Chuyển Y Bát Nhã Tâm Kinh (tiếp theo)

 0
Chuyển Y Bát Nhã Tâm Kinh (tiếp theo)

Các bạn! ... Hôm nay chúng ta tiếp tục khảo sát bài Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. “Bài bát nhã tâm kinh” có đoạn văn sau:

“… Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành thức. Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc, thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới. Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận. Vô khổ, tập, diệt, đạo. Vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố. Bồ đề tát đỏa y bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn."

Tạm dịch

- Xá Lợi Tử! Các pháp đều không tướng, không sanh, không diệt, không cấu, không tịnh, không tăng, không giảm.

- Cho nên trong “cái không đó”: Không thấy có sắc (thân), không thấy có thọ, tưởng, hành, thức (tâm).

- Không thấy có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (không căn).

- Không thấy có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (không trần).

- Không thấy có nhãn giới cho đến không có ý thức giới (không thức).

Vì thế, người thành tựu cái “không” này:

  • Không thấy có vô minh và cũng không thấy có hết vô minh.
  • Không thấy có già chết, mà cũng không thấy có hết già chết (Rốt ráo rỗng rang, không ngã cùng ngã sở).
  • Cho nên, họ không thấy có Khổ, Tập, Diệt, Đạo (không thấy có đạo để tu, không thấy có đế để nương tựa)
  • Cũng không thấy có trí, không thấy có đắc, vì (tất cả) không có sở đắc (không thấy có trí để thành, không thấy có quả để chứng).

Khi vị bồ tát nương tựa vào trí tuệ bát nhã này, thì tâm không còn chướng ngại, vì tâm không chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa được những điên đảo mộng tưởng (của một chúng sinh), đạt thẳng cứu cánh niết bàn (của Phật đạo).

Chư phật ba đời, nương theo trí tuệ Bát Nhã nầy mà đắc quả vô thượng đẳng chánh giác (thành Phật).

  • CHTT/03 – Chuyển Y “Bát Nhã Tâm kinh” (tiếp theo)

Xin hỏi:

1) Thật nghĩa đoạn văn kinh nêu trên, muốn chúng ta thành tựu điều gì? (Khi trả lời, các bạn hãy mô tả bằng chính tâm chứng của mình, không diễn giải theo văn tự kinh)

2) Làm thế nào để thành tựu rốt ráo tinh thần đoạn kinh đã trích dẫn?

3) Vì sao lời kinh dạy rõ ràng như thế mà người tu hành phần lớn chưa thể thực hiện rốt ráo lời dạy này? Theo bạn trong sự tu tập của họ còn thiếu điều gì? (không nên thấy có thân tâm, không nên thấy có căn trần thức, không nên thấy có ngã cùng ngã sở, không nên thấy có vô minh cũng như làm cho hết vô minh, không nên thấy có đạo để tu, không nên thấy có đế để nương, không nên thấy có trí để thành, không nên thấy có quả để đắc, v.v...).

Rất mong nhận được những câu trả lời có ý nghĩa chắc thật nhất, từ sự trực nhận của các bạn!                               (05-05-2016) 

  • Gợi ý TCTT/03 - Chuyển y “bát nhã Tâm kinh” (tiếp theo)

Đọc trả lời của các bạn mình cảm nhận như "những nhát dao bén chặt đứt phàm tình", thấy ngay sự an lạc, thản nhiên, tự tại trong lòng mỗi người. Thế mới biết, khi đã giác ngộ rồi, thì cho dù đang mang thân nữ cũng trở thành trượng phu!

Giá trị tâm tông là như thế, nó là những gì hiển nhiên nhất của thành quả thực chứng. Khác với giáo tông ở chỗ, một bên là dùng kiến thức để kiến giải câu hỏi rồi trả lời, một bên là dựa vào tâm chứng để trực nhận ngay việc ấy là cái gì. Tâm tông không dài dòng, không chú trọng diễn giải, không nặng về lý luận, chỉ nhắm thẳng tâm này mà hàng phục. Người xưa gọi là "trực chỉ nhân tâm". Trong Phật đạo, tâm tông hướng người tu hành thẳng một đường đến đích.

Nhìn vào câu hỏi Tâm Tông, tưởng chừng như rất dễ, nhưng lại cực khó. Để trả lời đúng câu hỏi tâm tông, người trả lời phải: "Bỏ kiến thức xuống, không chạy theo văn tự, không khởi suy lường, không chạy ra ngoài. Quay lại tâm này, tịch diệt tất cả, với một cái tâm rỗng rang nhìn thẳng vào nó để trực nhận vấn đề”.

Nhìn chung mọi người đều có những thành tựu đáng kể trong việc tu học thông qua nhãn quan tâm tông. Lợi thế của HĐ chúng ta là đã có một quá trình rất dài tu học giáo tông. Giáo tông như tấm bản đồ, chỉ cặn kẽ, rõ đường đi nước bước. Đến nay, HĐ chúng ta chỉ một việc, y như những gì đã biết, cứ thế mà tinh tấn.

Mình là người chỉ huy, ra hiệu lệnh để đoàn người cứ như hiệu lệnh mà thẳng tiến. Những sai sót của từng người sẽ được điều chỉnh bằng email riêng hoặc ĐT, như cách trước nay chúng ta vẫn làm. Các bạn cứ yên chí mà đi tới, không sợ sai lệch. Chính vì thế mà các câu trả lời của mỗi bạn là những tiêu ký (dấu vết), để từ tiêu ký này, mình nhận ra HĐ nào chưa đi đúng hướng sẽ điều chỉnh cho phù hợp! Đây là lý do vì sao, tâm tông đặt ra yêu cầu: "thường xuyên có những câu hỏi do mình đề ra, và các bạn có nhiệm vụ trả lời, sau đó là những bài kệ tụng".

Trước đây, sinh hoạt tâm tông dưới hình thức nhóm chúng, tập hợp tất cả mọi người. Vị đạo sư sau khi giảng giải, cắt nghĩa một đoạn kinh sẽ đặt ra các câu hỏi, sau đó môn đồ tư duy, ứng dụng và trực tiếp gặp để trình bày sở chứng.

Ngày nay, chúng ta không thể nhóm chúng được, không trực tiếp gặp nhau thường xuyên, hình thức email hay điện thoại là phương án tối ưu, là cách tốt nhất nhằm giải quyết những trở ngại về mặt địa lý. Kinh nghiệm cho thấy, những HĐ trao đổi với mình thường xuyên, HĐ đó gặt hái được những thành quả không ngờ.

Câu hỏi tâm tông đặt ra nhằm giúp các bạn "chuyển nghĩa kinh thành tâm chứng". Sau đó "trực chỉ chính tâm này" mà trả lời. Các vị HĐ chưa thành công trong việc chuyển y này nhất định sẽ trả lời sai, cần nỗ lực hơn nữa. Trả lời câu hỏi là một hình thức tu tập của tâm tông. Đây là bước tu tập rất quan trọng, nếu chúng ta chưa thành tựu bước này, sẽ không thể chuyển những hiểu biết của giáo tông ngày trước thành thuyết thông sau này... Nó giống như một phản ứng hoá học (giữa nghĩa kinh và tâm thức), kết quả của một phản ứng sẽ là câu trả lời thuyết phục nhất. Trong tâm tông khi nghĩa kinh phản ứng với tâm thức sẽ cho ra kết quả sau cùng, kết quả sau cùng chính là những câu trả lời đúng nhất.

Vì thế, sai đúng không quan trọng, cứ thoải mái trình bày thấy biết của bản thân. Rụt rè, e ngại, sợ sệt thì không phải là tâm thế của người tu hành sẵn sàng mở cánh cửa tâm tông! (06-05-2016)

Trong đợt trả lời câu hỏi lần này, có rất nhiều HĐ trả lời hay, chính xác, và thể hiện được chỗ giác ngộ. Một vài HĐ yêu cầu mình gởi ra những câu trả lời tiêu biểu, để mọi người tham khảo. Yêu cầu này có vẻ hợp lý, nhưng nếu xét kỹ, nó lại không tốt cho Các bạn! ... Các câu hỏi có công dụng nhất định cho từng người, mục đích của mình là: “Giúp các bạn tư duy, chiêm nghiệm, ứng dụng tự thân để thành tựu điều gì đó trong Phật đạo”. HĐ chưa giác ngộ, nhân chiêm nghiệm câu hỏi để có thể giác ngộ, các vị HĐ đã giác ngộ rồi, nhân câu hỏi sẽ đào sâu tư duy để có thể giác ngộ sâu hơn. Vị HĐ nào trả lời chưa đúng, sẽ tiếp tục tìm con đường đúng nhất.

Nói chung, một câu hỏi đưa ra có nhiều mục tiêu để các bạn đạt đến! Phần trả lời đúng của HĐ được coi là tiêu biểu chỉ mang tính chất tham khảo. Vì vậy, thời điểm này, mình chỉ thông báo tên các HĐ trả lời đúng, mà không công bố câu trả lời để tránh cho các bạn bị cột chặt vào một đáp án cứng nhắc, ảnh hưởng đến sức tinh tấn của mọi người. Điều này, đi ngược lại tinh thần của tâm tông.                                                                        (09-05-2016)

Các bạn! ...  Giác ngộ trong Phật đạo rất quan trọng. Giác ngộ có rất nhiều tầng bậc, sâu cạn khác nhau, nó như một sợi dây xuyên suốt quá trình từ sơ tâm đến vô thượng bồ đề. Tu hành trong Phật đạo mà chưa giác ngộ, giống như người đi tìm châu báu, mà không biết châu báu là gì, hình dáng nó như thế nào. Con đường tiến về vô thượng bồ đề có rất nhiều kho châu báu như thế, được để ở những vị trí tuần tự khác nhau, người tu hành sẽ lần lược khai thác từng kho châu báu một, cho đến kho cuối cùng mới thôi.

Người không giác ngộ, cũng giống như người ngồi trong thau, muốn nhấc chiếc thau lên. Hoặc giả như, người tự nắm tóc muốn nhấc mình lên khỏi mặt đất. Đây là việc làm không thể đối với một con người. Các câu hỏi chính là "tác động ngoại lực" giúp nhấc bổng một người lên khỏi mặt đất. Các câu hỏi qua emails là hình thức bổ khuyết những thiếu sót trong điều kiện mình và các bạn không thể gặp nhau thường xuyên để trực tiếp trao đổi!

Các dấu hiệu của việc giác ngộ ban đầu, ngoài mười dấu hiệu mình đã gởi cho các bạn hôm trước, nó còn có một điểm đặc biệt rất dễ thấy, đó là: "Bỗng dưng tâm ý lặng mất. Mọi suy lường không còn hiện khởi" …

Nếu còn vài tập khí suy lường, sinh tâm sinh pháp, tập khí này sẽ tịch diệt theo thời gian do sức mạnh của giác ngộ. Giống như sương mù nếu có sẽ bị mặt trời xua tan trong chốc lát. Chỉ dấu vừa nêu sẽ giúp các bạn kiểm chứng thành quả tu tập! (12-05-2016)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG