Ngũ Phần Hương

 0
Ngũ Phần Hương

Ngũ phần hương đúng ra được đặt ở một vị trí khác trong tập tài liệu này, tuy nhiên có một vài liên quan nhỏ đó là ‘định hương’. Tuy nhỏ nhưng lại là chủ đề quan trọng liên quan đến định giác chi nên tạm đặt ở đây để mạch kiến thức được nối tiếp và dễ hiểu.

Ngũ phần hương gồm giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương, và giải thoát tri kiến hương. Ngũ hương là năm bước quan trọng trong tiến trình đến Vô Thượng Bồ Đề. Thiếu một phần giống như cơ thể thiếu một chi phần không thể gọi là cơ thể hoàn hảo, hay như một cỗ máy thiếu một cơ phận dù nhỏ cỗ máy sẽ không làm tốt công việc của mình. Phật có ví dụ: “Ví như cái bình bể, không làm được việc của cái bình.”

Chữ hương là bạch văn, có nghĩa mùi hương. Trong ngũ phần hương thì hương ở đây là hương giới đức, Phật thường dạy hương này bay ngược chiều gió. Giống như mọi thứ hương ở đời, đã là hương thì phải có mùi vị đặc trưng của nó và phải từ tự thân phát ra, có nghĩa tự thân có hương thì hương này mới tỏa mùi và những ai có tỷ căn đều nhận biết.

Do đó ngũ phần hương là năm phần chứng ngộ. Tức là cái thật của tự thân có thể từ ngoài nhiễm vào có thể từ trong phát ra. Vì thế trong kinh có đề cập đến cụm từ “huân ướp xông riêm” để chỉ hương này từ thánh giáo huân ướp, cũng từ trong phát ra vì như Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều có đủ đức tính như chư Như Lai”, nhưng do nhiễm ô nên hương này bị trần cấu làm bẩn.

Có nghĩa nếu không nhiễm ô thì hương tự phát ra, nếu nhiễm ô thì huân ướp thánh pháp để lấn át hương trần. Trong năm phần hương không có gì khó hiểu, ba hương giới-định-huệ do vô lậu pháp làm thành, giải thoát hương do giác ngộ làm thành, riêng giải thoát tri kiến hương do nhất thiết trí mà có.

Đa số người tu hành hiểu lầm chữ giải thoát tri kiến hương, cho rằng giải thoát tri kiến giống như giải trừ kiến thức hay loại bỏ tri kiến sau khi giải thoát, hiểu như vậy không hợp lý bởi lẽ bản thân giải thoát đã là sự loại bỏ rốt ráo.

Nếu còn cái gì đó chưa được loại trừ cần phải loại bỏ tiếp thì chữ giải thoát hương trước đó vô nghĩa hoặc chưa đủ nghĩa, đã chưa đủ nghĩa sao gọi là hương? Nếu vô nghĩa thì nên đặt một từ ngữ nào đó cho phù hợp, Phật là bậc thiện xảo ngôn thuyết đâu lẽ không đủ vốn từ để mô tả một tính chất quan trọng?

Giải thoát tri kiến hương đi sau giải thoát hương ám chỉ phần hương này muốn có được phải thành tựu đạo giải thoát.

Giải thoát hương ba thừa đồng chứng, giải thoát tri kiến hương là đạo nhất thừa, nghĩa là sau khi ba thừa thân chứng giải thoát muốn viên thành đạo quả phải học phần hương này.

Như vậy ‘giải thoát tri kiến hương’ không thể có được khi chưa ‘thành tựu đạo xuất thế’. Ba thừa sau khi thân chứng giải thoát phải phát Bồ Đề tâm và phát nguyện cứu độ chúng sanh, kinh gọi là trang nghiêm Phật độ và trang nghiêm chúng sanh độ, vì đây là điều kiện ắt có và đủ để thành Phật quả.

Phát Bồ Đề tâm là phát tâm thành Phật. Phát nguyện là nguyện cứu độ chúng sanh. Muốn cứu độ chúng sanh phải biết cách thức cứu độ, tức là phải rành các phương tiện hóa độ. Muốn rành phương tiện phải học các phương tiện, học các loại phương tiện hay các loại giải thoát của chư Phật chính là học nhất thiết trí.

Như vậy ‘giải thoát tri kiến hương’ tức là thấy biết các môn giải thoát còn gọi là nhất thiết trí. Chúng sanh nào nhận được hương này sẽ có phần trong đạo giải thoát, muốn làm Phật mà không biết các loại đạo giải thoát chẳng khác nào muốn làm thầy giáo mà không biết chữ.

Bồ Tát có giải thoát tri kiến hương mới thực hiện viên mãn sáu Ba La Mật, cụ thể là Bố Thí Ba La Mật. Bố Thí Ba La Mật tức bố thí giải thoát mà không có giải thoát thì lấy gì bố thí, giống như bố thí tài vật mà kẻ nghèo hèn không có tài vật muốn bố thí chẳng lấy đâu ra.

Như vậy ‘giải thoát tri kiến hương’ là hương của ‘tri kiến giải thoát’. Hương này tiết ra bay khắp mười phương, chúng sanh nào chạm vào hương này sẽ thoát khỏi đau khổ vì được huân ướp bởi thánh pháp do nhất thiết trí ban tặng.

Cũng liên quan đến giải thoát tri kiến hương là Bố Thí Ba La Mật, trong kinh Đại Niết Bàn Phật dạy có ba loại Ba La Mật là thế gian Ba La Mật, xuất thế gian Ba La Mật, và xuất thế gian thượng thượng Ba La Mật. Ba nghĩa này chỉ cho ba sự thể hiện Ba La Mật.

Thế gian Ba La Mật là phàm phu học Ba La Mật để bố thí hay tu năm Ba La Mật còn lại, tức là học hạnh Ba La Mật.

Xuất thế gian Ba La Mật là ba thừa chứng quả giải thoát trụ nơi Ba La Mật mà bố thí, hay thực hiện năm Ba La Mật sau.

Xuất thế gian thượng thượng Ba La Mật là Đại Bồ Tát lấy Ba La Mật để bố thí, tức lấy các môn giải thoát để bố thí.

Ba sự thể hiện này giống như ngồi trong nhà bố thí và bố thí nhà ở, hai việc này đồng là bố thí nhưng nói giống nhau thì chỉ giống nhau ở chữ nhà chứ không thể giống nhau ở ý nghĩa.

  • Thông thường ba vấn đề này bị hiểu lầm, cứ miễn nói đến Bố Thí Ba La Mật thì y như rằng hô khẩu hiệu: “Không thấy kẻ thí, không thấy người nhận, không thấy vật cho, không thấy quả báo là Bố Thí Ba La Mật.” Hiểu như vậy không sai vì kinh cũng nói vậy, nhưng đánh đồng tất cả địa vị trong Phật giáo đều bố thí với hành động và nghĩa lý như nhau thì oan cho chư Phật ba đời. Đoạn kinh nói về Bồ Tát thực hành sáu Ba La Mật như sau:

“Thiện Hiện! Nhất thiết trí trí thanh tịnh nên bố thí Ba La Mật Đa thanh tịnh, bố thí Ba La Mật Đa thanh tịnh nên đại từ thanh tịnh. Vì cớ sao? Hoặc Nhất thiết trí trí thanh tịnh, hoặc bố thí Ba La Mật Đa thanh tịnh, hoặc đại từ thanh tịnh không hai không hai phần, vì không riêng không dứt vậy. Nhất thiết trí trí thanh tịnh nên tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, Bát Nhã Ba La Mật Đa thanh tịnh; tịnh giới cho đến Bát Nhã Ba La Mật Đa thanh tịnh nên đại từ thanh tịnh. Vì cớ sao? Hoặc Nhất thiết trí trí thanh tịnh, hoặc tịnh giới cho đến Bát Nhã Ba La Mật Đa thanh tịnh, hoặc đại từ thanh tịnh không hai không hai phần, vì không riêng không dứt vậy.” [[1]]

Đoạn kinh này rất khó hiểu nếu chỉ đọc lướt qua, vì đây là kinh Đại Bát Nhã giáo Bồ Tát thừa, bản thân tên phẩm kinh “Khó Tin Hiểu” đủ nói lên sự khó hiểu và khó tin của kinh này. Nếu khảo sát câu kinh “Thiện Hiện! Nhất thiết trí trí thanh tịnh nên bố thí Ba La Mật Đa thanh tịnhthì câu kinh này có hai cách hiểu:

1) Chủ thể thí là trí nhất thiết trí thanh tịnh nên hành động thí Ba La Mật Đa cũng thanh tịnh, hay nói gọn vì ‘chủ thể thí thanh tịnh’ nên ‘hành động bố thí cũng thanh tịnh’.

2) Chủ thể thí là ‘trí nhất thiết trí thanh tịnh’ nên ‘hành động thí cũng thanh tịnh’ và ‘vật thí là một pháp thanh tịnh’.  

Hai cách hiểu này cách nào xét ra cũng có lợi và đều là pháp lành. Tuy nhiên, nếu hiểu theo cách (1) thì hành động bố thí thụ động và vật thí chỉ thanh tịnh đối với người thí còn người nhận chưa chắc đã thanh tịnh. Nếu như vậy thì bố thí này chỉ thanh tịnh một chiều còn chiều ngược lại là người được thí khi nhận vật thí chưa chắc được sự thanh tịnh.

Hiểu theo cách (2) thì cả 4 là chủ thể thí, hành động thí, vật thí, và người nhận thí đều được thanh tịnh. Đây là văn tự Bát Nhã và là Bố Thí Ba La Mật chứ không phải trụ nơi Ba La Mật bố thí nên hiểu theo cách (2) lợi hơn trong Bồ Tát đạo.

Nên hiểu trí nhất thiết trí vốn thanh tịnh nên hành động bố thí cũng thanh tịnh và vật được nhất thiết trí thí đó là pháp thanh tịnh, vì thế người nhận sẽ nhận được pháp thanh tịnh này. Nhất thiết trí trí thanh tịnh là chủ thể thí, chủ thể này là nhất thiết trí thì không thể là trí ba thừa.

Bố Thí Ba La Mật Đa là hành động bố thí của nhất thiết trí, hành động thí này là một hành động thanh tịnh giải thoát. Thanh tịnh là vật được nhất thiết trí thí, ở đây là vật thí từ chủ thể thí là nhất thiết trí nhất định phải là pháp lành giải thoát.

Do vậy có thể thầm hiểu người nhận sẽ nhận được pháp lành thanh tịnh giải thoát. Nếu hiểu nhân chủ thể thí thanh tịnh nên hành động thí  cũng  thanh  tịnh  và  pháp  thí đương nhiên thanh tịnh, hiểu như vậy không sai nhưng lại rơi vào quyền tiểu, vì sau cùng người nhận và vật thí bị chủ thể thí nhiếp; có thể nhiếp cái không thanh tịnh thành thanh tịnh chứ không phải người được thí nhận được pháp thanh tịnh; một loại áp đặt giống như tôi là người thì mọi thứ chung quanh tôi đều là người, điều này chưa chắc!

Cho nên phẩm kinh gọi là “Khó Tin Hiểu” không phải không có lý của nó. Văn tự Bát Nhã là thứ văn tự giải thoát thẳm sâu nên không thể hiểu theo ý nghĩa thường tình hoặc quyền tiểu là: Chủ thể thanh tịnh nên tất cả mọi pháp bị nhiếp đều thanh tịnh.

Hiểu như vậy vô hình trung làm mất đi chữ bố thí, khác nào nhân vô ngã thì pháp cũng vô ngã.

Nếu như vậy thì việc gì Phật lại dạy tu pháp vô ngã?

Tu pháp vô ngã vì nhân vô ngã chưa chắc pháp đã vô ngã, suy ra chủ thể thanh tịnh chưa chắc đối tượng bị chủ thể nhiếp đã thanh tịnh, nên Phật dạy tu pháp vô ngã nhất định có ẩn tình gì đây!

Trong một số kinh cũng nói các pháp từ tâm biến hiện (các pháp do tâm sanh). Đây chưa phải là ý nghĩa rốt ráo của Phật pháp. Các pháp do tâm sanh hay từ tâm biến hiện là cách Phật đưa ba thừa về một chuẩn chung.

Quy kết hết thảy mọi pháp không ngoài tâm để chuẩn bị bước tiếp theo giáo nhất thừa tách tâm và pháp ra khỏi nhau. Khi tâm thanh tịnh rồi phải tu tập pháp thanh tịnh, có nghĩa tâm thanh tịnh hay không thì pháp tự nó bổn lai đã thanh tịnh giải thoát. Thuật ngữ Phật thường dùng là: “Pháp nhĩ như vậy.”

Trong kinh Phật cũng thường nói: Như Lai ra đời hay không ra đời các pháp bổn lai cũng tự giải thoát.

  • Đây là một khái niệm mới giúp ba thừa làm sạch nguồn tâm (tâm như hư không chứ không phải tâm không của ba thừa) để chuẩn bị học nhất thiết trí, tức thấy rõ thiệt tướng vạn pháp.
  • Có thấy rõ thiệt tướng vạn pháp, bố thí pháp mới không lỗi lầm. Kinh Lăng Già khi ngài Đại Huệ hỏi Phật 108 câu, Phật dùng chữ “phi” để đáp lại mang ý nghĩa này.

Để quyết nghi, trong kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa Phật có ví dụ giống như người cụt chân ngồi giữa ngã tư đường, người này rành mọi con đường, ai cần biết đường đi đến hỏi người cụt chân sẽ chỉ đường, tuy chỉ đường rành rọt nhưng bản thân người chỉ đường không thể tự đi được.

Theo ví dụ này có thể hiểu người không thanh tịnh có thể dạy pháp thanh tịnh cho người khác, đâu nhất thiết cả hai đều thanh tịnh nên ‘vạn pháp duy tâm’ chưa phải là rốt ráo.

  • Do đó Phật dạy: “Y pháp bất y nhân” để hiển minh nhân và pháp không nhất thiết cái này thanh tịnh nên cái kia thanh tịnh.

Trong kinh Hoa Nghiêm khi Thiện Tài Đồng Tử đem cái tâm như hư không đi cầu nhất thiết trí, các vị Bồ Tát đem pháp lành giải thoát (Ba La Mật) ra thí cho Thiện Tài và Thiện Tài cung kính vâng chịu như sau:

“Ngài Văn Thù Sư Lợi Ðồng Tử lại biết Thiện Tài đã từng cúng dường quá khứ chư Phật, gieo sâu căn lành, tin  hiểu rộng  lớn, thường thích gần gũi các thiện tri thức. Thân ngữ ý đều không lỗi lầm, tu Bồ Tát đạo cầu Nhứt thiết trí thành Phật pháp khí. Tâm Đồng Tử này thanh tịnh như hư không, hồi hướng Bồ Đề không chướng ngại

……………………………………………………......

Cúi xin đức Thánh vì tôi mà dạy Bồ Tát phải học Bồ Tát hạnh thế nào? Phải tu Bồ Tát hạnh thế nào? phải đến Bồ Tát hạnh thế nào? Phật thật hành Bồ Tát hạnh thế nào? Phải tịnh Bồ Tát hạnh thế nào? Phải nhập Bồ Tát hạnh thế nào? Phải thành tựu Bồ Tát hạnh thế nào?

Phải tùy thuận Bồ Tát hạnh thế nào? Phải ghi nhớ Bồ Tát hạnh thế nào? Phải thêm rộng Bồ Tát hạnh thế nào? Phải làm thế nào cho Phổ Hiền hạnh mau được viên mãn?

...........................................................................

Thiện tài Đồng Tử đảnh lễ chân Di Già, hữu nhiễu vô lượng vòng, chắp tay cung kính bạch rằng: ‘Bạch đức Thánh! Tôi đã phát tâm Vô thượng Bồ Đề, mà tôi chưa biết Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo?

  • Thế nào lưu chuyển trong các loài mà chẳng quên mất tâm Bồ Đề?
  • Thế nào được ý bình đẳng kiên cố bất động?
  • Thế nào được tâm thanh tịnh không gì trở ngại được?
  • Thế nào phát sanh sức đại bi hằng không mỏi nhọc?
  • Thế nào nhập đà la ni khắp được thanh tịnh?
  • Thế nào phát sanh trí huệ quảng đại quang minh nơi tất cả pháp lìa những ám chướng?
  • Thế nào đủ sức vô ngại giải biện tài quyết rõ tất cả nghĩa tạng thậm thâm?
  • Thế nào được sức chánh niệm ghi nhớ thọ trì tất cả pháp luân sai biệt?
  • Thế nào được sức tịnh đạo, nơi tất cả loài khắp diễn thuyết các pháp?
  • Thế nào được sức trí tuệ nơi tất cả pháp đều có thể quyết định phân biệt nghĩa đó?’

...........................................................................

Này thiện nam tử! Nếu có ai phát được tâm Vô thượng Bồ Đề thời là chẳng dứt mất tất cả Phật chủng. Thời là nghiêm tịnh tất cả Phật độ. Thời là thành thục tất cả chúng sanh. Thời là thấu rõ tất cả pháp tánh. Thời là tỏ ngộ tất cả nghiệp chủng. Thời là viên mãn tất cả các hạnh. Thời là chẳng dứt tất cả đại nguyện. Thời là thiệt hiểu chủng tánh ly tham. Thời có thể thấy rõ tam thế sai biệt. Thời làm cho tín giải trọn được kiên cố. Thời được tất cả Như Lai nhiếp trì. Thời được tất cả chư Phật ức niệm. Thời bình đẳng với tất cả Bồ Tát. Thời được tất cả Hiền Thánh khen mừng. Thời được tất cả Phạm Vương kính lễ. Thời được tất cả Thiên Vương cúng dường. Thời được tất cả Dạ Xoa thủ hộ. Thời được tất cả La Sát hầu hạ. Thời được tất cả Long Vương nghinh tiếp. Thời được tất cả Khẩn Na La Vương ca ngâm khen ngợi. Thời được tất cả các Thế Chủ khen ngợi mừng vui. Thời làm cho tất cả chúng sanh giới đều được an ổn.

Những là làm cho họ bỏ ác thú. Làm cho họ ra khỏi chỗ nạn. Làm cho họ dứt tất cả cội gốc nghèo cùng. Làm cho họ sanh tất cả trời người vui sướng. Làm cho họ thân cận thiện tri thức. Làm cho họ được nghe và thọ trì pháp quảng đại. Làm cho họ sanh tâm Bồ Đề. Làm cho họ tịnh tâm Bồ Đề. Làm cho họ rõ Bồ Tát đạo. Làm cho họ nhập Bồ Tát trí. Làm cho họ trụ Bồ Tát địa.

...........................................................................

Vì Bồ Tát là chỗ tất cả chúng nương nhờ mà được sanh trưởng thành tựu.

Là chỗ cứu tế của tất cả chúng sanh, vì Bồ Tát cứu họ khỏi khổ nạn.

Là chỗ y tựa của tất cả chúng sanh, vì thủ hộ thế gian.

Là người cứu hộ tất cả chúng sanh, vì làm cho họ khỏi sự kinh sợ.

Bồ Tát như phong luân, vì gìn giữ các thế gian chẳng cho đọa lạc ác đạo.

Bồ Tát như đại địa vì tăng trưởng thiện căn cho chúng sanh.

Bồ Tát như đại hải, vì phước đức sung mãn vô tận.

Bồ Tát như mặt trời, vì trí huệ quang minh chiếu khắp nơi.

Bồ Tát như núi Tu Di, vì thiện căn cao xuất.

Bồ Tát như minh nguyệt, vì trí quang xuất hiện.

Bồ Tát như mãnh tướng, vì xô dẹp ma quân.

Bồ Tát như quân chủ, vì được tự tại trong thành trì Phật pháp.

Bồ Tát như ngọn lửa mạnh, vì cháy sạch tâm ngã ái của chúng sanh.

Bồ Tát như mây lớn, vì mưa vô lượng diệu pháp.

Bồ Tát như mưa phải thời, vì làm thêm lớn mầm tất cả tín căn.

Bồ Tát như Thuyền sư, vì chỉ dẫn bờ mé pháp hải.

Bồ Tát như cầu đò, vì làm cho chúng sanh qua khỏi biển sanh tử.

...........................................................................

Như Chư đại Bồ Tát có thể vào khắp biển những tư tưởng của tất cả chúng sanh, biển những sự thi thiết, biển những danh hiệu, biển những ngữ ngôn của tất cả chúng sanh.

Có thể vào khắp diễn thuyết biển tất cả pháp cú thâm mật. Diễn thuyết biển tất cả pháp cú cứu cánh. Diễn thuyết biển pháp cú trong tất cả sở duyên có tất cả tam thế sở duyên. Diễn thuyết biển thượng pháp cú. Diễn thuyết biển thượng thượng pháp cú. Diễn thuyết biển pháp cú sai biệt. Diễn thuyết biển pháp cú tất cả sai biệt.

...........................................................................

Thiện Tài Đồng Tử đi lần qua phương Nam đến bờ Diêm Phù Ðề, nước Ma Lợi, tìm Hải Tràng Tỳ Kheo. Bèn thấy Hải Tràng Tỳ Kheo ngồi kiết già ở bên chỗ đi kinh hành, đang nhập tam muội, bặt hơi thở, lìa tư giác, thân tâm bất động.

...........................................................................

Lúc đó Thiện Tài Đồng Tử nhất tâm quán sát Hải Tràng Tỳ Kheo lòng rất khát ngưỡng. Ghi nhớ tam muội giải thoát của Tỳ kheo. Tư duy bất tư nghì Bồ Tát tam muội của Tỳ kheo. Tư duy bất tư nghì phương tiện lợi ích chúng sanh của Tỳ kheo. Tư duy bất tư nghì vô tác dụng phổ trang nghiêm môn của Tỳ kheo. Tư duy trí thanh tịnh trang nghiêm pháp giới của Tỳ kheo. Tư duy trí thọ Phật gia trì của Tỳ kheo. Tư duy sức tự tại xuất sanh Bồ Tát của Tỳ kheo. Tư duy sức đại nguyện kiên cố Bồ Tát của Tỳ kheo. Tư duy sức thêm rộng Bồ Tát hạnh của Tỳ Kheo Hải Tràng.

Thiện Tài Đồng Tử đứng tư duy quán sát như vậy qua một ngày đêm, nhẫn đến bảy ngày đêm, nửa tháng, một tháng, đến sáu tháng, lại qua sáu ngày nữa Hải Tràng Tỳ Kheo mới xuất tam muội.

Thiện Tài Đồng Tử khen rằng: Bạch đức Thánh! Hy hữu kỳ đặc, tam muội như thế rất là sâu xa, tam muội như vậy rất là quảng đại, tam muội như vậy cảnh giới vô lượng, tam muội như vậy thần lực khó nghĩ, tam muội như vậy quang minh không gì bằng, tam muội như vậy trang nghiêm vô số, tam muội như vậy oai lực khó chế ngự, tam muội như vậy cảnh giới bình đẳng, tam muội như vậy chiếu khắp mười phương, tam muội như vậy lợi ích vô hạn, vì có thể trừ diệt vô lượng khổ cho tất cả chúng sanh. Như là làm cho tất cả chúng sanh lìa khổ do tham, khỏi khổ địa ngục, súc sanh, đóng cửa ách nạn, mở đường nhơn thiên, làm cho nhơn thiên hoan hỷ. Làm cho họ thích thiền cảnh giới. Có thể làm cho tăng trưởng sự vui hữu vi. Có thể vì họ mà hiển bày sự vui giải thoát. Có thể vì họ dẫn phát tâm Bồ Đề. Có thể khiến tăng trưởng hạnh phước trí. Có thể khiến tăng trưởng tâm đại bi. Có thể làm cho sanh khởi sức đại nguyện. Có thể làm cho minh liễu đạo Bồ Tát. Có thể làm cho trang nghiêm trí cứu cánh. Có thể làm cho xu nhập cảnh Ðại thừa. Có thể làm cho chiếu liễu hạnh Phổ Hiền. Có thể làm cho chứng được trí quang minh của các bậc Bồ Tát. Có thể làm cho thành tựu các hạnh nguyện của tất cả Bồ Tát. Có thể làm cho an trụ trong cảnh giới Nhứt thiết chủng trí.”[[2]]

Đoạn trích chỉ là phần ít trong toàn bộ quá trình Thiện Tài Đồng Tử đi cầu nhất thiết trí và học các tam muội môn giải thoát để làm thuyền bè cứu hộ chúng sinh.  

  • Đây là phần việc quan trọng và là tư lương của Bồ Tát, bước khởi đầu để viên mãn 37 phẩm trợ Bồ Đề. Khi thành tựu Phật quả thì 37 phẩm mới được gọi 37 đạo phẩm.

Do đó 37 phẩm mới có ba tên gọi khác nhau là    

− 37 phẩm trợ đạo (hỗ trợ cho ba thừa tu hành);

− 37 phẩm trợ Bồ Đề (giúp Bồ Tát thành tựu nhất thiết trí);

− 37 đạo phẩm (quả chứng của Phật).

[[1]] Trích kinh Đại Bát NhãPhẩm Khó Tin Hiểu –HT. Thích Trí Nghiêm dịch.

[[2]] Trích kinh Hoa Nghiêm -Phẩm Nhập Pháp Giới –HT. Thích Trí Tịnh dịch.

(còn nữa)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG