Lặng Lẽ Quan Sát Không Kết Luận

Các bạn !!!
Thật bất ngờ !!! Tuần vừa qua, mình nhận được một số câu hỏi cũng như một đoạn tâm sự từ ba bạn đọc… Các câu hỏi cùng đoạn tâm sự của những bằng hữu có đường lối tu học khác nhau, nhưng tất cả đều quan tâm đến chủ đề LẶNG LẼ QUAN SÁT !!! Và, những thắc mắc của các bạn ấy đều gởi đến mình thông qua tin nhắn, chứ không thông qua đường link của chuyên mục như thường lệ !!!
Mặc dù, khi nhận được các câu hỏi, mình đã trả lời riêng cho từng vị qua messenger…Nhưng, xét thấy đề tài “Lặng Lẽ Quan Sát” được đông đảo bạn đọc quan tâm…Vì thế, mình đưa những thắc mắc ấy trở thành trả lời chung cho chuyên mục kì này !!!
Để bảo đảm tính riêng tư của người hỏi, chuyên mục kì này mình không nêu tên tác giả câu hỏi…Đồng thời, sẽ tóm tắt những ý chính rồi trả lời chung cho mọi người !!! Những ý chính từ các câu hỏi như sau:
1) Tôi đã ứng dụng phương pháp “lặng lẽ quan sát” vào đời sống, nhưng không thành công !!! Xin chỉ rõ phương pháp này ứng dụng như thế nào mới đưa đến thành công ???
2) BQT có thể chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hành “lặng lẽ quan sát” ???
3) Xin cho biết sự khác biệt giữa “lặng lẽ quan sát không kết luận” của Lý Gia… Và, “lặng lẽ quan sát, không dán nhãn, không kết luận” do thầy của tôi (LT xin giấu tên) dạy chúng tôi thời gian gần đây !!!???
Bạn đọc thân mến !!!
Trước khi trao đổi cụ thể những thắc mắc trên, mình xin khái quát về hoàn cảnh ra đời và phương pháp ứng dụng phép “lặng lẽ quan sát” của Lý Gia !!!
I- TỔNG QUAN
Cách đây trên mười năm, để giúp HĐ Lý Gia dùng Tứ Gia Hạnh bảo vệ thành quả tu tập… Mình đã yêu cầu các HĐ của mình thực hành phương châm “sống lặng lẽ” !!! Mục đích của yêu cầu này, nhằm khuyến khích các HĐ tránh những tác động ngoại duyên không cần thiết đối trước thấy nghe !!! Đây chỉ là một trong những yêu cầu mang tính nghiệp vụ, giúp các bạn ấy tự hộ trì và tự yểm ly tâm thức !!!
Sau khi vị HĐ này đã hoàn thành công việc tự hộ trì và tự yểm ly…Một yêu cầu khác cao hơn, dựa vào nền tảng cốt lõi của yêu cầu trước được đưa ra nhằm giúp vị này thấy được điều cần thấy đó là “lặng lẽ quan sát” !!!
Và, cuối cùng, để giúp HĐ thay đổi nhãn lực, thành tựu trí tuệ…Một phương châm tu học khác có tính chất nâng cao, nhưng mang tính kế thừa từ hai nền tảng cốt lõi trước…Đó là, “lặng lẽ quan sát không kết luận” được yêu cầu các HĐ Lý Gia thực hiện !!!
Từ đây, phương châm thực hành “lặng lẽ quan sát không kết luận” trở thành câu nói cửa miệng của hầu hết HĐ Lý Gia… Và, phương châm này, được đề cập trong rất nhiều bài viết của mình, cũng như được mổ xẻ trong hầu hết các buổi thảo luận của HĐ Lý Gia !!!
II- Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC VÀ SỰ KHÁC BIỆT CỦA BA PHƯƠNG CHÂM: LẶNG LẼ SỐNG – LẶNG LẼ QUAN SÁT – LẶNG LẼ QUAN SÁT KHÔNG KẾT LUẬN
II.1- Lặng lẽ sống: Từ một “phàm phu vô văn” (khái niệm trong Phật đạo nhằm chỉ cho người tu hành chưa giác ngộ) sau khi được trang bị những kiến thức cơ bản của Phật đạo… Người ấy bắt đầu có những “thay đổi cơ bản về nhận thức” !!!
Từ những thay đổi cơ bản về nhận thức, nếu xét thấy cơ duyên đã đến… Vị HĐ này sẽ được khai thị để có được giác ngộ ban sơ (ta tạm gọi là sơ ngộ) !!! Để trưởng dưỡng hạt giống hay cái phôi giác ngộ ban sơ, người ấy phải ứng dụng triệt để Tứ Gia Hạnh vào đời sống tu hành để giúp hạt giống, cái phôi này thành quả !!! Giống như con gà ấp trứng đến khi nở ra con mới thôi !!!
Muốn ứng dụng thành công Tứ Gia Hạnh !!! Yểm ly tâm thức để tránh những tác động ngoại duyên không mong muốn làm hư cái phôi ấy, là việc làm bắt buộc… Phương châm “sống lặng lẽ” thực chất là cách ứng dụng khác của phép Xa Ma Tha xuất thế !!!
Mọi người biết rằng, từ một phàm phu vô văn muốn hoàn thành đạo lộ của bậc hữu học…Người này phải thấu suốt ba học pháp vô lậu (gọi là Tam Vô Lậu Học) và để tiếp nối hành trình tu học, vị đó phải được khai thị để thành tựu sơ ngộ (nếu Nhị thừa là hướng Tu Đà Hoàn, Tu Đà Hoàn và các quả vị hữu học tiếp theo) !!!
Khi tâm thức được soi sáng bởi ngọn đuốc sơ ngộ, người này mới có thể ứng dụng phép Xa Ma Tha xuất thế !!! Vì thế, vị sơ ngộ khi nghe khẩu quyết “SỐNG LẶNG LẼ”… Vị ấy hiểu ngay ý nghĩa đích thực của khẩu quyết này là gì, và phép tắc ứng dụng như thế nào !!!
Nếu chưa thấu suốt ba học pháp vô lậu, chưa được khai ngộ, chưa đặt chân vào “ĐẠO LỘ CỦA BẬC HỮU HỌC” (tức còn ở địa vị phàm phu vô văn), khi nghe câu “sống lặng lẽ” nhất định người ấy không hiểu hết ý chỉ của câu nói đó, và không thể ứng dụng nhuần nhuyễn tính cách lặng lẽ vào đời sống !!! Đây là lí do vì sao các bạn nêu lên thắc mắc: “Cũng tập lặng lẽ quan sát mà không thành công” !!!
Vị tu hành chuyển giai đoạn từ phàm phu vô văn sang đạo lộ bậc hữu học, giống như nước đục đã được lóng phèn…Xa Ma Tha xuất thế, chính là phương pháp không khuấy động (sống lặng lẽ) giúp nước đục mau chóng trở thành nước trong được xúc tác bởi thứ phèn giác !!!
II.2: Lặng lẽ quan sát:
Đạo lộ của bậc hữu học của Nhị thừa có bảy giai đoạn, đó là: Hướng Tu Đà Hoàn đến hướng A La Hán Quả !!! Đạo lộ của bậc hữu học thuộc Bồ Tát thừa có hai giai đoạn gồm: Phát tâm Bồ Đề, phục tâm Bồ Đề (tương đương Sơ phát tâm trụ đến Phương tiện cụ túc trụ) !!!
Để giúp người tu hành hoàn thành “đạo lộ hữu học”, chuẩn bị bước vào cảnh giới vô học của đạo quả xuất thế… Một trong những yêu cầu bắt buộc, người này phải quan sát tự tâm !!! Quan sát tự tâm trong hoàn cảnh này, giống như sau khi lóng phèn, nước đục đã biến thành nước trong… Một người mắt sáng, đứng trước nguồn nước trong ấy, người mắt sáng có thể quan sát xuyên qua nguồn nước để thấy rõ những gì dưới đáy hồ và cảm nhận các tính chất đặc thù của một hồ nước trong !!!
Yêu cầu “lặng lẽ quan sát” trong thời điểm này, tức trước khi được khai ngộ lần thứ hai để thấy được bổn tâm bổn tánh (minh tâm kiến tánh), chính là một trong những cách ứng dụng phép Tỳ Bà Xá Na xuất thế !!!
Vì thế, một người chưa bước những bước cuối cùng của đạo lộ hữu học… Nhất định sẽ không thể tiếp nhận khẩu quyết “lặng lẽ quan sát” và nhất định cũng không thể ứng dụng yêu cầu kĩ thuật thuộc loại nâng cao này vào đời sống !!!
Vì rằng, tâm thức của một người chưa giác ngộ, chưa hoàn thành đạo lộ của bậc hữu học giống như một nguồn nước bị vẩn đục do nhiễm ô nặng nề, vừa bị gió cảnh thổi gây nên trùng trùng sóng mòi… Một tâm thức như vậy, không thể lặng yên, cũng không thể quan sát những gì phía dưới lớp nước đục ấy !!! Đây là lí do vì sao các bạn nêu lên thắc mắc: “Cũng tập lặng lẽ quan sát mà không thành công” !!!
Tóm lại, “lặng lẽ quan sát” trong giai đoạn này, chính là một trong những biến thể của phép Tỳ Bà Xá Na xuất thế… Giúp người tu hành hoàn thành đạo lộ hữu học để có thể “minh tâm kiến tánh” và thành tựu đạo quả vô học của cảnh giới xuất thế !!!
Đây là hình ảnh một nguồn nước đã trong (tinh), nhưng còn một số mầm bệnh tiềm ẩn… Để giúp nguồn nước này sau khi đã trong còn phải làm cho sạch !!! Lặng lẽ quan sát chính là một trong những hình thức dùng “tương tợ Bát Nhã” (thuật ngữ kinh Bát Nhã) để sạch hoá nguồn tâm (khiết)… Đạo quả vô học hay cảnh giới xuất thế chính là thứ nước vừa trong vừa sạch (vừa tinh vừa khiết) được tinh khiết hoá bằng công nghệ Bát Nhã !!! Các bạn có thể tìm thấy phương pháp tinh khiết hoá này được mô tả trong kinh Đại Bát Nhã khi Phật thuyết cho các Bồ Tát quyền thừa và Nhị thừa, kinh gọi là tương tợ Bát Nhã !!! “Tương tợ Bát Nhã” hoàn toàn không giống “Bát Nhã chơn thiệt” khi Phật thuyết cho các Đại Bồ Tát !!!
II.3- Lặng lẽ quan sát, không kết luận:
Sau khi hoàn thành đạo quả vô học thuộc cảnh giới xuất thế… Để giúp vị tu hành này “mọc mầm trí tuệ”, một yêu cầu khác cao cấp và chuyên nghiệp hơn được đưa ra, đó là “LẶNG LẼ QUAN SÁT, KHÔNG KẾT LUẬN” !!!
Như mọi người đều biết, trí tuệ của Phật đạo là môn học đặc thù của Đạo Đế, gồm tám môn học là, Thấu thị môn, thẩm sát môn…v..v…tương ưng với Chánh kiến, Chánh tư duy…Muốn học các môn học này, người ấy phải khai phát mầm trí tuệ !!!
Để khai phát mầm trí tuệ, những việc căn bản phải thực hiện là: Dùng Tam Muội Giác Gia Trì để gia trì; Thấy thiệt tướng của tâm thức; Thiệt tướng các pháp và Thiệt tướng thế giới !!! Thiệt tướng siêu quá nhãn lực của Nhục nhãn, Thiên nhãn và Pháp nhãn… Vì thế, việc khai Huệ nhãn trong giai đoạn này là không thể thiếu !!! Huệ nhãn tuy siêu quá cái thấy của ba nhãn trước, nhưng cũng không rời cái thấy của ba nhãn trước… Cho nên yêu cầu “KHÔNG KẾT LUẬN” là yêu cầu quan trọng để mầm trí tuệ hình thành qua con đường Trung Đạo !!!
Thật ra, Trung Đạo chính là sự tìm thấy chân lí ngay nơi hữu và vô (thế gian và xuất thế) !!! Có nghĩa Trung Đạo không lìa hữu, chẳng trụ vô… Ở nơi hữu mà chẳng kẹt hữu, ở nơi vô mà chẳng kẹt vô !!! Nói khác hơn, hữu vô đồng vô…và hữu vô cũng phi hữu phi vô !!! Các bạn có thể tìm thấy cách giải quyết thú vị này của Thế Tôn trước 108 câu hỏi của Bồ Tát Đại Huệ (Đại Huệ là Bồ Tát thông thuộc Đại thừa) trong kinh Lăng Già !!!
Như vậy có thể thấy, lặng lẽ quan sát không kết luận là một loại hình thực hành cấp cao để giúp “tâm trí quân bình chỉ quán” !!! Hệ quả của “quân bình chỉ quán” chính là hành hoạt thuần khiết của Thiền Na xuất thế…Thiền Na xuất thế hoàn toàn không giống Ngu phu sở hành thiền, Phan duyên như thiền và Quan sát nghĩa thiền !!! Thiền Na xuất thế, thực chất là thứ Thiền Na được mô tả trong kinh Viên Giác, hay Như Lai thiền mô tả trong kinh Lăng Già !!! Đây là loại thiền vừa mang tính chất một Tam Muội Môn của trí tuệ, vừa mang tính chất một Giải Thoát Môn của Phật tâm tông !!!
III- Kết luận:
LẶNG LẼ – QUAN SÁT – KHÔNG KẾT LUẬN là một tổ hợp tự nhiên được hình thành bởi ba tầng giác ngộ như pháp được mô tả từ các phần trên… Nó chính là sự kết hợp siêu thắng của ba pháp Xa Ma Tha xuất thế, Tỳ Bà Xá Na xuất thế và Thiền Na xuất thế !!!
“Lặng lẽ, quan sát, không kết luận” là những gì cô đọng nhất từ quy trình học tập của HĐ Lý Gia hơn 10 năm qua !!! Mà, đã là quy trình học tập, nhất định nó phải được xây dựng từ kiến thức chuẩn, thông hiểu, phương thức tiếp cận thông qua khai thị và sự ứng dụng hoàn hảo !!!
Vì thế, một người nào đó chỉ đơn thuần nghe nói “lặng lẽ quan sát không kết luận” mà không từng được học tập để kinh qua những bước kể trên, thất bại trong việc thực hành là điều hiển nhiên !!! Điều này giống như người mù nghe người sáng nói: “Âm thầm vượt qua bên kia sông là bình yên”… Người mù chưa được chữa sáng, chưa được học bơi…v..v… vội vàng lao xuống sông… Nhất định kẻ ấy sẽ phải chết chìm, làm mồi cho Hà Bá trước khi đến được vùng đất yên bình !!!
Hơn mười năm qua, là những chuỗi ngày toàn bộ HĐ Lý Gia học tập không ngừng nghĩ… Mỗi giai đoạn học tập, được trang bị những kiến thức tương ưng, dùng kiến thức đã học ứng dụng vào đời sống… Trong từng mỗi giai đoạn, để dễ nhớ, dễ thực hành, khẩu quyết LẶNG LẼ – QUAN SÁT – KHÔNG KẾT LUẬN được nêu lên… Khẩu quyết này bao gồm những gì được coi là tinh tuý nhất, cô đọng nhất của Phật đạo, đã giúp mọi người trong Lý Gia lần lượt thành tựu những điều cần thành tựu trong giáo pháp !!!
Về thời gian !!! Cũng ba giai đoạn ấy, cũng ba khẩu quyết ấy… Có người phải vất vả nhiều năm, có người vừa nghe qua liền thành tựu !!! Phật đạo không luận lâu mau !!! Tất cả đều tuỳ thuộc vào công đức lực của từng người !!!
Bạn đọc thân mến !!!
Những gì vừa trình bày ở trên, khi đọc xong, nhất định các bạn có thể tự trả lời các thắc mắc của bản thân về việc ứng dụng khẩu quyết “lặng lẽ quan sát không kết luận” của Lý Gia !!! Và chắc chắn các bạn cũng nhận ra “kinh nghiệm” của việc thực hành này là gì !!!???
Riêng về câu hỏi thứ 3: Xin cho biết sự khác biệt giữa “lặng lẽ quan sát không kết luận” của Lý Gia… Và, “lặng lẽ quan sát, không dán nhãn, không kết luận” do thầy của tôi dạy chúng tôi thời gian gần đây !!!??? Mình xin góp một vài ý nhỏ như sau:
Phật đạo là lương dược trị tâm bệnh !!! Muốn trị được bệnh, muốn làm thầy thuốc phải rành y học… Muốn rành y học phải được học tập từ một trường chuyên về y khoa !!! Nếu chỉ lượm lặt vài ba toa thuốc, xào nấu lung tung, thêm mắm dặm muối, rồi mở phòng mạch trị người !!! Nói theo kiểu dân gian: “Hiểu biết như rứa, anh ni chữa trâu cũng chết” !!!
Câu “lặng lẽ quan sát, không dán nhãn, không kết luận” mới nghe có vẻ có lí… Nhưng nhìn chung, câu này phạm nhiều sai lầm thuộc đệ nhất nghĩa cần coi lại…!!!
Không dãn nhãn là lời khuyên dành cho phàm phu vô văn… Phàm phu vô văn được khuyên không dãn nhãn để đừng sinh tâm lung tung… Khuyên như vậy đến khi nào họ thực hiện xong việc không dãn nhãn, tạp tâm không còn hiện bởi danh tướng thế gian, mới có thể giúp họ lặng lẽ bước vào đạo lộ hữu học !!! Sự chống trái, đặt lộn lạo các khái niệm trong một trình tự giáo dục như trên, cho thấy câu nói này có vấn đề từ người nói !!! Sự lộn xộn, chống trái ở câu nói ấy, giống như thầy giáo tuyên bố: “phải biết làm văn rồi mới học chữ”… !!! Tuyên bố như thế, chẳng khác gì lấy dây thắt họng (cổ) học trò mong cho nó sớm…thành…tài !!!
Các bạn !!!
Bài viết cũng đã dài !!! Lại thêm một phần khó hiểu vì mang tính chuyên môn kĩ thuật !!!
Phật đạo là con đường có nhiều hoa, đầy đủ sắc hương !!! Sắc và hương trong vườn hoa Phật đạo chính là những triết lí, khoa học, mĩ thuật và kĩ thuật hoà quyện cùng nhau để tạo nên nét đặc thù riêng của giáo pháp…!!! Vì thế, khi luận về các vấn đề ấy, khó hiểu là điều tự nhiên đối với những ai chưa từng hoặc ít khi tiếp cận triết lí, khoa học, mĩ thuật và kĩ thuật của Phật đạo !!!
Thói quen hiểu chung chung, kết luận chung chung của một số người cũng sẽ trở trở thành khó hiểu khi đọc các bài luận khúc triết, mang nặng tính chất kĩ thuật của Phật đạo !!!
Sự đời là như vậy !!!
Phật đạo chẳng giống sự đời cũng là như vậy !!!
Chúc tất cả bạn đọc an vui, tinh tấn !!!
BQT rất mong, nhận được những câu hỏi lí thú và bổ ích từ các bạn !!!
04/05/2020
LÝ TỨ
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






