Bốn Đế Và Ba Thừa – Tập Đế

 0
Bốn Đế Và Ba Thừa – Tập Đế

Tập là nói trước ‘không’ nay ‘có’, tức là do huân tập mà có không phải vô thủy đã có. Vì vậy, TẬP ĐẾ lấy trước không nay có làm TẬP.  ĐẾ nghĩa là nơi chốn, là cơ sở để TẬP biến thành phiền não.

Đến bao giờ pháp TẬP có chỗ y cứ để sinh phiền não trói buộc, tức thân tâm hiện hữu yếu tố làm nên khổ đau, hoặc che đậy dẫn đến mê lầm thì TẬP ĐẾ bây giờ mới đủ yếu tố cấu thành.

Vì vậy TẬP ĐẾ còn có tên gọi là: Tập nhân khổ đế. Bởi vì, nếu TẬP không có đế, tức không có yếu tố làm nên khổ đau hoặc dẫn đến mê lầm, thì nhất định TẬP kia trước không nay cũng không, vì nếu có thì có với ai và ai là chủ thể của TẬP.

TẬP còn có nghĩa là sự chuyển biến, nếu không có chuyển biến thì TẬP chẳng thể TẬP, bởi lẽ hư không thanh tịnh không tự TẬP. Sự chuyển biến này một khi có ĐẾ dự phần làm nền tảng khiến chúng sinh trôi lăn, rời xa bản nguyên hoặc sinh phiền não, thì bây giờ trong TẬP có thêm ‘hành.

Cho nên, hành còn là thành tố giúp TẬP cộng sinh với ĐẾ. Nếu hành cộng sinh với đế, thời hành này gọi là “hành khổ.” Hành luân chuyển khắp ba cõi, không giống như khổ khổ và hoại khổ.

Nói đến TẬP ĐẾ là nói đến huân tập và lưu chuyển có chủ thể, từ chủ thể này nên có chúng sanh tập và pháp để tập. Vậy có thể coi ĐẾ là chủ thể của TẬP, nếu tập không có đế thì đồng hư không tập, không thể là nguyên nhân sinh pháp.

Có vô số pháp tập, nhưng Tập Nhân chính để chúng sanh khổ gồm: Các món căn bản tích chứa dục ái (ngũ uẩn), hoặc vô minh làm mê mờ bản tâm (sanh các pháp hư vọng), do hư vọng quay lại tham đắm các pháp, tham đắm lớn dần thành si, do si mê nên bị pháp trói buộc gọi là kiết sử.

Cũng có khi nguyên nhân sinh khổ do lầm nhận (như sợi dây lầm con rắn), đã lầm rồi lại chấp trước (chấp con rắn có thể giết người), phát sanh phiền não, do phiền não năng sở in tuồng là hai; vì là hai nên năng sở thiên lệch tạo thành độ dốc khiến nguồn tâm trôi lăn, “chư hành vô thường, thị sinh diệt pháp.”

Như vậy, những món căn bản có thể tích tập khổ đau xét cho cùng không ngoài bốn niệm xứ, mọi khổ đau đều y nơi bốn món mà phát sinh. Đó là: Khổ đau từ thân, khổ đau do các cảm thọ, khổ đau sinh khởi từ tâm, hoặc khổ đau do lầm nhận tướng hư vọng.

Xét căn nguyên, bốn món này tự mỗi món bản lai thanh tịnh, chỉ vì vô minh, tham ái nên phát sinh phiền não. Từ đó bốn món ‘THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP’ trở thành đối tượng chính bị cáo buộc là ‘nguyên nhân của mọi nguyên nhân’ gây ra phiền phức.

Phật giáo ý thức rất rõ sự ngộ nhận này, từ đó truy tìm thủ phạm gây ra mọi lỗi lầm, hòng trả lại trong sạch cho nghi can. Sau khi tìm thấy đầy đủ bằng chứng ngoại phạm của TẬP, đồng thời cũng chỉ ra rằng các ĐẾ mới đích thực là thủ phạm.

Sự minh bạch trong vụ việc này đã khiến cho ba thừa biết đâu là chơn đâu là vọng, và cũng biết rõ đâu là căn bản phát sinh vọng tưởng. Từ đó dùng phương tiện đưa bốn niệm xứ trở về bản nguyên của nó, giống như dứt bệnh lòa do chữa lành con mắt, điều này Phật giáo gọi là ‘‘tự thể ứng chơn.’’

Cũng chính minh bạch vấn đề khiến ba thừa biết rõ đối tượng cần phải giáo dục, và dùng biện pháp nào để giáo dục. Một khi đối tượng đã được “giáo dục đến nơi đến chốn” thì sự hư hỏng kia bỗng nhiên trở thành “đại nhân” theo ý nghĩa Phật giáo. Một khi bốn niệm xứ không còn chỗ dựa nương để tích tập các món phiền não, hoặc không bị “vô minh che đậy nên điên đảo mê lầm,” hay “bởi do ba nghiệp sáu căn quen theo thói chẳng lành” thì cho dù có bốn món hay không có bốn món cũng chưa gọi là khổ, vì bốn món này chưa phát sinh đau khổ.

Vì vậy, cơ sở để bốn món dựa nương khiến chúng sanh phiền não, Phật giáo gọi là ĐẾ.

Ví dụ như A Nan có tâm mà tâm không còn chủng tử dục thì khi gặp Ma Đăng Già có phát sinh hoạn họa chăng? Điều này nói lên TẬP phải có ĐẾ, khi tập có đế, tập này mới chính là tập nhân khổ đế.

Trong giáo pháp, mười hai nhân duyên vừa là tập nhân, vừa là khổ đế, bởi trong đây có đủ THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP (ĐẾ) và vô minh, hành, xúc, ái…(TẬP). Mười hai món này gồm đủ như vậy nên trong kinh Phật dạy: “Mười hai nhân duyên, bậc thượng căn khi quán sát, thấu suốt có thể thấy Phật tánh.”

Tóm lại, xét tận nguồn cơn thì TẬP ĐẾ cũng là vô thường, vô thường bởi do huân tập trước không nay mới có, mà những gì thuộc về vô thường thì có thể làm cho dứt diệt được. Như vậy tại sao trước không nay chẳng không? Đây là tiền đề quan trọng để cho đế vĩnh viễn không là cơ sở sinh tập, hay nói khác đi tập không còn chỗ dựa để sinh tồn.

Vì tính chất quan trọng như vậy nên người tu hành cần tìm xem ĐẾ là gì, bản chất nó ra sao. Khi thấu suốt bản nguyên của ĐẾ mới hết lầm nhận các giá trị hư vọng từ đế. Một khi ĐẾ đã hết bị lầm nhận thì tập không hiện khởi, cũng như con mắt hết bệnh thì hoa đốm khắc diệt. Điều này Phật thường ví như cây Ta La bị chặt ngọn thì không còn sanh khởi trở lại. Nói chung KHỔ TẬP DIỆT ĐẠO là bốn món nhưng cùng chung một ĐẾ, khi ĐẾ là chơn thì khổ tập diệt đạo tự chơn. Đây là chiếc chìa khóa mở cánh cửa Niết Bàn của ba thừa. Cho nên Phật dạy: "Không biết bốn ĐẾ, chính là khổ đế."

(còn nữa)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG