Phật... 

Thế nào là phải căn cứ vào lời Phật dạy? Lời Phật chính là mực thước để người tu hành y theo đó xác định đúng sai. Giống như người thợ hồ, muốn xây chiều đứng phải có dây dọi, muốn cân chiều ngang phải có thước thủy... Đây là công cụ để người thợ xác định đúng sai... Phật pháp cũng có những công cụ như vậy. Trước khi nhập Niết Bàn, Phật có di huấn lại, để đời sau biết đâu là lời Phật, đâu là chẳng phải... 

Phật dạy: “Người tu hành nên căn cứ vào hai điều, đó là: Giới luật và nghĩa kinh... Giới luật lấy Ba La Đề Mộc Xoa làm thầy, nghĩa kinh lấy tứ Niệm Xứ làm chỗ nương tựa... Lời nào phù hợp với giới là lời của Phật, Pháp nào đưa đến thanh tịnh, sáng tỏ bốn niệm xứ là phù hợp nghĩa kinh…”

Phật cũng dạy: “Nơi nào, những ai làm cho các ông an lạc, làm cho các ông thấu triệt diệu lý, thì dù người đó có đánh đuổi các ông cũng không được bỏ đi...”. Cái này phụ thuộc vào hai bên. Thứ nhất thuộc về người thính pháp... Người thính pháp phải thỉnh hỏi đạo sư cặn kẽ để dứt cái nghi về người. Người thuyết pháp phải thiện xảo giúp người thính pháp giải tỏa nghi hoặc và mau chóng đưa họ đến giác ngộ như pháp... Khi đã thật sự giác ngộ thì nghi hoặc chấm dứt, kiết sử trói buộc không còn thì thế lực trì kéo sẽ bị triệt tiêu... 

Điều này Phật có đưa ra ví dụ: Như con chó, khi ném một vật, tức thì con chó chạy theo vật bị ném... Con sư tử khi ném một vật, sư tử sẽ vồ ngay chủ thể ném ra vật đó... Thì cũng vậy, người tu hành, như con sư tử, khi nghe thuyết pháp, liền vồ ngay nguồn tâm của mình, chẳng như con chó kia chạy theo văn tự... Vồ ngay nguồn tâm sẽ giết chết đối tượng làm cho tâm này điên đảo. Người thuyết pháp, đối trước người thính pháp, không chạy theo tiền đề hươu vượn đảo điên của người nói đưa ra, mà hãy vồ ngay nguồn tâm khiến họ mau giác ngộ... 

Với người chưa giác ngộ, chớ có giảng giải đạo lý nhiều... Giống như người uống rượu, say quá hóa mê. Vì mê, lầm tưởng gốc cây bụi cỏ là nhà... Người đời chưa giác ngộ như kẻ nghiện rượu, sáu căn uống sáu thứ rượu trần cảnh cả ngày lẫn đêm, uống riết từ say đến mê. Vì mê nên chẳng biết “mặt mũi xưa nay”, lấy ba cõi làm nhà, lấy dục ái làm cha mẹ... Đối với người đang say mê vì rượu như thế, chớ có nên giảng giải đạo lý, mà biện pháp trước mắt là hãy làm cho họ tỉnh dậy hết say. Thì cũng vậy, đối với người đời say mê trần cảnh danh tướng, thì không vội giảng giải đạo lý cao siêu, mà hãy làm cho họ dừng lại, thôi không uống trần cảnh nữa... Một khi người kia tĩnh tâm tĩnh trí, bây giờ giảng giải đạo lý cũng không muộn... Bằng làm ngược lại thì thứ đạo lý nói ra chẳng khác người say nói chuyện với người say, người mê giảng giải đạo lý trong mê, không có nhiều ích lợi... 

Giảng giải trong hoàn cảnh như thế cũng gọi là điên đảo. Chẳng những tự mình điên đảo mà thêm khiến người điên đảo... Tự mình điên đảo mình chịu được rồi, khiến người điên đảo tội nghiệp cho họ... Các vị!... Chớ có làm như vậy!... 

Đó là lý do vì sao Phật chưa sẵn sàng nói thật nghĩa khi tâm đồ đệ còn hư dối. Đó là lý do vì sao Phật phải ba lần chuyển Pháp Luân. Đây là lý do vì sao đồng một Phật đạo lại có quyền có thiệt... Ngày trước, khi còn tại thế, Phật dùng Tứ Đế để chuyển pháp luân lần thứ nhất tại vườn Lộc Uyển, giống như làm cho người say giã rượu. 

Lần chuyển thứ hai tại núi Kỳ Xà Quật khai nói Diệu Pháp Liên Hoa, như người say đã tỉnh, bây giờ mới giảng giải đạo lý để người kia hồi tưởng tên họ thân thế quê quán của mình mà biết đường về... 

Lần chuyển thứ ba tại thành Câu Thi Na, giống như người say kia đã về đến quê quán, bây giờ biết đích thực mình là ai. Vì thế thật nghĩa mới được nói ra, đó là “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh”. Có nghĩa ba cõi chính là Phật quốc, ông đang là Phật, trước đây vì say mê ngủ bờ, ngủ bụi mà quên mất cái cao quý của tự thân... Như gã cùng tử, làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày mà chẳng biết cha mình là trưởng giả... 

Các vị!... Nhưng vì sao đồng là Phật đạo, mà người tu hành lại hiện khởi các mối nghi? Ngoài những ý nghĩa như tôi đã nói, còn một lý do khác khiến người chưa thông hiểu Phật lý phát sinh nghi ngờ... Đó là: Chính cái thâm u muôn màu muôn vẻ của Phật đạo!... 

Nếu có người nào đó, nhìn Phật đạo dưới nhãn quan tôn giáo thì thấy Phật đạo là một tôn giáo, vì ở đây có đầy đủ màu sắc của tôn giáo, vì rằng cũng có các nghi lễ, cũng có giáo chủ, cũng có giáo điều... Nếu ai đó nhìn Phật đạo dưới nhãn quan triết học, thì thấy Phật đạo đúng là triết lý, vì ở đây cũng có lý luận khúc triết, cũng có suy tư và trăn trở, cũng có các khái niệm vũ trụ nhân sinh... Nếu nhìn Phật đạo dưới con mắt của một nhà giáo dục thì Phật đạo lại là một nền giáo dục, vì ở đó có đầy đủ giáo trình giảng dạy, có học thuật, có các thứ cần có của một nền giáo dục chính thống... 

Như vậy Phật giáo đích thực là cái gì... Xin thưa các vị, Phật đạo là Phật đạo chẳng là cái gì hết!... Nếu Phật đạo là cái gì, thì thứ đã nhìn thấy là cái đó chứ chẳng phải Phật đạo... 

Giống như viên ngọc dưới ánh sáng mặt trời, nó có màu gì... Xin thưa viên ngọc kia không màu... Vì không màu, nên tùy vào góc nhìn, tùy vào ánh sáng mà người ta cảm nhận viên ngọc kia có nhiều màu sắc khác nhau... Nếu quả thật viên ngọc có một màu nhất định thì mọi người dù nhìn ở góc độ nào cũng chỉ thấy đồng nhất một màu... 

Điều này đưa đến kết luận gì? Xin các vị hãy rời xa nhãn kiến của mình thì sẽ thấy ý nghĩa đích thực của Phật đạo...

Dùng nhãn quan của một cá nhân hay một nhóm người rồi đánh giá Phật đạo là gì thì nhãn kiến này sẽ làm chúng ta chấp nhất và nghi ngờ... không giúp tự thân và mọi người thấu suốt đạo lý... Chính vì điều này mà… 

⁎ Phật thường tuyên nói: “Không pháp mới là Phật pháp”. Có nghĩa: Nếu còn một pháp nào, thì đó là pháp chứ chẳng phải Phật pháp... 

Giống như người ngủ mê thấy mình chạy qua nhiều thành ấp, bảo rằng những thành ấp là có thì kết luận này không đúng, nhưng ngược lại một bề quyết rằng thành ấp này là không thì điều này cũng trật... Muốn thấy chân thật là có hay không, xin các vị hãy thức dậy đi. Khi thức dậy thành ấp là có hay không, là đẹp hay xấu, nó như thế nào... sẽ tự biết rõ!... 

Nhưng thưa các vị!... Vì sao Phật đạo lại muôn màu muôn vẻ như thế? Chỉ vì chúng sanh tâm nghiệp chẳng đồng, chỉ vì chúng sanh căn cơ sai khác, chỉ vì chúng sanh ham ưa mỗi loài một thứ... Để khiến hết thảy đồng rời những dị biệt hư dối kia, mà Phật phải nhọc lòng hóa hiện muôn hình muôn vẻ, dùng sai khác để dẫn hữu tình về cái chẳng khác. Dùng quyền để dần dần nói cái thiệt... Cái thiệt nói ngay, như đứa trẻ ăn đồ sống sẽ phát bệnh cuồng... Vì thế, kinh Phật có dạy: “Vì thương chúng sanh nên Như Lai vẽ các hình”. Đã đến lúc, các vị!... 

Hãy từ bỏ thấy nghe sai khác, đã đến lúc phải quay về với chỗ đồng... Thanh tịnh tâm chính là bến bờ, chính là bãi đỗ, chính là cội nguồn của những kẻ lạc loài... 

Các vị!... Mười người các vị, ít ra đến giờ phút này cũng thấy được tác hại của sáu thứ rượu trần cảnh. Có người dừng uống, có người đã tỉnh hẳn, có người sắp làm một cái gì đó khi biết mình hết say sưa... Con đường trước mặt còn rất dài... 

Ai còn nghi ngờ gì trong hoàn cảnh này, cần thiết phải nêu lên. Nêu lên để tất cả cùng mổ xẻ, cùng nhau làm sáng tỏ... Sáng tỏ để chuẩn bị làm một hành trình mới dài hơn trong Phật đạo... Nào xin mời các vị, nếu chưa dứt nghi quyết chưa đi tiếp... 

Nói đến đây, Lý Tứ đảo mắt nhìn mọi người một lượt, rồi nói: 

Như Lực Cô Nương!... Cô Nương hãy tận dụng hết những gì có được trong khả năng của mình... Chế một bình trà thật ngon rồi mời các bằng hữu... nâng chén... Nào Cô Nương hãy nhanh lên... Như Lực!...

(còn nữa) 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG