Hàm Tàng Thức

Hàm tàng thức hay A Lại Da (Thức thứ tám): Là nơi lưu lại mọi dữ liệu đã được ghi nhận trong quá khứ... Nó như cái kho chứa tạp vật...
Đến khi trí tuệ phát sinh, những dữ liệu này biến thành diệu lý. Vì thế, mới có câu “Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp...” Bây giờ, Hàm tàng thức có tên là Như lai tàng, Như lai tàng tâm, hoặc Không Như lai tàng...
Thức thứ chín là Lưu chú, có nhiệm vụ cung cấp dữ liệu khi “cái ngã nó cần”... Giống kẻ giúp việc lấy đồ cho chủ...!!!… Cụ thể, Lưu chú mang dữ liệu từ Hàm tàng thức cung cấp cho Mạt na thức. Mạt na căn cứ vào các dữ liệu này để làm công cụ sinh ngã... Vì thế, các thứ tâm (hư vọng) như: chấp thủ, hơn thua, phải quấy, thương ghét xuất hiện...
Rốt ráo bất động, hoàn toàn vô ngã, Lưu chú thức tạm thời không hoạt động, giống như người chủ đi vắng, kẻ giúp việc được nghỉ ngơi. Đến đây mới thật sự thành tựu hai Vô Ngã...
Lưu chú thức chưa thật sự dừng, phiền não, sanh diệt chưa hoàn toàn chấm dứt. Biểu hiện của nó từ người tu hành, giống như con đà điểu chọn cách vùi đầu trong cát để khỏi thấy kẻ thù, còn cái thân lại ló ra ngoài, một hình thức “dấu đầu lòi đuôi”!!! Những vị thường hay hô hào vô ngã, nhưng lời nói, hành vi, cử chỉ... thể hiện rất rõ cái ngã đang tồn tại, đây là dấu hiệu cho thấy tâm chưa bất động, ngã chưa tịch diệt, ý chưa giải thoát!!!
Do đó, Bất Động và thành tựu hai vô ngã là cảnh giới mọi người tu hành cần phải thành tựu, nếu muốn tiến sâu trong Phật đạo.
Điều kiện để được Bất Động, phải trải qua cảnh giới vô niệm, tức Ba La Mật tâm. Có nghĩa không nghĩ nhớ quá khứ vị lai, không thấy đúng sai hay dở, không thấy kẻ hơn người thua, không nắm giữ thiện ác... Nói chung, phải tịch diệt hoàn toàn mọi quan niệm, phải triệt tiêu chủ thể nhận thức...
Sáu Ba La Mật, là công cụ hữu hiệu, giúp làm sạch những dữ liệu được cất chứa trong A Lại Da, biến Lưu chú thành người giúp việc đắc lực cho trí tuệ; giống như người ta vệ sinh các đồ vật trong một cái kho chứa đồ cũ, chờ ngày sử dụng... Sự thay đổi này, được mô tả trong kinh Lăng Già là: “thức diệt, chẳng phải Lưu chú diệt...”.
(09-2012)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






