Thiền Định Và Giải Thoát

 0
Thiền Định Và Giải Thoát

Các bạn !!!
Trong tuần, BQT nhận được thắc mắc của bạn Lê Ngọc Tới…!!! Bạn Lê Ngọc Tới có các câu hỏi sau:

Tôi có đọc được một đoạn kinh của một vị thiền sư Thái như sau: “Có hai con đường giải thoát, giải thoát bằng thiền, và giải thoát bằng trí tuệ…”

Khi chưa đạt đích thì tất cả con đường đều có thể sai nên tôi có câu hỏi tò mò cho BQT Lý Gia: Trong gia đình Lý Gia tu theo cách nào ?

Giải thoát bằng trí tuệ có phải là chỉ tu trong đời sống hàng ngày (thế gian pháp) có Chánh niệm vô ngã có đúng không ?

Mức độ Định tâm quân bình cả Giới và Tuệ không qua thiền Định mà tự nhiên vô tâm thì có đúng với cách tu của Ngài không ?

Rất mong nhận câu trả lời của Ngài Lý Tứ. 20/06/2020 11:27:53 – Lê Ngọc Tới

Bạn Lê Ngọc Tới thân mến !!!
Về các thắc mắc của bạn, mình tạm chia thành bốn phần và xin được trả lời từng phần như sau:

1) Tôi có đọc được một đoạn kinh của một vị thiền sư Thái như sau: “Có hai con đường giải thoát, giải thoát bằng thiền, và giải thoát bằng trí tuệ…”

Trả lời:
Đối với phát biểu của vị thiền sư Thái nào đó rằng: “Có hai con đường giải thoát, giải thoát bằng thiền, và giải thoát bằng trí tuệ…”…!!! Vì không biết vị thiền sư đó phát biểu câu ấy trong hoàn cảnh nào, đối tượng của lời phát biểu là ai… Và cũng không được nghe vị thiền sư ấy giải thích thế nào là “giải thoát bằng trí tuệ”, cũng như thế nào là “giải thoát bằng thiền”…!!! Nên, mình không thể bình luận câu nói ấy được !!!

Vì rằng, muốn bình luận, hay đánh giá một phát biểu nào đó, phải hiểu rõ toàn bộ câu chuyện, phải biết được phát biểu đó nhằm mục đích gì, trong hoàn cảnh nào, tâm trí người phát biểu ra sao, đối tượng của người phát biểu là ai…v..v… Khi chưa có đầy đủ các thông tin đề cập ở trên, rất khó để đánh giá hay bình luận một câu nói không đầu không đuôi, chỉ được trích một đoạn ngắn… Mong bạn thông cảm !!!

Tuy nhiên, theo mình biết, để có thể đạt được “đạo quả giải thoát” trong Phật đạo… Người tu hành có ba lựa chọn phù hợp với ba xu thế tu hành, mà từ xưa đến nay, bất kì một ai tu hành trong Phật đạo đều phải tuân thủ, nếu muốn thành tựu đạo giải thoát…Ba lựa chọn đó là:

– Đối với Thanh văn thừa: Muốn có đạo quả giải thoát, Thanh văn thừa phải thành tựu Thất giác chi…Tu tập Thất giác chi đến khi thành tựu Xả giác chi, đạo quả giải thoát liền hiện…!!!

– Đối với Duyên giác thừa: Muốn thành tựu đạo quả giải thoát, Duyên giác thừa phải thấu suốt Thập nhị nhân duyên… Vị ấy chọn một chi trong mười hai chi, từ đấy quán luân chuyển hoặc quán hoàn diệt… Quán đến bao giờ tâm thức tịch diệt, đạo quả giải thoát hiện tiền…!!!

– Đối với Bồ tát thừa: Muốn thành tựu đạo quả giải thoát, vị Bồ tát ấy phải giác ngộ để chứng hai vô sanh… Sau khi chứng hai vô sanh, vị ấy thấy được bổn tâm bổn tánh…Sau khi “minh tâm kiến tánh” vị ấy biết rằng: Ngũ uẩn tự không, ba cõi chẳng thật…Từ đó chẳng cầu giải thoát, chẳng mong Niết bàn, tâm trí thảnh thơi, chẳng còn trói buộc, chẳng có phiền não, mộng qua sông đã tỉnh… Tạm gọi là giải thoát…!!!

Ba chọn lựa nêu trên đều bắt nguồn từ tuệ giác, tuệ giác ở đây là, thấu suốt con đường đưa đến đạo quả xuất thế (giải thoát)… Trong quá trình văn, tư, tu để đến mục tiêu cuối cùng, các thiền chi như hỉ lạc, khinh an, nhất tâm sẽ xuất hiện !!! Các thiền chi xuất hiện chỉ là hệ quả tất yếu của việc ứng dụng tuệ giác như pháp !!!

Chính vì điều này, khi có người hỏi Lục Tổ về “thiền định và giải thoát”, Lục Tổ trả lời: “Thiền định và giải thoát là hai pháp, mà Phật pháp là pháp không hai” !!!

Ngày xưa, Thế Tôn đã có sáu năm tu các loại thiền định, và quả chứng cao nhất của thiền định cũng chỉ là “Phi tưởng, phi phi tưởng xứ định”. Đây là kết quả từ nỗ lực cao nhất của một hữu tình chuyên tâm thiền định, giống như người đứng trên đỉnh núi, toàn thân trong hư không, nhưng da bàn chân không thể rời đỉnh núi dài lâu… Vì thế, thiền định chỉ có thể cho ra thiền vị, thiền cảnh, thiền thú…v..v…chứ không thể cho ra đạo quả giải thoát… Và cuối cùng, Ngài đã từ bỏ con đường tu tập ấy !!!

Năm anh em Kiều Trần Như cũng nhân nghe Phật khai thị ở vườn Lộc Uyển bằng lời dạy bất hủ: “Diệt sắc vô thường, sẽ được sắc giải thoát…”. Nhờ dùng tuệ giác để tuệ tri thấu đáo lời dạy ấy mà chứng đạo quả giải thoát, chứ chẳng do tu tập…!!!

Gần nhất, Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác !!! Có 20 năm tu chỉ quán từ Thiên Thai Tông, nhưng không thể giác ngộ… Chỉ một lần gặp Lục Tổ, được Lục Tổ khai thị, nhân đó thấy được đạo, sau này viết bài Chứng Đạo Ca nổi tiếng…!!! Những câu chuyện vừa nêu, minh chứng cho con đường giải thoát chỉ có thể thành tựu từ tuệ giác (thấu suốt như pháp) chứ không do thiền định…!!!

2) Khi chưa đạt đích thì tất cả con đường đều có thể sai nên tôi có câu hỏi tò mò cho BQT Lý Gia: Trong gia đình Lý Gia tu theo cách nào ?

Trả lời:
Lý Gia học tập cả Giáo tông và Tâm tông…!!!
– Với người chưa có cơ hội giác ngộ, người của Lý Gia lấy Giáo tông (tuệ giác) để làm khí cụ rèn giũa thân tâm chờ cơ hội giác ngộ, khi có được giác ngộ, người ấy biến Giáo tông thành trí tuệ…!!!

– Với người có cơ hội giác ngộ, Lý Gia lập tức khai thị cho người ấy giác ngộ… Sau khi giác ngộ người ấy tiếp tục học Giáo tông để thành tựu thuyết thông !!!

3) Giải thoát bằng trí tuệ có phải là chỉ tu trong đời sống hàng ngày (thế gian pháp) có Chánh niệm vô ngã có đúng không ?

Trả lời:
– Giải thoát bằng trí tuệ, chính là ứng dụng một trong ba lựa chọn được nêu ở câu hỏi thứ nhất…!!! Ứng dụng thuần thục lựa chọn đó, sẽ thành tựu vô niệm gọi là chánh niệm, và vô ngã là hệ quả tất yếu của vô niệm…!!!

4) Mức độ Định tâm quân bình cả Giới và Tuệ không qua thiền Định mà tự nhiên vô tâm thì có đúng với cách tu của Ngài không ?

Trả lời:
Lý Gia ứng dụng Tam vô lậu học (giới vô lậu, định vô lậu và tuệ vô lậu)…!!! Khi thành tựu một học pháp thì cả ba học pháp tự thành tựu (tạm gọi 3 trong 1)… Từ đó, khổ, kiết sử, phiền não, lậu hoặc và hư vọng tâm không sanh !!!

Tóm lại, phương cách tu tập của HĐ Lý Gia rất đa dạng, “thiên biến vạn hoá” !!! Tùy căn cơ, tùy trình độ, tùy chủng tánh, tùy thời điểm, tùy hoàn cảnh, tùy địa vị…v..v… HĐ Lý Gia ứng dụng linh hoạt các phương cách khác nhau để thành tựu ba mục tiêu của Phật đạo đề ra là: Giác Ngộ – Giải Thoát – Trí Tuệ !!! Vì thế, trong một vài luận bàn, rất khó có thể nói hết HĐ Lý Gia tu tập như thế nào…!!!

Hy vọng, những giải thích ở trên, có thể giúp Lê Ngọc Tới và bạn đọc có một vài cảm nhận sơ bộ về cách tu tập của HĐ Lý Gia… Cũng như nhận ra mối liên hệ giữa thiền và giải thoát !!!

Chúc mọi người an vui, tinh tấn !!!
BQT rất mong, nhận được những câu hỏi lí thú và bổ ích từ các bạn !!!
24/06/2020
LÝ TỨ

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG