Luận Về Thật Nghĩa Của Đạo Pháp

Các bạn! ... Hôm qua, mình và một số HĐ có chuyến du lịch ngắn, thăm Phi Lai Cổ Tự, ngôi chùa đã có rất lâu, nơi sản sinh ra nhiều Cao Tăng đương thời như Hoà Thượng Trí Tịnh, Hoà Thượng Thiện Nhơn. Đến chùa, đã hơn 12 giờ trưa, mình và mọi người được SĐ Giác Minh đãi cơm trưa. Bữa cơm chùa thật ngon! Một điều rất lạ là, không hiểu thế nào, mỗi khi được ăn cơm ở chùa, mình cảm thấy cơm ở đây ngon hơn những nơi khác!... Cơm chùa có khác!
Sau khi Lễ Phật, tham quan khuôn viên, xem công trình đang xây dựng chùa Phi Lai mới. Cả đoàn lên đường, tham quan Nhà Mồ Ba Chúc, nơi lưu giữ hài cốt của hàng trăm thường dân và trẻ em đã bị sát hại trong trận chiến biên giới Tây Nam, năm 1978. Ở đây, những bộ hài cốt được lưu giữ cẩn thận, sắp xếp ngăn nắp.
Chứng tích của cuộc thảm sát diệt chủng còn đó, giờ này, không biết hồn thiêng của những người vô tội đang về đâu? Đứng trong nhà mồ, chợt nhớ bài kinh đã đọc rất lâu, đại ý như sau: “Một hôm đi ngang qua Thi Lâm, nơi có vô số bộ xương được chất thành đống. Thế Tôn hướng về các bộ xương vái lạy! Thấy thế, các đệ tử hỏi duyên cớ Thế Tôn vái lạy các bộ xương? Thế Tôn trả lời: Trong đống xương khô ấy, có thân xác nhiều đời kiếp của ta, người thân của ta..!”
Trên đường trở về, hình ảnh những bộ hài cốt từ Nhà Mồ Ba Chúc khiến mình miên man suy nghĩ đến thân phận con người, suy nghĩ quy luật vô thường của ngũ ấm! Kết cục của một hữu tình là đâu? Mình lại thầm nghĩ, một hữu tình từ lúc sinh ra cho đến mất đi, với quãng thời gian tồn tại ngắn ngủi trong vòng trăm năm của một đời người, nếu người đó không được ánh sáng Phật pháp soi rọi, nếu không tìm thấy con đường Giác Ngộ. Cứ mải mê trôi lăn theo những quan niệm, rồi dựa vào các quan niệm ấy mà sinh tâm. Điều gì sẽ xảy ra ở cuối đoạn đường đời của họ?
Đêm đến, mình đọc được đoạn kinh sau:
- Trích Kinh Đại Bảo Tích_Phẩm “Pháp Hội Hằng Hà Thượng Ưu Bà Di” (HT. Thích Trí Tịnh_Hán dịch Việt; Xin cảm ơn Chị Ba đã gởi đoạn kinh!!!)
“− Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả các pháp như hư không, vì sao đức Thế Tôn lại nói về sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Cùng các giới (nhãn giới, nhĩ giới, tỷ giới, thiệt giới, thân giới và ý thức giới). Các xứ (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp). Nói 12 nhân duyên, hữu lậu, vô lậu, nhiễm, tịnh, sanh tử, Niết Bàn.
− Này Ưu Bà Di (Nữ Cư Sĩ) Như nói rằng: Ngã, (lúc nói ngã ấy) dù có lời nói, mà thiệt không có ngã tướng để được. Ta nói các sắc, cũng thiệt không có sắc tướng để được. Nhẫn đến nói Niết Bàn, cũng không có Niết Bàn tướng để được!
− Nầy Ưu Bà Di! Trong pháp của ta, những người tu phạm hạnh, thấy tất cả các pháp đều vô sở đắc, mới được gọi là người chơn tu phạm hạnh. Còn những người tăng thượng mạn nói hữu sở đắc, thì chẳng gọi là an trụ chơn phạm hạnh. Người tăng thượng mạn như vậy, khi nghe pháp thậm thâm này, sanh lòng rất kinh nghi (kinh sợ và nghi ngờ). Họ chẳng thể giải thoát ra khỏi sanh, lão, bịnh, tử ưu bi khổ não!”
Các bạn! ... Đoạn kinh trên giúp chúng ta nhìn ra ý vị thâm u. Thấu suốt đoạn kinh này, nhất định những u tối từ ba cõi (hữu) vĩnh viễn sẽ không còn, từ đây thật nghĩa của đạo pháp là gì? Sẽ như trái “a ma lặc” trong lòng bàn tay! Cảm kích trước những lời lẽ thâm diệu, cảm kích trước thiệt nghĩa từ lời kinh, cảm kích về sự khác biệt không thể nghĩ bàn giữa kinh bất liễu nghĩa và kinh liễu nghĩa. Mình có một số câu hỏi sau: (03-11-2018)
- CÂU HỎI TCTT 2018/12.1 – Luận Về… “Thật Nghĩa của Đạo Pháp”
1) Thiệt nghĩa của đoạn kinh đã trích ở trên, Phật dạy chúng ta phải tu tập như thế nào, khi đối trước các uẩn, xứ, giới, nhiễm, tịnh, hữu lậu, vô lậu, v.v...
2) Thành tựu “chơn phạm hạnh” được nêu trong đoạn kinh, khác biệt với phạm hạnh (không chơn thiệt) mà người “không giác ngộ” thường hiểu ở điểm nào? Xin cho ví dụ minh hoạ?
3) “Này Ưu Bà Di (Nữ Cư Sĩ)! Như nói rằng: Ngã, (lúc nói ngã ấy) dù có lời nói, mà thiệt không có ngã tướng để được. Ta nói các sắc cũng thiệt không có sắc tướng để được. Nhẫn đến nói Niết Bàn, cũng không có Niết Bàn tướng để được!” Từ đoạn kinh đã trích, bạn hãy cho một ví dụ thật cụ thể, để người đọc nhân đó, nhìn thấu những lời lẽ sâu kín của đoạn kinh?
4) Theo bạn, giả sử toàn bộ đoạn trích “Pháp Hội Hằng Hà Thượng Ưu Bà Di” ở trên là lời dạy bất liễu nghĩa (không liễu nghĩa) thì, Phật sẽ dạy người tu hành làm như thế nào khi đối trước uẩn, xứ, giới, nhiễm, tịnh, hữu lậu, vô lậu, v.v... (Chỉ cần mô tả sơ lược cách dạy).
5) Vì sao những người “tăng thượng mạn” (chưa chứng nói chứng, chưa giác ngộ mà tự cho đã giác ngộ). Khi nghe đoạn kinh trên, lại sinh lòng rất kinh nghi? Hãy nêu rõ, họ kinh nghi điều gì?
Rất mong, nhận được những kiến giải thâm diệu từ Các bạn! ...
GỢI Ý... TCTT 2018/12.1 – Luận Về… “Thật Nghĩa của Đạo Pháp”
Các bạn! ... Khi gởi đoạn kinh và đặt câu hỏi, mình biết rằng, ý nghĩa lời kinh cũng như các câu hỏi, có thể làm khó một số HĐ, nhưng cũng sẽ có một số HĐ hoan hỉ, điều này cũng không có gì là lạ. Vì bởi, thời gian tu tập, mức độ thấm nhuần giáo pháp trong HĐ chúng ta không đồng nhất, có người đã trải qua thời gian tu tập rất dài, có người mới đến với Lý Gia. Tuy nhiên, theo mình, điều này không phải là trở ngại lớn, chỉ cần chúng ta vạch ra con đường đúng, có phương pháp tốt, sức tinh tấn mạnh, một thời gian ngắn, khoảng cách mới và cũ nhất định sẽ được san bằng. Kinh nghiệm đã qua, cho chúng ta thấy điều này rất rõ!
Thời gian vừa rồi, các đề tài: “Thế gian, xuất thế gian”, “tứ y tứ bất y”, “hữu vi vô vi” được triển khai. Mỗi đề tài, mình cố gắng đào sâu và nhấn mạnh những điều cốt lõi của nó. Việc làm này, nhằm giúp các bạn hiểu ra sự khác biệt giữa “Tâm tông” và “Giáo tông”, hiểu ra sự khác biệt giữa phương tiện và cứu cánh, khác biệt giữa cứu cánh và tất cánh, khác biệt giữa quyền tiểu và trực chỉ, khác biệt giữa kinh liễu nghĩa và kinh bất liễu nghĩa. Từ đó, các bạn có thể nhận biết, đâu mới thật sự là tinh hoa của giáo pháp, Phật pháp đích thực là gì? Có thể nhập được các nghĩa này, thành tựu của các bạn, mới trở thành “chơn phạm hạnh”!
Nếu như, năm giai đoạn đi tìm một cái lõi cây đích thực được nêu trong kinh Đại Thí Dụ Lõi Cây, giảng nói cho Nhị Thừa, được coi là “mục tiêu của phạm hạnh” thì, các kinh liễu nghĩa, mà cụ thể đoạn kinh đã gởi đến các bạn, chính là công cụ sắc bén, giúp người tu hành, biến cái lõi cây đã tìm trở thành vật phẩm vô giá, gọi là “chơn phạm hạnh”. Mặt khác, khi đã biết cách biến “lõi cây phạm hạnh” trở thành “chơn phạm hạnh”. Với năng lực trực chỉ, với sự thấu triệt đâu là cứu cánh đâu là tất cánh, với tinh hoa giáo pháp đã tiếp nhận, người tu hành lần lượt sẽ ngộ ra, cành lá, vỏ ngoài, vỏ trong, giác cây hay lõi cây... tất cả những thứ ấy đều là vật phẩm vô giá, chứ không riêng gì lõi cây!
Có thấu suốt như thế, chúng ta mới thấy, giá trị khác biệt giữa tâm tông và giáo tông, giữa phương tiện và trực chỉ, giữa bất liễu nghĩa và liễu nghĩa, giữa cơ bắp và trí tuệ là không thể tính đếm!
Các bạn! ... Mục tiêu tối hậu của Phật đạo, không gì khác hơn là, xây dựng cho bằng được một “nhãn quan chân thiệt tối thượng”. Chính nhãn quan chân thiệt tối thượng, là thứ nhãn quan giúp người tu hành thấy được “thật tướng của vạn pháp”. Có thấy được thật tướng vạn pháp, mới biết rằng, những thấy biết hư vọng từ các loại nhãn quan hư vọng, là không thể được (bất khả đắc). Giống như một người sáng mắt, biết chắc rằng tất cả ngọn đèn trên cõi thế này, thật sự không có quầng và vĩnh viễn không có quầng.
Điều này, chỉ ra khác biệt rất lớn đối với những người mắt nhặm, với họ, nhìn đâu cũng thấy đèn có quầng, và họ luôn đoan chắc rằng “đèn kia có quầng”, đèn có quầng là sự thật hiển nhiên của người mắt nhặm! Với chơn thiệt tối thượng nhãn: Cành lá, vỏ ngoài, vỏ trong, giác cây, lõi cây đều “vô sở đắc”. Những thứ ấy, giống như màu sắc hiện ra từ cái quầng đèn, tuy người mắt nhặm có thấy, nhưng ở đó chơn thiệt chỉ là hư không. Đã là hư không thì, cái gì là sắc màu xanh đỏ. Nếu có ai đó cho rằng, tự thân có thể sở đắc những sắc màu xanh đỏ ấy, phải chăng đối với người mắt sáng, đây là biểu hiện không bình thường, biểu hiện của sự điên rồ tột độ! Giá trị giữa phạm hạnh và chơn phạm hạnh là gì? Chắc giờ này các bạn không còn thắc mắc!
Mọi thứ nhãn quan, đều bắt nguồn từ nhận thức, nhận thức thế nào, cho ra nhãn quan thế ấy, nhãn quan là biểu hiện chính của trí tuệ! Đạo Phật là đạo trí tuệ, tu tập trong Phật đạo là quá trình tăng ích trí tuệ, muốn trí tuệ tăng ích phải thay đổi nhận thức, nhận thức thay đổi nhãn quan thay đổi. Điều này giống như một người mù được chữa trị đúng cách, từ mù loà đến sáng ra, từ sáng ra đến sáng tỏ, từ sáng tỏ đến cực sáng. Cực sáng, mới là mục tiêu cuối cùng của việc chữa trị đôi mắt. Phật pháp, chính là thứ thuốc chữa mắt cho những chúng sinh mù loà (vô minh)! Từ mù loà đến cực sáng, quá trình này chỉ ra rằng, vì sao cùng một Phật đạo, mà lại có đến ba thừa. Từ đó, chúng ta có thể nhận biết sự khác biệt giữa nhục nhãn, thiên nhãn, pháp nhãn, huệ nhãn và Phật nhãn là như thế nào. Và cũng nhận biết, nhãn quan nào, mới là cái thấy cuối cùng của Phật đạo! Vừa rồi, mình có đọc được:
- Đoạn kinh Pháp Hội Thiện Đức Thiên Tử (Trích kinh Đại Bảo Tích, Phẩm Pháp Hội Thiện Đức Thiên Tử; HT. Thích Trí Tịnh _Hán dịch Việt) như sau:
“Tôi nghe như vầy!
Một lúc, đức Phật tại nước Xá Vệ, vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc cùng chúng đại Tỳ Kheo hơn một ngàn người, mười ngàn Đại Bồ Tát, với Thiện Đức Thiên Tử đồng ở trong pháp hội đó...
Bây giờ, Thế Tôn bảo Văn Thù Sư Lợi Đại Bồ Tát: Ông nên vì chư Thiên đại chúng và các Bồ Tát mà diễn nói cảnh giới thậm thâm của Chư Phật!
Văn Thù Sư Lợi bạch: Xin vâng, bạch Thế Tôn!!! Nếu người tu hành muốn biết cảnh giới Phật, thì nên biết rằng, cảnh giới thậm thâm của Chư Phật, chẳng phải cảnh giới (được thành tựu) bởi nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý... Cũng chẳng phải cảnh giới (được thành tựu) bởi sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Bạch Thế Tôn! Phi cảnh giới (không phải vô, bất, ly cảnh giới) là cảnh giới thậm thâm! Vì thế, xin Thế Tôn giảng nói, Vô Thượng Bồ Đề (nhãn quan tối thượng) hình thành do những thấy biết (nhận thức) nào?
- Đức Phật nói:
− Không cảnh giới: Vì các kiến bình đẳng!
− Vô tướng cảnh giới: Vì các tướng bình đẳng!
− Vô nguyện cảnh giới: Vì tam giới bình đẳng!
− Vô tác cảnh giới: Vì hữu tác bình đẳng!
− Vô vi cảnh giới: Vì hữu vi bình đẳng!
Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn, những gì là vô vi cảnh giới?
- Đức Phật nói: Vô niệm là vô vi cảnh giới!
... ... ...
- Đức Phật hỏi Văn Thù: Theo ông, cảnh giới chư Phật, nên cầu ở đâu?
Bạch Thế Tôn: Cảnh giới chư Phật, chỉ cầu ở trong phiền não của tất cả chúng sanh! Vì sao? Vì phiền não của chúng sanh bất khả đắc! Đây chẳng phải chỗ biết (nhận thức) của Thanh Văn, Duyên Giác!”
Đoạn kinh được trích ở trên cho chúng ta thấy rõ cảnh giới thậm thâm của chư Phật và những tính chất đặc trưng của cảnh giới đó. Cũng từ đoạn kinh này, chúng ta biết được, thế nào là hữu vi, thế nào là vô vi... Đường đi của hữu niệm và đường đi của vô niệm. Ở đây giúp chúng ta nhận ra, trung đạo không phải con đường ở giữa đối với hai bên là hữu và vô. Nó lại càng không phải, con đường được làm thành bởi trung bình cộng của hai pháp hữu vô. Bài kinh còn giúp chúng ta nhận ra thật nghĩa phiền não của tất cả chúng sanh. Và, cũng nhận ra, nhãn quan tối thượng của chư Phật đối với các nghĩa: “Không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, vô vi”. “Vô niệm là vô vi”. Một khái niệm mới được nêu lên!
Trong khái niệm mới này, vô niệm chẳng phải là không niệm, mà vô niệm chính là sự thấu suốt (nhận thức như pháp) tất cả hữu vi bình đẳng... Do nhận thức tất cả hữu vi bình đẳng nên không niệm hữu, cũng chẳng niệm vô. Không niệm hữu, chẳng niệm vô, gọi là “rốt ráo vô”. Đây chính là mấu chốt của vấn đề!
Các bạn! ... Vì sao người tu hành nên y kinh liễu nghĩa không y kinh bất liễu nghĩa, có lẽ bây giờ các bạn đã hiểu. Sự khác biệt giữa kinh liễu nghĩa và kinh bất liễu nghĩa như thế nào, chắc các bạn không còn mơ hồ. Và, đâu mới là phương cách đích thực, là phép tắc tu hành trọng yếu của Phật đạo có lẽ các bạn không còn nhầm lẫn. Có biết chắc, có hiểu rõ, có không nhầm lẫn... mới giúp các bạn vững tin, mạnh chân, bước trên con đường mình đã chọn. “Vô vi, vô niệm, vô sở đắc, chơn phạm hạnh, tối thượng nhãn...”. Tên gọi của những bến đỗ hạnh phúc. Nhất định HĐ chúng ta sẽ đến đó! (05-11-2018)
Câu hỏi đợt này mình nghĩ là những câu hỏi thuộc loại khó, rất ít HĐ trả lời đúng. Thực tế trái ngược, tính đến hiện tại, các vị HĐ của chúng ta tham gia, đều trả lời tốt các câu hỏi đặt ra. Điều này cho thấy rằng, các bạn đã hiểu thế nào là đạo xuất thế, cũng như đạo quả vô vi là gì. Nhưng, khi đọc kĩ các câu trả lời, trong cách trình bày của các bạn, mình có cảm giác chưa thật sự vượt thoát, có chút gì đó máy móc. Nói khác hơn, hình như các bạn thiếu tự tin trong cách trình bày, điều này dẫn đến cái oai phong, cái sừng sững của đại thừa hình như còn tận...trên...mây, chưa hề hạ... thế!... Mình có liên tưởng ngộ ngộ, giống như một mãnh tướng lẫm liệt ở chốn sa trường, nhưng lại khép nép, lí nhí khi đối diện với “bà mẹ vợ tương lai”!
Thứ nữa! Sự khác biệt cụ thể giữa kinh liễu nghĩa và kinh bất liễu nghĩa, nhiều bạn còn mơ hồ, chưa thật sự nhận biết. Vì thế, đã có sự nhầm lẫn khi trả lời câu hỏi thứ tư! Nói chung, đọc trả lời của các bạn, như lời tâm sự của Tâm Pháp trong trả lời lần trước là: “Tâm và trí chưa theo kịp nhau. Có cảnh giới tâm chứng, nhưng trí không mô tả được. Có cảnh giới trí chứng, nhưng tâm lại ù lì”.
Mình rất mong nhận được những câu trả lời vừa đầy đủ ý vị, vừa vượt thoát vừa mang dáng dấp sừng sững của ngọn núi đại thừa. Một cách trả lời như thế nào mà, khi đọc lên, người đọc cảm giác đang tận hưởng ngọn gió giải thoát, nhưng không thiếu dũng mãnh của tiếng gầm sư tử chúa, trong đó hiển hiện vẻ đẹp lung linh làm nổi bật những gì tinh hoa nhất của đại thừa pháp, khiến người phải “tâm phục khẩu phục”! Các bạn thử suy ngẫm, văn phong đại thừa khác văn tự thế tục là ở chỗ nào? (06-11-2018)
Nếu chỉ viết một cách hời hợt, viết để có viết, không đầu tư, không nỗ lực, viết mà không nghĩ đến cảm nhận người đọc thì, bài viết nhất định sẽ khó đạt yêu cầu! Hiểu đúng là một chuyện, trình bày cái hiểu của mình là một chuyện, trình bày để người đọc (người nghe) cảm nhận tốt, cũng như chấp nhận điều mình trình bày lại là một chuyện khác. Muốn có bài viết đạt yêu cầu, công tác chuẩn bị (kiến thức, nội dung, cách trình bày) trước khi viết là không thể thiếu. Sau khi viết, việc đọc lại thật kĩ, tự đánh giá, sửa chữa những bất hợp lí, hoàn thiện các lập luận chưa hoặc thiếu thuyết phục là việc làm quan trọng trước khi gởi đi nếu muốn những gì mình trình bày được người đọc đồng thuận!
Trong Bồ Tát đạo, ngoài việc thấm nhuần giáo pháp, việc học tập văn chương, triết lí, khoa học, v.v... của thế tục cũng quan trọng không kém. Vì rằng, muốn rộng đường giáo hoá, Bồ Tát phải am tường ngũ minh. Ngũ minh gồm: Nội minh, ngoại minh, y phương minh, công xảo minh và thanh minh. Trong đó, ngoại minh và thanh minh liên hệ trực tiếp đến năng lực trao đổi, viết lách. Vì thế, đọc tụng, tập viết, tập trình bày là những việc làm hầu như thường xuyên đối với những người học Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo. Khi viết, nói... chú ý đến cảm nhận của người nghe, (người đọc) sẽ giúp ta dần dần hoàn thiện kĩ năng truyền đạt. Các bạn thử tưởng tượng, khi các bạn đọc một bài văn, hay nghe ai đó trả lời, hoặc giải thích những điều của Phật đạo, mà ý tứ lộn xộn, văn chương rề rà, thiếu mạch lạc, lập luận không sắc bén, cở sở thiếu thuyết phục thì, nhất định các bạn sẽ khó có thể tiêu hoá nổi bài viết hay cuộc trao đổi ấy!
Mỗi lần đọc trả lời của các bạn, mình luôn mang hai tâm trạng, đó là “vừa mừng lại vừa lo”. Mừng vì, các bạn thấy được điều cần thấy của giáo pháp. Lo vì, với những gì được các bạn trình bày, đọc lên là nó cứ “anh ách” trong bụng. Nếu mãi như thế này, nếu các bạn không tự thay đổi thì, khái niệm “người già chỉ là đứa bé nhiều tuổi” đang rất...rất...đúng! (07-11-2018)
Mình dự tính nhận thêm một số trả lời nữa sẽ viết luôn một thể cho HĐ. Nhưng sau khi đọc trả lời của Tịnh Hiền và của Chị Hoan, mình không thể không viết điều gì đó để tán thán hai vị HĐ này. Đúng là hai vị nữ lưu đương thời! Danh xưng Lý Nữ Phương Danh đối với hai vị HĐ này thiệt không uổng! Mình rất muốn, ngay từ bây giờ, chuyển trả lời của hai vị HĐ này đến mọi người, để tất cả HĐ chúng ta cùng thưởng thức (cách trả lời mà theo mình, khó có những trả lời nào hay hơn được, xét cả văn phong lẫn ý nghĩa!). Nhưng, mình dừng lại. Vì đáp án không được phép tiết lộ khi thời gian trả lời của HĐ vẫn còn! (09-11-2018)
Các bạn! ... Đọc trả lời mình nhận thấy HĐ chúng ta phần lớn hiểu rất rõ ý nghĩa đoạn kinh đã trích, cũng như cách thức ứng dụng vào thực tế tu tập! Điều này cho thấy, sau thời gian dài thâm nhập giáo pháp ba thừa. Giờ đây, mọi người có thể vững vàng bước đi trên con đường Nhất thừa, hưởng dụng lợi ích thật sự từ các lời kinh liễu nghĩa. Để có thể thâm nhập Nhất thừa đạo, con đường duy nhất chảy ra biển Đại Giác. Từ đây, các dòng sông ba thừa, sẽ không còn tính chất cũng như tên gọi riêng lẻ. Mà, những cái được gọi là riêng đó, phải hoà nhập vào cái chung của dòng chảy Nhất thừa, chuẩn bị đón nhận vị chung của biển lớn. Biển lớn đó chính là biển Đại Giác, nói khác hơn, biển Đại Giác chính là trí tuệ tối thượng của chư Phật!
- Tính chất đặc trưng của ba thừa là, có tu, có chứng, có đắc. Tức, có Khổ để hết, có Tập để dứt và có Diệt để chứng! Chừng nào thật sự chứng Diệt đế, ở nơi ấy, người tu hành “lặng lẽ quan sát”, thẩm xét bổn tâm, mới chợt nhận ra: “Nơi đây bổn lai chẳng hề có Khổ, có Tập, có Diệt”, chỉ vì một niệm mê, bỗng dưng thấy có đây kia. Giống như người ngủ chiêm bao, thấy mình đang dùng thuyền bơi qua biển lớn, giậc mình thức giấc, mọi thứ đều không!
- Điều này kinh Lăng Già gọi là “mộng qua sông đã tỉnh”, Bát Nhã Tâm Kinh nói rằng “vô khổ tập diệt đạo, vô trí diệc vô đắc”. Lục Tổ sau khi giác ngộ, cũng nói rằng“bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhá trần ai”. Tinh thần vô niệm, vô sở đắc của kinh liễu nghĩa, chính là chân thật ngữ, đây là lời chơn thật của Đức Phật!
Tuy là lời chơn thật, nhưng nó cũng chỉ có thể nói với những ai đã thức giấc sau đêm dài chiêm bao ba cõi. Đó chính là cái thấy “đèn không quầng” của người không nhặm mắt! Tất nhiên, thấy biết của người đã thức giấc, của người không nhắm mắt chẳng thể là sự thật đối với người còn chiêm bao, còn đau mắt! Đến đây, có lẽ mọi người đã hiểu ra, vì sao Kinh Pháp Hoa lại nói rằng ba thừa không thật, hay không có hai hay ba thừa mà chỉ có một Phật thừa. Kinh Niết Bàn Phật dạy đại ý: “Biển Đại Giác sâu không cùng tận, sâu không tới đáy!” Nay chúng ta đã đến cửa biển Nhất thừa, để có thể hoà cùng biển lớn, để có thể biết được biển Đại Giác sâu đến đâu, chắc hẳn chúng ta phải vượt qua một hành trình trước mắt không hề đơn giản, cộng với các kĩ năng cần có của một thợ lặn chuyên nghiệp. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ thực hiện những điều trên!
- Theo mình, toàn bộ những câu trả lời của HĐ chúng ta đều là các tư liệu hữu ích, như mình từng nói: “Chúng ta học tất cả, sự học không bao giờ thừa! Hay cũng học mà dở cũng học! Xấu cũng học mà tốt cũng học! Học để hoàn thiện bản thân! Học cái hay để ta phát huy! Học cái dở để ta né tránh!” Nếu các bạn đọc kĩ, so sánh, đối chiếu, thẩm định, v.v... Các bạn có thể rút ra rất nhiều bài học quý báu như: Văn phong, cách trả lời, ý nghĩa, điều hay, điều dở, v.v... Rất sinh động, “Ất, giáp, bính, đinh, mậu, kĩ... Thiên can, địa chi, ngũ hành, bát quái...” không thiếu món nào! ... Xin gởi đến HĐ tham khảo các trả lời tiêu biểu.
(Tham khảo) CẢM NHẬN TCTT 2018/12.1 – Luận Về… “Thật Nghĩa Của Đạo Pháp”
(01) Cảm Nhận TCTT 2018/12.1− Luận Về... “Thật nghĩa...” (Lý Anh Lạc)
Kính Thầy! Con xin trả lời các câu hỏi như sau:
- Trả lời câu hỏi 1: Thưa Thầy! Thật nghĩa của đoạn kinh đã trích ở trên, Phật dạy chúng ta khi đối trước uẩn, xứ, giới, nhiễm, tịnh, hữu lậu, vô lậu... Chỉ nên vô niệm, vô sở đắc. Vì sao chỉ nên vô niệm, vô sở đắc? Vì thật tướng tất cả các pháp, uẩn, xứ, giới… hữu lậu, vô lậu. Vốn bình đẳng, không tướng, không tánh, nên không thể niệm, càng không thể sở đắc.
- Trả lời câu hỏi 2: Thưa Thầy! Phạm hạnh của người chưa giác ngộ, khác chơn phạm hạnh của người giác ngộ ở các đặc điểm:
− Người chưa giác ngộ còn thấy: Có uẩn, xứ, giới, nhiễm, tịnh, v.v... để tu, để diệt, để niệm, để chứng. Cụ thể, có pháp bất tịnh để từ bỏ, có pháp tịnh để sở đắc. Có hữu lậu tâm để tịch diệt, có vô lậu tâm để thành tựu. Có hữu vi cùng vô vi sai khác, v.v... Hay khác hơn, còn bỏ đây lấy kia, chưa thấu suốt thật nghĩa bình đẳng, gọi là người “chẳng an trụ chơn phạm hạnh”.
− Người đã giác ngộ nhận ra rằng: Các pháp như uẩn, xứ, giới, nhiễm, tịnh, hữu lậu, vô lậu. Tự nó bình đẳng. Vì bình đẳng nên vô niệm, vì vô niệm nên vô sở đắc, vì vô sở đắc nên vô vi, vô tác, vô nguyện. Thấu suốt như vậy, gọi là “chơn phạm hạnh”.
Ví dụ: Để minh hoạ sự khác biệt giữa “hữu vi phạm hạnh và vô vi phạm hạnh”. Hai đoạn kinh được trích sau, sẽ cho chúng ta thấy, một bên phải “lập niệm” tại bốn xứ thân, thọ, tâm, pháp để “có tri, có kiến, có minh, có đạt...” Một bên, nhờ “vô niệm” nên các uẩn, xứ, giới... bình đẳng, vô niệm, vô vi...
- Kinh giáo Bồ Tát vô niệm (thành tựu vô vi phạm hạnh):
“...Văn Thù Sư Lợi bạch: Xin vâng, bạch Thế Tôn! Nếu người tu hành muốn biết cảnh giới Phật, thì nên biết rằng, cảnh giới thậm thâm của Chư Phật, chẳng phải cảnh giới (được thành tựu) bởi nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý... Cũng chẳng phải cảnh giới (được thành tựu) bởi sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.
Bạch Thế Tôn! Phi cảnh giới (không phải vô, bất, ly cảnh giới) là cảnh giới thậm thâm! Vì thế, xin Thế Tôn giảng nói, Vô Thượng Bồ Đề (nhãn quan tối thượng) hình thành do những thấy biết (nhận thức) nào? Đức Phật nói:
- Không cảnh giới: Vì các kiến bình đẳng!
- Vô tướng cảnh giới: Vì các tướng bình đẳng!
- Vô nguyện cảnh giới: Vì tam giới bình đẳng!
- Vô tác cảnh giới: Vì hữu tác bình đẳng!
- Vô vi cảnh giới: Vì hữu vi bình đẳng!
Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn: Những gì là vô vi cảnh giới?
Đức Phật nói: Vô niệm là vô vi cảnh giới!
............ (Trích Pháp Hội Thiện Đức Thiên Tử)
- Kinh giáo Nhị thừa hữu niệm (thành tựu hữu vi phạm hạnh):
“Tôi nghe như vầy!
Một thời Đức Phật du hóa tại Câu-lâu-sấu, ở Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp của Câu lâu. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Có một con đường tịnh hóa chúng sanh, vượt qua lo sợ, diệt trừ khổ não, chấm dứt kêu khóc, chứng đắc Chánh pháp. Đó là Bốn niệm xứ.
“Bốn niệm xứ là những gì? Đó là, quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm và quán pháp trên pháp.
“Thế nào gọi là niệm xứ quán thân trên thân?... “Tỳ-kheo khi đi thì biết mình đi, đứng thì biết mình đứng, ngồi thì biết mình ngồi, nằm thì biết mình nằm, ngủ thì biết mình ngủ, thức thì biết mình thức, ngủ say thì biết mình ngủ say. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thân như thân; quán ngoại thân như thân; lập niệm tại thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân trên thân.
“Thế nào gọi là niệm xứ quán thọ trên thọ? ... Tỳ-kheo khi thọ nhận cảm giác lạc liền biết đang thọ nhận cảm giác lạc, khi thọ nhận cảm giác khổ liền biết đang thọ nhận cảm giác khổ, khi thọ nhận cảm giác không lạc không khổ liền biết đang thọ nhận cảm giác không lạc không khổ. Khi thân thọ nhận cảm giác lạc, thân thọ nhận cảm giác khổ, thân thọ nhận cảm giác không lạc không khổ; khi tâm thọ nhận cảm giác lạc, tâm thọ nhận cảm giác khổ, tâm thọ nhận cảm giác không lạc không khổ; cảm giác lạc khi ăn, cảm giác khổ khi ăn, cảm giác không lạc không khổ khi ăn; cảm giác lạc khi không ăn, cảm giác khổ khi không ăn, cảm giác không lạc không khổ khi không ăn; cảm giác lạc khi có dục, cảm giác khổ khi có dục, cảm giác không khổ không lạc khi có dục; cảm giác lạc khi không có dục, cảm giác khổ khi không có dục, cảm giác không lạc không khổ khi không có dục. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thọ như thọ, quán ngoại thọ như thọ, lập niệm tại thọ, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thọ trên thọ.
“Thế nào gọi là niệm xứ quán tâm trên tâm? ... Tỳ-kheo có tâm tham dục thì biết đúng như thật có tâm tham dục, có tâm vô dục thì biết đúng như thật là có tâm vô dục. Khi có sân hay không sân, có si hay không si, có ô uế hay không ô uế, có hợp hay có tan, có thấp hay có cao, có nhỏ hay có lớn; tụ hay không tụ, định hay không định, giải thoát hay không giải thoát. Cũng như vậy, có tâm giải thoát thì biết đúng như thật có tâm giải thoát; có tâm không giải thoát thì biết đúng như thật là có tâm không giải thoát. Tỳ-kheo như vậy, quán nội tâm như tâm, lập niệm tại tâm, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy là Tỳ-kheo quán tâm trên tâm.
“Thế nào gọi là niệm xứ quán pháp trên pháp? ... Khi con mắt duyên sắc, sanh nội kết, nếu Tỳ-kheo bên trong thật có kết thì biết đúng như thật là bên trong có kết; bên trong thật không có kết thì biết đúng như thật là bên trong không có kết. Nội kết chưa sanh, bây giờ sanh, biết đúng như thật. Nội kết đã sanh và được đoạn trừ, không sanh lại nữa, biết đúng như thật. Với tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng giống như vậy. Khi ý duyên pháp, sanh nội kết, nếu Tỳ-kheo bên trong thật có kết thì biết đúng như thật là bên trong có kết, bên trong không có kết thì biết đúng như thật là bên trong không có kết, nội kết chưa sanh bây giờ sanh; biết đúng như thật nội kết đã sanh và đã được đoạn trừ, không sanh lại nữa, biết đúng như thật. Tỳ-kheo như vậy quán nội pháp đúng như pháp, quán ngoại pháp đúng như pháp, lập niệm tại pháp, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán pháp trên pháp, nghĩa là quán sáu xứ bên trong...” (Trích kinh Tứ Niệm Xứ)
- Trả lời câu hỏi 3: Thưa Thầy! Để có một ví dụ, nhằm minh hoạ giúp đoạn kinh trên trở nên dễ hiểu. Theo con, có lẽ không một ví dụ nào tuyệt vời hơn câu chuyện về“cái quầng đèn của người nhặm mắt” cùng hình ảnh “sừng thỏ lông rùa”. Câu chuyện cái quầng đèn và hình ảnh sừng thỏ, lông rùa... mô tả rõ nét, đầy đủ nhất về thật nghĩa hữu vi tướng và vô vi cảnh giới. Người đọc, có thể nhân đây hiểu được thâm ý lời Phật.
- Trả lời câu hỏi 4: Thưa Thầy! Theo con, bài kinh Tứ Niệm Xứ được trích dẫn ở trên, mô tả cụ thể nhất cách thức người tu hành (chưa giác ngộ) phải làm thế nào khi đối trước uẩn, xứ, giới, v.v... trên tinh thần kinh bất liễu nghĩa.
- Trả lời câu hỏi 5: Thưa Thầy! Vì đoạn kinh trên nói về cảnh giới thậm thâm của chư Phật, của chơn phạm hạnh. Tức cảnh giới vô vi, rốt ráo không, các kiến bình đẳng, các tướng bình đẳng. Cho nên, những người tăng thượng mạn (chưa chứng nói chứng) sẽ vô phương hiểu được, họ không thể tin cảnh giới thậm thâm của chư Phật là như vậy. Vì thế, họ kinh sợ và nghi ngờ là điều đương nhiên... Thưa Thầy! Kính Thầy chỉ dạy thêm cho con. Con kính lễ Thầy ba lạy. Con, Lý Anh Lạc (Tịnh Hiền)
(02) Cảm Nhận TCTT 2018/12.1 - Luận Về... "Thật Nghĩa..." (Lý Ngọc Hỷ)
Kính Bạch Thầy! Con xin thành kính đảnh lễ Thầy ba lễ. Kính HĐTM! Con xin được kiến giải các câu hỏi của TCTT 2018/12.1:
- Trả lời câu hỏi 1: Thưa Thầy! Thiệt nghĩa của đoạn kinh đã trích ở trên, Phật dạy chúng ta tu tập theo cảnh giới "Vô Niệm" của đạo "Nhất Thừa". Trong cảnh giới này, khi đối trước các uẩn, xứ, giới, nhiễm, tịnh, hữu lậu, vô lậu, v.v... thấy tất cả các pháp đều “Bình Đẳng". Vì bình đẳng nên "Hữu Vi, Vô Vi" không hai, tức hữu vô không phải là hai pháp sai biệt. Do hữu vô không sai biệt, cho nên người tu hành thấy được “Thiệt Tướng”, thấy thiệt tướng sẽ “không bỏ hữu cầu vô”, vì thế thành tựu "Vô Niệm”, cảnh giới này tạm gọi là “Vô Vi ".
- Trả lời câu hỏi 2: Thưa Thầy! Người thành tựu “chơn phạm hạnh” trong đoạn kinh trên, là người thấy rõ tất cả pháp bình đẳng, vô sở cầu, vô sở đắc, lấy "Vô Niệm" làm “Tông”, "Vô Tướng” làm “Thể” và “Trụ” nơi "Vô Sở Trụ". Có nói ra điều gì, cũng vì an vui của hữu tình, như tiếng vọng từ hang núi, không năng thuyết, không sở thuyết. Người không giác ngộ, với phạm hạnh “chưa chơn thiệt” còn có “sở cầu”, tức phải nương vào các pháp để tu, còn có “sở đắc”, tức còn thấy có tu, có chứng, có đắc.
Đối với người đã giác ngộ chơn thiệt, thấy rằng: "Cuộc đời chỉ là một vở tuồng, nhập vai diễn như thế nào… diễn ra sao… cũng vì an vui của chúng sanh… ". Với người không giác ngộ, thì ngược lại: “Họ là vai diễn, vai diễn là họ, không tự thoát ra khỏi những hư vọng của sân khấu cuộc đời”.
- Trả lời câu hỏi 3: Thưa Thầy! Theo nhận thức của con, lời Phật dạy ở đoạn kinh trên, Phật nói về Ngã, về Sắc, về Niết Bàn… là vì chúng sanh đang vướng mắc trong tâm, Phật nương theo những văn tự (ngã, sắc, … niết bàn...) này để chỉ cho chúng hữu tình thấy, đó cũng chỉ là quan điểm, quan niệm, khái niệm… do “thức mê” sinh ra (sinh Pháp) khi có sự phân biệt. Quan điểm, quan niệm, khái niệm (các pháp) … không tướng, không tánh, không có thực, nên vô sở cầu và cũng vô sở đắc. Ví dụ: Ngoài 5 đại là địa đại, thuỷ đại, phong đại, hoả đại và không đại. Chúng hữu tình còn có thêm hai đại là thức đại và kiến đại. Nhờ đó chúng hữu tình mới có đủ điều kiện để học tập và tu hành.
− Thế giới vô tình (5 đại) như cỏ cây hoa lá, bình, bàn, nhà cửa, v.v... bản nhiên không có và cũng không bao giờ nói “mình có tánh, có tướng”, vì “vô tình” không có thức đại và kiến đại.
− Hữu tình (7 đại) khi bất giác khởi lên, tâm thức chạy theo trần cảnh, thế giới “đang không tánh, không tướng” chuyển thành “có tánh, có tướng”, đem nhà cửa, xe cộ, tiền bạc, v.v... vào tâm, để thấy đúng sai, phải trái, đẹp xấu, hơn thua... sinh pháp, sinh tâm biến “hữu tình” trở thành “chúng sanh”, trôi lăn trong ba cõi khổ.
Ở trong ba cõi khổ, chúng sanh muốn tìm đường thoát ra, lại bám víu vào ngã, sắc, niết bàn... để tu. Phật chỉ rõ, cách chúng sanh đang tu là bỏ cái khổ này để lấy cái khổ khác, mới chỉ ra rằng, ngã, sắc, niết bàn... đó cũng chỉ là quan điểm, quan niệm do (thức) sinh pháp mà ra. Khi nào tâm thức thấy biết (các pháp) ngã hay vô ngã, sắc hay vô sắc, niết bàn hay địa ngục đều “Bình Đẳng”, không thể sở đắc. Lúc này “hành tâm” dừng, Tâm không còn một niệm khởi lên, tạm gọi là “Vô Niệm”, cảnh giới “Vô Lậu” sẽ hiện. Như lời Phật dạy: “…Trong pháp của ta, những người tu phạm hạnh, thấy tất cả các pháp đều vô sở đắc, mới được gọi là người chơn tu phạm hạnh”
- Trả lời câu hỏi 4: Thưa Thầy! Theo con, giả sử toàn bộ đoạn kinh trích trong Pháp Hội Hằng Hà Thượng Ưu Bà Di ở trên, nếu là lời dạy “bất liễu nghĩa”, khi đối trước uẩn, xứ, giới, nhiễm, tịnh, hữu lậu, vô lậu, v.v... tùy theo căn cơ của người cầu pháp, Phật sẽ có cách dạy phù hợp đưa người đến Giác Ngộ, Giải Thoát.
− Đối với người tu hạnh Thanh văn, Phật sẽ dạy yểm ly, lấy “Thân” làm đối tượng chính. Do yểm ly triệt để, vị ấy thoát khỏi ràng buộc của ba cõi, chứng quả A La Hán.
- Đối với người tu hạnh Duyên Giác, Phật dạy nương vào mười hai nhân duyên, quán “Thọ” để cắt một duyên trong 12 nhân duyên, thoát ra khỏi luân hồi sanh tử khổ, chứng Bích Chi Phật.
- Đối với người tu hạnh Bồ Tát (Quyền thừa), Phật dạy không sanh “Tâm”, sanh “Pháp” (không để “thức” sai sử) khi sáu căn tiếp xúc sáu trần. Thành tựu hai vô sanh, chứng Diệt Đế.
- Trả lời câu hỏi 5: Thưa Thầy! Theo con, những người tăng thượng mạn (chưa chứng nói chứng, chưa giác ngộ mà tự cho đã giác ngộ, v.v...). Khi nghe đoạn kinh Phật dạy: “…Trong pháp của ta, những người tu phạm hạnh, thấy tất cả các pháp đều vô sở đắc, mới được gọi là người chơn phạm hạnh..." lại sinh lòng rất kinh nghi (kinh sợ, nghi ngờ).
− Vì sao họ kinh sợ? Vì còn sở đắc (còn thấy có pháp để tu, có quả để chứng). − Vì sao họ nghi ngờ? Vì còn sở cầu (còn nương vào pháp để tu).
Trên đây là những kiến giải đầu tiên của con, khi trình bày về cảnh giới Vô Vi, còn nhiều thiếu sót, xin Thầy cùng các HĐTM chỉ dạy thêm. Kính bút, Con.
(03) Cảm Nhận TCTT 2018/12.1− ... Về... “Thật nghĩa...” (Lý Tâm Pháp)
Thưa Thầy! Con xin tập trả lời câu hỏi như sau:
- Trả lời câu hỏi 1: Khi đối trước các uẩn, xứ, giới, nhiễm, tịnh, v.v... Kinh dạy chúng ta phải biết rằng, các pháp đó đều vô sở đắc, vì thiệt tướng của nó là không, tức không tánh không tướng.
- Trả lời câu hỏi 2: Người thành tựu “chơn phạm hạnh” khác biệt với phạm hạnh của người “không giác ngộ” ở thấy biết (nhãn quan). Nếu thấy biết các pháp vô sở đắc, thành tựu vô niệm, đó là thấy biết của chơn phạm hạnh. Còn những người không biết các pháp như mộng huyễn, trong lòng có sở đắc thì sẽ thành tựu phạm hạnh không chơn thiệt.
- Trả lời câu hỏi 3: Kinh dạy: “Thiệt tướng là nhất tướng, nhất tướng là vô tướng”. Như vậy, ngã, sắc, uẩn, xứ, giới...tự thể vô tướng. Giống như sừng thỏ lông rùa, có tên mà không có tướng, cũng giống như người nhặm mắt thấy đèn có quầng.
- Trả lời câu hỏi 4: Nếu đoạn kinh trên là bất liễu nghĩa, thì Phật sẽ dạy: Đối trước uẩn, xứ, giới, nhiễm, tịnh… phải biết thủ hộ các căn, xa lìa ô nhiễm, không mất chánh niệm, tăng trưởng thiện căn, v.v... Xa rời ba cõi để được Niết Bàn an vui.
- Trả lời câu hỏi 5: Những người tăng thượng mạn khi nghe đoạn kinh trên rất khó tin và hiểu. Vì đối với họ, mục tiêu tu hành là để thành tựu một điều gì đó gọi là hữu sở đắc. Khi nghe đến vô niệm, vô sở đắc. Giống như người nghèo, chiêm bao thấy mình giàu có. Trong giấc chiêm bao có người nói rằng, sự giàu có kia chỉ là chiêm bao, tài sản trong giấc mơ không thật, ông là người nghèo khổ. Người ấy nghe những lời thật như thế, vừa kinh sợ, vừa nghi ngờ là điều tất nhiên.
Trên đây là những kiến giải thô thiển của con. Xin Thầy chỉ dạy thêm để con hiểu thấu hơn. Con.
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






