Kệ Tụng Tâm Tông

(Bài số 1) KỆ KHAI TÂM
Khi mê, thấy có sắc không [[1]]
Ngộ thời, tâm diệt sắc vong tức thì [[2]]
Ngộ thời, sắc chẳng khác không [[3]]
Mê thời, không ấy cũng thành sắc kia [[4]]
Ngộ thời, sắc chính là không [[5]]
Mê thời, không ấy chờ mong sắc này [[6]]
Vượt qua bể khổ trần ai [[7]]
Đến bờ giác ngộ chẳng hai trong lòng [[8]]
Ai người có trí chớ mong [[9]]
Sắc không như bóng nhạn trông đáy hồ [[10]]
Vô niệm tức niệm Nam Mô [[11]]
Không tâm đích thực đến bờ bên kia! [[12]]
(Phóng tác theo bài BÁT NHÃ TÂM KINH)
Kệ tụng dành cho “người tu hành” (hành giả) sau khi đã qua phần cơ bản Giáo Tông, hiểu rõ thế nào là “sắc và không”, chuẩn bị bước vào Tâm Tông. Có thể tụng kệ này một ngày nhiều lần, bất kể đi đứng nằm ngồi hay trong chiêm bao, vừa tụng vừa chiêm nghiệm ý nghĩa, vừa quán Bổn Tâm. Quán đến bao giờ không còn tâm, không còn niệm, dứt giác quán, khi ấy bài kệ này trở thành bài vè đọc cho vui miệng. Đọc thường xuyên “kệ Khai Tâm”, ba nghiệp thân, khẩu, ý đồng được khai, miệng thường phát ra mùi thơm như hương chiên đàn.
(08-04-2016)
*****
(Bài số 2) NHẠN QUÁ TRƯỜNG KHÔNG [[13]]
Đến đi không dấu tích
Như bóng nhạn lưng trời
Nói im không một niệm
Như tiếng vọng hang nông [[14]]
Thấy nghe không mảy động
Như ảnh chiếu gương đồng [[15]]
Ba thời [[16]] thôi tìm kiếm
Tỉnh mộng giữa đêm đông
Ai là người không ngã
Chẳng khởi tưởng có mình
Ai là người không tâms
Chẳng suy lường vô ích
Ai là người không pháp
Chẳng chạy theo trần gian
Ai làm được như thế
Sẽ mở cửa Tâm Tông.
Bài “Kệ Khai Tâm” giúp “hành giả” thành tựu vô niệm, coi như mở cánh cửa tâm tông. Bài kệ “Nhạn Quá Trường Không” nếu tụng đọc thường xuyên, sẽ hộ trì rất lớn cho thành tựu từ bài số 1.
(20-04-2016)
*****
(Bài số 3) YẾU CHỈ THIỀN NA
Sen kia tự "không tánh",
Cũng "chẳng có tướng trần"
Xưa nay tâm và ý
Vắng lặng, “Thiền” tự sanh!
Người cố đi tìm sen
Qua hương và màu sắc
Nếu kẻ này được Thiền
Có chi là đáng khen!
Quán vạn hữu không tánh
Tâm ý chưa từng sanh
Người này không cầu được
Thiền Na cũng viên thành!
Xưa nay ba đời Phật
Đều "không pháp không tâm"
Không mảy may hiện khởi
Gọi hết "Ngu Mê Lầm"!
Các bạn! ... Bài kệ “Nhạn Quá Trường Không” nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ một số HĐ. Mình chiêm nghiệm: “Lời ví dụ của Phật: Ngà voi già, trời gầm thì nổi vân”. Thử đặt vấn đề, nếu là sừng trâu, sừng bò hoặc ngà voi chưa già, những thứ ấy sẽ thế nào khi trời gầm?
Cũng như thế, bài kệ chỉ có tác dụng với những ai có tâm tương ưng, còn những ai chưa tương ưng, thì cũng giống như sừng trâu sừng bò chưa già, chẳng có một chút tác dụng gì cho dù trời có gầm đến năm lần bảy lượt.
---------------------------------------
[[1]] Khi mê, thấy có sắc không (nhị nguyên, hai món)
[[2]] Ngộ thời, tâm diệt sắc vong (mất) tức thì (không hai)
[[3]] Ngộ thời, sắc chẳng khác không (sắc bất dị không)
[[4]] Mê thời, không ấy cũng thành sắc kia (không bất dị sắc)
[[5]] Ngộ thời, sắc chính là không (sắc tức thị không)
[[6]] Mê thời, không ấy chờ mong sắc này (không tức thị sắc)
[[7]] Vượt qua bể khổ ải trần ai (yết đế ba la yết đế)
[[8]] Đến bờ giác ngộ chẳng hai trong lòng (ba la tăng yết đế bồ đề tát bà ha)
[[9]] Ai người có trí (bát nhã) chớ mong,
[[10]] Sắc không như bóng nhạn trông đáy hồ. (chim nhạn tìm hình bóng của mình trong đáy hồ nước khi bay ngang qua)
[[11]] Vô niệm tức niệm Nam Mô. (quay về, trở lại, quy y)
[[12]] Không tâm đích thực đến bờ bên kia (đáo bỉ ngạn).
[[13]] Nhạn quá trường không: Chim nhạn bay qua bầu trời, trong bài kệ vô đề của Minh Châu Hương Hải Thiền Sư (1628-1715) có câu: "Nhạn quá trường không; Ảnh trầm hàn thuỷ"
[[14]] Hang nông: Hang cạn trong vách núi.
[[15]] Gương đồng: Gương soi mặt ngày xưa làm bằng đồng.
[[16]] Ba thời: Quá khứ, hiện tại, vị lai.
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






