Giá Áo Túi Cơm Và Văn Hóa Tán Thán

1. VĂN HOÁ TÁN THÁN
Các bạn!!!
Người tán thán, luôn hoan hỷ với cái tốt của người, dần dần… thói xấu như, tật đố, ganh ghét... sẽ tự mất. Người nói được câu xưng tán người khác trước thành tựu của họ, tự thân sẽ phát sinh hoan hỷ. Nhờ hoan hỷ này dần dần các Ba La Mật tự hiện.
Theo kinh Phật dạy: “ Công đức tán thán và công đức tùy hỷ, ngang bằng công đức người được tán thán...” Và sự thật này bây giờ đã hiện… gần đây, anh em thường hay xưng tán thành tựu của nhau, vì thế… lúc này thật nhiều anh em có được điều tốt.
Tán thán là văn hóa của Phật Giáo, có một số bạn chưa thực hành điều này do bởi thói quen “ít khi khen ai”, cái này không có gì là lạ... Vì trong dân gian người ta đánh đồng “tán thán” như là sự “nịnh bợ” nào đó. Chuyện một số bạn ngại tán thán cũng dễ hiểu thôi, nhưng cũng nên suy nghĩ lại.
Thế gian làm chuyện thế gian, họ xưng tụng nhau vì mưu cầu điều gì đó cho bản thân, vô hình trung biến điều tốt thành điều chẳng nên làm.
Còn trong Phật đạo pháp “tán thán” được Phật khuyến khích và nó trở thành thứ văn hóa chân thật của các Bồ Tát, hay rộng hơn là của Phật tử. Vì thế mình là Phật tử, vâng lời Phật xưng tán nhau để được điều tốt thì có gì mà ngại.
Đã là Phật tử mà không sống bằng “văn hóa Phật Giáo”, cụ thể là “văn hóa tán thán”, danh xưng Phật tử có ngày sẽ bị khai tử. Giống như con cá sẽ bị khai tử, một khi con cá rời khỏi nước.
Tất nhiên ta tán thán nhau bằng cả tấm lòng và lời nói chân thật, không “màu mè” như người đời, đâu có gì đáng ngại mà không làm được. Nếu chịu khó để ý một chút, thời gian qua những vị “ít tán thán” hoặc có vị “chưa từng biết tán thán là gì” hình như khựng lại hoặc thụt lùi... Đoán mò này không hoàn toàn đúng, vì bởi chưa ai làm bản thống kê thuộc loại kỳ khôi này. Nhưng một số biểu hiện chung, cho phép có thể tin được “quẻ bói”.
“Try it, feel it!” Hãy thử, và cảm nhận!!!
“Hãy mở miệng một lần vì cái tốt của người! Hãy thử hoan hỷ một lần vì thành tựu của ai đó và xem trong lòng mình như thế nào”!!! Và, ở đời cái gì cũng do thói quen, điều khó gì tập riết có ngày sẽ quen. Khi quen rồi sẽ thành thục. Khi một “thiện pháp” trở nên thành thục trong tâm, đó là dấu hiệu của Ba La Mật nở hoa vậy...
2. “PHƯỜNG GIÁ ÁO, TÚI CƠM”.
Câu thành ngữ này, trong dân gian hàm ý chỉ cho những người bất tài, hèn kém, không làm được điều gì có ích... Dân gian ví bọn này có cái thân, giống như cái giá để treo áo quần, cái bụng giống như cái túi để đựng cơm, chẳng có chút tài cán gì trong đó. Kẻ bất tài mang cái thân treo quần áo và cái bụng đầy rượu thịt “đi tới đi lui” cho thiên hạ sợ chơi, mà thiệt không làm nên tích sự gì.
Về phương diện nào đó, nếu người tu hành quán thân này thiệt chẳng khác gì cái giá treo quần áo, ở đó người ta có quyền treo lên nó nhiều màu sắc, với nhiều nhãn hiệu, nhiều địa vị... Nhưng thật ra thân này chẳng thể có một giá trị thật sự nào từ các món đồ được treo lên.
Trong thân, cái bụng thì nên quán “ngoài cơm” chẳng còn thứ gì khác… Bụng người tu hành chỉ được phép chứa cơm và cơm, chỉ toàn cơm thôi “để tồn tại”...
Không được phép chứa kiết sử, chứa đố kỵ, chứa tham lam... Bụng này “khéo vận dụng” khi tiêu hóa hết cơm thì còn lại cái “bụng không”, nói nôm na dân dã một chút là: “Bụng dạ trống huơ trống hoắc”. Còn nói văn hoa theo kiểu mấy Anh Ba (Tàu) thì Tâm không, không tâm gì gì đó. Người tu hành, được cái bụng như vậy chắc là vui lắm. Vì thế, cũng nên khéo suy tư câu nói dân gian trên bình diện tích cực. Và biết đâu, một ngày đẹp trời nào đó, có người niệm: “Nam Mô Giá Áo Túi Cơm Bồ Tát Ma Ha Tát”. Ở đời việc gì lại không thể xảy ra!!!
Còn nếu chỉ là “Phường giá áo túi cơm” thuần túy như dân gian chê trách, hay chuyện Mã Ân thời Ngũ Đại, chỉ biết ăn nhậu mà được phong Vương, với biệt danh “Tửu nang phạn đại", thì có lẽ nên... chạy xa tốt hơn!!!
(04-07-2011)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






