Bốn Cấp Độ Quán 12 Nhân Duyên

Các bạn !!!
Mình vừa nhận được email của BS Nguyên !!! Chắc các HĐ Lý Gia thuộc “hàng trưởng lão” không lạ gì vị HĐ hiền khô này !!!
Sau một thời gian dài không sinh hoạt do bận tu nghiệp tại Hoa Kỳ… Hôm nay, bạn ấy đã email cho mình, nội dung email như sau:
Kính chào Thầy !
Con là Nguyên, ở Thốt nốt. Dạo này Thầy khỏe không? Mắt Thầy dạo này có khá hơn không?
Con kính chúc Thầy thật nhiều sức khỏe, trụ thế lâu dài để dạy bảo đệ tử chúng con.
Con đọc đoạn kinh sau trong Đại Niết Bàn, nhưng chưa thông suốt, nhờ Thầy chỉ dạy cho con. Đoạn kinh như sau:
“Nầy Thiện nam tử! Trí quán mười hai nhơn duyên có bốn hạng: Một là hạ, hai là trung, ba là thượng, bốn là thượng thượng.
Quán trí bực hạ chẳng thấy Phật tánh, vì chẳng thấy nên chứng được đạo Thanh văn. Trí quán bực trung chẳng thấy Phật tánh, vì chẳng thấy nên chứng đặng đạo Duyên Giác. Trí quán bực thượng thấy Phật tánh chẳng rõ ràng, vì thấy chẳng rõ ràng nên trụ bực thập trụ. Trí quán bực thượng thượng thấy Phật tánh rõ ràng nên chứng được vô thượng Bồ Đề.
Do nghĩa đây nên mười hai nhơn duyên gọi là Phật tánh. Phật tánh chính là đệ nhứt nghĩa không. Đệ nhứt nghĩa không gọi là trung đạo. Trung đạo đó gọi là Phật. Phật đây là Niết Bàn”.
Con cảm ơn Thầy rất nhiều!
Nguyên và các bạn thân mến !!!
Đọc lướt qua đoạn kinh, hầu như mọi người đều có cùng nhận định, đây là đoạn kinh không có gì khó hiểu, gần như bạch văn, chỉ liệt kê các loại căn trí khi quán 12 nhân duyên !!!
Thế nhưng, nếu ta dừng lại ở từng phân đoạn và chiêm nghiệm, sẽ nhận ra trong bài bạch văn này lại chứa quá nhiều ẩn số như:
1) Vì sao cùng 12 nhân duyên, mà bốn hạng căn trí sai khác sau khi quán lại cho ra bốn kết quả sai khác ???
2) Căn cứ vào đâu để ta có thể biết rằng, do căn trí sai khác, sau khi quán 12 nhân duyên lại cho ra bốn kết quả không giống nhau ???
3) Cơ chế vận hành của 12 nhân duyên như thế nào ??? Tại sao cùng cơ chế vận hành mà các giá trị sẽ sai biệt khi ta vận dụng cơ chế vận hành này để điều phục tâm thức ???
4) Phật tánh là gì ??? Đệ nhất nghĩa không là gì ??? Trung đạo là gì ??? Phật là gì ??? Niết bàn là gì ??? Vì sao kinh lại nói: “Mười hai nhơn duyên gọi là Phật tánh. Phật tánh chính là đệ nhứt nghĩa không. Đệ nhứt nghĩa không gọi là trung đạo. Trung đạo đó gọi là Phật. Phật đây là Niết Bàn” !!!???
Các bạn !!!
Theo mình, nếu chúng ta giải quyết thoả đáng những câu hỏi trên, nhất định những ẩn số trong đoạn kinh sẽ không còn là ẩn số nữa, và thâm ý từ đoạn kinh sẽ được giải mã !!! Bây giờ, xin mời Nguyên và các bạn cùng mình mổ xẻ những khúc mắc trên !!!
1) Vì sao cùng 12 nhân duyên, mà bốn hạng căn trí sai khác, sau khi quán lại cho ra bốn kết quả sai khác ???
Để giải quyết câu hỏi này, trước tiên chúng ta thử tìm hiểu xem “tâm nguyện” và “xu hướng” tu hành của bốn căn tánh mà Phật đã nêu là như thế nào !!!
– Như mọi người đều biết, Thanh văn và Duyên giác (kinh gọi là căn trí bậc hạ và căn trí bậc trung) tuy là hai thừa riêng biệt, nhưng người trong hai thừa này giống nhau ở tâm nguyện, đó là: “Tu hành để tự cứu bản thân, không có ước vọng giúp người” !!!
Chẳng những tâm nguyện giống nhau, xu hướng tu hành của họ cũng giống nhau, ở chỗ: “Chán khổ tìm vui, chán sanh tử cầu Niết bàn” !!! Chính tâm nguyện và xu hướng tu hành này, nên Thanh văn và Duyên giác có danh xưng chung là Nhị thừa hay Tiểu thừa… Tiểu thừa có nghĩa là “cổ xe nhỏ”, xe nhỏ là thứ xe chỉ đủ để chở bản thân !!! Vì thế, Phật dạy: “Từ bi của Nhị thừa chỉ đủ để tự cứu” hay “Sức từ bi của Nhị thừa không lớn hơn cái thân của họ” !!!
– Bồ tát gồm: Bồ tát quyền thừa và Bồ tát nhất thừa (kinh gọi là căn trí bậc thượng và căn trí bậc thượng thượng) !!!
Bồ tát là những người có tâm nguyện rộng lớn muốn độ thoát hết thảy chúng sanh… Xu hướng tu hành của thừa này là thành tựu cho bằng được Vô thượng Bồ đề quả, không chấp nhận dừng lại ở những quả vị nhỏ nhoi !!! Chính hoài bão và ước nguyện to lớn này, mà những người tu học trong đạo Bồ tát có danh xưng là Đại thừa !!! Đại thừa là cỗ xe lớn, những người trong thừa này có thể gánh vác công việc của chư Phật, xe Đại thừa có năng lực chuyên chở hết thảy chúng sanh đến bến bờ an vui !!!
Tâm nguyện và xu hướng là như vậy, nhưng do công đức tích luỹ sai khác nên trí tuệ hiện đời của các Bồ tát cũng trở nên sai khác… Đây là lí do vì sao Bồ tát thừa lại chia thành hai bậc, đó là Bồ tát quyền thừa (căn trí bậc thượng, thuộc hàng Thập trụ) và Bồ tát nhất thừa hay Phật thừa (căn trí bậc thượng thượng, thuộc hàng Thập địa trở lên) !!!
Đến đây, có lẽ các bạn sẽ hỏi: Thế thì, tâm nguyện và xu hướng tu hành có mối liên hệ gì đến công việc quán 12 nhân duyên (hay các pháp) để cho ra các đạo quả sai khác ???
Giống như người đi học, tâm nguyện và xu hướng học tập sẽ quyết định đến vận mệnh học tập của người đó, ví dụ:
– Một người học trò có tâm nguyện chỉ học để mai này kiếm đủ tiền nuôi thân (không có ước vọng cao xa) !!! Do tâm nguyện như vậy, nên xu hướng học tập của họ là tìm đến các trường nghề… Thế là, kết quả học tập cao nhất của những người này chỉ là công nhân lành nghề !!!
– Nhưng nếu, một người học trò có tâm nguyện phải học thành tài để sau này giúp người !!! Do tâm nguyện như vậy, nhất định xu hướng học tập của họ sẽ tìm đến những ngôi trường dạy các cấp học cao nhất… Thế là, kết quả học tập của những người này sẽ là thành tựu các học vị cao nhất trong xã hội !!!
Vì thế, khi chúng ta xét đến hai yếu tố “tâm nguyện và xu hướng tu hành” của bốn căn trí nêu trên, chính là chiếc chìa khoá đầu tiên giúp ta giải mã những ẩn số đầu tiên trong đoạn kinh, vì sao cùng là 12 nhân duyên mà bốn loại căn trí hạ, trung, thượng và thượng thượng khi tu tập lại cho ra những kết quả sai khác !!!
2) Căn cứ vào đâu để ta có thể biết rằng, do căn trí sai khác, sau khi quán 12 nhân duyên lại cho ra bốn kết quả không giống nhau ???
Sau khi xét yếu tố thứ nhất là tâm nguyện và xu hướng… Bước thứ hai, chúng ta tìm xem bốn loại căn trí hạ, trung, thượng và thượng thượng quán 12 nhân duyên như thế nào !!!
Do tâm nguyện cũng như xu hướng của Thanh văn và Duyên giác là tự cứu và chán khổ tìm vui, chán sanh tử cầu Niết bàn… Vì thế, để đáp ứng tâm nguyện và xu hướng này, Nhị thừa nhắm thẳng vào những nguyên nhân trước mắt nào gây ra khổ, nguyên nhân trước mắt nào không được yên vui để tịch diệt mà Nhị thừa cho là phù hợp với mục tiêu của mình !!!
– Đối với Thanh văn thừa, để tịch diệt các nguyên nhân nói trên, học thuyết yểm li chính là thứ triết lí đáp ứng mọi yêu cầu của họ !!!
Vì thế, yểm li gia đình, yểm li quyến thuộc, yểm li tài sản, yểm li ngũ ấm, ham thích độc cư thiền định, lấy giới luật làm hàng rào cấm ngăn và quán hậu tế của 12 nhân duyên (hữu, sanh, lão, tử) là những phần việc mà Thanh văn thừa học tập và ứng dụng triệt để vào đời sống… Sau khi học tập và ứng dụng triệt để những điều trên, Thanh văn thừa có được đạo quả cao nhất của thừa này (A la hán quả) !!!
– Riêng, đối với Duyên giác thừa, được coi là bậc trung căn vì căn trí của thừa này có khá hơn Thanh văn một chút !!! Giống như Thanh văn, Duyên giác thừa cũng lấy học thuyết yểm li làm trọng tâm tu tập… Nhưng vì tạm coi là có trí tuệ, và căn bản Duyên giác thừa nhận ra nguyên nhân của các món khổ là do những “xúc đối bất như ý” và “cảm thọ yếu mềm”, vì thế thừa này không quán hậu tế của 12 nhân duyên, mà quán trung tế (gồm xúc, thọ, ái, thủ)… Tức quán những nguyên nhân hiện tiền phát sinh khổ não dựa trên nền tảng xúc đối giữa căn và cảnh từ đó cho ra ái thủ, trói buộc (nguyên nhân của mọi khổ đau) !!! Thành tựu phép quán “luân chuyển” hay “hoàn diệt” từ trung tế của 12 nhân duyên, Duyên giác thừa thành tựu đạo quả Duyên giác (hay chứng Bích chi Phật quả) !!!
Đây là lí do vì sao, hai đạo quả của Nhị thừa gồm A la hán và Bích chi Phật quả chỉ có thể thành tựu từ những vị “xuất gia chuyên chính”… Tức những người đã từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không quyến thuộc, không tài sản, ham ưa độc cư thiền định, ngày ăn một bữa, khất thực để nuôi thân, ba y một bát như con chim với đôi cánh… Mà không thể thành tựu đối với hàng cư sĩ tại gia !!! Gần đây, mình biết có một số cư sĩ tại gia ham ưa học tập, bắt chước công phu, cũng như tập tành hành xử theo cung cách của các vị xuất gia, vì thế thành quả tu tập của họ rất chi mơ hồ, không muốn nói là vô vọng !!!
– Đối với Bồ tát thừa, là những người có hoài bão lớn, chỉ vì lợi ích của tất cả chúng sanh mà tu tập… Chính hoài bão này là cơ sở trọng yếu để Bồ tát không dùng học thuyết yểm li nhằm điều phục bản thân, xa lánh khổ não… Mà với họ “có trí tuệ, hết mê mờ” mới chính là chìa khoá để mở tất cả các cánh cửa của đạo pháp !!! Từ đó, hai học thuyết “tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” và “sanh tử tức Niết bàn, phiền não tức Bồ đề” chính là hai thứ triết lí đáp ứng yêu cầu học tập của thừa này !!!
Để có thể thấu suốt hai học thuyết “tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” cũng như “sanh tử tức Niết bàn, phiền não tức Bồ đề”… Các Bồ tát phải tìm cho được căn nguyên sinh tâm, sinh pháp và căn nguyên hình thành chúng sanh giới !!!
Về căn nguyên sinh tâm, sinh pháp… Bồ tát phải thấy cho được thiệt tướng của tâm và thiệt tướng của pháp !!! Để thấy thiệt tướng của tâm, thiệt tướng của pháp… Bồ tát phải thấu suốt “nội lục nhập” và “ngoại lục nhập”, đây là hai yếu tố quyết định mê ngộ, được hình thành từ cuối giai đoạn tiền tế và đầu giai đoạn trung tế của 12 nhân duyên (Tiền tế gồm vô minh, hành, thức, danh sắc; Trung tế gồm nội lục nhập, ngoại lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ) !!!
– Khi quán thấu suốt nội lục nhập, Bồ tát giác ngộ: Một hữu tình bản lai không có cái gọi là tâm (tạm gọi là vô sanh tâm) !!!
– Khi quán thấu suốt ngoại lục nhập: Bồ tát giác ngộ một hữu tình bản lai không pháp (tạm gọi là vô sanh pháp) !!!
Giác ngộ như thế, thiệt tướng của tâm và pháp hiện rõ như trái a ma lặc trong lòng bàn tay… Từ đây, Bồ tát “lờ mờ” cảm nhận bốn đức tính ưu việt của Phật tánh là “thường, ngã, lạc, tịnh” đã sẵn có trong hữu tình, chỉ vì một niệm mê nên các đức tính ấy không hiện !!!
Thấy được điều này, Bồ tát hoàn thành công việc tự độ, thành tựu đạo quả cuối cùng của Thập trụ, quả chứng cao nhất của Bồ tát quyền thừa !!! Đây là lí do vì sao kinh nói: “Căn trí bậc thượng, khi quán 12 nhân duyên thấy Phật tánh không rõ ràng nên trụ bậc Thập trụ” !!!
Nhưng, Bồ tát là những vị có hoài bão lớn, nên họ không bằng lòng dừng lại ở các địa vị nhỏ nhoi của Thập trụ chỉ đủ tự cứu bản thân !!! Bây giờ Bồ tát phát khởi đại bi, quyết tìm xem vì sao chúng sanh luân hồi trong sanh tử khổ !!!
Để giải quyết nan đề này, Bồ tát quán căn nguyên luân chuyển của một chúng sanh và đường đi của họ !!! Để có thể quán căn nguyên luân chuyển một chúng sanh, Bồ tát “quán tiền tế” của chúng sanh đó !!!
Tiền tế là một loạt các chi từ khi chúng sanh từ bỏ thân nghiệp cũ để đến với một thân nghiệp mới gồm: Vô minh, hành, thức, danh sắc !!! Khi quán thông suốt tiền tế, Bồ tát nhận ra tất cả những gì được gọi là luân chuyển, đường đi, cũng như hồi kết của một hữu tình chẳng khác gì trong tảng băng lớn đang trôi nổi trên biển cả lại chứa hạt minh châu vô giá, băng tan minh châu hiện !!! Băng vô thường, minh châu vô diệt !!! Tảng băng trôi ấy chính là tình tưởng (hay thiện ác) vô thường, viên minh châu vô diệt chính là Phật tánh thường trụ trong mỗi hữu tình !!!
Thấy như thế, từ bi tâm của Bồ tát phát khởi không khác từ bi tâm của Phật vì biết rằng “tất cả chúng sanh đồng có những đức tính cao đẹp như chư Như Lai”. Do thấy biết như vậy, bốn đức tính siêu việt còn lại của Phật tánh là từ, bi, hỉ, xả hiện khởi đầy đủ trong lòng !!!
Thấy đến đây, Bồ tát được coi là đã hoàn thành công đoạn tu tập cuối cùng, chỉ còn chờ đủ duyên, chứng Vô thượng Bồ đề quả !!! Đây là lí do vì sao kinh dạy: “Trí quán bực thượng thượng thấy Phật tánh rõ ràng nên chứng được Vô thượng Bồ Đề”.
3) Cơ chế vận hành của 12 nhân duyên như thế nào ??? Tại sao cùng cơ chế vận hành mà các giá trị sẽ sai biệt khi ta vận dụng cơ chế vận hành này để điều phục tâm thức ???
Về cơ chế vận hành của 12 nhân duyên… Ta thấy 12 nhân duyên vận hành qua ba giai đoạn gồm:
– Giai đoạn 1: Thức nghiệp từ bỏ thân nghiệp cũ, gọi là tiền tế !!! Tiền tế gồm các chi: Vô minh, hành, thức, danh sắc !!!
– Giai đoạn 2: Thức nghiệp tìm được thân nghiệp mới và chung sống, gọi là trung tế !!! Trung tế gồm: Lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ !!!
– Giai đoạn 3: Thức nghiệp nhận chịu quả nghiệp, gọi là hậu tế !!! Hậu tế gồm: Hữu, sanh, lão, tử kết thành một khối đầy những ưu bi khổ não !!!
Để có thể quán ba giai đoạn nêu trên, bậc hạ căn hạ trí chỉ có thể quán quả nghiệp, tức quán những ảnh hưởng khổ đau tác động trực tiếp lên thân nghiệp này, gọi là quán hậu tế !!! Bậc trung căn trung trí có thể quán trung tế để chấm dứt khổ đau hiện tiền khi thân căn xúc đối !!! Bậc thượng căn thượng trí quán giai đoạn tiếp giáp giữa trung tế và hậu tế !!! Bậc căn trí thượng thượng mới có thể quán tiền tế… Vì tiền tế là cái đã qua, không thực có trong hiện tại, không đủ trí tuệ không thể xuyên thấu !!!
Điều này giống như cùng ngành nông nghiệp !!! Nhưng, các bác nông dân chỉ biết cặm cụi cấy cày trên mảnh ruộng của mình theo truyền thống, giá trị lao động không cao (Thanh văn) !!! Các vị có hiểu biết về chuyên môn kĩ thuật nông nghiệp, cũng cày xới trên mảnh ruộng đó, nhưng giá trị lao động sẽ cao hơn vị kia (Duyên giác) !!! Những vị có tri thức tốt, biết chuyên môn kĩ thuật, biết chế biến bảo quản, biết trao đổi hàng hoá, sau khi thu hoạch giá trị lao động nhất định sẽ cao hơn hai vị trên (Bồ tát Thập trụ) !!! Và cuối cùng, những người có năng lực nhìn xa trông rộng, am tường chuyên môn kĩ thuật, biết chế biến bảo quản, biết trao đổi hàng hoá, biết cơ chế thị trường, biết giá trị sản phẩm, nắm vững thời vụ cùng nhu cầu hàng hoá…v..v…Sẽ là những người nhận được giá trị lao động cao nhất (Phật thừa) !!!
4) Phật tánh là gì ??? Đệ nhất nghĩa không là gì ??? Trung đạo là gì ??? Phật là gì ??? Niết bàn là gì ??? Vì sao kinh lại nói: “Mười hai nhơn duyên gọi là Phật tánh. Phật tánh chính là đệ nhứt nghĩa không. Đệ nhứt nghĩa không gọi là trung đạo. Trung đạo đó gọi là Phật. Phật đây là Niết Bàn” !!!???
Phật tánh là những tính chất siêu việt tiêu biểu trong vô lượng tính chất siêu việt của một đức Phật gồm: Từ, bi, hỉ, xả, thường, ngã, lạc tịnh !!! Vì đây là những tính chất siêu việt, nên không thể dùng hữu vi tâm hữu vi trí tìm cầu, vì không thể dùng hữu vi tâm hữu vi trí tìm cầu nên tạm gọi là đệ nhất nghĩa không !!! Tuy nói rằng đệ nhất nghĩa không, nhưng lại đầy đủ tính chất siêu việt, mà đã là siêu việt nên ra ngoài hai phạm trù có và không, ra ngoài hai phạm trù có và không nên nó chính là trung đạo !!! Trung đạo là thứ đạo chẳng thuộc thế gian, chẳng thuộc xuất thế… Trí nào hiểu được ý nghĩa của đạo chẳng thuộc thế gian, chẳng thuộc xuất thế, trí đó là Phật trí, Phật trí chính là Phật !!! Nơi nào có Phật nơi ấy là Đại Niết Bàn… Vì thế Phật, Niết bàn, đệ nhất nghĩa không, trung đạo..v..v… không hai !!!
Như đã nói ở phần trên, Phật tánh trong chúng sanh như tảng băng trôi trong đó có chứa hạt minh châu vô giá !!! Tảng băng chứa hạt minh châu trôi nổi từ biển khổ này qua biển khổ khác nhưng hạt minh châu trong nó vô diệt, thường an vui, thường chiếu sáng !!! Kẻ trí thấy tảng băng trôi, biết ngay trong tảng băng có hạt minh châu, nên nói hạt minh châu…đang…trôi…!!! Vì thế, kinh dạy: “Mười hai nhơn duyên gọi là Phật tánh. Phật tánh chính là đệ nhứt nghĩa không. Đệ nhứt nghĩa không gọi là trung đạo. Trung đạo đó gọi là Phật. Phật đây là Niết Bàn”
Nguyên và các bạn !!!
Sau khi xét những gì cần xem xét, chúng ta sẽ thấy, không riêng gì 12 nhân duyên mà tất cả các pháp tự thân không có những tính chất của đại tiểu (to nhỏ), hạ trung thượng (cao thấp), chậm mau (đốn tiệm), hay một quả chứng bất kì nào (mê ngộ)…!!! Mà đại hay tiểu, thượng hay hạ, đốn hay tiệm, mê hay ngộ, quả này hay quả kia sở dĩ ta tạm thấy có là do căn trí, tâm nguyện, xu hướng, động cơ học tập hình thành khi người ta quán sát một pháp bất kì !!!
Vì thế, sẽ rất nhầm lẫn khi có một ai đó cho rằng tôi tu pháp cao, người kia tu pháp thấp; Tôi tu pháp lớn, người kia tu pháp nhỏ; Tôi tu pháp đốn, người kia tu pháp tiệm…v..v…!!! Lục Tổ nói: “Pháp không có đốn tiệm, mê ngộ có chậm mau” chẳng phải đã minh định bản chất các pháp không tánh, không tướng, không mê, không ngộ là một thực tế hiển nhiên..!!!??? Cho nên, căn trí, tâm nguyện, xu hướng, động cơ tu hành…v..v…mới chính là những cơ sở quan trọng để chúng ta có được lời giải đầy đủ nhất và đáp án tốt nhất từ “bài toán quán pháp” !!!
Có lẽ đến đây, Nguyên và mọi người có thể giải mã phần nào đó đoạn kinh Đại Bát Niết Bàn mà Nguyên đã đặt thành câu hỏi !!! Do giới hạn của văn tự ngữ ngôn, thật nghĩa của Phật đạo lại siêu quá những gì văn tự ngữ ngôn có thể thể hiện !!! Hy vọng, một ngày đẹp trời nào đó, Nguyên hay một bạn đọc bất kì có thể thốt lên: “Thì ra Phật tánh là như vậy và 12 nhân duyên là như vậy”… !!! Nhất định ngày đó sẽ là ngày hoa Ưu Đàm Bát La xuất hiện ở cõi thế này !!!
Chân thành cảm ơn Nguyên đã gởi đến câu hỏi mà theo đánh giá của mình, đây là câu hỏi được coi là hay nhất mà Lý Tứ đã nhận được trong năm 2020 !!!
Chúc Nguyên và tất cả bạn đọc an vui, tinh tấn !!!
Rất mong, nhận được những câu hỏi lí thú và bổ ích từ các bạn !!!
29/12/2020
LÝ TỨ
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






