Hy Vọng Là Tâm Chúng Sanh. Lấy Bát Chánh Đạo Làm Đời Sống

Lão Nhị lên tiếng:
Thưa Lão Sư!... Lão Sư thiệt là Từ Bi. Những điều cao siêu như vậy mà đối với kẻ sơ cơ như đồ đệ Lão Sư cũng ôn tồn cắt nghĩa. Tuy chưa thấu đáo cái gì là Phật Tâm nhưng sau khi nghe cắt nghĩa, ít ra trong lòng đồ đệ cũng có chút manh mối.
Thiệt là cảm tạ ơn đức Lão Sư. Nhưng thưa Lão Sư khi nghe đến câu, “Hết thảy các pháp do tự tâm hiện”, lòng đệ tử bỗng dưng mát dịu, như biển cả lặng yên. Những con sóng thức ào ạt ngày xưa không thấy hiện khởi. Tuy lỗ tai đồ đệ đang nghe, ý nghĩa đồ đệ lờ mờ nhưng tâm rỗng rang không chấp nhất cái biết, cũng không còn giống như xưa biết rồi muốn biết thêm, tâm mong cầu tự dưng bặt dứt. Xin Lão Sư khai thị tiếp cho đồ đệ...
Lý Tứ tiếp lời:
⁎ Phật dạy: “Hy vọng là tâm chúng sanh”. Vì chúng sanh hy cầu nên có ba thời, ba thời hiện khởi thì sanh diệt không ngừng... Mà không biết rằng quá khứ như giấc mơ.
⁎ Phật dạy, “quá khứ như mộng”. Quá khứ là chuyện đã qua nếu có biết chẳng qua chỉ là những nghĩ nhớ trong lòng. Đã là nghĩ nhớ thì chẳng gọi là thật... Vì thế, bổn tâm đang thanh tịnh, nhớ nghĩ quá khứ trở thành não hại. Vị lai thì chưa đến, tâm ý vọng tưởng họa vẽ những điều chưa có, như nhà ảo thuật nơi không có hóa thành chim bồ câu.
⁎ Phật dạy, “vị lai như huyễn”... Vị lai đó cũng chỉ là niệm vọng tưởng hiện tiền, không thật...
⁎ Hiện tại thì chẳng thể được vì “niệm niệm không dừng”. Vừa tưởng nó là hiện tại thì tưởng này đã là quá khứ... Nếu chấp có một hiện tại thì biết rằng hiện tại này chỉ là niệm mê, do mê nên trái chướng tâm thanh tịnh...
Rốt lại, vọng về vị lai là phiền, nhớ nghĩ quá khứ là não, ngu nơi hiện tại thành chướng. Nếu không dứt tâm này thì phiền não chướng sẽ não hại tâm, như trời đang trong mây đen kéo đến...
⁎ Người trí nên biết ba thời không thật, chỉ là những khái niệm trong lòng. Những khái niệm không thật này gọi là sinh pháp. Nếu chìm đắm nơi pháp thì buồn vui sẽ hiện, hiện này gọi là tâm.
Tâm mê lại sanh pháp, rồi pháp huân thành tâm cứ thế không dứt... Nếu một phen giác ngộ, tâm này tự dừng, không chạy theo bóng ma quá khứ, cũng chẳng vọng tưởng hư ảo vị lai, hiện tại không mê trần cảnh, thanh tịnh rỗng rang tự hiện, như trời quang mây tạnh... Các pháp do tự tâm hiện là nghĩa này.
⁎ Vì thế Phật dạy: “Khéo quan sát tự tâm hiện lượng”, các pháp hiện khởi trong tâm như bọt nước, trẻ con không biết tưởng đó là hạt lưu ly... Không biết gọi là mê, dứt mê tạm gọi là giác... Thưa Lão Huynh!... Lão Huynh có nghe rõ điều tôi nói không?
Lão Nhị nói:
Thưa Lão Sư!... Lời Lão Sư như phèn lóng trong nước bẩn. Những lời của Lão Sư lọt qua lỗ tai đệ tử như gió thổi tan mây... Chỉ cần dứt cái ngu này, cái ngu ngàn đời không hiện... Bây giờ đồ đệ mới hiểu câu nói:
⁎ “Vô lượng kiếp chỉ là một niệm mê”… Dứt mê thì không kiếp cũng không niệm... Như nói nước trong chỉ vì nước kia có đục, xưa chưa từng đục thì nay lấy gì làm trong... Lão Sư đã phóng đao hóa kiếp Lão Nhị ngu mê này... Nói đến đây, lão quỳ mọp lạy lấy lạy để Lý Tứ...
Lý Tứ lên tiếng:
Xưa không biết thì thôi, nay biết rồi đừng tự khinh mình... Cái ngu hôm qua không thật có, thì chúng sanh chẳng lẽ thật có hay sao? Xin Lão Huynh đừng xúc động... Ngộ rồi mới biết hết thảy hữu tình đồng một bổn tâm thanh tịnh, chẳng qua một niệm bất giác mà có thân sau... Dứt mê mới biết, tôi và Lão Huynh nào có khác gì đâu!... Ha! Ha! Ha! Ha!...
Lý Tứ lại nói tiếp:
Nhị Huynh!... Kẻ giác ngộ, như người uống nước nóng lạnh tự biết, giác ngộ này chỉ có mình biết, bậc đạo sư biết và chư Phật biết...
⁎ Một phen thấy được, con người cũ đã mất, bây giờ mới xứng đáng với tên gọi Phật tử. Vì thế phải biết giữ mình, từ nói năng thức ngủ đến ăn uống tu hành chẳng nên giống như người đời. Phải gìn giữ chỗ có được như con gà ấp trứng. Không nên có những hành động thô tháo như phàm phu...
⁎ Lấy Bát Chánh Đạo làm đời sống. Đây là môi trường tốt nhất để trưởng dưỡng thánh pháp, như cá phải sống trong nước, cá ra khỏi nước sẽ tự diệt... Trong giai đoạn này, phải hiểu như thế nào về Bát Chánh Đạo? Bát Chánh Đạo bây giờ có tên là Bát Thánh Đạo phần, tức tám phần của con đường mà bậc thánh phải đi qua.
- Thế nào là Chánh Kiến? Chánh Kiến là chỉ thấy tướng tâm thanh tịnh không thấy tướng khác.
- Chánh Tư Duy là gì? Là biết tất cả tư duy tự nó không thiện ác. Vì thế dù có tư duy cũng không làm cho hành tâm giong ruổi, như nước hai đầu của dòng kênh không cao thấp sai lệch. Vì thế hiện tượng chảy xiết không thể xảy ra. Không có sự chảy gọi là dừng... Điều này trong kinh mô tả: “Sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”. Tâm như gương sáng, chiếu bao nhiêu cảnh gương kia cũng không hề lay động...
- Thế nào là Chánh Ngữ? Chánh Ngữ là tự biết “Bản lai vô ngôn”, bất đắc dĩ nói ra điều gì cũng vì an vui của người. Vì thế tác phong của bậc giác ngộ là không nói phi thời, không hý luận, rời xa thế luận, không cố nói, không ham nói, không như người đời mê nói không biết chỗ dừng, không như người say, say quá quên mất đường về...
- Thế nào là Chánh Nghiệp? Biết rằng thân khẩu ý này tự nó trống không, tuy thấy có nói năng đi lại nghĩ suy nhưng mà vô tác, tựa như huyễn nhân, như chim bay giữa hư không chẳng để lại dấu vết. Vì thế với thân phải quán nó đồng hư không, với khẩu phải biết như tiếng kêu của cái trống, với ý phải thấy ý này tự thanh tịnh, kinh gọi là “tự tịnh kỳ ý”...
Thấu suốt như vậy, ba nghiệp không lỗi lầm, không sanh lỗi ác cho nên kinh nói: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo”. Một phen thấu suốt, thì ác thiện chẳng phải như quan niệm thế gian...
- Chánh Mạng là gì? Chánh Mạng của người giác ngộ chính là Xa Ma Tha, Tỳ Bà Xá Na và Thiền na. Lấy ba thứ này nuôi thân, rời ba thứ này gọi là tà mạng...
- Sao gọi là Chánh Tinh Tấn? Thẳng một đường về với nguồn tâm thanh tịnh, không quanh co không sai lệch, không lấy ba cõi làm chỗ nương cậy... Như con hương tượng đi vào rừng sâu, cứ một đường đi tới bất kể chông gai, không gì có thể ngăn ngại...
- Thế nào là Chánh Niệm? Chẳng niệm hữu vi chẳng niệm vô vi gọi là Chánh Niệm. Vì sao? Vì bổn tâm thanh tịnh tự chẳng hữu vô. Như thế nào là niệm thanh tịnh? Chẳng niệm tịnh, chẳng niệm bất tịnh gọi là niệm thanh tịnh...
- Chánh Định là gì? Như đèn soi sáng, không còn tối tăm gọi là Chánh Định... Đối trước muôn cảnh không sinh mê lầm gọi là Chánh Định...
Nhị Huynh!... Tóm lại Bát Chánh Đạo được dẫn đầu bằng Chánh Kiến. Chánh Kiến như tôi đã nói. Thưa Nhị Huynh!... Như vậy Nhị Huynh có kết luận gì về Bát Chánh Đạo chăng?
Lão Nhị ngẫm nghĩ một hồi rồi nói:
Thưa Lão Sư!... Theo đồ đệ hiểu:
Y nơi thanh tịnh tâm mà thấy nghe hay biết là đủ Bát Chánh.
Lý Tứ khen: Nhị Huynh quả là bất phàm. Người giác ngộ có vô lượng cái chánh, nhưng cũng đều quy về một tâm chân chánh...
⁎ Như thế nào gọi là tâm chân chánh? Vì không tâm nên tạm gọi là tâm chân chánh... Nếu còn một tâm nào thì tâm này chưa chánh...
Lão Nhị lên tiếng:
Thưa Lão Sư!... Đồ đệ có nghe người xưa nói “Tâm bình là giữ giới”... Như vậy người giác ngộ có cần phải tụng giới hằng nửa tháng hay không???
Lý Tứ nói: Lão Huynh!...
Nếu bảo rằng “Tâm bình là giữ giới” rồi nửa tháng bỏ tụng giới, kẻ làm như thế gọi là “tận hữu vi, trụ vô vi”...
Người này không thấy nghĩa trung đạo... Sai với cứu cánh của Phật đạo. Tôi nói như vậy Nhị Huynh có hiểu không?
Lão Nhị nói:
Lão Sư!... Nay đồ đệ đã hiểu... Giác ngộ chẳng phải vì mình...
Lý Tứ nói tiếp:
Đã nói ý nghĩa của Bát Thánh Đạo Phần. Nay tôi gợi ý, Nhị Huynh có thể hiểu thêm về Thất Giác Chi. Lão Huynh nhớ lại từ đầu câu chuyện trao đổi giữa tôi và Lão Huynh... nhân cái gì mà Lão Huynh được giác ngộ...
Lão Nhị ngẫm nghĩ một hồi rồi nói:
Thưa Lão Sư!... Ban đầu con còn nghe Lão Sư giải thích ý nghĩa, đến câu “Các pháp tự tâm hiện”, tâm con tự dừng, rồi hỷ lạc khinh an xảy ra, như người uống nước cam lồ, lại được tắm dòng nước mát nên toàn thân nhẹ nhàng mát lạnh... Kế đến nhân nghe Lão Sư khai thị ý nghĩa ba thời, tâm đồ đệ như đặt gánh nặng xuống, kết thúc câu chuyện cũng là lúc đồ đệ không còn là Lão Nhị của người xưa nữa... Một con người mới do Lão Sư sinh ra...
Bây giờ con mới hiểu Thất Giác Chi là như thế, như thế!... Hèn chi Thất Giác chi đi trước Bát Chánh Đạo... Nếu không nhờ Giác Phần để giác thì làm gì biết được sự thật của chánh tà...
Thưa Lão Sư!... Bây giờ con đã rời xa hý luận... Lý Tứ khen:
Chúc mừng Nhị Huynh!... Bây giờ Nhị Huynh mới xứng danh Phật Tử chân chánh!...
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






