Khái Niệm Bốn Tướng và Tập Khí

1. Hỏi: Những gì là bốn tướng?
Trả lời: Bốn tướng gồm tướng nhân, tướng ngã, tướng chúng sanh, tướng thọ giả.
- Tướng nhân: Thấy có niết bàn để chứng.
- Tướng ngã: Thấy mình có sở đắc và người khác thì không.
- Tướng chúng sanh: Dù trong thanh tịnh mà vẫn còn sanh dị tướng. Ví dụ, thấy con thằn lằn sinh tâm ghê sợ (mặc dù đã thanh tịnh). Ghê sợ này là chúng sanh tướng (đã là Thánh mà vẫn còn tập khí ghê sợ). Hoặc thấy mình là Bồ tát và kẻ khác là chúng sinh hay ngược lại.
- Tướng thọ giả: Tức nơi hư không mà thấy có hoa đốm, tức không thấy thiệt tướng của vạn pháp là “không tướng”.
Thọ giả là người nhận. Còn thấy mình cho (ngã), có pháp cho (nhân) còn thấy kẻ nhận (thọ giả), như vậy còn chúng sanh tướng. Còn thấy chủ thể (ngã), còn thấy khách thể (thọ giả).
Hai tướng đầu (tướng nhân, tướng ngã sẽ dứt khi thanh tịnh bản tâm). Hai tướng sau (tướng chúng sanh, tướng thọ giả) sẽ dứt khi giác các pháp vô ngã. Kinh gọi là, “Giác nhân pháp vô ngã, hay nhân không và pháp không”.
2. Hỏi: Tại sao đã là thánh mà vẫn còn tập khí?
Trả lời: Thói quen của một người, thường không liên hệ nhiều đến giác ngộ. Khi nào thành Phật thì tánh tình, thói quen và giác ngộ mới là một, kinh gọi là: “Thân, khẩu, ý hành động theo trí tuệ”.
Người còn trong địa vị tu hành thì, giác ngộ và tánh tình (hay những thói quen) vẫn là hai thứ, chính vì vậy mà thuật ngữ “tập khí” có mặt trong Phật Giáo. Không phải giác ngộ rồi là mọi thứ đều trở thành thánh, vì thế mới có chuyện một số A La Hán vẫn còn những thói quen như hồi chưa chứng thánh. Nhưng nếu chưa giác ngộ thì biết gì mà tu, nhiều kiến thức mà không giác ngộ thì kiến thức lại trở thành “hòn đá cản đường” của giác ngộ.
Tập khí là thứ thói quen khó trừ, cứ tu tập rồi sẽ giảm dần. Chỉ có Phật (thân, khẩu, ý) hành động theo trí huệ mới hết tập khí. Đừng ngại chuyện này, chỉ cần tinh tấn đoạn trừ là sẽ được.
(06-2010)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






