Bốn Đế Và Ba Thừa – Diệt Đế

 0
Bốn Đế Và Ba Thừa – Diệt Đế

Thuật ngữ DIỆT ĐẾ Phật chỉ rõ là Diệt nơi Đế, có nghĩa nhắm thẳng vào đế để diệt, diệt ngay nguyên nhân phát sinh vọng tưởng. Nhưng phần lớn người tu hành không chú trọng thuật ngữ này, nói là DIỆT ĐẾ nhưng khi tu hành họ lại nhắm nơi TẬP để DIỆT.

Vì thế chủ trương diệt tham sân, hay tiêu diệt vọng tưởng không có khả thi. Làm như vậy chẳng khác nào "lấy đá đè cỏ,” vì vọng tưởng, tham sân, phiền não chỉ là tập nhân, đây là sản phẩm của mê lầm chơn đế, không có thực thể.

Ví dụ như tham, trước khi tâm phát khởi tham thì tâm không tham, đã không tham thì lấy gì để diệt. Còn khi tâm đang tham thì toàn tâm là tham, đâu thể lấy tham diệt tham. Khi hết tham thì lại càng không thể diệt.

Hoặc người đời có tham thân này là chỉ vì ngộ nhận thân này là của ta, nếu biết rằng ta chẳng phải tác giả chẳng phải thọ giả của thân thì tham để làm gì? Còn nếu không giác ngộ điều này thì chẳng bao giờ đoạn dứt tham thân.

Cho nên muốn viên mãn DIỆT ĐẾ phải biết đối tượng cần diệt và phương pháp tiêu diệt, giống như người xạ thủ muốn bắn trúng mục tiêu cần thấy rõ mục tiêu, mục tiêu càng gần xác suất bắn trúng đích càng lớn. Trong kinh điển Phật giáo chỉ nói khổ đế, tập đế, diệt đế, chưa thấy bao giờ Phật dạy DIỆT TẬP.

Bây giờ xét đến nguyên lý dứt DIỆT, sở dĩ DIỆT ĐẾ ra đời là vì xét tận nguyên nhân sanh khởi hư vọng của ĐẾ chính là mê lầm. Mà đã nói đến mê lầm thì bản chất của mê lầm không thực, có nghĩa mê lầm chỉ là một thứ bệnh nào đó của thân tâm. Hay khác hơn đây chỉ là sự lầm nhận bản chất sự việc, nếu làm rõ bản chất thì sự việc không còn lầm lộn.

Ví dụ như một khối vàng đặt cạnh củ khoai lang, nếu nơi văn minh thì người ta chọn khối vàng từ bỏ củ khoai. Nhưng đem hai vật này đến một dân tộc bán khai chưa biết giá trị của vàng là gì thì nhất định ở đây người ta chọn củ khoai mà từ bỏ khối vàng.  Vì sao đồng một sự việc mà hai thái độ đối nghịch lẫn nhau? Như vậy bản chất của vàng và khoai lang cái nào quý hơn?

Từ đây ta thấy rõ bản chất của sự lầm nhận giá trị nên cái này khác cái kia. Chính hai thái độ nêu trên nói rõ tính chất vô thường và chuyển biến của sự việc, từ đó suy ra các pháp nương tựa vào ĐẾ đã TẬP (tập đế) nay có thể dứt DIỆT nếu thấy được nguồn cơn. Tóm lại DIỆT ĐẾ y cứ sự vô thường dời đổi làm chỗ diệt, vì rằng các pháp nếu là thường thì pháp này không thể diệt.

Ví dụ phiền não khởi lên trong tâm, theo thời gian phiền não này tự diệt, hoặc khi thắng pháp hiện hữu thì phiền não bị đẩy lùi. Chính nguyên lý này nói lên tính chất của DIỆT ĐẾ. Chúng sanh niệm niệm sanh diệt, diệt rồi lại sanh, các pháp tự sanh tự diệt.

Ngay trong thế pháp, người đời cũng biết rõ phiền não có thể diệt được. Người ta dùng các phương tiện thế gian để làm lắng dịu phiền não, ví dụ tìm vui nơi ngũ dục. Phương tiện diệt này chỉ là biện pháp chữa cháy có tính cách tạm thời, không đưa tới vĩnh viễn đoạn trừ phiền não, vì rằng cái gì diệt được thì sanh được.

Chính vì thế thánh pháp ra đời để hỗ trợ và chỉ ra nguyên nhân sanh phiền não là do mê lầm chơn đế. Một khi chơn đế bị mê thì tức thời phát sanh vọng giác, vọng giác tùy thuộc nghiệp thức nên phiền não hiện hành. Để thỏa mãn điều kiện dứt diệt vĩnh viễn này, việc làm sạch các đế là biện pháp tối ưu để phiền não không quay trở lại. Giống như hình thức nhổ cỏ tận gốc, nếu không diệt đúng pháp như vậy thì phiền não thế nào cũng tái sanh. Điều này được Phật giáo chỉ rõ thông qua hình tượng của quả vị Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ định, nỗ lực cao nhất để chiến thắng phiền não của một chúng sanh mà chư Thiên hay Tu Bạt Đà La là một ví dụ.

Cũng trong tính chất vô thường này, Phật giáo khai thác triệt để nguyên lý trên bằng cách chỉ cho ba thừa giác ngộ chỗ diệt và cũng cho biết để DIỆT này vĩnh viễn tịch diệt, phải dùng phương tiện đặc biệt, đó là sự GIÁC NGỘ.

Giác ngộ chính là tự nhận ra chơn tánh của các pháp. Thấy được tính chất thanh tịnh không sai khác của tự tâm, hay khác đi là trả các pháp trở về bản nguyên của nó, không đem kiến văn giác tri hư vọng tham gia vào các trần làm cho các trần sinh pháp.

− Cụ thể hơn đó là giác ngộ thân thọ tâm pháp bản lai thanh tịnh, đó là công việc đưa Ý CĂN ra khỏi Ý THỨC và ý căn bây giờ trở thành DIỆU QUAN SÁT TRÍ.

− Các căn còn lại của thân trả về chỗ thành tựu ban đầu không bị tiền ngũ thức chi phối gọi là THÀNH SỞ TÁC TRÍ.

− Trong tâm sự so sánh phân biệt các pháp không xảy ra, tính chất nhị nguyên bị triệt tiêu, ngã và ngã sở không thể thành lập nên gọi là BÌNH ĐẲNG TÁNH TRÍ.

− Tự tâm an lạc gọi là ĐẠI VIÊN CẢNH TRÍ.

  • Nói khác đi viên mãn DIỆT ĐẾ là chỗ ‘tự ngộ’ không phải do tu hành sanh. Tu hành chỉ là công cụ làm mỏng nhẹ sự ngăn che của thức nghiệp.
  • Tu hành là pháp làm ra, mà cái gì làm ra thì không thể KHÔNG, nó cũng không VÔ TƯỚNG, lại càng không VÔ TÁC. Tu hành thì lại không thể đưa đến VÔ NGÃ, vì sự tu chính là ngã.
  • Mong rằng nơi ngã này tìm thấy vô ngã, giống như lấy nước mong làm khô nước, lấy lửa mong làm tắt lửa là điều không thể xảy ra. Mà hễ chưa thấy được ‘tự tâm vô ngã’ thì đừng mong giải thoát hoàn toàn, mà DIỆT ĐẾ chính là giải thoát hoàn toàn nên diệt đế phải là sự THỂ NHẬP PHÁP ẤN của các thừa.

(còn nữa)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG