Tam Muội Là Gì?

Các bạn !!!
Mình vừa nhận được email của Nguyên !!! Trước giờ vẫn thế, điều gì chưa thông, tư duy chưa thấu đáo, bạn ấy quyết tìm hiểu đến nơi đến chốn !!!
Đạo Phật là đạo trí tuệ, muốn thành tựu trí tuệ, không có con đường nào khác hơn là phải học tập, tích luỹ kiến thức, tư duy tận nguồn cơn để thấu suốt ý nghĩa của các kiến thức ấy và ứng dụng thuần thục vào đời sống, nhằm biến kiến thức trở thành thành văn hoá, trở thành lẽ sống…Tức, ta và kiến thức đồng nhất thể, ta là kiến thức, kiến thức là ta, ta và kiến thức không hai (bất nhị, năng kiến sở kiến đồng tịch diệt)… Các việc làm trên, chính là thực hiện ba pháp “văn, tư, tu” của Phật đạo !!!
Xin tán thán thái độ học tập, tinh thần tư duy của Nguyên !!! Trong email, Nguyên đã viết như sau:
“Thầy kính !
Vừa rồi Thầy đã chỉ dạy cho con về bốn cấp độ quán 12 nhân duyên. Con đã thông suốt được rất nhiều điều. Nhưng có đoạn sau đây, con chưa hiểu rõ:
– Khi quán thấu suốt nội lục nhập, Bồ tát giác ngộ: Một hữu tình bản lai không có cái gọi là tâm (tạm gọi là vô sanh tâm) !!!
– Khi quán thấu suốt ngoại lục nhập, Bồ tát giác ngộ: Một hữu tình bản lai không có cái gọi là pháp (tạm gọi là vô sanh pháp) !!!
Thầy cho con hỏi, quán thấu suốt nội lục nhập và ngoại lục nhập là quán như thế nào? Tại sao khi quán thấu suốt điều này, Bồ tát giác ngộ: Một hữu tình bản lai không có tâm (tạm gọi là vô sanh tâm), không có pháp (tạm gọi là vô sanh pháp).
Thầy cho con hỏi thêm:
Trong Kinh Đại Bát Nhã, Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Đại Bát Niết Bàn. Trong các Kinh này đề cập rất nhiều, rất nhiều Tam Muội. Tại sao lại nói nhiều Tam muội như vậy? Nói như vậy với mục đích gì? Tam muội nào quan trọng ? Nên chọn các Tam muội nào để ứng dụng Tu tập?
Con cảm ơn Thầy rất nhiều!!!
Nguyên và bạn đọc thân mến !!!
Trước khi trao đổi hai phép quán nội lục nhập và ngoại lục nhập (thập nhị nhập), mình xin khái quát ý nghĩa của hai thứ nhập này !!!
Theo quan điểm của Phật đạo trên tinh thần Thập nhị nhân duyên (12 nhân duyên) thì, sau khi nghiệp thức từ bỏ thân nghiệp cũ và tìm được một thân nghiệp mới có cùng nghiệp quả… Chờ cho thân nghiệp mới tạm hoàn hảo, thức nghiệp tức thì nhập vào các căn của thân nghiệp mới, chiếm hữu các căn và làm “chủ nhân ông” của thân nghiệp đó…Từ đây, “thân nghiệp mới” trở thành một “thực thể sống” có tri giác…Gọi là nội lục nhập !!!
Bản chất của thức là “thường minh”, tức muốn biết, muốn nghe, muốn thấy, muốn phân biệt…v..v…Để thoả mãn bản chất thường minh, thức nghiệp điều động sáu căn là nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý tìm đến sáu đối tượng của nó gồm sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp…Gọi là ngoại lục nhập !!!
– Quán nội lục nhập là: Quán quá trình chiếm hữu thân nghiệp mới và nhập vào sáu căn của thức nghiệp !!! Khi quán như thế, hành giả lập tức nhận ra “bản chất của một hữu tình không có cái được gọi là tâm” !!!
Sở dĩ hữu tình có tâm là vì: Khi thức trở thành chủ nhân ông, nhập vào các căn, bắt các căn nhận thức theo chủ ý đảo điên của mình (của nghiệp quả), thuận theo nghiệp thì vui mừng, trái với nghiệp thì buồn khổ…Các hiệu ứng tình cảm vui buồn nói trên, Phật đạo gọi là “hư vọng tâm” !!! Khi quán thấu đáo như vậy, hành giả phát hiện ra “bản lai hữu tình không tâm” (không có vui buồn hư dối) !!! Từ đó thực chứng “Vô sanh tâm” !!!
– Quán ngoại lục nhập là: Quán quá trình điều động các căn tìm đến trần cảnh của thức nghiệp !!! Khi quán thấu đáo điều này, hành giả lập tức nhận ra “bản chất của một hữu tình không pháp” !!!
Sở dĩ hữu tình có pháp là vì: Sau khi thức trở thành chủ nhân ông, bắt sáu căn đối trước thấy nghe phát sinh những nhận thức đảo điên theo chủ ý của mình thông qua lục thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức)… Nhận thức đảo điên này chính là các pháp !!! Khi quán thấu đáo như thế, hành giả lập tức nhận ra “bản lai hữu tình không pháp” (không có quan điểm quan niệm đảo điên) !!! Từ đó thực chứng “Vô sanh pháp” !!!
* Vô sanh tâm và vô sanh pháp còn có tên là hai vô sanh, tâm không pháp không, hai vô ngã…v..v…!!! Đây là cảnh giới rất quan trọng của Phật đạo…Người tu hành thực chứng hai cảnh giới này, cơ hội viên mãn Diệt đế là rất gần…Từ Diệt đế, hành giả lặng lẽ quan sát bổn tâm và bổn tánh sẽ thực chứng thật nghĩa thế nào là “minh tâm kiến tánh”…Vì bởi, chỉ khi nào không còn sanh tâm hư vọng, mới cho phép thấy bổn tâm !!! Chỉ khi nào, không còn sanh pháp hư dối, mới cho phép thấy bổn tánh !!! Có minh tâm kiến tánh mới có thể thành tựu Nhất thiết trí ở vị lai !!! Đây là lí do vì sao Ngũ Tổ nói: “Bất thức bổn tâm, học pháp vô ích” !!!
Nguyên hỏi:
“Trong Kinh Đại Bát Nhã, Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Đại Bát Niết Bàn. Trong các Kinh này đề cập rất nhiều, rất nhiều Tam Muội. Tại sao lại nói nhiều Tam muội như vậy? Nói như vậy với mục đích gì? Tam muội nào quan trọng ? Nên chọn các Tam muội nào để ứng dụng Tu tập” !!!
“Tam muội, tiếng Sanskrit là Samadhi; Còn gọi là Tam ma đề, Tam ma địa…Tiếng Hán có nghĩa là Nhất tâm hay Định tâm. Phật giáo dùng phương pháp định tâm hay nhất tâm để đối trị với tâm tán loạn, hay bay nhảy, chạy theo dục vọng của con người bình thường” (theo Wikipedia) !!!
Đối với Phật đạo, định hay chánh định là cảnh giới mà bất kì người tu hành nào nếu muốn tâm thức an yên, nhất định phải đạt đến !!! Chính vì đây là cảnh giới cần phải đạt đến của đạo pháp… Từ đó, người tu hành căn cứ vào nghĩa lí của giáo pháp, rồi ứng dụng các nghĩa lí đó vào đời sống giúp tâm thức không bị dao động trước cảnh duyên gọi chung là “định” !!!
Mà, giáo pháp thì có nhiều tầng nghĩa, cho nên mỗi một chủng tánh trong Phật đạo lại hiểu ý nghĩa giáo pháp theo tầng nghĩa của mình !!! Vì thế, cùng một giáo pháp lại cho ra nhiều loại định khác nhau, cụ thể như sau:
– Đối với Nhị thừa: Sau khi nghe giảng giải giáo pháp, người trong thừa này dùng Thiền định làm cơ sở yểm li tâm thức !!! Trong quá trình dùng Thiền định yểm li tâm thức, tâm thức của Nhị thừa nhờ sức Thiền định nên không bị động lay, không động lay trong trường hợp này, Nhị thừa gọi là định hay Thiền định (dhyāna = chánna = 禪那) !!!
– Đối với Bồ tát thừa: Sau khi nghe giảng giải giáo pháp, người trong thừa này nhận ra, tất cả chỉ từ một niệm mê…Thấy được đầu mối loạn động của tâm thức là do bất giác, Bồ tát giác ngộ vô niệm…Lấy vô niệm tổng nhiếp tâm và pháp, từ đó tâm thức không bị loạn động… Không loạn động Bồ tát gọi là định, định này có được là do hành giả lấy giác ngộ làm “sức tổng trì” để tổng nhiếp tâm và pháp (vạn pháp quy tâm, vạn thù quy nhất, trì thiện bất thất, trì ác bất sanh)… Vì thế định của Bồ tát còn có tên là Tổng trì (Dharani = Dhāraṇī = 總持) !!!
Để giúp tổng trì viên mãn, Bồ tát dùng ba pháp hộ trì:
1) Vô niệm tổng trì, còn gọi là Pháp tổng trì (Dharma Dharani) !!!
2) Vô trụ tổng trì, còn gọi là Nghĩa tổng trì (Meaning Dharani) !!!
3) Vô tướng tổng trì, còn gọi là Nhẫn tổng trì (Patience Dharani) !!!
Thực chất ba pháp hộ trì nói trên của Bồ tát chính là phép “lấy không hộ trì để hộ trì” mà các kinh giáo Bồ tát thường hay đề cập đến !!! Về sau, khi Phật giáo sang Tây Tạng, người ta dùng thần chú để hộ trì tâm. Từ đây, có thêm phép Chú tổng trì (Mantra Dharani) !!!
– Đối với Phật thừa (Nhất thừa): Sau khi nghe pháp, Bồ tát quán thiệt tướng của pháp vừa nghe…Với trí tuệ siêu thắng Bồ tát liền thấu suốt thiệt tướng của pháp đó… Do thấy thiệt tướng, Bồ tát tạm gọi chỗ thấy này là định hay Tam muội (三昧 = Samadhi) !!!
Như những gì đã phân tích ở trên, ta thấy đồng một nguồn giáo pháp nhưng ba thừa có ba thứ định lực khác nhau: Định lực của Nhị thừa do Thiền định mà thành gọi là Thiền định; Định lực của Bồ tát do giác ngộ mà thành gọi là Tổng trì; Định lực của Phật thừa do Trí tuệ mà thành nên có tên là Tam muội !!!
* Như vậy: Thật nghĩa hai chữ Tam muội của Phật đạo được nói đến trong các kinh Đại thừa, nhằm chỉ cho một hình thái dừng lặng tâm thức do trí tuệ thấu suốt mà được !!! Đây là sự khác biệt về ý nghĩa rất lớn đối với khái niệm Tam muội giữa cách hiểu của thế gian và xuất thế gian !!!
Phật đạo là đạo trí tuệ, vì thế chỉ “loại định nào” thành tựu từ trí tuệ, định đó mới được coi là rốt ráo định hay Chánh định !!! Và, chỉ có Chánh định (hay Tam muội) mới cho ra quả vị Chánh giác !!! Đây là lí do vì sao các kinh Đại thừa giáo Bồ tát như Đại Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Đại Bát Niết Bàn rất hay đề cập đến các Tam muội !!!
Nói khác hơn, Tam muội chính là “Thấu thị lực và Thẩm sát lực” của Bồ tát !!! Từ sức thấu thị thẩm sát này, Bồ tát thâm nhập thật nghĩa giáo pháp… Đây là tiền đề để Bồ tát thấu suốt vô lượng Tam muội môn cùng Giải thoát môn của chư Phật sau này !!! Do thấu suốt vô lượng Tam muội môn và Giải thát môn, Bồ tát mới có thể giúp mình và người thành tựu đạo quả Vô thượng !!! Chính tầm mức quan trọng này, Tam muội (hay Chánh định) là mục tiêu cao nhất mà các Bồ tát phải thành tựu trong quá trình tu hành !!! Cũng bởi do trí lực siêu việt, nên kinh thường dạy: “Trong một niệm, Bồ tát có thể thâm nhập muôn ngàn Tam muội” !!! Chính nhờ trong một niệm Bồ tát thâm nhập muôn ngàn Tam muội, nên Bồ tát thành tựu Nhất thiết trí !!!
– Về ứng dụng tu tập: Đối trước một lời kinh, một pháp bất kì nếu có thể “dùng trí bén” quán chiếu để thấu suốt thật tướng của lời kinh hay pháp đó thì, đây được coi là Tam muội mà Bồ tát ứng dụng vào đời sống tu tập !!!
Tóm lại, Thiền định, Tổng trì, Tam muội của Phật đạo đều cùng có chung mục đích giúp người tu hành dừng hư vọng tâm hư vọng pháp để tâm trí không vọng động trước cảnh duyên !!! Tuy nhiên, do căn trí sai khác nên khi nghe pháp, ý nghĩa cùng thành quả tu tập từ lời pháp đó cũng trở nên sai khác… Chính điều này mà từ một Phật thừa lại phát sinh ba thừa… Từ thật nghĩa lại cho ra vô lượng nghĩa…Từ không pháp trở thành có pháp…Từ không đạo trở thành có đạo…!!!
Hy vọng, bài viết có thể giúp Nguyên và bạn đọc nhận ra những nghĩa lí sâu thẳm của giáo pháp thông qua các Tam muội môn cùng các Giải thoát môn của chư Phật !!!
Rất mong, nhận được những câu hỏi lí thú và bổ ích từ các bạn !!!
Chúc mọi người an vui, tinh tấn !!!
04/01/2021
LÝ TỨ
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






