Bốn Đế Và Ba Thừa – Đạo Đế

Trong Phật pháp, có lẽ ĐẠO ĐẾ là phần rộng nhất và sâu nhất của giáo pháp. Bởi ĐẠO ĐẾ chuyển biến cùng khắp trong ngũ thừa (Nhân thừa, Thiên thừa, Nhị thừa, Bồ Tát thừa, và Phật thừa).
Mỗi một thừa, dù đã giác ngộ hay chưa giác ngộ, nói chung là một Phật tử thì không thể không dùng đạo đế để tu tập. Vì nếu không tu tập 37 phẩm, thì không thể giác ngộ như pháp và cũng không thể nào thấy đúng cứu cánh Phật giáo.
Chính rộng sâu như vậy nên 37 phẩm có nhiều tên gọi khác nhau như: Trợ đạo, trợ Bồ Đề, 37 đạo phẩm. Mỗi khi tên gọi thay đổi, thì công dụng và ý nghĩa của 37 phẩm cũng thay đổi.
Thay đổi này nói lên lẽ diệu dụng của 37 phẩm. 37 phẩm sở dĩ có được là tùy căn cơ chúng sanh. 37 phẩm có ý nghĩa như thế nào là tùy vào trí tuệ, sức giác ngộ của mỗi chúng sanh, hay tùy chỗ thấy được của mỗi thừa. Vì thế, nó luôn thay đổi ý nghĩa để phù hợp với từng giai đoạn tu hành, và cũng để phù hợp với vị trí mới của từng cá nhân trong ba thừa. Điều này chỉ tạm dừng để chuyển lên một khái niệm mới về 37 phẩm khi nào người tu hành vào đúng cứu cánh đã giác, tức thể nhập trọn vẹn vào Niết Bàn của thừa mình tu tập (tạm dừng).
Có thể hiểu chỗ nhập rốt ráo của ba thừa là quả vị A La Hán của nhị thừa, Đệ Bát Bất Động địa của Bồ Tát thừa, hoặc nhập vào hàng Thập địa của Bồ Tát nhất thừa (nhất thừa đăng địa ban đầu là Sơ Hoan Hỷ địa).
Phân bộ này cũng chỉ mang tính tượng trưng để người đọc dễ hình dung vấn đề. Nói khác đi, ý nghĩa 37 phẩm được xây dựng trên cơ sở của tri kiến. Tri kiến đến đâu, sẽ hiểu 37 phẩm đến đó, từ đó 37 phẩm hỗ trợ đắc lực và cho người tu hành biết vị trí của mình ở đâu trong Phật đạo.
Khi địa vị hiện tại viên mãn, ý nghĩa mới của 37 phẩm lại xuất hiện để dẫn người tu hành tiếp tục tinh tấn trên con đường tu học. Đến khi nào thành Phật thì mới được gọi thấy biết viên mãn 37 phẩm. Ta có thể thấy sự biến hóa của 37 phẩm qua một số ví dụ tượng trưng sau.
Ví dụ nói về Chánh Kiến: Thanh Văn thấy thân bất tịnh là chánh kiến. Bồ Tát thấy không thân mới là chánh kiến. Phật thừa thấy chẳng phải có thân chẳng phải không thân (phi) mới được gọi là chánh kiến.
Như vậy, cùng một chánh kiến về thân mà ba thừa có ba tri kiến khác nhau, hiểu biết khác nhau nên cách ứng dụng tu hành tất nhiên là khác nhau.
Hoặc ví dụ như Tứ Chánh Cần: Nhân thừa và Thiên thừa lấy bố thí cúng dường làm thiện, lấy bỏn xẻn tham lam, sát sinh hại vật làm ác. Thanh Văn thừa phải biết ra khỏi ba cõi là thiện, ưa thích ba cõi là ác. Bồ Tát lấy giáo độ chúng sanh là thiện, khởi nghĩ từ bỏ hoặc nhàm chán ba cõi là ác. Phật thừa thấy sanh tử tức Niết Bàn là thiện, thấy có chúng sanh để hóa độ là ác.
Những phẩm khác cũng đều có những khác biệt như vậy. Cho nên có thể nói ĐẠO ĐẾ, hay rộng hơn 37 phẩm biến hóa không cùng, có bao nhiêu căn cơ chúng sanh là có bấy nhiêu ý nghĩa của 37 phẩm. Vì thế, để hiểu hết 37 phẩm, không phải một lúc có thể lãnh hội.
Mỗi một căn cơ chỉ hiểu biết 37 phẩm trong phạm vi có được của tri kiến. Từ đó tu hành, lần lượt trải qua các thứ lớp địa vị, mỗi thứ lớp địa vị lại cho ra một khái niệm mới về đạo đế.
Đến khi nào chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mới thấu triệt hết ý nghĩa 37 phẩm. Vì thế trong kinh Đại Bát Nhã Phật nói: “Như Lai viên mãn 37 phẩm (Pháp đẳng).”
Trong phạm vi một bài luận, chúng ta chỉ có thể khảo sát những điều mang tính căn bản của 37 phẩm thông qua từng thừa. Sau khi khảo sát, chúng ta mới có được một vài khái niệm nào đó về 37 phẩm. Từ những khái niệm này, có thể lấy đây làm cơ sở để tư duy và ứng dụng tu tập.
Trong cuộc đời tu hành tùy theo địa vị, thứ lớp lần lượt sẽ được trí huệ dẫn sâu vào ý nghĩa 37 phẩm.
Đến khi nào hành giả LIỄU nghĩa TỘT CHƠN, liễu đạt này cho phép hành giả có được thấy biết tổng quát về 37 phẩm. Khác hơn hành giả thấy được nét đại cương và chi tiết tu tập của ba thừa một cách tương đối rõ ràng. Từ đó công việc giáo hóa sẽ dễ dàng, phần việc này gọi là học NHẤT THIẾT TRÍ hay học BÁT NHÃ TRÍ.
Cho đến thấy biết của một Bồ Tát Ma Ha Tát còn chưa được gọi tột viên vì chưa là Đẳng Chánh Giác, nhưng có thể tạm coi như con đường tu hành không còn ngăn ngại. Chính điều này nói lên vì sao Phật lại chuyển pháp luân nhiều lần theo một trình tự nhất định, chuyển pháp luân chính là khai thị 37 phẩm cấp độ cao hơn.
Trước khi nhập Niết Bàn Phật tuyên nói “chúng sanh có Phật tánh” là lần chuyển pháp luân cuối cùng. Cho nên có thể tạm kết luận khi nào thấy “chúng sanh có Phật tánh” như lời dạy của Phật thì tạm được coi là thấu suốt 37 phẩm.
Thật ra, nếu đã giác ngộ diệt đế, thì ĐẠO ĐẾ bây giờ chủ yếu là Bát Chánh Đạo. Vì rằng 37 phẩm trong đó bao hàm các pháp hỗ trợ giác ngộ nên gọi phẩm trợ đạo, vì thế các phẩm như Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc gọi là pháp tư lương. Đây là hành trang tối thiểu phải có để tu hành, phần này thuộc thế pháp tương ưng và hỗ trợ khổ đế và tập đế.
Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi gọi là pháp kiến đạo, phần này thuộc thánh pháp tương ưng và hỗ trợ diệt đế.
Cuối cùng Bát Chánh Đạo thuộc về pháp tu đạo nên tương ưng và hỗ trợ ĐẠO ĐẾ. Cho nên trong phạm vi ĐẠO ĐẾ của tứ đế chỉ nói đến bát chánh đạo, hay khác hơn ĐẠO ĐẾ chính là bát chánh đạo, tám điều hỗ trợ viên mãn đạo quả.
Như vậy bát chánh đạo ở đây chính là thánh pháp, gọi thánh pháp vì đó là hệ quả có được từ sự giác ngộ diệt đế.
Bát chánh đạo của ĐẠO ĐẾ gồm tám phẩm đó là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Ý nghĩa đích thực của tám điều chân chánh này bắt nguồn từ giác ngộ, hết lỗi lầm, Phật giáo gọi là chánh. Tuy nhiên như đã đề cập phần trước, mỗi thừa giác ngộ khác nhau, cho nên thấy biết của các thừa cũng khác nhau, vì thế ba thừa có ba cách tuyên thuyết về sự chân chánh của mình.
Ví dụ Thanh Văn thừa giác ngộ THÂN ngũ ấm là đầu mối của mọi cột trói (đế), ÁI và DỤC là căn nguyên để thân nhận chịu khổ đau (tập).
Nếu muốn thoát ly phiền não chấm dứt sanh tử luân hồi, điều kiện tiên quyết là phải từ bỏ gia đình, từ bỏ quyến thuộc, từ bỏ tài sản, xuất gia, giữ giới không khuyết, hộ trì các căn, sống nơi A Lan Nhã, quán thân bất tịnh, quán thân trên thân.
Vị ấy giác ngộ rằng ba cõi đáng nhàm chán, thân này đáng nhàm chán. Sau khi giác ngộ như vậy, vị ấy lấy thiểu dục tri túc và lấy tịnh hạnh làm đời sống mới (chánh kiến, chánh tư duy mới).
Bằng lòng với sự từ bỏ những gì cần từ bỏ, tìm nơi rừng vắng. Bằng lòng với hiện tại, không khởi lên các ham muốn hạ liệt, yểm ly dục (thêm một chánh kiến, chánh tư duy khác).
Thân căn vị ấy dần dần an ổn, khi thân căn có khuynh hướng bất động, vị ấy diệt trừ các triền cái. Lần lượt các thiền thú xuất hiện với đầy đủ thiền chi, vị ấy hướng tâm đến sanh tử, và thấy biết đâu là đầu mối phát sanh sanh tử. Vị ấy hướng đến diệt tận để thoát ly ra khỏi sanh tử (một loại chánh kiến, chánh tư duy khác nữa).
Sau khi vị ấy thoát ly hẳn phiền não, vị ấy tuyên bố tứ thành tựu của một A La Hán (lại một chánh kiến, chánh tư duy mới).
Như vậy, một chuỗi những sự kiện đi qua trong nhận thức của một Thanh Văn, mỗi một sự kiện là một lần giác ngộ. Mỗi một lần giác ngộ cho ra thấy biết mới gọi là chánh kiến. Cứ mỗi khi có thấy biết mới, vị ấy lại lấy chánh kiến này dẫn đạo cho đời sống của mình, y vào đời sống mới gọi là tu hành.
Đến khi viên mãn quả vị, chấm dứt quá trình giác ngộ, thì bây giờ ĐẠO ĐẾ của một Thanh Văn mới tạm dừng lại, sự dừng lại này tạm gọi chánh vị.
Duyên Giác, đời sống tu tập không khác Thanh Văn là mấy, tri kiến của Duyên Giác không nhắm đến thân, mà thường lấy nhân duyên làm chỗ giác ngộ thông qua thân coi như công cụ chứng nghiệm. Các cảm thọ đều từ thân phát sinh nên cũng từ thân mà diệt, thế nên Duyên Giác được xếp chung Thanh Văn là nhị thừa bởi chỗ chứng tương đồng, cũng như đồng tu tập để thoát ly ba cõi. Do vậy bát chánh đạo của hai thừa này gần như tương đồng. Đoạn kinh sau có thể mô tả cách thức tu hành chỗ giác ngộ và những gì thành tựu của một người giác ngộ 12 nhân duyên.
“Nầy A Nan! Ông Nan Đà trước kia rất nặng ái dục, tánh rất xấu ác, Đức Như Lai dùng thiện phương tiện chỉ dạy cho ông ấy được lợi ích vui mừng. Phật rõ biết căn tánh của ông ấy, dùng huệ Bát Nhã mà giảng thuyết mười hai nhơn duyên: Chính là vô minh duyên hành, hành duyên thức, nhẫn đến lão tử ưu bi khổ não, đều là rừng bụi vô minh yêu ghét, tất cả hành khổ đầy tràn trong ba cõi, chạy khắp trong lục đạo. Cội gốc sự khổ từ vô minh khởi lên. Dùng huệ Bát Nhã hiển bày tánh tịnh, quán sát kỹ cội gốc thời dứt được tội lỗi trong ba cõi. Vì cội gốc vô minh dứt nên vô minh dứt, vô minh dứt thời hành dứt, nhẫn đến lão tử ưu bi khổ não đều dứt.
Lúc được quán niệm nầy nhiếp tâm đứng dừng thời được nhập Tam Muội, do sức Tam Muội được nhập sơ thiền lần lượt nhập tứ thiền không rời chánh niệm luôn tu tập như vậy, rồi sau tự sẽ được chứng thượng quả thoát khỏi khổ trong ba cõi. Nan Đà Tỳ Kheo tin sâu lời dạy của Phật, siêng năng tu tập trong một ít lâu được chứng quả A La Hán.
Nầy A Nan! Sau khi ta nhập Niết Bàn, các ông nên y theo giáo pháp chánh quán của ta mà chỉ dạy cho Lục Quần cùng Xa Nặc, hết lòng nương theo chánh pháp thanh tịnh nầy, tự sẽ được chứng thượng quả.
Nầy A Nan! Phải biết rằng đều do nơi vô minh mà tăng trưởng cây sanh tử trong ba cõi, nên mãi trôi chìm trong ái hà, chịu khổ mãi dưới vực tối tăm, vòng quanh cột sanh tử. Sáu thức là nhánh, vọng niệm là gốc, lượn sóng vô minh xúc khiến tâm thức dạo chơi theo lục trần, sanh mầm các sự khổ não.
Vô minh nó tự tại như vua, không ai chế ngự được. Do đây nên ta nói ông chủ vô minh niệm niệm làm hại, chúng sanh chẳng hay biết, mãi luân chuyển trong sanh tử.
Nầy A Nan! Tất cả chúng sanh vì vô minh nầy mà khởi những tham ái, bị ngã kiến che đậy, tám muôn bốn ngàn phiền não sai sử thân họ, làm cho thân tâm họ tan vỡ không được tự tại.
Nầy A Nan! Nếu vô minh dứt thời ba cõi đều hết, nên gọi là người xuất thế.
Nầy A Nan! Nếu có thể quán sát kỹ mười hai nhơn duyên rốt ráo không có ngã, sâu vào nơi bổn tánh thanh tịnh, thời có thể xa lìa ngọn lửa lớn ba cõi.
Nầy A Nan! Đức Như Lai là đấng chơn ngữ nói lời thành thật, đây là lời phó chúc tối hậu, các ông phải y theo tu hành.”[[1]]
Trong Phật pháp, những trường hợp chứng ngộ pháp nhân duyên không nhiều, có thể nói đặc biệt là khác. Vì vậy Duyên Giác thừa thường không được coi là điển hình tu tập. Chính yếu tố này ta ít thấy nói Duyên Giác tu tập như thế nào, thường chỉ thấy Phật thuyết minh 12 nhân duyên như một thứ tri kiến làm tăng thêm độ sâu giác ngộ cho các Thanh Văn đệ tử.
Tuy thế trong Phật pháp 12 nhân duyên lại được ba thừa ưa thích, coi đây là cơ sở lý luận để phân tích vòng luân chuyển của sanh tử, đồng thời ứng dụng như một tri kiến chuẩn hòng tìm kiếm giải pháp dừng hư vọng.
Đạo Đế của Bồ Tát cũng tương tự như Thanh Văn Duyên Giác, tức cũng chia hai làm Bồ Tát quyền thừa và Bồ Tát nhất thừa.
Bồ Tát quyền thừa giác ngộ chủ yếu nguồn tâm, sở dĩ gọi là quyền thừa bởi vì tuy giác ngộ tâm là nguyên nhân phát sinh mọi thứ khổ não, chỉ cần thanh tịnh nguồn tâm thì mọi khổ não đều dứt, về mặt lý thuyết là vậy. Nhưng để thanh tịnh nguồn tâm hàng Bồ Tát này cần phải có thời gian tu tập, thường gọi là tiệm tu. Do vậy Bát Chánh Đạo đối với họ có ý nghĩa tiệm tiến, giống như người lắng trong nước đục phải có thời gian, phải có phương pháp, phải hộ trì các căn gần như một Thanh Văn. Lấy thanh tịnh bổn tâm làm chánh kiến dẫn khởi đời sống tu hành, không có tâm nguyện thoát ly ba cõi.
Bồ Tát nhất thừa thì khác, căn tánh hàng Bồ Tát này tối thắng, thuộc về đại căn thường là hàng Bồ Tát thị hiện. Trí tuệ siêu việt chỉ cần đủ duyên là giác ngộ, chỗ ngộ tột sâu không cần thông qua tu chứng. Khi đã ngộ tức thì thấu triệt mọi ý nghĩa Phật pháp vào thẳng nhất thiết trí.
Hàng Bồ Tát này có thể thay mặt Phật giáo hóa chúng sanh thông thường rơi vào các vị Tổ được truyền thừa Y Bát chánh thống.
Tóm lại chính vì sức mầu nhiệm và rộng sâu không cùng của bốn đế, nên bốn đế có tên là Tứ Diệu Đế. Diệu bởi lẽ vượt khỏi suy nghĩ thế pháp.
Nay cách Phật đã xa nếu người tu hành không rành rõ bốn đế thì không thể tự mình minh bạch các pháp. Một khi các pháp không thuyết minh đúng chân tướng của nó thì khó mà giác ngộ như pháp, dễ phát sinh tà kiến.
Vì đối trước thân tâm, nếu không biết đâu là tập, thì làm sao giác ngộ chỗ diệt, chưa nói mỗi thừa tập và diệt không giống nhau. Nếu đã không biết tập, diệt, thì lại càng mơ hồ về ĐẾ.
Đã không biết đế, thì chẳng thể nào biết căn nguyên phát sinh và đầu mối dứt diệt, mà đây là những phần quan trọng, thâm sâu cần có để đưa người đến cứu cánh. Bản thân người tu hành nếu không thấu suốt bốn đế thì cũng khó phân định tâm lượng mình phù hợp với thừa nào, hòng tìm chỗ diệt như pháp.
Đoạn kinh dưới đây nói một phần của bốn thánh đế:
“Chư Phật tử! Như cõi Ta Bà này nói về khổ thánh đế, trong thế giới Mật Huấn hoặc gọi là doanh cầu căn, là bất xuất ly, là hệ phược bổn, là làm điều không nên làm, là khắp tranh đấu, là phân tích đều vô lực, là chỗ để tựa, là cực khổ, là tháo động, là hình trạng vật.
Chư Phật tử! Về khổ tập thánh đế, trong thế giới Mật Huấn, hoặc gọi là thuận sanh tử, là nhiễm trước, là đốt cháy, là lưu chuyển, là gốc bại hoại, là mối hữu lậu, là ác hạnh, là ái trước, là nguồn bịnh, là phân số.
Chư Phật tử! Về Khổ diệt thánh đế, trong thế giới Mật Huấn, hoặc gọi là đệ nhất nghĩa, là xuất ly, là tán thán, là an ổn, là thiện thú nhập, là điều phục, là nhứt phần, là vô tội, là ly tham, là quyết định.
Chư Phật tử! Về khổ diệt đạo thánh đế, trong thế giới Mật Huấn hoặc gọi là mãnh tướng, là thượng hạnh, là siêu xuất, là hữu phương tiện, là bình đẳng nhãn, là ly biên, là liễu ngộ, là nhiếp thủ, là tối thắng nhãn, là quán phương.
Chư Phật tử! Về tứ thánh đế, ở thế giới Mật Huấn có bốn trăm ức mười ngàn danh từ như vậy, tùy tâm ý của chúng sanh để khiến họ điều phục.”[[2]]
Chớ coi thường điều căn bản vì tất cả các tòa nhà đều xây trên nền móng, đây là căn bản để tòa nhà xây dựng có vững chắc hay không. Tòa nhà Phật pháp được xây dựng trên nền móng bốn đế, nếu nền móng bốn đế không vững, thì chắc chắn tòa nhà Phật pháp của chính ta đang xây không thể cao được, nếu không muốn nói là nguy cơ sụp đổ trước mắt.
Phật dạy: “Lần chuyển Pháp Luân đầu tiên tại vườn Lộc Uyển cho năm anh em Kiều Trần Như, Ta dùng bốn đế để chuyển, tất cả Thiên, Nhân, Ma, Phạm không một loài có thể chuyển ngược lại được.”
[[1]] Trích kinh Đại Bát Niết Bàn, Phẩm Di Giáo –HT. Thích Trí Tịnh dịch.
[[2]] Trích kinh Hoa Nghiêm, quyển I –HT. Thích Trí Tịnh dịch.
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






