Con Đường Và Mục Tiêu Của Phật Đạo

Người ngồi phía cuối gần cửa ra vào, đối diện về bên phải của Lý Tứ là Cửu Đệ. Cửu Đệ là người chót hết trong nhóm chín người. Y dáng tầm thước tuổi đời khoảng trên dưới bốn mươi, vẻ mặt từng trải, cặp mắt sáng quắc. Từ đầu tiệc đến giờ lão chỉ lắng nghe, rồi làm theo mọi người. Mới thoạt nhìn mọi người đều nghĩ đây là hạng người thích làm hơn nói, thích nghe hơn hỏi, im lặng là vàng... Nhưng rồi lão cũng lên tiếng. Y cất giọng. Giọng của y sang sảng như tiếng chuông đồng. Chứng tỏ người này có một nội lực vào hạng thượng thừa, công phu hàm dưỡng không tệ... Y nói:
⁎ Thưa Lão Sư!... Thưa các vị!... Tôi vốn xuất thân là hàng thương mãi, nên thường đi nhiều. Sau mỗi chuyến làm ăn, đều đến các tự viện cúng dường nghe pháp... Cứ mỗi lần như vậy tôi đều được nghe lời khuyên của các vị cao minh là hãy về tu đi, tu đi rồi biết... Và ở đó cũng thường chê trách đời nay kẻ nói thì nhiều, người tu thì ít. Nghe vậy tôi nghiệm ra thấy đúng. Tôi cũng muốn thực hiện việc này, chỉ nên nói ít tu nhiều. Nhưng nói ít thì tôi làm được, còn tu nhiều là làm ra sao thì tôi không biết, cũng chẳng thấy ai đề cập. Có hỏi đến cho rõ ràng thì họ khuyên tôi, tu tức giải nghiệp...
⁎ Tôi nghiệp mua bán, mua bán là tổ nghiệp của tôi, như vậy tôi biết phải làm sao để tu, xin Lão Sư đả thông cho. Cái đạo thiệt quá thâm u, chẳng giống như chuyện bán mua…
Lý Tứ ngẫm nghĩ một hồi rồi nói:
Thưa các vị!... Lời khuyên của các cao nhân với Cửu huynh tôi không biết nhằm ý gì? Tôi không trực tiếp được nghe, cũng không trực tiếp được hỏi. Mà cái gì mình không trực tiếp nghe trực tiếp hỏi thì khó thể luận bàn hay dở đúng sai. Nhưng thưa các vị!...
⁎ Theo thiển ý của tôi thì tu hành giống như mua bán. Người làm thương nghiệp, khi mua một món đồ phải biết rõ món đồ này tên nó là gì, thị trường có cần hay không, dùng vào việc gì... mua ở đâu, bán ở đâu…
Có nghĩa, thương mãi thì phải tính chuyện lời lỗ. Muốn có được lời, tránh lỗ lã, thì thương nhân phải nắm vững quy luật thị trường, mà thị trường thì luôn biến động. Nếu người làm thương nghiệp mà không biết rõ quy luật cung cầu, quy luật thị trường, quy luật phân phối, cũng như không đánh giá hết mức độ rủi ro, thì người này trước sau cũng bại sản... Chuyện xưa cũng có kể về “Người ngu buôn vịt trời” chắc các vị đã nghe. Câu chuyện hàm ý chế giễu mỉa mai hạng người không biết mà cố làm, như kẻ kia mua vịt trời hòng đem đi bán, phỏng có phải là làm chuyện để người đời cười chê hay không?
⁎ Thì cũng vậy, tu hành là đem cái vốn đau khổ ở đời, để mua lấy đạo lý sướng vui. Lấy đạo lý đã mua bán lại cho nguồn tâm, nguồn tâm sử dụng cái đạo lý này mà hết khổ, đủ đầy sảng khoái... Một khi, không biết cái đạo lý đó là gì, mua ở đâu, sử dụng ra sao... thì cái đủ đầy sảng khoái có đến được chăng... Theo tôi, khuyên người tu đi không sai, nhưng trước hết tốt hơn nên chỉ cho người nghĩa lý, vì sao làm vậy mà không làm kia, làm vậy thì được gì, làm kia thì hại gì...
Khi người ta rõ ràng rành mạch rồi tu cũng không muộn. Giống như chuyện thương mãi ở trên... Một khi hiểu biết cặn kẽ quy luật thương mãi, rành rọt đường đi nước bước, thì người này khi bỏ vốn ra sẽ có đồng lời. Còn bằng ngược lại, chỉ biết xúi người đi buôn mà không dạy cách kiếm lời thì chẳng qua hại người mà thôi.
⁎ Còn luận về nói nhiều hay ít, không riêng đời này, từ xa xưa con người sinh ra nếu không khuyết tật thì có lỗ miệng.
Lỗ miệng của người thông thường dùng vào hai việc đó là ăn và nói. Nếu cái miệng chỉ dùng như một công cụ để ăn mà thôi, thì tội nghiệp cho đấng sanh thành. Cha mẹ bao giờ cũng mong muốn con mình các căn hoàn hảo, lớn lên thứ nào cũng khéo, thứ nào cũng hay, ai lại muốn con mình có miệng không nói… Đạo giáo thì chẳng luận ở chỗ nói nhiều hay không nói. Vấn đề được nêu ra là anh nói cái gì, cái đó có lợi hay không…
Nếu nói nhiều mà nói tầm bậy chẳng ích mình lợi người, người nói như vậy thì thôi đừng nói tốt hơn. Còn nếu không nói, tối ngày ôm giữ cái ngu si cắm đầu cắm cổ luyện công như cóc ngồi trong hang, khi công phu thành tựu thì cái ngu si cũng thành tựu…
Nói nhiều, tuy lời nói có ý nghĩa nhưng phi thời, bạ đâu cũng rao giảng, bạ đâu cũng lý sự, thì cái nghĩa nói ra trở thành trói buộc người nghe, vô tình phỉ báng đạo lý… Không luận nói ít hay nhiều, quan trọng mỗi lời mỗi lời khi ra khỏi miệng đều có nghĩa có lý, đúng thời thì nói, phi thời thì im…
⁎ Nói hay nín đều vì người; một lời nói ra khiến người cởi trói, một lời nói ra kẻ nghe tăng trưởng thiện tâm, lời nói vừa dứt người nghe lẫn người nói đồng an lạc thanh tịnh thì lời nói này xứng đáng lễ lạy…
Cửu huynh ơi Cửu huynh!... Cái đạo lý bán mua chắc Cửu huynh thông thạo. Lời của đạo một khi nói ra như lời kẻ bán buôn biết chuyện bán mua… Bán buôn đâu có luận nói nhiều hay ít, tùy sản phẩm, tùy đối tượng… Nếu người mua chưa thông hiểu, thì người bán cần phải cặn kẽ giải thích công dụng mặt hàng, trình bày chất lượng sản phẩm, phương pháp và hiệu quả sử dụng cũng như cách bảo quản nhằm tăng tuổi thọ mặt hàng… Nói nhiều như thế, đúng thời như thế thì có hại gì... Còn nếu khách hàng đã là người thông tuệ, biết rõ món đồ… thì bán xong phải cầu may cho họ. Vài lời mà thỏa dạ kẻ mua vừa lòng người bán.
Cái đáng chê trách là kẻ bán món này mà đi giải thích món kia, làm cho người mua ù lỗ tai tối con mắt. Càng nói nhiều khách hàng càng phiền lòng, phủi áo bỏ đi mới là cái hại... Cửu huynh nghĩ lại xem, bán buôn đã như vậy thì đạo chẳng lẽ khác hay sao.
Luận về nói nín, theo thiển ý của tiểu đệ, trong đạo có bốn hạng người.
- Một là loại người chỉ có tu mà không nói, đây là hạng ham tu nhưng u tối. Hạng này đích thị phàm phu, tối ngày cặm cụi tham thiền mà không biết nghĩa lý…
- Thứ hai, nói- tu bằng nhau, đây là hàng Thanh Văn đáng kính trọng, như nước rót vào lu, biết nhiêu nói nhiêu, tu y như nói…
- Thứ ba, hạng người nói nhiều tu ít, mỗi lời mỗi lời làm lợi cho người, đây là Bồ Tát lấy nói làm tu, dạy người để tăng trưởng trí tuệ.
- Thứ tư, nói mà không tu đó là chư Phật. Chư Như Lai như vàng ròng không còn phải luyện, chỉ còn cắt nhỏ biến thành trang sức làm đẹp cho người.
Lão Huynh ơi!... Lão Huynh chuyên nghề mua bán, để tránh lầm đồ dỏm đồ giả, tôi có môn công phu gọi là Thám Phúc Công, môn công phu này có cái hay riêng của nó, đó là sờ cái bụng mà biết cái tâm. Vì thế mới có tên là Thám Phúc.
Luyện thành công phu này, cái miệng người đời dù nói nhiều hay ít cũng không gạt được Lão Huynh, bán buôn nhất định thắng lợi. Để tôi nói sơ lược công phu này cho Lão Huynh nghe, vui thì luyện, buồn thì thôi thành hay không chẳng hại gì…
Khi gặp người tu hành, muốn biết thiệt giả, chỉ cần Lão Huynh lấy năm ngón của bàn tay phải của mình, lật ngược gõ gõ vào bụng của họ…
- Nếu nghe tiếng bịch bịch như trái mít chín cây, Lão Huynh lại chú tâm định thần, thoảng nghe có mùi khai khai thì biết hạng này trong bụng chỉ chứa toàn xôi chuối, mau mau cúng dường một ít rồi đảnh lễ mà lui…
- Nếu Lão Huynh gõ gõ bàn tay vào bụng mà nghe lộc cộc như cua ốc bò trong thau đồng, lại có mùi hôi mốc thì Lão Huynh biết người này tạp văn chứa đầy trong bụng tà kiến toàn thân, mau mau cúng dường một liều thuốc xổ, để lâu có hại cho người…
- Còn nếu đó là tiếng cạch cạch như gõ vào gỗ quý, lại có mùi thơm giáng hương, thì biết người này đầy bụng Kinh Điển nhưng chưa tiêu hóa được, phải cấp tốc cúng dường vài hộp thuốc tiêu.
- Cuối cùng nếu Lão Huynh gõ vào mà nghe như tiếng thùng rỗng, kêu dậy trời lại có mùi chiên đàn thì mau mau sụp gối lễ lạy để nghe đạo lý. Bằng không được thì phải đấm lưng cạo chân để tìm chút phước, họa may nghe được pháp âm…
Môn này tôi đã luyện thành, chưa sai một ly, chưa trật một lần. Vì thế từ ngày ra giang hồ đến nay chỉ bị gạt ngân lượng, chứ chưa từng bị gạt về đạo lý. Lão Huynh thử xem, học thần công này, may ra làm ăn có lãi…
⁎ Thưa Lão Huynh!... Thưa các vị!... Còn nói rằng tu để giải nghiệp, lời này không sai, nhưng chưa gọi là đúng… Tu hành có nhiều hạng, nhiều địa vị khác nhau… Nếu người tu phước mong mỏi về sau, thì tu hành của họ như thêm nước ngọt để cho bớt mặn gọi là giải nghiệp… Nếu tu giải thoát thì phải cởi bỏ cột trói ba cõi trong lòng mới mong hết nghiệp… Nếu hạng cầu thanh tịnh thì phải biết nghiệp này do mê tâm mà hiện, chẳng phải có cũng chẳng phải không, giống như người ngủ nằm mơ, thức dậy mọi thứ đồng không… Vì thế cho nên, nói giải nghiệp không sai nhưng tùy hạng mà giải, tùy loại mà hiểu, không phải ai cũng như ai…
Một chữ giải nghiệp tuy không sai nhưng chưa nói được gì. Nếu gặp ai cũng phán một câu “tu là giải nghiệp” mà không cắt nghĩa giải nghiệp là làm sao, thì thiệt oan cho người, như cầu mua gạo mà lấy nhầm phải đậu… Cửu huynh cao thâm đạo lý bán mua coi thử đúng không?
Lão Huynh lại nói “tổ nghiệp của mình làm nghề buôn bán biết giải làm sao”… Thưa Lão Huynh. Lão Huynh hiểu sai rồi. Chữ nghiệp tuy đồng nhưng nghĩa lại khác.
⁎ Cái tổ nghiệp như huynh nói để chỉ nghề thương mãi. Nghiệp ở đây có nghĩa là nghề, mà đạo không nói tới nghề.
Ví như xưa Bồ Tát Duy Ma Cật làm nghề buôn bán, cũng có Bồ Tát làm nghề thợ thuyền… Phật đạo không bắt buộc người tu hành bỏ nghề này chọn nghề khác, nhất là đối với tục gia…
Vì rằng tục gia còn có nghĩa vụ bản thân, đối với gia đình, đối với xã hội, đối với Tam Bảo… Phật gia chỉ khuyên đệ tử chọn lấy cái nghề mà giới không cấm, cái nghề không phạm lỗi lầm, cái nghề ít ác nhân thất đức là được rồi…
Cửu huynh ơi!... Đạo chỉ khuyên người tu hành khi làm nghề đừng có vì ham lời mà làm chuyện gian dối; như buôn bán chớ cân non lường thiếu, làm quan chớ nhũng nhiễu dân đen, dạy học là phải hết lòng… Nếu bỏ nhà vào chùa am tu hành, thì chỉ nên nhận của tín thí một cách chân chánh cho họ được nhờ gọi là Tam Bảo phước điền. Người tu hành được nhiêu ăn nhiêu… không nên bày trò mê tín mà kiếm thêm nhét túi…
Những việc làm thêm bớt hòng kiếm của nuôi thân trái với đạo lý gọi là Tà Mạng… Tà Mạng thì chỉ sanh tà đạo chớ làm gì được chánh đạo, không có chánh đạo thì không có chánh quả đây là chuyện tất nhiên.
⁎ Chữ “Nghiệp” của đạo nhằm chỉ hành vi của thân khẩu ý, gọi chung là ba nghiệp, chẳng phải nói chuyện bán mua. Trong đạo thường nói đến Chánh Nghiệp để chỉ ra rằng người tu hành ba nghiệp cần phải thanh tịnh không sanh lỗi lầm. Vì thế Chánh Nghiệp và Chánh Mạng chớ có hiểu sai.
Như Lai Lưỡng Túc Tôn ba nghiệp viên mãn, thân khẩu ý hành động theo trí huệ, gọi là bất cộng. Chúng ta là những người tu hành, nếu ba nghiệp chưa thanh tịnh thì hãy mau mau tìm xem nguyên nhân làm sao nó không thanh tịnh.
Biết được nguyên nhân sẽ biết kết quả, giống chuyện bán mua… Không thể hàm hồ chỉ biết còng lưng làm riết mà chẳng thấy xong việc… Vài lời ngay thẳng, có gì không đúng xin Lão Huynh bổ túc cho đệ sửa sai…
Lý Tứ vừa dứt lời, Lão Cửu đứng phắt dậy. Lão cung tay hướng về Lý Tứ nói lớn:
Lão Sư ơi!... Chuyến này đồ đệ biết cách bán mua, biết cách kiếm lời…
Nhất định đồ đệ sẽ trở thành tên lái buôn chân chánh theo bước chân người xưa… Bây giờ đồ đệ xin đem hết vốn liếng của mình là tấm lòng cầu đạo, ngưỡng mong Lão Sư bán cho cái đạo lý thanh lương hầu mai này nguồn tâm được đủ đầy thanh tịnh, sảng khoái một đời… Xin Lão Sư từ bi không nỡ từ chối…
Nói xong lão xá xá Lý Tứ rồi xá mọi người, lão còn gật gật cái đầu, chúm cái miệng mỉm cười cầu tài, đúng tác phong của nhà thương mãi.
Lý Tứ cất giọng cười lớn ba tiếng ha ha ha!... Rồi nói:
Lão Huynh ơi!... “Phi thương bất phú”, không buôn bán chẳng giàu sang… Nhất định chúng ta cùng nhau hùn hạp làm ăn mong kiếm phần lời để xài, còn dư chia cho huynh đệ, thiệt là không uổng cái nghề tổ nghiệp để lại. Buôn ngay bán thẳng ha ha ha…
“Tri túc chi pháp, tức thị phú lạc”. Lão Huynh nghĩ xem, đậu hủ chẳng đáng là bao, chuyến này chúng ta giàu to… Ha ha ha ha!...
Có lẽ đây là lần đầu tiên từ khi gặp mọi người Lý Tứ được dịp cười sảng khoái. Lý Tứ thầm nghĩ: Cái gã lái buôn coi bộ dạng lầm lì này cũng có chút hài hước, mới nghe hắn nói cứ ngỡ đây là con người chấp nhất, đại diện của “trường phái bảo thủ”. Nhưng qua câu chuyện vừa rồi, con người hào sảng đích thực của hắn lộ ra... Bọn chín người này từ lâu bị cái hư danh Cửu Tuyệt Thập Tuyệt gì đó trói buộc. Con người một khi bị cái gì đó trói buộc thì họ trở thành cái đó, làm nô lệ cho sự trói buộc vô hình mà không tự biết... Thiệt là người đời, hãnh diện với những cái không đáng hãnh diện, tự ti với những cái không đáng tự ti...
⁎ Thế Tôn cũng từng dạy: “Chúng sanh y danh lập tướng, y tướng lập danh”. Danh và tướng là hai món khó vượt qua. Nếu không vượt qua rào cản này thì con người ta tối ngày cứ làm bộ làm tịch với những vẻ dáng bên ngoài, trông chờ những lời khen tặng... Rồi ôm ấp những lời khen tặng này mà làm nên cái ngã, như con tằm nhả tơ tự trói... Con tằm nhả ra sợi tơ, sợi tơ ràng buộc con tằm... Cứ như vậy hai món này đắp đổi cho nhau, thiệt là phiền toái... Nghĩ đến đây, Lý Tứ hướng về mọi người chậm rãi nói:
Thưa các huynh đệ!... Lời của Cửu huynh vừa thốt ra, Lý Tứ thiệt vui lòng hả dạ... Ở đời, người ta cứ đem hết vốn liếng của mình, dốc túi vào canh bạc thắng thua của cuộc đời để rồi nhận lấy phiền não. Vì sao cớ sự như vậy, thưa huynh đệ!...
Mong ước của mọi người sinh ra trên đời này là được ấm no hạnh phúc an vui... Mong ước này thật là chánh đáng. Mong ước này rất đáng trân trọng. Tất cả các đạo giáo có mặt trên đời cũng đều hướng con người đến mục tiêu này... Nhưng “lực bất tòng tâm”, mong ước là như vậy nhưng thành quả thì hầu như ngược lại...
⁎ Phật đạo có ra đời hôm nay, cũng chỉ muốn đem lại ấm no hạnh phúc và an vui cho tất cả hữu tình. Tuy mục đích giống nhau, nhưng Phật đạo có con đường đi riêng của mình.
Con đường của Phật đạo mới nhìn thì giống mọi con đường, cũng khuyên người làm lành lánh dữ, cũng khuyên người xót thương kẻ nghèo hèn, biết chia sẻ lợi ích riêng tư vì cộng đồng nhân loại...
⁎ Nhưng nếu chúng ta để tâm nhìn kỹ, thì phương cách của Phật đạo có khác, không muốn nói là khác xa, không hề giống bất kỳ con đường nào từ trước đến nay đã có... Chính vì điều này mà Phật gia tồn tại, bước ra khỏi quê hương của mình và phát triển... Cái dễ nhìn thấy là ngay tại nơi này, Phật gia có mặt hầu hết mọi nơi, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều giai cấp...
Các vị thử nghĩ xem, cái gì đã làm nên điều này. Nếu chưa thấy được, thì chưa xứng đáng là đệ tử Phật môn...
Nhưng cũng chính sự bùng nổ và sức lan tỏa, để phù hợp với văn hóa bản địa, Phật đạo lại có những thay đổi lớn. Điều này chẳng những làm cho các giá trị chính thống có phần sai lệch, mà lại là nguyên nhân để vô số lối tẻ phát sinh... Những phát sinh này, vô hình trung người tu hành khó lòng tìm được cứu cánh mong mỏi từ nơi một Phật đạo đã biến dạng như thế... Một khi bỏ cả cuộc đời dấn thân tu hành mà không tìm thấy cứu cánh, thì buộc lòng phải tìm cho mình một chút lợi ích nhỏ nhoi nào đó để bù lại công sức là điều không tránh khỏi...
⁎ Các vị thử nghĩ coi!... Bao năm nay các vị đi đó đi đây cầu đạo giác ngộ, nhưng các vị đã thu hoạch được gì... Chắc không ai trả lời thỏa đáng cho các vị hơn chính các vị... Các vị có bao giờ ngồi lại và tự đặt cho mình câu hỏi, vì sao nó lại như vậy?
Chân lý là cái gì mà không nơi nào lý giải giống nơi nào... Nếu đã là chân lý, thì phải thống nhất. Ví dụ như hai cộng hai là bốn. Cho dù người ở đây hay người Phương Tây, cho dù da đỏ hay da đen... đều phải công nhận bốn là kết quả của hai cộng hai. Đã là chân lý cho dù ở chân trời hay góc biển kết quả cũng không sai khác... Cái không sai khác mới đích thực là chân lý... Nhưng ngược lại chân lý được đặt ra nhưng con đường tìm về với chân lý thì mỗi nơi một vẻ, mỗi người giải thích mỗi khác... để bảo vệ người ta lại áp đặt bao nhiêu là lý luận... Chúng ta chưa nói những lý luận đó là đúng hay sai, nhưng thành quả của những lý luận này là gì… Ai là người đã thụ hưởng thật sự lợi ích từ những lý luận kia... thì rất mơ hồ và khó nói...
⁎ Phật đạo không chủ trương sống trên lý luận, không chủ trương tồn tại bởi những lý luận... mà Phật đạo đòi hỏi thành quả của nó phải là sự thấu tình đạt lý để đưa đến yên vui thật sự trong mỗi cá nhân. Muốn được như vậy, cơ sở lý luận phải có tính thuyết phục cao và đòi hỏi thực tế, mỗi mỗi phải cụ thể. Cơ sở lý luận có đúng đắn thì việc ứng dụng lý luận vào đời sống tu hành mới đúng đắn. Việc làm có đúng đắn thì mới cho ra thành quả đúng đắn. Đạo lý này không thể khác được...
Thưa các vị!... Nói những điều như vậy để làm gì... Không có cây thước nào đo đạc bản thân chính xác hơn là chính bản thân này. Bản thân chính là cây thước đo về mình tốt nhất, vì tu hành là việc làm tác động trực tiếp lên tự thân, tốt hay xấu tự thân đều biết... Tất cả việc làm của mình, không việc gì tự thân không biết. Vì thế, các vị hãy lấy chính mình để làm công cụ xác chứng thành quả tu tập...
Thưa các vị!... Lý Tứ tôi không màu mè, không tô hồng trát phấn lên mình, cũng không khoa trương mình hay mình tốt... Hay dở tự mình biết, hay thì phát huy, dở thì từ bỏ... Phát huy hay từ bỏ, trước nhất cũng chỉ tự thân này thụ hưởng lợi ích... Vì thế, Lý Tứ tôi khuyên mọi người, hãy làm cây thước đo chính mình, không nên dối trá bản thân... Đạo chỉ tồn tại trên một con người biết tàm quý, biết lẽ phải và tôn trọng chân lý... Nếu thiếu điều này, sẽ là người tự dối gạt chính mình, và sau đó dối gạt người là điều không tránh khỏi... Phải biết thương người, không thể vì một lý do nào đó mà dối gạt người khác, biến cuộc đời tu hành của họ trở thành công cụ cho ý đồ riêng tư...
Thưa các vị!... Đã là huynh đệ với nhau, phải hết lòng, phải thành thật với nhau... Có như thế mới có thể giúp nhau vượt ra khỏi những phiền não khó khăn mà vốn dĩ đã là con người thì phải cưu mang...
Thưa các vị!... Có lẽ hôm nay, ngay tại nơi đây, sẽ là dịp để huynh đệ chúng ta tâm tình, giải tỏa những thắc mắc... Chúng ta hãy chia sẻ những tâm tình, giải tỏa thắc mắc của nhau để cùng nhau thông hiểu. Có thông hiểu nhau thì đời sống mới hòa hợp... Giống như trên một bàn tay, năm ngón tay dài ngắn khác nhau, lớn nhỏ khác nhau. Vì năm ngón tay có thông hiểu có hòa hiệp nên bàn tay mới làm được chuyện của nó... Các vị nghĩ coi, khi cần mang vác vật nặng mà năm ngón tay chẳng có thông hiểu, chẳng có hòa hiệp, thì sự mang vác có dễ dàng thành tựu được chăng... Nói đến đây, Lý Tứ nhìn mọi người một lượt, rồi tiếp:
Nào các vị!... Ai có tâm tình gì, có thắc mắc gì, cần đến mọi người, xin mời lên tiếng...
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






