Cơ Sở Lý Luận

Dù hiểu thế nào, tu thế nào với phương pháp trên, điều tiên quyết khi bắt tay ứng dụng tu hành phải căn cứ vào những cách thức tu tập do chính Phật tuyên nói.
1. Y cứ vào Giới luật và nghĩa kinh.
Các thánh đệ tử trùng tuyên và Phật hứa khả hoặc thọ ký, đó là những gì kinh điển để lại. Đây là cơ sở đáng tin cậy vì không ai dạy đạo Phật giỏi hơn Phật. Cũng như học nghề thầy thuốc không ai giỏi hơn các giáo sư ngành y; nếu không phải các vị này nói ra thì lời nói người đời sau phải hội đủ hai điều, đó là Giới Luật và Nghĩa Kinh, như những gì trong kinh Phật có minh định rõ ràng.
Trước lúc nhập Niết Bàn ngài A Nan hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Sau khi Phật nhập Niết Bàn có người xưng là đệ tử Phật hoặc sứ giả của Phật tuyên nói một số điều cho đây là lời Phật. Bạch Thế Tôn! Phật tử đời sau làm sao biết đó có phải là lời Phật hay không?
Phật dạy: Sau khi ta nhập Niết Bàn nếu có người tuyên nói một chữ, một câu, bảo rằng đây là lời của Như Lai thì các ông đừng vội tin cũng đừng vội phê phán, đừng vội kết luận đúng sai mà hãy xem kỹ lời nói của người này có hợp với giới luật, có hợp với nghĩa kinh hay không?[[1]]
Nếu lời nói nào phù hợp với giới luật, phù hợp với nghĩa kinh thì biết rằng đây là lời Phật, nếu lời nói nào thiếu một trong hai điều này thì các ông phải coi lại.”[[2]]
Làm như thế để nhận biết sự khác biệt giữa thiền do Phật dạy và các loại thiền khác là việc làm rất quan trọng. Vì trong đời có vô số loại thiền và các loại thiền này có ý nghĩa mục đích riêng của nó; thậm chí trước thời Phật cũng đã xuất hiện nhiều loại thiền với nhiều hình thức tu tập, nên y như những gì Phật dạy, và căn cứ vào đó tu hành là tự chọn cho mình biện pháp khôn ngoan.
Vì khi chưa biết hết cái hay dở của các loại thiền khác, chưa biết rõ đừng đụng vào là cách tốt nhất để tự bảo vệ mình.
Khi nào tâm hết phân vân nghi hoặc và cứ lấy kinh điển làm chuẩn mực, thước đo thì tâm ấy sẽ không còn do dự; giống như người đi đêm ‘cứ nhìn thẳng đốm sáng’ mà bước, giống như người thợ xây dựng khi cân bằng chiều ngang có thước thủy, khi xác định phương thẳng đứng dùng dây dọi; phương tiện tuy thô sơ nhưng hiệu quả, và nếu người thợ hồ thiếu hai công cụ chuẩn này thì việc làm không được kết quả như ý.
Thế kỷ 21, kỷ nguyên của những thành tựu khoa học lớn lao, và việc trung thành với một phương pháp tu hành ra đời cách đây trên 2.500 năm quả là việc làm ‘mới thoáng nhìn hình như có gì đó không ổn và lạc hậu’.
Lịch sử phát triển của nhân loại sẽ không chờ đợi những ai đi chậm hơn nó hoặc cố ý tách rời nó.
Mọi người rồi phải hối hả chạy theo để bắt kịp con tàu phát triển, ai ngăn cản hoặc làm chậm lại sẽ là người có tội.
2. Đặt tâm cơ vào quá khứ.
Nhưng việc giải mã một cổ vật của lịch sử thì con tàu phát triển không thể nào chuyên chở hết những hiểu biết của quá khứ; do vì vấn đề cần giải quyết đó là ‘sanh tử xưa nay chẳng khác’; mà phương pháp truyền thống đã đáp ứng được yêu cầu này, nên việc giải mã bằng phương pháp đó là chánh đáng. Và khi muốn giải mã trí tuệ của quá khứ phải đặt tâm cơ của mình vào quá khứ mới mong có chút hy vọng đồng cảm với những gì quá khứ đã sống và nghĩ suy.
Do vậy trung thành với phương pháp tu hành ngày xưa để mong tìm cho mình lối thoát ngay hiện tại lại là công việc hữu hiệu. Chính đây cũng là phương cách ủng hộ con tàu phát triển để có được sự cân bằng nào đó khi nó di chuyển với tốc độ quá cao, mà con người ngồi trên đó cảm thấy chông chênh và mỏi mệt.
Phật giáo hay thiền của Phật giáo cho đến bây giờ chưa hề giảm bớt sự thu hút đối với con người; hay nói khác đi tuy kỷ nguyên của đỉnh cao khoa học, nhưng con người ngày một tìm đến với thiền nhiều hơn. Đây là bằng chứng xác thực cho ta thấy sự ủng hộ tinh thần của thiền Phật giáo đối với nhân loại; hay khác hơn một sự cộng sinh đầy thú vị giữa vật chất và tinh thần.
Trong thời đại văn minh giao thoa và sự mở cửa hội nhập giữa các nền văn hóa với nhau, lời kêu gọi giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc lại có giá trị nhất định của nó.
Vì sao Phật giáo cần phải giữ gìn bản sắc văn hóa của mình? Bản sắc văn hóa chính là tinh túy của nền văn hóa đó. Không giữ gìn thì khó lòng tìm thấy giá trị đích thực, và trung thành với phương pháp truyền thống sẽ là chiếc chìa khóa giải mã những bí ẩn của ngữ ngôn mà kinh điển đang tích chứa trong nó.
Tập sách này ghi lại những gì tìm được trong phương pháp cổ điển kia, với hy vọng sẽ góp phần làm phong phú kiến thức cho những ai muốn tìm hiểu Phật giáo và biết đâu có một chút gì đó bình an sau những căng thẳng trong đời sống tinh thần.
“Trước đây trên 2.500 năm chúng sanh đau khổ vì sanh tử như thế nào thì 2.500 năm sau chúng sanh đau khổ cũng giống như vậy, và trước đây chư Hiền Thánh dạy chúng sanh giải quyết đau khổ như thế nào thì bây giờ cũng chỉ giải quyết như vậy, cho tới tận cùng đời vị lai cũng chỉ giải quyết như vậy mới mong đoạn tận khổ đau”.
[[1]] Trong kinh Di Giáo Phật dạy lấy Ba La Đề Mộc Xoa làm Thầy và trụ nơi Tứ Niệm Xứ.
[[2]] Trích tóm lược kinh Di Giáo.
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






